Những cơn mưa đầu mùa vừa đổ xuống xào xào ngoài sông, báo hiệu mùa cá chốt về, bần ngoài sông chín rịu rụng lõm bõm, trôi lờ đờ theo dòng nước. Mấy cây so đũa bên hè đơm bông trắng cả tán lá. Mưa về, cá chốt từng đàn kéo về với cái bụng lặt lè trứng. Giăng lưới bắt cá chốt là phải chờ lúc trời mưa, lội ra sông giăng lưới trong lúc mưa ầm ầm, trời đất gầm gừ hung dữ như vậy mới có cá, chỉ năm mười phút thôi là cá đã dính đầy lưới.
Có cá chốt, bần chín, bông so đũa rồi chỉ cần chuẩn bị thêm một số rau thơm, ớt hiểm có sẵn sau hè, một số gia vị nữa là có thể sẵn sàng nấu một nồi chanh chua dân dã, ngọt ngào hương vị đồng quê.
Bắc nước cho sôi sùng sục. Những trái bần chín riu được cho vào một cái tượng, chế nước sôi vào giằm ra, lấy nước chua của bần đổ vào nồi nước đang sôi. Cá chốt làm sạch, mùa này con nào cũng có trứng, trứng cá chốt màu vàng nghệ, giòn và rất béo. Cho vào nồi khoảng ba bốn phút sau đó đổ bông so đũa vào, tiếp theo cho rau thơm, ớt và gia vị vào, đậy nắp lại rồi nhắc xuống ngay. Nếu để lâu cá sẽ rã, bông so đũa chín quá ăn không ngon.
Những chiều gió lồng lộng, trời mưa ào ào ngoài sân, lạnh se da, se thịt. Bên nồi canh chua bốc khói, ơ cá chốt kho quẹt, một nồi cơm thơm nồng là một gia đình quê ba thế hệ với những câu chuyện mùa vụ, làm ăn, những câu chuyện không đầu, không đuôi nổ ra rôm rả. Dân quê không nhiều chuyện, những câu chuyện bên mâm cơm bao giờ cũng gắn liền với kinh nghiệm sống, với sinh hoạt hằng ngày, với cách đối nhân xử thế của con người. Đây là một khung cảnh bình dị, nên thơ dễ dàng bắt gặp ở những gia đình quê vùng sông nước miền Tây.
Ở ĐBSCL, mỗi mùa có những vật liệu nấu canh chua khác nhau. Mùa mưa có cá chốt, bông so đũa, bần chua. Mùa gió chướng nước lên nhiều có cá đối, trái giác chín chua không thua gì bần và cũng có mùi vị đặc trưng, rau đắng mọc xanh um sau nhà... Vật liệu chế biến tuy khác nhau nhưng những nồi canh chua dân dã lại có điểm giống nhau đến kỳ lạ. Đó là nỗi nhớ nhà của kẻ ly hương, là sự chờ mong của bà mẹ già, của cô hàng xóm. Vâng, điều kỳ diệu đó chính là hồn quê.
Ai đã từng có một lần đến với vùng đồng bằng ven biển, đi rồi sẽ nhớ, nhớ mùa nước lên, nhớ bao thú vui đồng ruộng, nhớ những nỗi lo toan luôn hằn lên trán dân quê và nhớ nồi canh chua dân dã một lần được đãi. Hãy tin tôi, chắc chắn những điều thú vị tầm thường luôn luôn thu hút mọi người bởi sự mộc mạc và cái tình chơn chất của nó.
Thuận Minh