Hồi ký - Phần thứ nhất
Câu chuyện này thì cũng lâu rồi cách đây mười hai hay mười ba năm gì đó tôi không nhớ rõ lắm. Thời đó, tôi đang làm việc tại viện Hóa Học công nghiệp, và đây là một trong những xí nghiệp có dây chuyền sản xuất bia Vi sinh đầu tiên tại Hà nội.
Nếu bạn sống ở TPHCM và cùng lứa tuổi với tôi, chắc bạn cũng không dưới một lần thưởng thưởng thức bia Con Cọp. Bia vi sinh của Hà Nội cũng có nét tương đồng, vì hai loại bia này chỉ dành cho dân nhậu dai, nhậu dài, nhậu tới quắc cần câu. Nhưng khi tàn cuộc nhậu, kêu tính tiền thì sẽ cảm thấy rằng… Tuy có khui nhiều thật, nhưng mà cũng không hao lắm !
Lúc đó, tôi được mang cái mác chuyên gia chuyển giao công nghệ oai như Cóc. “Đeo ba lô” đi khắp mọi nơi. Một trong những điểm dừng chân của tôi đó là Quảng Ninh. Quảng Ninh ngày ấy đẹp và thơ mộng lắm, vì nó vẫn còn mang dáng vẻ hoang sơ khác hẳn bây giờ. Bãi cháy lúc đó chỉ là một rặng phi lao trải dài bên bờ cát trắng, còn khu nhà bưu điện Bãi Cháy mới chỉ là một con dốc nhỏ nham nhở đầy đá và bụi đất cùng những căn nhà bốn bề vách bằng ván gỗ.
Khi màn đêm buông xuống, phía đằng sau Công An tỉnh, khu Cọc tám người ta vẫn thường đi săn thú, còn cá biển thì nhiều vô kể, muốn ăn cá thì chỉ cần ra đứng cầu tàu với nắm cơm nguội và cây cần câu, thì coi như cầm chắc hôm ấy đã có cá để ăn rồi. Thực đơn hàng ngày chỉ rặt toàn cá biển và bạch tuộc, luộc ăn mãi cũng ngán ! Buổi tối rảnh rang không chơi Bi da thì hát Karaoke… Ngoài ra, chẳng có cái thú tiêu khiển nào khác cả ! Thế là, hàng ngày khi đi làm về, tôi lại rủ mấy ông bạn làm cùng ra bến Đoan câu cá Song ở khu cầu tàu. Cách câu đơn giản lắm chỉ gồm cái cần câu tre và một nắm tôm sống làm mồi, coi như đã đủ. Câu cá sát bờ mãi rồi cũng chán ! Một hôm, hứng chí tôi rủ mấy thằng bạn cùng nhau mượn thuyền Thúng câu mực đêm.
Thuyền thúng
Bờ cảng về đêm nhìn thật đẹp, thật thơ mộng, hàng đoàn, hàng đoàn các con tầu lớn vào ra vào tải than, ánh sáng đèn điện sáng rực góc trời. Đây đó, những chiếc thúng tròn xoe trên mặt biển với ánh sáng le lói, lập lòe, lấp lánh, lặn ngụp xa xa…
Xa dần bến Đoan, bọn tôi chọn một góc tối phía sau một con tàu đang chuẩn bị chất hàng để bắt đầu buổi câu. Đối với tôi, ra biển lần này cũng là lần đầu tiên ! Câu sông, câu hồ, đâm cá, đánh dậm, úp nơm… đối với tôi không lạ, nhưng câu mực thì sao mà xem có vẻ khác thường quá đổi ! Nào là : Câu mực đêm, nguời ta chỉ câu mực khi đã tối trời - Trước khi câu phải thắp đèn măng xông lên, và càng sáng, càng tốt. Câu gì mà lưởi câu, chẳng lắp mồi chi hết. Cái để câu, chỉ là một thỏi nhựa hình ống, có lân tinh phát quang, dài khoảng 10 cm. Nó có 1 đầu nhỏ và 1 đầu to. Đấu nhỏ, có khoen móc, đầu kia tua tủa những móc câu bằng thép bạc, nhỏ nhọn như cây kim gài, nhưng đặc biệt chúng không có ngạnh như lưỡi câu truyền thống ! Phía dưới chùm lưỡi ấy là một cục chì nhỏ được bọc xung quanh những dải kim tuyến óng ánh đầy màu sắc nhìn lướt qua thì thấy nó cũng chẳng khác gì con mực nhỏ.
Lưởi câu mực, phát quang lân tinh
Cách câu cũng tựa như câu quăng ; cũng cần, cũng bát (guồng), cũng sứ… nhưng nó chỉ khác khi câu cá quả thì dùng cần dài, guồng cước lớn hơn. Nhưng cần để câu mực trên thuyền, thì lại rất ngắn. Nó chỉ là một đoạn tay tre độ khoảng 1,5m, dùng kèm với guồng cước tự chế bằng ống lon sữa bò. Khi câu thì vút con mồi giả văng ra xa, đợi nó chìm sâu xuống đáy nước rồi cuộn vào cho đều tay, vừa cuộn, vừa nhấp nhẹ đầu cần.
Nhìn kìa, một đàn những con mực, chỉ nhỉnh hơn ngón tay, cái từ đáy nước sâu vọt lên đuổi theo con mực giả, rồi nổi lên mặt nước bơi ngang. Trời, cá mực ! Tôi hét lên vui sướng, anh bạn đi cùng, nhanh tay dùng cái vợt lưới lùa ra đằng sau đàn mực vớt lên mẻ đầu tiên đã có hơn chục chú, búng nghe xoành xoạch, thật vui tai, giống như tôm tươi vậy.
Bán mực tươi tại bãi biển