Trước kia, người An Lão thường mua cá niên về cúng tất niên hoặc cúng giỗ dịp cuối năm, làm tiệc mừng minh niên. Nhiều người còn giành mua cho được cá niên để ăn lấy hên vào đầu năm mới. Cá niên được xem là "cá vua" của vùng núi rừng.
"Công nghệ" đánh bắt lạ đời!
Để có chuyến đi săn cá niên trên, tôi đã phải năn nỉ mấy đứa bạn rồi sắp xếp mất mấy ngày mới được. Trước đó, Hoàng bàn ra: "Bây giờ kiếm cá niên cực lắm, năm nay trời lại lạnh và mưa bất thường hơn mọi năm". Hơn nữa, các bạn tôi đều đã qua thời "sáng đi học, chiều lội sông trèo núi", muốn có súng nọc, gương lặn thì phải đi mượn. Tuy vậy, trước sự nài nỉ dai dẳng của tôi, đám bạn cũng xiêu lòng, chạy đi chuẩn bị đồ nghề. Để đánh bắt cá niên, có nhiều cách nhưng cách quen thuộc nhất là sử dụng súng nọc và gương lặn (gần giống như kiểu gương thường thấy của các thợ lặn chuyên nghiệp).
Súng nọc là súng tự chế, lấy một khúc cây tương đối cứng rồi đẽo gọt cho nhẵn, tạo hình dạng gần giống cây súng thật, dài khoảng một cánh tay. Phía trước "nòng" súng gắn một ống kim loại (thường dùng van hơi xe đạp) để định vị hướng đi của cần súng. Cần là cây thép thẳng, kích thước như sợi dây điện trần, dài hơn thân súng, đầu trước mài nhọn để khi bắn đâm xuyên thân cá dễ dàng.
Có đủ "ngư cụ", chúng tôi, gồm bốn đứa, leo lên hai chiếc xe gắn máy lao nhanh trong cơn mưa phùn giá rét khá đậm đến vùng núi thuộc vùng kinh tế mới ở xã An Tân, huyện An Lão, Bình Định. Sau khi gửi xe ở nhà người quen, chúng tôi mang đồ cuốc bộ gần cây số mới tới sông. Lòng vòng một hồi, chúng tôi cũng chấm được "ngư trường" là một đoạn sông nước chảy khá xiết, sát bờ sông bên kia là dãy núi Hóc Đèn của xã vùng sâu An Hưng, nơi sinh sống của đồng bào H’re. Cá niên là loại cá chỉ sống ở những nơi nước chảy mạnh, nhiều đá. Thức ăn của chúng chủ yếu là các loại rong rêu và con hà bám trên đá.
Lặn ngụp từ nửa buổi sáng tới trưa, chúng tôi thu hoạch được hơn một tá cá cỡ từ một rưỡi đến hai ngón tay. Xách xâu cá giơ lên, Hoàng cười: "Chỗ này chắc được nửa ký, ra chợ phải mất 100.000 mới có chứ không giỡn đâu". Thế là chúng tôi được thưởng thức món cá niên nướng thơm lừng với bánh tráng, thêm chút rượu gạo trên bãi đá cuội giữa lòng sông lộng gió.
Ngoài cách bắt cá bằng súng nọc như trên, còn có hai kiểu khác là câu và đánh lưới, cũng rất đặc biệt. Chú Bốn Niệm, một thợ câu lão luyện "bật mí": "Khi câu, cần câu phải được nhúng hoàn toàn trong nước, dìm gần sát đáy sông nhưng không để chạm đáy do cá niên là loài ăn ở đáy và rất nhát". Do vậy, cần câu phải làm từ cây tre đặc để dễ chìm. Cần càng dẻo càng tốt vì khi cá dính câu phải kéo cần từ từ, chầm chậm để cá không rớt ra do hàm cá niên rất mảnh, dễ rách. Sợi cước và lưỡi câu cũng phải rất nhỏ để cá không nhìn thấy. Mồi câu cá niên cũng đặc biệt, là bọ nhảy hoặc bọ đá, hai loài giáp xác sống dưới nước.
Bọ nhảy thì sống trong những đống chà dưới sông, gần giống tép con nhưng mình ngắn hơn và thẳng chứ không cong như tép. Còn bọ đá, loại mồi cá niên thích nhất, giống như con rệp, sống dưới các hòn đá dưới sông mà phải là những tảng đá ở chỗ nước đừng (không chảy) nhưng không phải là nước tù đọng mà phải kề dòng nước chảy. Do cá niên chỉ ăn mồi động nên người câu phải một tay dìm cần một tay giữ cần và đưa tới đưa lui liên tục, làm cho mồi như còn sống, đang di động. Thời gian đi câu tốt nhất là sáng sớm.
Lưới đánh cá cũng phải tự chế chứ không có bán trên thị trường. Lỗ lưới rất nhỏ, cỡ vừa ngón tay út. Các hạt chì làm chìm lưới được gắn với mật độ rất dày để có thể giữ được lưới đứng yên và chìm sát đáy sông vì nơi giăng lưới là chỗ nước chảy xiết, lưới dễ bị cuốn trôi. Chỉ cần có một khe hở ở đáy là cá thoát ra không còn một con. Vì vậy, một tấm lưới dài khoảng 13-14 sải tay phải mang theo từ 6-8 kg chì, mỗi hạt chì cách nhau một phân. Đánh lưới thì phải đi ban đêm, xách theo đèn pin. Hiện tại, cách đánh bắt bằng lưới được sử dụng phổ biến vì tính hiệu quả. Hai người đi kéo lưới một đêm có thể thu được 2,5-3 kg cá.
"Cá vua" của núi rừng
Theo chú Bốn Niệm, cá niên ở các sông suối của vùng An Lão hơi giống cá diếc nhưng màu vàng sáng và nhỏ hơn, thông thường chỉ bằng hai ngón tay, thỉnh thoảng mới bắt được cá cỡ 3-4 ngón tay. Càng đi xa càng có cơ hội gặp được cá to, dân mê cá niên ở An Lão còn nhớ có người từng bắt được một con cá niên lớn bằng chiếc dép Lào ở thượng nguồn sông Kôn, con sông lớn nhất tỉnh Bình Định, thuộc xã vùng cao An Toàn, tiếp giáp với tỉnh Kon Tum, nơi chỉ có đồng bào Ba Na cư ngụ.
Trước kia, người An Lão thường mua cá niên về cúng tất niên hoặc cúng giỗ dịp cuối năm, làm tiệc mừng minh niên. Nhiều người còn giành mua cho được cá niên để ăn lấy hên vào đầu năm mới. Lúc đó, cá có rất nhiều, được bán ở chợ dưới dạng nướng, kẹp trên vỉ, mỗi vỉ từ 2 đến 4-5 con tùy cá lớn, nhỏ. Người mua đem về nướng lại cho nóng giòn, bày lên mâm cúng, xong lấy cá dầm với nước mắm ngon để ăn với cơm. Cá niên được xem là "cá vua" của vùng núi rừng.
Cá phải được nướng bằng than củi, khi nướng, mỡ cá chảy ròng ròng, mùi thơm bay xa cả mười mét, nhà này nướng cá, nhà hàng xóm cũng ngửi thấy mùi thơm. Do có mùi vị độc đáo nên cá niên nướng mà không ướp gia vị mới ngon. Thịt cá đã thơm ngon nhưng ruột cá còn đặc biệt hơn, vừa đắng vừa dai dai, nhân nhẫn, nhiều người ăn một lần đâm ghiền.
Ngoài cách ngon nhất là nướng, cá niên còn được sử dụng làm gỏi. Cá sống được làm sạch, xắt ra, vắt chanh, thêm gia vị, mắm muối rồi trộn lẫn với rau dừng (đọt non cây lộc vừng) và lá dớn non (một loại cây giống dương xỉ, mọc ven sông). Vị cá cùng vị chát của rau dừng, vị nhớt của lá dớn làm cho món gỏi trở thành mồi nhậu rất bắt.
Trước kia, người bắt cá thường chỉ đi gần, sáng đi thì trưa về hoặc tối đi thì khuya hay sáng sớm về do cá niên rất nhanh hư. Cách bảo quản thời đó là nướng hoặc ướp muối nên khi về tới nhà cá hầu như mất hết mùi vị đặc trưng. Vài năm trở lại đây, nhờ có đá lạnh nên vùng đánh bắt cá được mở rộng hơn nhưng lượng cá lại ngày càng ít đi. Do vậy, có lúc phải đi cả chục cây số, hai ngày mới về. Anh Hai Lẫm, một "ngư dân cá niên" hàng đầu cho biết: "Mùa cá các năm trước, tui chèo ghe đi từ xế chiều, mang theo 5 tấm lưới, sáng sớm về có thể kiếm được 4-5 ký cá nhưng năm nay chỉ bắt được 2-3 ký, có hôm chỉ được nửa ký". Dù vậy, nghề đánh bắt cá niên vẫn hấp dẫn vì nó là loại cá "ăn một lần nhớ mãi", bán được giá, không sợ ế.
Người đánh bắt cá niên bỏ nghề cũng nhiều nhưng hiện vẫn còn khoảng 4 nhóm đánh bắt chuyên nghiệp, biết đan lưới, "chế" đèn pin…, còn đánh bắt nghiệp dư thì rải rác khắp nơi. Cá hiếm dần nên giá rất cao. Mùa cá năm 2004, giá cá đã chế biến là 100.000 đồng/kg thì sang mùa 2005 đã lên 150.000, mùa 2006 lại tăng lên 200.000, sau Tết còn lên tới 250.000 đồng/kg. Nhờ vậy mà mùa cá niên 2006, anh Hai Lẫm kiếm được gần 6 triệu đồng trong chỉ hơn một tháng.
Theo SGGP thứ bảy