Đảo “câu trộm”
Mặc kệ dòng người tấp nập chen lấn ra vào đảo Trấn Quốc hằng ngày, Thắng cứ ngồi xổm ở giữa đường, trải một miếng ni-lông ra trộn mồi. Thắng đi dép lốp, mặc đồ bộ đội, cổ tay có săm, nom rất ngầu, nhưng thực ra anh hiền khô. Theo lời Thắng, anh đã câu trộm ở khu vực này 30 năm rồi, từ ngày còn là cậu bé nghịch ngợm lêu lổng ở Phùng Hưng, anh nhẵn mặt từng tay chủ thầu một, chỉ sợ nhất là... sư cụ chùa Trấn Quốc. Thắng vẫn gọi cụ là Cảnh sát 113, vì cụ cứ nhìn thấy anh nào câu kéo là đuổi thẳng cổ, "chứ chẳng như mấy người khác - Thắng kể".
Khách Tây, ta nhìn thấy Thắng hì hục bày ra các bịch, các gói to nhỏ ra trộn, nặn, ai cũng dừng lại ngó nghiêng, trao đổi với nhau bằng đủ thứ tiếng. Chính tôi cũng không hình dung được "công nghệ” câu kéo ở đây lại chuyên nghiệp đến thế. Trước đây, dân câu chỉ làm mồi giun, mồi châu chấu, cẩn thận hơn có ít cám rang rải xuống nước để nhử cá đến. Bây giờ Thắng dốc ra nào là bột gạo, cám con cò, bột ngô nghiền quấy thành cháo, thính thơm, và cả một túi thóc ướt nhoẹt. Thắng giải thích, phải mua thóc giống về ủ như ủ giá đỗ, độ hai ba ngày, đến khi mầm thóc bắt đầu nhú ra non tơ - thứ mà cá rất thích ăn - thì đem ra dùng. Vẫn còn thiếu một thứ. Thắng thò tay vào túi lấy một miếng xốp to, bóp vụn ra, rải đều những hạt xốp lên cục mồi. Khi cá đến rỉa cục mồi, những hạt xốp sẽ rơi ra và nổi lên mặt nước để “báo hiệu” cho người câu.
Thả ổ
Cục mồi to bằng cái đấu trong tay, Thắng cười bảo, riêng tiền "nguyên liệu" cho cục này đã khoảng 15.000 đồng. Hôm nay mà không "kéo" được dăm bảy cân cá thì coi như lỗ...
Trên lối vào và xung quanh đảo Trấn Quốc, dân câu trộm đã “xây thành đắp lũy” cho việc câu trộm lâu dài. Những chiếc sào tre được cắm rải rác cách 2 mét một cái làm cọc tiêu để thả ổ" (tức quăng mồi xuống nhử cá đến). Cầm cục mồi trên tay, Thắng hít hà lấy hơi, nhứ lên nhứ xuống hai ba bận như vận động viên ném bi sắt, rồi mới quăng đánh tùm xuống ngay bên cạnh cái cọc. Cục mồi chìm nghỉm. "Cứ để đấy, lát nữa cá đến, phao nổi lên thì quăng lưỡi xuống” Tôi hỏi “Lưỡi câu đâu?”. Thắng chỉ lên hàng cau trên đầu: “Cất trên đấy!”. Cây cau trên lối vào đảo Trấn Quốc gầy nhom, ra chùm nào là bị bẻ chùm nấy, thế mà thoắt cái Thắng đã leo lên tận ngọn. “Một bận, trời tối giật lên thấy nằng nặng, giật bừa một cái kéo lên cả cục ni-lông dính đầy bùn đất. Lưỡi câu văng lên ngọn cau, mắc trên đó, đứt cả cước. Chỗ giấu trên ngọn cau lại hóa hay, đỡ phải cầm về nặng mình". Đúng là "lười như anh đi câu". Thắng gỡ lưỡi câu xuống. Bộ lưỡi chùm 6 chiếc khum khum như một bàn tay sắt, khi lướt xẹt dưới nước sẽ găm chặt vào bất cứ con cá nào trên đường đi của nó. Thắng kể, có hôm được con trắm đen 10kg, nó kéo cong cần, không giật lên được, phải cầm cần dụ nó nửa vòng quanh đảo, đến khi nó mệt, mới kéo vào bờ, lội xuống vớt lên.
Chia cá kiểu Hợp tác xã...
Đầu giờ chiều, tôi trở lại đảo Trấn Quốc. Ông đeo lắc bạc đã khuỳnh khoàng đi ra, nhễ nhại mồ hôi, tay xách một xâu cá rô phi... Xung quanh đảo vẫn còn khoảng 20 tay câu trộm đang ngồi im phăng phắc như Lã Vọng, mặc kệ từng đoàn khách du lịch từ trong sân tò mò nhìn ra. Họ cũng thật kỳ công, toàn bộ đường viền xung quanh đảo được họ "cải tạo” thành nơi ngồi câu (du khách không được ra), một số còn lội ra những trụ gạch chon von nổi lên ở cách hồ vài ba mét nước, vừa câu vừa cảnh giới" cho cả đám...
Hôm nay, cá có vẻ ít, hình như chưa ai được con nào to. Một người giật lên được con cá bằng 3 ngón tay, chép miệng "lại chép Trung Quốc” (tiếng lóng chỉ cá mè) - chưa đến tuổi chết mà phải chết. Anh ta tần ngần một lúc, gỡ con cá ra quăng mạnh xuống hỗ. Giật lên một con rô phi to bằng bàn tay, anh ta thò tay xuống hồ lôi một sợi dây lên. Ôi chao ơi, cá họ giấu ở đấy. Một xâu cá dài cả sải tay, con nào con nấy bị xiên lòi mắt, nhưng vẫn còn ngoe nguẩy. Bên cạnh là một cái vợt sâu đáy, lúc nhúc toàn cá. Câu chung ăn chung. Một người đàn ông mũ phớt, kính đen, áo bỏ trong quần, ngồi trên ghế nhựa, đặt 2 chân lên miếng xốp, dáng là "đại ca", các đàn em đều gọi "anh Sơn". "Anh Sơn đi đâu không về, lúc nãy thằng Kiên ròng con chép lít bảy (1,7kg) không được, tức quá vứt bố nó điếu xuống hồ rồi". Anh Sơn không nói gì, nhưng một cậu thanh niên biết ý, nhảy tùm xuống hồ bơi mãi ra ngoài Hồ Tây đến gần những con vịt nước dập dềnh của đám đạp vịt. Anh ta giơ cái điếu lên gọi to “Mất nõ điếu rồi anh Sơn ạ".
Tất cả đều sợ và phục tùng anh Sơn. Chiếc cần câu của anh hôm nay có vẻ vô duyên quá, tôi nhìn thấy một con chuồn chuồn nước cứ đậu vào đầu cần, anh nhúc nhắc cần nhưng nó không bay đi. Anh nói gì đó, lập tức một thanh niên cởi quần áo, nhảy tùm xuống nước. Dưới nước tôi thấy tấm lưng của anh ta xanh lét toàn những hình xăm quái gở. Anh lặn xuống từng chỗ cắm sào để kiểm tra "ổ mồi".
Trời đã về chiều, đám câu trộm láo nháo. Họ đang chia cá trên đảo Trấn Quốc như chia thực phẩm thời hợp tác xã thuở trước, mỗi người một xâu xách về, tôi ngỏ ý muốn xin (hoặc mua một con) anh Sơn lắc đầu: “Mày chưa đến tuổi xin cá"!
Theo một thống kê sơ bộ, có hàng trăm người ở ven Hồ Tây sống nhờ vào nghề câu, kéo trộm cá, thủ đoạn cực kỳ tinh vi. “Nhìn những cụm bèo hiền lành nổi nênh trên mặt nước, không ai nghĩ rằng đó là những cái bẫy "sát cá" trên hồ. Bọn “ngư tặc" thả những cụm bèo đó cho cá vào nấp, chúng chăng sẵn lưới phía dưới, mỗi lần cất lưới lên là được cả ổ cá. Riêng công việc tuần tra phá các cụm bèo cũng đã đủ mệt rồi”! Kỹ sư Nguyễn Văn Bân, một người trông nom cá trên hồ cho biết.
Theo TT&VH