Dưới hạ lưu đập, từng đàn cá về đây tụ tập, sinh sản ngày một nhiều: Cá ních, cá trắm, ốc, cá bơn, lăng, ngạch, leo, mướn, dông và các loài ba ba, thiết lềnh, trạch làn... Nhưng có một loài cá đặc sản ở vùng sông Chu Bái Thượng, mà hầu như cả miền bắc nước ta cũng không thấy có. Đó là cá sứt mũi.
Thân cá nhỏ, cá mẹ to nhất không quá 200 gr. Cá ăn theo đàn chỉ nhỏ bằng đầu đũa, hiếm có loại bằng ngón tay út. Đàn của chúng to nhỏ là tùy lứa. Thân cá có vảy nhỏ và mềm, phần trên miệng bị vẹt một chút như vết sứt nên gọi là cá sứt mũi. Thịt cá mềm, béo, xương nhỏ (ăn được cả xương).
Theo ông Lê Đức Thiệu (người làm nghề chài lưới ở đây, đã 73 tuổi, có nghề sông nước từ lâu đời): Kể từ khi mới lớn lên cho đến nay, ông đã đi hầu khắp các sông: sông Mã, sông Chu, sông Gâm, sông Hồng, lên cả Tuyên Quang, Bắc Cạn nhưng theo ông ở những nơi ấy không thấy có loại cá này. Chỉ duy nhất ở chân đập Bái Thượng là có nó.
Mùa cá sứt mũi vào những ngày cuối đông se lạnh đến giữa mùa xuân. Những mùa khác là cá lẩn sâu vào hang đá, rất ít gặp. Chỉ có cá mẹ ra vật đẻ giữa dòng sông. Trứng bị các loài cá khác ăn mất nhiều, còn lại trôi về xuôi. Khi nở, cá con lại theo dòng, ngược về nơi chôn rau cắt rốn.
Cá sứt mũi xuất hiện từ sau ngày con đập khai sinh khoảng 3 tới 5 năm. Tức là vào khoảng năm 1926 - 1928. Cá không ăn mồi câu, thức ăn của chúng là rêu đá nhỏ li ti bám ở chân đập nước và đá cuội dưới đáy sông Chu. Muốn bắt chúng phải có một loại lưới riêng mắt nhỏ, dày và bền gọi là te. Mỗi khi trở trời, đổi tiết mưa nắng, cá nổi lên mặt sông từng vệt, từng vệt đen kịt, lăn tăn. Cá ăn theo đàn lớn nhỏ. Những chú cá con nghịch ngợm búng mình trên mặt sông thành những vật nhỏ lấp loáng. Thợ chài lưới nhìn là biết ngay. Họ cứ theo đó mà hạ te rồi chèo thuyền rất nhẹ hứng cả cụm vào te. Hồi còn nhỏ, tôi đã từng chứng kiến hàng tạ cá trong một mẻ lưới mà người vạn chài ở đây gọi là Lát te may mắn. Tuy nhiên cũng rất hiếm gặp những mẻ te như thế. Lúc ấy họ phải vớt dần vào rổ, vào thúng gánh đi bán ngay, kẻo mất tươi.
Món ăn đơn thuần là nấu cá với dưa chua cải sen núi Mục, cho vài lát hành già điểm xuyết. Giờ núi Mục khai phá đá để xây dựng, dưa cải núi Mục không còn, người ta lại dùng dưa lê, thứ dưa cải ở thung núi Eo Lê (Vĩnh Lộc) - gọi thế cũng có nghĩa là dưa của họ Lê. Bây giờ nấu cá sứt mũi với canh chua thập cẩm hoặc lẩu than, lẩu điện có rau cúc tần, rau cần trắng kèm mấy lát cà chua hoặc khế chua là hợp.
Cá làm sạch dàn vào vỉ sắt, nướng trên than hồng, rất hợp với rượu gạo sủi tăm. Món cá nướng than nhắm no với rượu, quên cả ăn cơm. Còn nếu bạn thích ăn với cơm thì đã có món cá kho tiêu bắc trong nồi đất xứ Nghệ.
Thời tiết ngày Tết se se lạnh mà vớ được mấy bát cá sứt mũi thì hãy làm như sau: Cho cá vào nồi ống, rắc vào vài thìa muối, thả một vài búi gai xương xông, gai bồ kết hoặc gai bưởi càng thơm. Đậy vung lại rồi xóc đều lên cho gai rạch vỡ bụng cá ra. Đem rửa vài lần là sạch ruột. Cho cá vào nồi đất nghệ đổ nước săm sắp, đun nhỏ lửa. Nấu bếp trấu hoặc bếp củi càng ngon. Nhỏ lửa để cá khỏi nát. Khi cá đã se se mình rồi hãy rưới nước mắm ngon, thêm một thìa con mỡ, lắc đều cho ngấm rồi đun tiếp cho cá hơi khô mình, rắc hạt tiêu lên trên. Mười phút sau cá ngấm gia vị. Mở vung ra, một mùi thơm hấp dẫn tỏa lan khắp nhà. Thịt cá, mỡ cá bén nồi đất thơm nức mũi. Miệng nồi còn ướt ngoèn mỡ cá đọng lại, ngầy ngậy thơm, có sức quyến rũ lạ thường. Để nguyên cá trong nồi, dùng rau diếp thái ghém với mùi tía quây trong lòng bát sứ. Đặt một vài con cá lên trên, đưa đũa lùa hết vào miệng. Thật tuyệt!
Cơm nóng đơm miệng bát. Gắp một chú cá đặt vào giữa, vùi cơm lại. Đưa toàn bộ miếng cơm ấy vào miệng, bạn sẽ thấy ngon đến mức nào.
Đến tổng Bái Thượng người Tám Làng được ăn cá sứt mũi chế biến dưới bất kỳ món gì, dẫu đi xa khách vẫn thấy nhơ nhớ một cái gì không thể tả xiết.