Một chút thông tin về Hải đăng Khe Gà
Hải đăng Khe Gà nằm trên một hòn đảo thuộc xã Thuận Quý, trước thuộc huyện Hàm Tân, nay thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Sở dĩ có tên gọi Khe Gà hay còn gọi là Kê Gà vì mũi đất có khe giống đầu mỏ của một con gà. Hòn đảo này rộng 5 ha với hàng trăm cụm đá hoa cương vàng rực muôn hình muôn vẻ và hàng trăm cây sứ đại thụ.
Mũi đất này còn được người dân địa phương gọi là Mũi Điện do ngọn hải đăng ở đây phát sáng bằng năng lượng điện. Tuy nhiên, cái tên Mũi Điện cũng được dùng ở nhiều ngọn hải đăng khác như Đại Lãnh (Nha Trang), Bãi Môn (Phú Yên)...
Hiện nay, hòn đảo Khe Gà và ngọn Hải đăng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách khi đến tham quan tỉnh Bình Thuận. Hải đăng Khe Gà còn là di tích kiến trúc độc đáo.
Theo lịch sử hàng hải ở khu vực này, Mũi Khe Gà được coi là một vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Ngay từ các thế kỷ trước đã có rất nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây và bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Để đáp ứng nhu cầu vận tải của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài qua đây, người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng ngọn Hải đăng Khe Gà. Trong thời gian xây dựng hải đăng, có rất nhiều người chết do tai nạn. Hiện nay, ở đây vẫn còn nghĩa địa yên nghỉ của những người đã chết khi xây dựng công trình này.
Bên trong hải đăng có 184 bậc thang xoáy ốc bằng thép dẫn đến đỉnh Hải đăng cùng hàng chục bậc tam cấp dẫn lên đến đỉnh đèn. Xung quanh chân Hải đăng có hai hàng hoa sứ dọc theo lối đi do người Pháp trồng từ cuối thế kỷ trước đến nay còn nguyên, toả bóng mát quanh năm. Tất cả đều được đưa từ Pháp sang, kể cả ngọn đèn trên đỉnh và máy phát điện. Với quy mô này, Hải đăng Khe Gà hiện là ngọn hải đăng cao và cổ xưa nhất Việt Nam nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung.
DH sưu tầm
Kỷ niệm câu cá hanh Khe Gà
Chiếc điện thoại di động để trong túi quần của tôi rung nhẹ, vì đang giảng bài nên tôi phải để ở chế độ rung. Nghĩ rằng ai đó không thấy trả lời sau 3 hồi chuông thì sẽ cúp máy, ai dè cái máy cứ rung hoài đến nóng cả lên. Tôi đành xin lỗi học viên để nghe điện thoại. Đầu kia là một giọng quen quen “Cá hanh về rồi, mai anh đi không?”. Tôi nói vội “Mình đang trên lớp, sẽ gọi lại ngay sau giờ”. Thế rồi từ đó đến lúc hết giờ, hinh như tôi không được tập trung bằng trước đó.
Vừa ra khỏi lớp tôi đã rút máy ra gọi cho Kỳ, cái thằng mê câu hơn mọi việc ấy. Kỳ làm chuyên viên bên sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận chuyên trách mảng kỹ thuật tin học. Hắn là đứa thông minh, xử lý công việc gọn gàng nhanh nhẹn. Mà hình như hắn làm nhanh quá nên mau hết việc. Chả là sếp giao cho hắn quản lý tất cả máy tính trong cơ quan, cái nào trục trặc hay nhiễm virus thì chữa ngay, ai có thắc mắc thì giúp và hỗ trợ các đơn vị trong ngành ở thành phố Phan Thiết. Mỗi ngày hắn đến cơ quan một thoáng rồi biến mất, ghi trên bảng điều hành là đi cơ sở! Điện thoại của hắn nhiều khi ngoài vùng phủ sóng. Nơi chắc chắn có mặt hắn là ngoài bờ biển. Chỉ có điều bờ biển Phan Thiết tính từ Hòn Rơm phía Bắc xuống mũi Khe Gà phía Nam dài đến 80 km thì biết hắn ở đâu mà tìm. Do đi nhiều nên Kỳ thuộc mọi vị trí câu, mọi địa hình từng nơi và có một điều quan trọng là ở điểm câu nào hắn cũng tìm ra “cơ sở cách mạng” nơi hắn đến gửi xe, xin nước uống và hỏi tin tức. Đến đâu câu hắn cũng chuẩn bị trước gói kẹo hay bánh phồng cho bọn trẻ con nhà chủ, được cá hắn cũng chia cho để giữ quan hệ thân thiện lâu dài.
Ảnh:www.vietnam-sketch.com
Ngày hôm sau tôi được nghỉ, tiếp đến là thứ bảy và chủ nhật nên tha hồ câu, đặc biệt là đi với Kỳ thì ít khi nào móm. Kỳ có hẳn một hệ thống thông tin suốt dọc bãi biển, chỉ cần gọi điện thoại là biết ở đâu có chuyện gì xảy ra. Sáng nay hắn vừa được thông tin cá hanh về Mũi Điện (Cột đèn hải đăng ở Khe Gà mà có người đọc trại thành Khê Gà). Cá hanh (còn gọi là cá tráp) là loại cá cao cấp, ngay ở Phan Thiết - xứ sở của cá và nước mắm ngon có tiếng này, cá hanh cũng được xếp vào đẳng cấp “chỉ cho, biếu chứ không bán”. Cá hanh có bộ hàm cứng và rất khoẻ, người ta bảo rằng nó có thể cắn vỡ con nhím biển đầy gai để ăn phần bên trong. Sáng sớm mai chúng tôi sẽ đi câu bọn cá rất được ưa chuộng đó. Tôi đã từng đi câu cá hanh ở vịnh Chân Mây (Thừa Thiên Huế), bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), Vũng Rô (Phú Yên) được khá nhiều nhưng chỉ tầm 1,8 kg trở lại. Nhiều người nói nước biển Phan Thiết mặn hơn các vùng biển khác, nguồn thức ăn cũng phong phú hơn nên nói chung cá ở đây to hơn.
4 giờ sáng hôm sau Kỳ đã đến đón tôi. Nhìn lệ bộ của hắn tôi đoán hắn đã chuẩn bị rất kỹ từ tối hôm qua: bao cần, túi đồ câu, vợt, giỏ cá, áo mưa,… tất cả được xếp rất gọn và chằng buộc kỹ sau chiếc xe Minsk dã chiến. Ở xứ biển này anh Minsk này vẫn là chiến nhất, dù hơi thô kệch nhưng đạp là nổ và chạy rất khoẻ. Bọn tôi lượn ra chợ, ghé vựa hải sản mua mồi. Hình như đã gọi điện cho bà chủ vựa tối hôm trước nên nghe tiếng xe máy nổ binh binh là bà chủ quán đã cầm gói mồi ra. Mồi câu cá hanh nhạy nhất ở đây là “cua hai da” theo cách gọi của địa phương. Lúc đầu tôi chẳng hiểu ra sao cả sau mới vỡ lẽ đó là con cua biển sắp lột, bóc lớp vỏ ngoài thì thấy lớp vỏ bên trong còn non. Khi câu bóp vỡ lớp vỏ ngoài, lấy kéo cắt thịt cua ra thành miếng nhỏ mà câu, cực nhạy. Chúng tôi phi thẳng xuống Mũi Điện trong không khí se lạnh của buổi sáng và trời còn tối thui. Vượt qua núi Lũng Cú là chúng tôi đã nhìn thấy ánh đèn pha quét trên mặt biển. Gần tới rồi, sao lần nào đi câu cũng hồi hộp thế, cứ nao nao cả người. Khi đến nơi, nhìn đồng hồ mới hơn 5 giờ sáng, vừng Đông đã hừng lên, bãi đá lô xô, lan mãi ra biển. Đã có kinh nghiệm đi câu chung, chúng tôi chia nhau mồi rồi mạnh ai nấy đi, cũng để ý giữ khoảng cách để khi cần có thể hỗ trợ được. Biển hôm nay tuyệt đẹp, sóng vỗ ì oạp, dịu dàng, gió thổi mơn man, mùi tanh của biển tràn ngập không khí. Nước biển đục và có những cọng rong nhỏ trôi theo con sóng. Tôi may mắn chọn được chỗ thật ưng ý rồi thả mồi. Chỗ tôi chọn là một dãy đá lan ra biển bên cạnh một “lưỡi nước” liếm vào tận bờ cát, ở mỏm đá cuối cùng khá bằng phẳng nhìn ra phía ngoài tôi thấy một dãy mỏm đá tạo nên một vòng cung. Đây rồi, tôi ném mồi đúng phía sau vòng cung ấy rồi lựa chỗ gài cần vào khe đá, ngọn cần chĩa lên trời. Tôi căn cho cước căng ra rồi xả ngược trở lại cho dây câu tạo thành một đường cong như mắc võng. Câu cá hanh ở bờ biển tôi dùng thẻo một lưỡi với chì dằn từ 100 g đến 300 g tuỳ con nước vì cá hanh khi dính lưỡi chạy rất dữ (cá biển cùng trọng lượng với cá hồ có sức kéo khoẻ gấp 2-3 lần cá hồ) nên nếu mắc nhiều lưỡi thì có khi mất cá vì những lưỡi còn lại vướng vào đá. Đặt mức hãm dây ở chế độ an toàn, kiểm tra lại mọi thứ lần nữa, thế là yên tâm chờ. Tôi rút chiếc cần tay dài 7,3 m ra để câu cá dìa, cá giò. Bọn cá dìa, có giò mồm bé tí nên phải câu bằng lưỡi rất nhỏ. Chúng thích ăn những thứ mồi ươn, thối nên mồi tôi thường dùng để câu chúng là tôm nhỏ ươn đã có mùi (cho vào lọ đậy kín là xong ngay). Bọn cá dìa, giò ăn lửng nên tốt nhất là dùng phao đứng, lúc đầu móc chì nặng vào lưỡi để kiểm tra độ sâu, sau đó lấy chì ra , rút phao ngắn lại 1 – 2 gang là tuyệt. Dùng cần tay có thể đặt mồi vào vị trí mình ưng ý trong tầm 10 mét trở lại mà mồi không bị bể. Hễ phao hơi lún là giật, phao lún càng chậm thì cá càng to còn phụt một cái biến mất là cá nhỏ. Tôi lựa khoảng trống giữa mấy hòn đá chìm mà câu. Không phải đợi lâu, chiếc phao của tôi rung nhẹ rồi lịm xuống. Còn chần chừ gì nữa, tôi giật thẳng đứng và ngay lập tức cảm nhận sức nặng của con cá. Phải nhanh chóng nâng con cá lên tầng nước trên để tránh những cú lạng lách thoát thân của nó sẽ làm vướng dây câu vào gờ đá và ở đó những cái vỉa sắc lẹm của đám hàu sẽ cắt ngọt sợi dây cước của tôi. 5 ăn 5 thua, phải nâng được đầu con cá lên khỏi mặt nước càng nhanh càng tốt và không bao giờ để chùng dây. Việc này không khó cũng không dễ. Con cá dìa hay cá giò chỉ nặng khoảng 250g – 300g thì sợi dây cước cỡ 30 là dư sức nâng bổng nó lên. Tuy nhiên vì cần dài và đầu cần dịu nên ghì được nó nổi lên cũng không dễ tí nào, cắt bớt đầu cần đi cho cứng hơn thì lại tiếc vì mất độ dài, độ dẻo. Cá dìa có nọc độc trên gai vây lưng nên phải thật cẩn thận khi bắt nó, nếu chẳng may bị nó đánh vào tay thì buốt kinh khủng. Để dễ gỡ cá dìa, cá giò câu được tôi dùng lưỡi không có ngạnh. Sau khi được ba con cá dìa, một con cá cá giò, tôi đang chuẩn bị móc mồi thì dây câu cần máy đang chùng bỗng căng ra. Có chuyện rồi! Tôi vứt cây cần tay, chụp vội lấy cây cần máy và đánh ngay một đòn. Cái cần cong vút, tôi vừa quay máy vừa giằng cần cho con cá bơi ra chỗ rộng, nếu bơi ra xa thì càng tốt. Tôi cũng thực hiện màn ghì đôi co với nó miễn sao phần dây câu lên khỏi mặt nước là được vì phần thẻo làm bằng sợi cáp nên không lo bị hàu cắt đứt. Con cá hanh đầu tiên trong ngày được đưa lên nhanh chóng. Tôi đoán nó chỉ xấp xỉ 1 kg. Câu được cá giải toả được nhiều vấn đề: dưới đấy có cá không, mồi này cá có ăn không, lưỡi câu đặt có vừa tầm không, nước dưới đáy có chảy mạnh không?… Tôi lại tiếp tục móc mồi và ném ra chỗ cũ, nhưng bây giờ thì không đụng đến cần tay nữa mà phải chuyên tâm vào cần máy vì lý do cá hanh cũng giống cá giếc ngoài Bắc là khi đi ăn chúng đi thành đàn, đã câu được thì phải thao tác thật nhanh chứ chúng di chuyển đi rồi thì không quay lại. Và đúng như dự tính, dây câu một lần nữa thay đổi, không căng ra mà lại chùng xệ xuống sát mặt nước. À là nó chạy về phía mình. Tôi chụp cành vừa quay thu dây vừa giật mạnh. Lại một em nữa rồi. Sau một hồi giằng co, con cá chịu thua. Con thứ 3, thứ 4 cũng diễn ra tương tự, khoảng 15 phút được một con. Tuyệt quá. Lần quăng mồi tiếp theo không được cá nhanh như những lần trước. 20 phút, 30 phút trôi qua dây câu vẫn cong đều ở vị trí căn chuẩn. Tôi chợt nghĩ hay là đàn cá di chuyển đi rồi, định lấy cành lên đi tìm điểm mới thì dây câu bỗng thay đổi, từ từ căng ra. Đây rồi, tôi đóng mạnh một phát, đầu kia khựng cứng như dính đá, rồi bắt đầu phía dưới di chuyển. Trời ơi, khủng long đây rồi. Tôi vừa quay máy vừa ghì cong cần, người hạ thấp, ngả về phía sau như kiểu đứng tấn. Chiếc cần câu rung lên bần bật, dây cước xé trong nước. Mặc kệ, với dây Trilene 40 và chiếc cần Lucky 4.5 tôi không hề sợ đứt cước. Con cá vùng bơi ra xa, tốt rồi, bơi đi, càng xa đám gềnh đá này càng tốt, ở tầng nước càng dày thì mày càng mau mệt. Tôi bẻ khoá chốt hãm cho mobil xả cước tự do, chỉ rà bàn tay trái vào thân mobil để hãm nhẹ và đề phòng con cá quay trở lại, chùng dây. Con cá ra đến 100 mét thì tôi đóng khoá hãm, xoay núm điều chỉnh giảm hãm cước rồi giằng co với hắn. Học bài đánh xung của anh bạn chuyên câu cá tra, tôi liên tục vừa dìu con cá vừa giật xốc cho nó đau và mau mệt. Chiến thuật ấy có kết quả ngay, sức kéo của con cá giảm dần. Tôi thu dây chầm chậm. Bây giờ mới là lúc gay vì chỉ có một cái vợt Kỳ mang đi rồi, liếc sang hai bên không thấy hắn đâu, đành phải tự định liệu thôi. Khi con cá đã mệt, tôi vừa kéo nó về phía mình vừa lần ra phía lưỡi nước bên phải. Tôi tính sẽ phải lội xuống nước để dìu con cá vào bờ qua cái lưỡi nước ấy. Cái đầu con cá to tướng đã nổi lên mặt nước. Trời tuyệt quá, dễ phải đến hàng 3. Nhìn cu cậu ngoan ngoãn theo dây thu vào tôi biết nó vẫn còn đủ sức vùng vẫy một lần nữa nếu có cơ hội. Vì vậy tôi quyết không thể để sổng hắn được dù mình có bị xây xát một chút. Đến khi cá vào hết tầm cần tôi lội thẳng xuống nước. Nước sâu tới bụng, mát lạnh nhưng phía dưới toàn cát nên dễ đứng thẳng. Tôi rê con cá sát vào gần mình và đi lùi vào bờ, không đụng tay vào sợi dây cước. Đến bờ, tôi thu dây rồi hất con cá lên bờ cát. Đến lúc đó hắn mới giãy đành đạch, ồ trễ mất rồi cá ơi. Tôi ôm con cá to tướng mà sướng như phát điên.
Ảnh: Tuấn Anh xd
Đặt nó vào hõm nước lạnh mát cho nó thở, tôi che ánh mặt trời tìm thằng Kỳ. Nó câu tít tận đằng xa và đang chăm chú hướng ra biển nên có gọi cũng không nghe thấy gì. Tôi không biết con cá hanh này nặng bao nhiêu chỉ biết nó dài từ đầu gối đến mắt cá chân tôi và thân khá dầy. Tôi nhanh chóng mắc mồi và lại ném ra chỗ cũ. Dễ có đến 45 phút trôi qua im lìm, không động tĩnh gì cả. Đàn cá hanh đã chuyển sang chỗ khác rồi. Tôi mang giỏ cá lại chỗ hõm nước thả xuống chúng với con cá lớn rồi thu đồ câu ngồi đợi Kỳ quay lại.
Những con Tráp khủng thường có cái miệng như thế này
(Ảnh: Tuấn Anh xd)
Về nhà cân lên tôi mới biết mình đã lập kỷ lục thật sự ở xứ biển này: cá hanh to nhất nặng 3 kg, toàn bộ số cá câu được gần 9 kg. Anh em câu quen biết nghe nói có cá hanh đến 3 kg thì đến xem cho biết. Nhà Kỳ hôm nay sôm tụ hẳn bởi nồi cháo cá hanh vĩ đại mà vợ hắn nấu chiêu đãi cả hội câu Phan Thiết. Người mang đến chai rượi, kẻ góp thêm mực một nắng, rồi can bia,… tất cả bảo là để làm nền cho nồi cháo cá hanh tuyệt vời mà ai cũng khen nức nở.
Thảo Nguyên, tháng 2 năm 2002.