Ý tưởng nuôi cá hồi ở Sa Pa đã được các chuyên gia thủy sản Phần Lan nhen nhóm từ năm 2002, nhưng mãi đến những ngày áp Tết con Gà 2005 mới được triển khai.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai - ông Nguyễn Đức Thăng - một trong những người “áp tải” chuyến trứng cá giống đầu tiên từ Phần Lan về Sa Pa nhớ lại: “Mang trứng về thật công phu. Đợt đầu chưa có kinh nghiệm, trứng cá bị hỏng nhiều. Sau đó, tôi nghe anh em nói phải dùng tới 4 lớp khay xốp; lớp trên cùng và dưới cùng là nước đá để giữ lạnh, hai lớp giữa để trứng cá. Tỷ lệ nở lên tới khoảng 95%”.
Những ngày đầu “trứng nước” còn có chuyên gia bạn, giúp đỡ, đến khi cá lớn bằng chiếc tăm, chỉ còn 10 anh chị em Việt Nam tự lực cánh sinh. Với một chiếc tivi, một máy tính không nối mạng và những đồ dùng cá nhân tối thiểu, họ sắp trải qua cái Tết thứ hai ở rừng...
Đang vui câu chuyện, anh Nguyễn Văn Thìn (phụ trách dự án) bỗng ngừng lại, chạy đi bật máy bơm. Rồi giải thích: “Đang là mùa khô, suối cạn, lượng nước về không đủ, chúng tôi phải lọc lại nước để tái sử dụng. Cá bỗng dưng ngóc đầu lên nhiều là do thiếu oxy, phải chạy máy bơm để bổ sung. Với cá hồi, lượng oxy luôn phải đảm bảo tối thiểu là 3,5mg/l”.
Mùa khô đã vậy, mùa lũ cũng lo. Vẫn anh Thìn kể, hoảng hồn nhất là đợt tháng 5, lũ cuốn theo nhiều cành cây, lá mục, cát sỏi làm tắc ống dẫn, nước cũng không về được, cá thiếu oxy, chết hàng loạt. Đau nhất là không phải không dự báo được điều này, nhưng muốn tránh thì phải đầu tư đồng bộ hệ thống dẫn nước, mà số vốn dành cho dự án thì ít ỏi - chưa đầy 3,6 tỷ đồng, trong đó non nửa là tiền chuyển giao công nghệ, trả lương chuyên gia bạn... Thậm chí nhiều hạng mục đã đầu tư là tiền vay từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả... tiền túi của Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 - ông Lê Thanh Lựu!
Lần khác, khi cá đã dài khoảng 2-3cm, cũng tự dưng có hiện tượng ngóc đầu lên rồi chết. Phòng nghiên cứu bệnh cá của viện bó tay, chưa “chẩn” ra bệnh, cho dùng kháng sinh cũng không đỡ. Anh Thìn mày mò đọc sách, phán đoán là do mật độ nuôi quá dày, cá bị một dạng bệnh “stress”. Thế là phải vừa “giãn dân”, vừa pha thêm chục cân muối vào bể nuôi. Vậy đấy, trong điều kiện Việt Nam, rõ ràng những bài học từ nước bạn là không đủ, người làm dự án phải tự tìm tòi, thử nghiệm mới có thể thành công.
Cá Hồi nuôi tại Sapa (ảnh vietnamnet)
Giờ thì những chú cá hồi lớn nhanh nhất – được anh Thìn cho “ra ở riêng” tại một khu ao ngoài trời, che bằng lưới nhẹ – đã nặng từ 6 lạng đến một cân. Nhỏ hơn so với loại đang bán ở các siêu thị, nhưng đã đủ tiêu chuẩn để lên... bàn tiệc. Thịt cá hồng tươi, mềm, béo ngọt, không kém gì các bậc “đàn anh” ngoại nhập. Muốn thịt cá hồng đẹp, người làm phải “cắt tiết” - khía ngang ngay dưới vây trước cá rồi thả vào chậu nước lạnh, cá quẫy mạnh, máu chảy hết, thịt cá mới không bị vẩn máu đọng; sau đó chế biến thành các món ăn tùy ý: sashimi, chiên xù, hấp, nấu cari... Nghe nói giám đốc ngành hàng tươi sống của siêu thị Metro Thăng Long (Hà Nội) đã lặn lội đến đây để tìm hiểu nguồn hàng.
Tuy nhiên, muốn nhân rộng được mô hình thì không chỉ cần khảo sát, lựa chọn được địa điểm có điều kiện khí hậu, địa lý phù hợp, mà còn phải tìm được đầu ra ổn định. Theo con số điều tra, thị trường Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 300 tấn cá hồi, tính cả lượng tạm nhập (để chế biến rồi tái xuất) sẽ lên tới trên 1.000 tấn. Vấn đề là ở chỗ người bán, người mua làm sao tìm gặp được nhau. Để thu gom được nguồn nước lạnh (dưới 20 độ C) từ các lạch suối, các trang trại nuôi cá hồi buộc phải nằm trong rừng, điều kiện giao thông vận tải có thể gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, kỹ thuật nuôi cá hồi tuy không quá khó, nhưng cũng không đơn giản. Hiện tại, toàn bộ lượng thức ăn cho cá đều đang phải nhập từ Na Uy. Theo các chuyên gia Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (Bộ Thủy sản), các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Lâm Đồng là những địa phương có khí hậu tương đối thích hợp, nếu lựa chọn quy mô hợp lý, người nuôi được hướng dẫn kỹ thuật chu đáo chắc sẽ có hiệu quả tốt.
Hy vọng không bao lâu nữa, nghề nuôi cá hồi ở Việt Nam sẽ phát triển…
Bàn phím Ngà (Lấy tin của Anh Thư-Báo SGGP)