Anh Nguyễn Tấn Tài, ở xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết: Không có gì thú vị hơn nghề câu cá bông lau. Vì mỗi con dính câu thường nặng hàng chục ký, khuất phục được chúng là hết sức vất vả nhưng cũng thật thỏa mãn. Con gián là mồi độc chiêu nhất. Và để có đủ mồi cho dân câu chuyên nghiệp, vài chục em nhỏ trong làng câu cứ mỗi chiều là xuống Cần Thơ bắt gián. Từng nhóm dăm ba đứa đợi 9 - 10h00 tối, khi đường phố thưa người qua lại là đi bỏ mồi (làm bằng cám trộn với đường mía) xuống các nắp cống, không đầy 5 phút sau lũ gián bu đầy ra ăn, khi ăn no chúng rất chậm chạp, tụi nhỏ chỉ việc bắt sống từng con bỏ vào giỏ. Mỗi đêm, một đứa có thể bắt được từ 800 - 1.000 con gián. Và đến 4 - 5h00 sáng, bọn trẻ lại lên đò trở về làng câu bán mồi cho các đệ tử sông nước với giá từ 1.000 - 1.500 đồng/10 con gián.
Thông thường theo con nước, người có kinh nghiệm thả câu đúng luồng thì thắng đậm, có ngày dính 5 - 7 con, nhưng cũng có người không bắt được con nào. Dân chuyên nghiệp thường câu cần chứ không câu dây. Vì câu cần đa phần đều dính cá to. Một xuồng câu có từ 4 - 5 cần câu được cột chắc. Với câu cần, bắt được cá 13 - 15kg là chuyện thường, còn câu dây chỉ bắt được cá khoảng 3 - 10kg mà thôi.
Hiện nay, nghề câu cá bông lau ở hạ nguồn sông Hậu ngày một thịnh hành, giúp cho hàng trăm hộ dân có cuộc sống ổn định. Một mùa trúng cá bông lau có thể nuôi cả năm trời một gia đình 5 - 7 miệng ăn.
(Theo Thanh niên online)