Về thăm quê. Và tất nhiên rồi, lại câu !

Những con sông này tuôn phù sa ra biển làm nước biển đục và ven bờ có nhiều bùn đất. Các sông miền trung không có phù sa, nền sông là cát thạch anh, vụn đá hoa cương… nên nước sông cũng trong vắt. Bình Định quê tôi có bờ biển dài hơn 100km với rất nhiều đầm phá và đảo lớn nhỏ ven bờ, đặc biệt là các ghềnh đá.
 

Lần đầu câu ghềnh tại đây, bạn sẽ thấy ghềnh đá ở đây rất ấn tượng, những hòn đá lớn như một ngôi nhà, hà chỉ bám nơi chân sóng, không nhiều và dày như ở hòn Dáu. Đá là loại đá sa thạch, đá hoa cương, granite nên bề mặt nhám, phù hợp với đế giày thể thao, giày leo núi nên câu ghềnh ở đây không cần phải mang ủng đinh.
Sau một chầu café sáng theo thông lệ của các bạn câu Quy Nhơn, chúng tôi lên đường sang Nhơn Hải. Vượt cầu Nhơn Hội - cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam – sau khoảng 45 phút chúng tôi đã đến xã Nhơn Hải. Một rặng dừa chạy ôm lấy dải bờ biển cát trắng cong cong, nơi có hàng trăm tàu thuyền đang neo đậu.


Từ trái qua phải : a Định, a Hiển, bạn a Trung, a Sơn, a Trung
Theo tay anh Hiển chỉ “Anh em mình sẽ câu ở hòn đảo ngoài đó, đó là hòn khô”


Toàn cảnh Hòn khô
Đón nhóm chúng tôi, một người đàn ông với bộ râu quai nón, khuôn mặt vuông vức và cặp mắt tinh anh “Đây là anh Sơn râu, chủ ghe chở mình ra đảo”. Bắt tay anh, một bàn tay chai sạn và cứng ngắc, “Dzô nhà đi, hổm rày sóng lớn lắm. Ủa hôm nay ngày rằm mà ? khó câu đấy.” anh Sơn nói với giọng rổn rảng đặc trưng của người đi biển.

Hòn Khô, quả đúng như tên gọi của nó, một hòn đảo đá khô cong, đến cây cỏ ở các khe đá cũng héo quắt, chỉ có đá, cát và gió. Hòn đảo nhỏ này nằm gần bờ, như một tầm bình phong che chắn cho một vịnh nhỏ nơi tàu thuyền đánh cá xã Nhơn Hải neo đậu.
Tàu chỉ kịp nóng máy một chút là đã ra đến đảo, ở bờ biển và ở đảo không có cầu tàu nên chúng tôi phải “transit” ra thuyền và vào đảo bằng thuyền thúng. Sóng lớn, thúng tròng trành, đi như say. Nước biển trong xanh đến nỗi nhìn thấu đáy, không thấy cá nhưng san hô thì có nhiều, nghe nói ở đây cũng có rạn san hô đẹp lắm.
Nhìn từ xa thấy Hòn khô cũng nhỏ nhưng ra đến nơi mới thấy nó lớn. Những phiến đá to lớn nằm nghiêng nghiêng, những vách thẳng đứng xuống biển. Vì đã quen với những dải đá nhỏ Hòn Dáu, ra tới đây thấy choáng ngợp. Trộm vía, ở đây mà ngã thì không có cơ hội gãy cái gì đó mà là đi thẳng sang “bên kia bầu trời” luôn.
Cũng may, bề mặt đá nhám nên đi giày thể thao rất hợp, rất chắc chân. Ngỡ ngàng một chút rồi cũng quen, leo lên đỉnh nhìn ngắm điểm câu, một eo biển đẹp như trong phim câu cá ở nước ngoài. “Thế này mà không có cá mới lạ” tôi tự nhủ vậy rồi cả nhóm xuống đó câu.


Mồi xả câu hanh được trộn với moi tươi rất hấp dẫn đã được xả xuống điểm câu. Nước biển xanh thẫm, chứng tỏ chỗ này rất sâu, phải hàng chục sải. Không dùng hạt chặn phao phía trên để cho mồi tôm chìm tự do xuống gần đáy. Khoảng 10 phút sau khi triển khai, anh Trung đã lên được chú mú nhỏ đầu tiên rồi đến anh Định cũng lên cá giò (tên địa phương của một loại cá giống cá dìa), một loại cá rất ngon nhưng ăn vào sẽ buồn ngủ, thậm chí “ngủ gật ngay tại bàn nhậu”

Khấp khởi mừng vì tín hiệu vui từ biển cả, chúng tôi miệt mài câu. Sóng đánh lên ướt một bên giày, tháo ra đi chân có chân không. Kệ. Sau những chiêu “khuyến mãi” của biển cả là khoảng thời gian dài ngồi im như tượng, chỉ thấy thay mồi, không thấy cá cắn.
Tự an ủi cá cắn cũng phải có giờ. Quay ra tán gẫu với nhau chán rồi lại đổi kiểu câu. Bỏ phao, tôi chuyển sang câu đáy, kết quả là vớ được một chú mú nhỏ bằng hai ngón tay, thả vào hốc nước bên cạnh ngắm nó bơi lội tung tăng cho vui. Sơn nói “ở khu vực này nhiều cá mú lớn lắm nhưng hôm nay có vẻ cá không cắn vì nước trong quá” Tôi hỏi đã câu được cá hanh ở đây chưa thì chưa ai câu được nó ở đây. Dạo qua mấy cái chợ ở Quy Nhơn thấy cá hanh được bày bán cũng nhiều, cả hanh đen, hanh đỏ, chứng tỏ vùng biển này phải có cá hanh.
Gần về trưa, cá vẫn không chịu cắn. Cái nắng miền trung, cái gió của biển cả cộng với cái đói đã làm cho chúng tôi hết kiên nhẫn. Cả nhóm tụ tập vào một khe núi có chút bóng mát hiếm hoi trên đảo để ăn trưa. Bánh tét, bánh mỳ, đồ hộp… và một chai rượu Bàu đá đã được các anh chuẩn bị sẵn. Các thức ăn đơn giản nhưng rất ngon. Lạ thế, khi đi câu thì ăn bất cứ món gì, bất cứ nơi nào cũng ngon như nhau thì phải ? Anh Sơn râu (chủ thuyền) đã ra góp vui với anh em.


Anh Sơn “râu”
Anh Sơn râu là một chủ thuyền, một cần thủ đích thực, rất thân thiết với nhóm câu Quy Nhơn. Anh cao gầy rắn rỏi, giọng nói sang sảng của những người đi biển “ăn sóng, nói gió”. “hổm rày sóng lớn quá nên hổng có vú nàng cho tụi bây nhậu, với lại bả (vợ anh Sơn) đang bịnh (ốm) nên hổng nấu cơm canh được, để bữa khác nghen”. Ở Nhơn Hải, chỉ có anh Sơn mới rành rẽ về vú nàng, ở đâu, làm thế nào, khi nào thì nó hở ra…

- Rượu đâu, rượu đâu ?
- Rượu đây, rượu đây.

Anh Sơn hỏi vậy, cả nhóm trả lời rồi cười ồ lên vui vẻ. Lẽ ra sẽ là “vú đâu, vú đâu ?” Thôi, để năm sau sẽ hầu chuyện các bác về vú nàng.

Làm một ly Bàu đá, rượu thơm phức, chảy đến đâu biết đến đấy. Quá đã. À mà nhắc đến rượu Bàu đá nhân tiện giới thiệu về loại rượu đặc sản quê tôi với các bác.

Rượu Bàu đá là một loại rượu đặc sản của Bình Định, nhiều người gọi là “Bầu đá” rất dễ liên tưởng đến loại rượu để trong cái bầu bằng đá. Trong nam gọi Bàu có nghĩa là một ao nước nhỏ, ngày xưa được dùng như giếng làng ngoài bắc vậy. Nghe nói thương hiệu rượu Bàu đá đã được đăng ký và đã từng có tranh chấp, ấy vậy mà cũng nhiều người trưng sản phẩm rượu Bàu đá ra bán mà chẳng biết Bàu đá ở đâu cả. Người thì nói thế này, người nói thế khác chẳng biết đâu mà lần. Nghe tôi phàn nàn vậy, anh Định kể rằng đã có một thời gian công tác tại Bàu đá, vậy là kế hoạch khám phá thứ nước uống kỳ diệu đã hình thành.


Xóm Bàu đá
Bàu đá là một xóm nhỏ yên tĩnh khuất sau lũy tre như bao ngôi làng khác ở nông thôn Việt Nam. Địa chỉ chính xác là xóm Bàu đá – xã Cù Lâm - huyện An Nhơn – tỉnh Bình Định. Xóm Bàu đá nằm cạnh một nơi xưa kia là Bàu đá, là một ao nước nhỏ ở giữa có hòn đá lớn nên được gọi là Bàu đá. Theo thời gian, đất cát trôi xuống và do cả con người nữa nên ngày nay đã thành một ruộng lúa xanh tốt, ngay cả hòn đá cũng đi đâu mất không ai biết. Bàu đá xưa chỉ còn trong ký ức của những người già trong thôn


Nơi đây, xưa kia là Bàu đá
- Hồi xưa nơi đó nước sâu lắm chú ạ. Hồi tui còn nhỏ, cha tui, ông nội tui còn bắt được những con cá lóc đầu mọc rêu, cá chép râu dài cỡ gang tay _ Một cụ già kể với tôi như vậy.
- Cháu nghe nói là hồi xưa người ta lấy nước ở bàu này nấu rượu phải không bác ?
- Ba xạo à, hồi xa xưa thì dám lắm nhưng từ thời ông nội tui chỉ lấy nước giếng khơi để nấu thôi. Nay thì lấy nước giếng đóng (giếng khoan) để nấu, ngon hơn nhiều.

Thấp thoáng khoảng dăm chục mái ngói đơn sơ, thấp tè, cửa ngõ tuềnh toàng, tường vách tróc lở lộ ra những hàng gạch đỏ mưa gió xói mòn thành rãnh trên đó. Đi đến đâu là thấy cái nghèo đập vào mắt đến đó, chó sủa nhũng nhẵng, gà eo óc gáy trưa, heo ụt ịt trong chuồng, đâu đó tiếng võng kẽo kẹt, vài tiếng trẻ khóc... Mà sao rượu bán nhiều thế mà dân làng lại nghèo đến vậy ? ờ mà chỉ vài chục nóc nhà mà nấu chừng ấy rượu thì cũng kinh khủng lắm.

Đi thăm vài ngôi nhà trong xóm, tuyệt nhiên không thấy nhà nào nấu rượu cả, bếp nguội lạnh, Ông bà Bốn Quởn (còn gọi là Bốn Kiệt) – người nấu rượu nhiều đời trong làng – sau khi thấy tôi thắc mắc rượu bán nhiều thế sao trong làng không thấy ai nấu ? nói “Hổm rày (dạo này) gạo mắc quá trời, nấu rượu lỗ thấy mồ, chỉ được chút hèm cho heo ăn thôi. Mà rượu bán ngoài đường là do các nơi khác nấu đó chú, hổng phải xóm này nấu đâu. Chúng tôi nấu để giữ lấy cái nghề của ông bà và chăn nuôi thôi” À thì ra là vậy, một thương hiệu rượu nổi tiếng, sản phẩm bán tràn lan, hỗn loạn mà dân làng Bàu đá, những người thừa kế duy nhất phương pháp nấu rượu cổ truyền chỉ nấu rượu để giữ nghề và chăn nuôi, không chạy theo lợi nhuận để làm ẩu quả thật là đáng trân trọng.


Bà bốn Quởn
Rượu Bàu đá rất nặng nhưng dịu, dễ uống và không bao giờ đau đầu “Tui uống say, ngủ một chặp rồi ngóc cổ dậy đi làm đồng bình thường, người phẻ (khỏe) re, hổng có mệt mỏi chi hết” ông Bốn Quởn nói vậy. Khách đến nhà, bao giờ cũng được mời vài ly nên chúng tôi mới đi vài nhà đã thấy “tưng tưng”, rượu nếp thơm và ngọt dịu, rượu tẻ cũng thơm nhưng uống thấy hơi gắt trong cổ.
Xóm Bàu đá và cả khu vực xã Cù Lâm được thiên nhiên ban tặng một nguồn nước đặc biệt mà nơi khác không có. Chỉ nấu rượu bằng nguồn nước tại đây mới tạo ra một loại rượu thơm ngon đặc trưng. Rượu trong vắt, khi rót, dòng rượu dẻo như mật ong. Bọt rượu (còn gọi là cườm) vun đầy lên trong ly, mùi thơm nồng nàn khắp nhà. Chỉ vậy thôi đã thấy muốn uống, đã thấy say say.




Cườm rượu
Nhấp một ngụm, mùi rượu thoảng lên mũi, vị rượu đọng lại trên lưỡi ngọt đắng, trong miệng thanh sạch, tuyệt nhiên không có vị chua như các loại rượu bình thường khác. Cùng một loại men đó, cùng một loại gạo đó nhưng khi nấu ở nơi khác thì rượu cũng rất tầm thường, lạ thế chứ. Men rượu cũng không có gì đặc biệt, không phải là một thứ men “bí truyền” mà là những loại men thông thường được sản xuất ở Sài Gòn, Tây Ninh… quy trình ủ men cũng vậy, ủ khô 3-4 ngày, ủ ướt 2 ngày rồi đem nấu. Nhưng ngoài nguồn nước đặc hữu ra thì bí quyết ở đây chính là kỹ thuật gia men và kỹ thuật nấu. Già men thì rượu đắng, non men thì rượu chua. Trong quá trình ủ men phải theo dõi nhiệt độ và sự lên men để điều chỉnh cho đúng. Dụng cụ để nấu rượu trong làng đều là những dụng cụ cổ truyền như nồi đồng, thạp lấy hơi bằng đất nung, làm lạnh bằng một cái chậu nhôm chứa nước lạnh đặt trên một cái thạp ngưng hơi cũng bằng đất nung, ống dẫn hơi là một khúc tre.
Tất cả các khe hở của các dụng cụ được trét kín lại bằng đất bùn trộn rơm. Bí quyết để tạo ra rượu ngon ở đây chính là kinh nghiệm, “nghe mùi cơm rượu là biết rượu ngon hay dở rồi”. Trong quá trình nấu, điều chỉnh củi lửa như thế nào cho phù hợp, khi to lửa, khi liu riu. Nếu không giữ được lửa thì rượu đục, rượu nhạt… chỉ có nước đem đổ bỏ. Rượu khê lại có hương vị lạ lùng và cũng nhiều người “ghiền” loại rượu này, thỉnh thoảng lại đặt nấu vài chục lít, mà nấu rượu khê cũng rất khó, khê nhưng không nồng, không chua mới tài.


Bếp nấu rượu
Cũng như các loại rượu đích thực khác, rượu Bàu đá để càng lâu càng ngon. Người ta nói rượu để trong chum rồi vùi vào lúa mới ngon nhưng chỉ đúng một phần, phần còn lại là để tăng thêm tính “huyền thoại, bí hiểm”. Rượu chỉ cần chứa trong chum lớn hàng trăm lít để vào nơi mát mẻ là được. Nhà nào ở xóm Bàu đá cũng có vài chum loại này ở góc nhà, góc buồng tối. Rượu để như vậy vài tháng rồi đem ra bán mà loại này chủ yếu bán cho những người ghé thăm nhà, khách quen với gia chủ, còn những người thu mua chuyên nghiệp thì nấu ra là họ lấy ngay, chẳng kịp vô chum.
Khi nào có dịp qua Bình Định, mời các bác ghé qua xóm Bàu đá chơi, thế nào các bác cũng được mời những ly rượu thật ngon. Và nhớ ghé thăm khoảng 2 nhà thôi nhé, kẻo say lại trách tôi “xui dại”.

(còn tiếp...)

 

thảoluận:http://www.hanoifishing.com/forum/showthread.php?p=25613&posted=1#post25613

Các tin khác cùng chuyên mục
Về thăm quê. Và tất nhiên rồi, lại câu ! (phần cuối) - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:34:41 SA
Câu lông trên biển Quảng Phúc - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:26:02 SA
Câu lông trên biển Quảng Phúc (tiếp theo và hết) - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:25:47 SA
Câu cá ban đêm trên biển Ngoại Hải - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:24:03 SA
Câu Cá Song và bắt Tu hài trên đảo Bánh Sữa - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:23:42 SA
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.