Thòi lòi thường trú ẩn dưới những bụi đước. Khi thuỷ triều rút, chúng đi đào hang trú ẩn. Những con cá với chiếc đầu to bằng cườm tay, miệng rộng ngoang ngoác răng lởm chởm, cần mẫn tìm một chỗ thích hợp giữa bụi đước che chắn rễ dày đặc, dùng miệng gắp từng cục sình to bằng ngón chân cái vét thành một cái hang. Miệng hang cá thòi lòi được đắp từng cục đất thành vòng tròn rộng như cái nón lá. Khi nước rút trơ lớp sình non dày, mỗi chú thòi lòi đào chừng 3 - 4 cái hang. Mỗi khi có động, chúng nhảy tọt xuống chiếc hang gần nhất.
|
Thòi lòi ít người bắt nên sinh sản nhiều. Ở vùng rừng đước ngập mặn thuộc xã Long Sơn - Hội Bài (Bà Rịa-Vũng Tàu), thuỷ triều rút cạn vào buổi sáng là lúc thuận tiện để theo chân những lão nông đi bắt thòi lòi. Loại cá vừa sống dưới nước vừa thở trên cạn này không câu được, không đào hang bắt được vì hang sâu, bùn sình dễ mất dấu. Cách duy nhất là đặt bẫy. Bẫy thòi lòi là một ống lưới dài 60cm, đường kính độ 40cm, úp ngay miệng hang. Khi chui ra khỏi hang, cá gặp phải lưới, càng vùng vẫy chui sâu vào lưới càng mắc kẹt, đến khi quay đầu lại thì vô tình cuộn tròn mình trong ống lưới. Người đi bắt chỉ việc nhấc lưới mang về. Giống thòi lòi khi gặp người rất dạn, đứng nhìn thao láo. Khi bị đuổi bắt, nó lao vun vút trên mặt sình nhờ hai vây cứng tựa như hai chân nhỏ cùng cái đuôi vẫy trợ lực, không tài nào bắt được. Hễ người đuổi bắt dừng lại, nó đứng nhìn như trêu ngươi.
|
Ở Long Sơn, không có nhiều người đi bẫy thòi lòi. Khi thuỷ triều lên, chúng trốn biệt đâu mất. Nếu hiểu tập tính của thòi lòi thì việc bắt chúng khá đơn giản. Anh Năm Hải - một nhà nông ở Long Sơn có kinh nghiệm lâu năm trong nghề bẫy thòi lòi cho biết: "Bẫy thòi lòi không khó, chỉ lấy ống lưới đặt vô miệng hang rồi tìm bụi nấp, chờ thòi lòi chui lên dính bẫy. Nhưng quan trọng là phải biết xác định đâu là miệng hang thòi lòi, phải biết nhìn vết bùn xem đã có vết chân thòi lòi bò lên chưa, cá lên rồi mà đặt bẫy thì tốn hết cả công".
|
Thòi lòi nướng muối ớt
|
Theo chân anh Năm Hải đi bẫy thòi lòi, lội sình trong rừng đước ngập đến đầu gối, anh kể tiếp: "Giờ con cá này có giá lắm. Một con bán cho mối thu mua 15 nghìn đồng, sau đó lái sang lại cho các quán làm món ăn khoái khẩu cho dân nhậu mà không phải quán nào cũng có". Giữa trưa, dưới những bụi đước, hang thòi lòi nhiều vô kể. Nhưng không dễ nhìn ra vì mỗi miệng hang nước còn đọng lại giống nhau. Đặt chân lún xuống sình, rút lên cũng tạo thành một cái hố nho nhỏ, tròn tròn ngập nước, trông cũng chẳng khác hang thòi lòi. Anh Hải kể thêm tập tính cá thòi lòi: "Có con khó chịu lắm, thấy dấu nó chưa ra khỏi hang, đặt bẫy chờ hoài hơn tiếng đồng hồ nó mới chịu chui lên. Nhưng cũng có khi đi gặp một bầy tụi nó giỡn nhau, nghe động mạnh con nào con nấy chạy, hai ba con chui xuống chung một cái hang là coi như trúng mánh. Chỉ đặt bẫy vô tí xíu dính liền vì tụi nó ở chung hang, đụng nhau là quay đầu cắn nhau, con thua phải chạy lên, con thắng thì đuổi theo, dính bẫy cả chùm". Ở vùng rừng đước Long Sơn - Hội Bài, một lần đi đặt bẫy, dạo một vòng chừng tiếng rưỡi quay lại là có chiến lợi phẩm.
|
Cá thòi lòi khá hiếu chiến, cứ nhốt chung là cắn nhau tơi tả đến khi có kẻ tử nạn mới thôi. Thịt cá thòi lòi chỉ dai, ngon khi được chế biến lúc còn sống. Nếu cá chết thì vị thịt nhạt, bở. Vì vậy, thợ đặt bẫy thường dùng cành đước đâm mù mắt thòi lòi để khi bỏ vào xô đựng, chúng hết thấy đường cắn nhau. Giống thòi lòi cực khoẻ, nhốt 2-3 ngày vẫn sống nhăn răng. Chế biến thòi lòi chủ yếu có hai món: nướng muối ớt hoặc chưng tương. Ăn không thua thịt cá mao ếch. Từng thớ thịt dai chắc, kéo thành từng sớ nhỏ, trắng thơm, ngọt không vị tanh, ăn một lần nhớ mãi.
Lam Phong-sgtt.com.vn