Côn Đảo - Khi mỗi gương mặt l một hoa hồng (Phần I)

CÔN ĐẢO - KHI MỖI GƯƠNG MẶT LÀ 1 HOA HỒNG


Chào Côn Đảo

Sự cảm mến của tôi bắt đầu từ thư hồi âm của 1 cần thủ lớn tuổi mà được dân câu trong nước trân trọng gọi là Lão tướng, dân câu Hải ngoại gọi là Master Angler... ấy vậy mà chú không hề mắc bệnh sao đâu nha (Có lẽ nhờ DNA gốc giản dịchân thành đã giúp chú miễn nhiễm với căn bệnh này) .

Qua thư, chú giải thích cho tôi cặn kẽ tình hình thời tiết biển Vietnam tháng Giêng, tình trạng đánh bắt cá tại Vietnam và dặn dò những lưu ý cần thiết nhất khi câu bằng mồi giả, kể cả những khó khăn tế nhị sẽ gặp trên biển cho phụ nữ như tôi (Xúc động nhất là vì chuyện này mà chú và các anh trong nhóm câu của mình đã thiết kế 1 cái mobile toilet để tôi sử dụng khi phải lênh đênh trên biển). Thực lòng tôi nghĩ, chưa nói đến chuyện được đi câu chung với họ mà chỉ cần được chơi chung với họ, với những con người nhiệt tình và chân thành như thế cũng đã là hạnh phúc rồi.

Phải kể thêm rằng có 1 cần thủ người Nhật (Người mà chẳng ai biết là ai đấy) cũng cùng về VN với tôi đợt này nên sau khi tôi đưa cho anh xem thư của vị Lão tướng, anh chỉ kịp thốt lên: Người Việt Nam thật tuyệt!

Chứ sao nữa! Bởi khó mà kiếm được Tình thương mến thương như thế trong xã hội Nhật Bản bận rộn này, nhất là giữa những người chỉ quen biết nhau trên mạng.

Mà đã xong đâu, bởi cả 2 chúng tôi đều không có mặt ở VN cho đến sát ngày đi Côn Đảo nên lợi dụng câu Đã thương thì thương cho chót, có bao nhiêu khó khăn trong công tác đối ngoại như mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, thuê tàu đi biển... tôi lại chuyển hết bằng e-mail sang cho chú, kể cả việc thanh toán trả trước tiền vé cũng Chú ơi, chú ời... (Dù vào ngay dịp Tết nguyên đán cổ truyền). May mắn sao chú không kiêng cữ hay bực mình chi mà vẫn vui vẻ giúp đỡ chúng tôi trọn vẹn.

Hình như tôi có cái tật lớn hơn cái tuổi là rất hay nhờ vả, mượn mõ (Kể cả mượn tiền) mỗi khi đi câu vào dịp đầu năm, nếu bạn đã đọc bài Tết Việt Kể chuyện đi câu Tết Thái sẽ nhận ra ngay. Thói quen Mượn mõ này lên cao trào đến nỗi chỉ còn chưa đầy 10 tiếng nữa đi Côn Đảo (5h sáng xuất phát) mà hơn 8h tối ngày hôm trước tôi vẫn chạy qua nhà chú để... mượn cái hộp đựng cần câu.

Tôi muốn giấu vụ Chúa Chổm này cho qua chuyện, nhưng đã kịp lấy mo cau che mặt lại để tiếp tục diễn thuyết về những rắc rối quanh chiếc hộp đựng cần câu. Hy vọng đó cũng là 1 kinh nghiệm mà bạn cần biết.

Số là Lão tướng đã dặn đi dặn lại rằng : Máy bay đi Côn Đảo chỉ nhận chở thùng đựng cần không dài qúa 1.80 m mà thùng đựng cần của tôi lại dài 1,83m . Ỷ y đây là loại thùng kéo dài rút ngắn được, lại cho rằng hàng không VN làm gì mà ki bo từng cm với hành khách đến thế nên tôi cứ thủng thẳng chờ đến tối mới xếp cần vào hộp và hớn hở gọi điện báo cáo với Lão tướng: Hộp cần của con chỉ dư có 3cm thôi ạ, đầu dây bên kia Lão tướng cũng Hớn hở không kém: Sang nhà tôi cho mượn cái hộp nhỏ hơn. Ơ... , tôi ngẩn ngơ không rõ tại sao lại nghiêm trọng đến vậy thì nghe chú giải thích về sự phiền toái mà chú đã gặp trước đây với nhân viên hàng không vì chiều dài của những chiếc hộp đựng cần mà hoảng, không đợi chú nhắc lần nữa, tôi tức tốc chạy ngay đi mượn thùng. Đấy, đầu đuôi chuyện Chúa Chổm đi câu là thế bà con ạ, mong mọi người khi đi Côn Đảo cũng nên cẩn thận, đừng để cái hộp đựng cần sai 1 ly, lúc đó không phải đi 1 dặm mà là chẳng đi được dặm nào.

Rồi ngày ấy cũng đến, 5h sáng mùng 10 Tết Bính Tuất (7/2/2006) hoà trong những hành khách mặt hoa da phấn, quần là áo lượt thong thả đi du xuân Côn Đảo, có 1 nhóm 6 tên trông ăn mặc thì đã bình dân khác người, lại thêm thùng to túi nhỏ, cần dài máy ngắn... đúng dáng dân câu không lẫn vào đâu được... những gương mặt hoa hồng của tôi đấy.

Trước khi tiếp tục chương trình, xin cho tôi 1 phút để đánh bóng tên tuổi (Dù chuyến đi này chẳng áp dụng câu lăng xê gì cả) .


Từ trái qua phải: A. Sĩ lâm, Người viết, a. Hùng Bia, Lão tướng, Nội tướng, a. Hùng y tế

Kính lão đắc thọ nên dĩ nhiên tôi sẽ giới thiệu người duy nhất đeo kính lão trong đoàn trước, vâng, chú Hồ Văn Hán, người từ nãy tới giờ tôi chỉ kêu bằng chú, tuy ngọa hổ tàng long nhưng là người-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy, người chủ trì chuyến vi vu Côn Đảo lần này, người bị dân câu ghét đến nỗi không gọi tên thật mà chỉ gọi là Lão tướng. Tận tâm với Lão tướng còn ai hơn Nội tướng. Tôi vốn dốt chữ Tàu nên chẳng hiểu Nội tướng là gì, cứ dịch 1 lèo: Đây là Cô Lộ, người bạn suốt đời (Viết tắt là bạn đời) của chú Hán, người có công đẩy lui tàn dư của trận đói 45 mon men tràn lên chuyến tàu câu hôm ấy (Hồi sau sẽ rõ). Xin quý vị 1 tràng pháo tay cho 2 VIP.

Sau kính lão thì đến trọng nam khinh nữ (Số mình hẩm hiu thế nhỉ, chẳng được ngồi chiếu trên bao giờ). Trong ba NAM còn lại, tôi ưu tiên giới thiệu Anh Hùng (Rất thứ tự, phải xếp sau Ngọa hổ tàng long). Hùng, có 2 chữ Hùng! Theo tiêu chuẩn nhất thân nhì thế thì tôi sẽ o bế con rể của 2 VIP vừa rồi là anh Hùng Bia (Không biết xuất xứ cái nick này từ đâu ra, thích uống bia? làm bia? Hay do không muốn đụng hàng với ông cần thủ Hùng Rượu chữ nào đó ở phương Bắc chăng?), anh Hùng Bia là người mê câu tất cả các loại cá, trừ cá Lóc.

Ngược lại, theo tiêu chuẩn sức khỏe thì tôi loại Bia, mà chọn Y tế. Đây rồi, anh Hùng y tế, 1 cái tên mang lại sự an tâm tuyệt đối cho mọi người, nhưng hụt hẫng vô cùng khi anh bỏ nhỏ : Anh giải nghệ mấy tháng nay rồi, úi mèng! Anh Hùng y tế mê câu cá Lóc hơn bất kể loại cá nào (Gu trái ngược nhau của 2 anh Hùng này hứa hẹn 1 trận Song Hùng quyết đấu hấp dẫn đây!)

Còn nhân vật nam cuối cùng là người-mà-ai-cũng-HỎI-là-ai-đấy, vốn sinh ra và lớn lên ở Nhật, trong Passport cũng ghi chữ Japanese to chảng, nhưng vì sao đến năm 40 tuổi mới làm khai sinh ở Côn Đảo và có 1 cái tên thuần Việt rất hoành tráng Nguyễn Sĩ Lâm thì ... bí mật. Thôi, ta cứ tên Lâm mà gọi cho thân thiện, gần gũi. Anh Sĩ Lâm rất mê câu bằng mồi giả, và niềm đam mê đó truyền cả sang tôi.

Nhắc đến chữ Tôi mới nhớ ra chưa điền tên mình vào ô trống, này thì thêm Cẩm Vân nữa cho đủ sĩ số, lâu quá... gặp hoài phải không HFC?

Mới 5h sáng mà nhìn ai cũng tươi tỉnh chi lạ, thêm cái thùng trữ lạnh to gấp 2 thân mình, tôi tía lia: Wow, chỉ cần đầy nửa cái thùng này là Vân gác cần, không câu nữa, khiêm tốn ghê chưa? Vậy mà chú Hán nỡ lòng làm tôi cụt hứng: Thì ta cứ chuẩn bị thế, nhưng e khó lắm, biển động mạnh mà, thôi cứ ra đến nơi rồi tính. Tôi tiu nghỉu nghĩ thầm Phen này đi câu theo trường phái... mông lung roài!

Đến giờ, cả đoàn hùng hậu vượt qua khu vực kiểm tra an ninh 1 cách thuận buồm xuôi gió, tiến thẳng đến quầy check-in, chỉ rớt lại mình tôi cô đơn nơi máy chiếu hành lý với cái túi... đựng áo phao. Lại thêm 1 mục chia xẻ kinh nghiệm mang đồ câu đi máy bay. Tôi bị hội chứng Titanic ám ảnh nặng nên mỗi khi đi biển là khó rời chiếc áo phao, đã thế bệnh lười cũng nặng không kém nên chỉ mang theo áo phao tự động gọn, nhẹ (Loại bơm hơi bằng bình khí bên trong). Của đáng tội, bình khí này mang hình dáng và kích cỡ đúng bằng... viên đạn nên cái áo phao nhỏ gọn giúp tôi đỡ mỏi tay thì bắt tôi... mỏi miệng. Sau 1 hồi liến thoắng cộng với tài khua tay múa chân diễn tả Vật thể lạ của tôi, cô nhân viên anh ninh cũng hiểu ra và buông nhẹ giọng nữ trầm CHO QUA, tự dưng tôi thấy người phụ nữ trung niên này bỗng trẻ như cô gái đôi mươi.

Qua được khu vực kiểm tra an ninh, nhẹ bước rời khỏi quầy check-in, ung dung vượt thêm máy chiếu hành lý thứ 2 trước cửa lên máy bay... tưởng như mọi chuyện trót lọt thì bỗng nghe tiếng anh Sĩ Lâm cầu cứu oai oái sau lưng. Ối trời, 4 chiếc hộp đầy nhóc mồi giả của anh với những lưỡi câu chỉa ra tua tủa như thách thức các chú nhân viên an ninh mẫn cán. Nói thiệt, đây cũng là lần đầu tôi mới gặp chuyện không cho đem mồi giả trong hành lý xách tay lên máy bay, chứ mang đồ câu đi máy bay ở nước ngoài á...á...á... may quá, stop kịp, suýt mắc bệnh Sính ngoại! Thôi thì giải thích với anh Sĩ Lâm rằng Ta đang đi trong ánh sao vàng cờ đỏ tung bay, luật hàng không nước tôi là thế, không cho xách tay mồi giả lên máy bay thì ta đi gửi vậy, đâu có gì phải chộn rộn. Tôi giúp anh quay lại quầy gửi hành lý, để lại sau lưng tiếng nói vui như pháo tết của anh Hùng y tế Chắc sợ ta đem mồi giả ra câu...ông phi công . Bắt quả tang nói lén người nước ngoài nha!

Sau gần 30 phút vòng đi vòng lại khu vực kiểm tra và gửi hành lý (Lưu luyến các anh chị nhân viên hàng không quá mà), tôi cũng yên vị được trên chếc máy bay bé tẹo. Dỏng tai lên nghe lời chúc 1 năm mới hạnh phúc và 1 chuyến bay an toàn của cơ trưởng mà ... run bắn khi phát hiện ra hàng chữ Royal Brunei Airlines khắc trong cái hộp gạt tàn thuốc của máy bay. Hừ hừ, sao thế nhỉ? Mong rằng chỉ là chuyện râu ông nọ cắm cằm bà kia chứ không phải là cái máy bay Hết đát xứ Brunei được nhập về xứ ta mà báo chí rùm beng dạo nào.

Hết cơn sốc Brunei, đến cơn choáng Côn Đảo! Đang nửa tỉnh nửa mơ trong tiếng ru ầm ĩ và điệu võng lắc như Lam-ba-đa của chiếc máy bay hạng nhẹ, tôi nghe loáng thoáng tiếng cô Lộ Xem kìa, sóng bạc đầu thế kia mà!, không, không phải nghe loáng thoáng mà rõ là sét đánh ngang tai rồi! Ráng nhướng đôi mắt buồn ngủ nhìn qua làn sương mờ buổi sớm, biển Côn Sơn phẳng lặng như gương thường thấy trên tivi hay sách quảng cáo du lịch đã không hiện hình vào ngày hôm nay mà tôi chỉ thấy những đốm trắng chi chít trên nền nước biển xanh thẫm, báo hiệu một chuyến câu Trời hành sắp tới, vội lấy máy ra lia 1 kiểu để có bằng chứng đổ thừa nếu gặp cá LÓC-MÓM

7h10' nhóm chúng tôi đổ bộ xuống sân bay Côn Sơn, tạm rời xa tiếng động cơ êm như Đại bác ru đêm của chiếc máy bay Số đẹp, số tiến VN-B248, ai cũng khoan khoái hít căng lồng ngực làn không khí trong lành của bình minh trên đảo, tôi tranh thủ vừa thở vừa ngó cái... cột cờ. Thua rồi, lá cờ không những bay phần phật vuông góc với cái cột mà dường như nó muốn bứt phá bay tự do ra khỏi cái cột luôn thì phải. Kết hợp với lời cảnh báo của chú Hán lúc nãy và những Diễn biến thời tiết phức tạp vừa nêu, Đài khí tượng Cẩm Vân (Không phải thủy văn) nay kính báo: Khu vực Côn Đảo gió cấp 5~6, biển động mạnh cấp 6-cấp 7, tầm nhìn xa... tùy ý quý vị xài mắt thường, mắt kiếng hay kiếng mát... Tôi cuống quýt hỏi chú Hán : Sóng gió lớn vầy, ra khơi nổi hông chú?, chú Hán vẫn tiếp tục trường phái... mông lung: Thì ta cứ về khách sạn trước rồi liên hệ với chủ ghe xem tình hình thế nào. Tôi cười hì hì ngầm tán thành phương án của chú rồi líu ríu phụ các anh đẩy hành lý ra xe.

Bất cứ lần đầu đặt chân đến 1 vùng đất lạ tôi đều có những cảm xúc lâng lâng khó tả. Côn Đảo - Nơi từng được mệnh danh là Địa ngục trần gian của Đông Dương trong suốt 113 năm - trong tưởng tượng của con ếch ngồi đáy giếng tôi đây chỉ là dãy nhà tù khô khan, nghiệt ngã, là khu nghĩa trang lạnh lẽo, cô đơn... nhưng 20 phút trên đường từ sân bay về khách sạn đã mở cho tôi một bầu trời Côn Đảo thật tươi, thật mới qua ánh mắt, môi cười của những người dân đảo. Côn Đảo không ồn ào như Sài Gòn, cũng không chen chúc như Hà Nội, càng không phải biến dạng tả-pí-lù như Phú Quốc, mà CĐ vẫn còn giữ được nhiều nét hoang sơ, hiền lành và bình yên lắm. Nếu so sánh những nơi trên với Côn Đảo thì có thể tưởng tượng về 2 cô gái: 1 cô mặc quần áo thể thao ngoại nhập, có nét đẹp tân thời, khỏe khoắn với 1 thục nữ có vẻ đẹp dịu dàng mang dáng dấp thôn quê. Tôi dần yêu mến Côn Đảo không chỉ trong 20 phút này, muốn viết thật nhiều để ca ngợi nó nhưng phải giữ lại chút vốn để có cái mà buôn với mấy trang web du lịch, còn thì ở web này tôi chỉ buôn cá thôi.

Xe đưa tôi chúng tôi về đến Saigon-Condao Resort, nơi được nghe giới thiệu là khu nhà của Chúa Đảo xưa kia. Tôi thuộc tuýp người Thủ cựu bài tân, rất mê thích khám phá những di tích cổ nên khá hào hứng với khách sạn này, tuy nhiên nó chẳng còn giữ lại được nét cổ là bao. Hơi thất vọng 1 tẹo. Nhưng tôi cũng không có nhiều thời gian để tiếc nuối, chỉ kịp cất đồ đạc rồi chạy vù ra căn tin của khách sạn, nơi bá quan đã tập hợp sẵn sàng để mỗi người tiếp quản những 2 phần ăn sáng.


Saigon - Condao Resort

Hơn 8h, chiếc xe 12 chỗ theo lệnh chú Hán nhắm hướng cảng Bến Đầm thẳng tiến. Lại thêm 20' di chuyển nữa từ khách sạn ra bến cảng nhưng vừa đi vừa nghe chú Hán hướng dẫn đâu là Mũi Cá Mập, đâu là điểm cơm gạo, là nơi chú từng giật cá mỏi tay... khiến tôi không thấy chán tí nào. Anh chàng Sĩ Lâm và tôi cứ mắt chữ A mồm chữ O vừa nghe vừa nuốt từng câu chuyện của chú mà niềm hy vọng bắt cá to cũng lớn dần theo... Niềm vui ngắn chẳng tày gang, quả bóng hy vọng nổ cái bụp trong khi giọng chú Hán vẫn đều đều: Là nói về mấy đợt câu tháng 4, tháng 5 ấy, chứ mùa này sóng thế kia thì chắc khó... Nghe vậy, tôi làm thinh mà tâm trạng ngổn ngang. Người đi câu dĩ nhiên là mong bắt được nhiều cá hoặc cá lớn nhưng chuyến đi hôm nay biết trước là Khó mà cô chú và các anh vẫn bỏ công sức, thời gian và cả tiền bạc nữa để dắt chúng tôi đi như đã hứa, biết khó mà mọi người vẫn rất lạc quan vui vẻ lên tinh thần cho 2 chúng tôi thì với sự chân tình ấy , tôi cần gì bắt cá nữa đây, ngay cả buông cần, bỏ mồi để dùng cả 2 tay nâng niu tình cảm ưu ái mà tôi đang được nhận từ mọi người thì tôi cũng vẫn thấy còn chưa xứng. Tôi tâm sự điều này cho anh Sĩ Lâm nghe, anh gật gù đáp lời tôi Ngay từ buổi đầu gặp nhóm bạn này, nhất là khi nhìn thấy cái mobile toilet (Lại chuyện tế nhị này hihi) anh đã cảm nhận được 1 sự gắn bó thân ái, nên lần này đi mà không được cá cũng được niềm vui khám phá Việt Nam, thư giãn với bạn bè Việt Nam, sống như ngư phủ Việt Nam... chẳng phải người ngoại quốc nào cũng có may mắn như anh...

Buổi câu Côn Đảo này chưa biết sẽ thành-bại ra sao, nhưng tôi biết chắc nó sẽ là 1 kỉ niệm đi câu đáng nhớ đặc biệt trong nhật ký của mình, chưa tung mồi mà đã kéo được 1 mẻ lưới trĩu nặng chất chứa tin yêu bè bạn.

Xe đến cảng Bến Đầm, 1 dãy tàu hơn chục chiếc đều mang mã hiệu BTh hùng dũng hiện ra, tiếng cô Lộ dõng dạc: Tới Bến Thượng hải rồi đây này. Người tung thì phải có kẻ hứng, tôi phụ họa: Té ra đi du lịch Trung Quốc cũng gần! Anh Hùng y tế không biết do vô tình hay vì lo cho 2 người phụ nữ chúng tôi nhẹ dạ cả tin mà anh hoà giọng rất ư... lạc điệu: A, Tàu Bình Thuận đây rồi. Người đâu mà thiệt tình hết chỗ nói.

Theo lệnh chỉ huy của chú Hán Ta xem tàu BTh-xxxx màu nâu có 2 viền vàng chỗ nào, 12 con mắt lập tức nhớn nhác làm nhiệm vụ lướt tìm con tàu có màu sơn Tông-suyệc-tông ấn tượng ấy... chưa đầy 10 giây sau, những con mắt trở nên... thất nghiệp khi anh chủ tàu xuất hiện với nụ cười chân chất rộng đến mang tai, tay bắt mặt mừng với Lão tướng.

Tôi rất thích nụ cười của những người đi biển hoặc công nhân làm đường... những cái nghề biến làn da châu Á của họ như có gốc gác đâu tận châu Phi, những cái nghề khiến gương mặt họ thành 1 bãi duyệt binh của những vết chân chim dù tuổi đời còn rất trẻ... nhưng một khi họ cười, tất cả nét khắc khổ đó vụt biến vào hư vô, cả mùa xuân như hội tụ trong nụ cười của họ. Anh Tèo - chủ tàu Bth - cũng vậy, anh có nụ cười rất hiền lành, rất chân thật đến nỗi tôi phải cạnh tranh với chú Hán, xen vào bắt thật chặt đôi tay chai sạn sóng gió của anh. Tôi thầm cám ơn người đàn ông dễ mến này cùng 3 con trai của anh đã không quản ngại vất vả, nguy hiểm mà chiều theo ý thích ngược đời của nhóm chúng tôi - Đi câu mùa biển động.

Thêm chục phút nữa cho sự thăm hỏi và những chuẩn bị cần thiết cho chuyến ra khơi, con tàu BTh-xxxx đã nổ máy, đưa những kẻ say cá vào cuộc săn đầu xuân.

Gần 1 tiếng đồng hồ không phải lướt trên mặt biển mà là đánh vật với sóng to gió lớn, tàu vẫn không thể ra xa hơn như ý muốn, anh Tèo đành thả neo nơi Mũi Hảo Vọng (tạm dịch... Hy vọng có cá - Hic) , lúc này nhóm cần thủ chúng tôi bắt đầu tiến hành chia rẽ nội bộ. Anh Sĩ Lâm và tôi khua khoắng hộp mồi giả kêu lọc sọc chuẩn bị màn câu jig nên tạm thời chưa có gì để nói. Nhóm Song Hùng ra tay biểu diễn trường phái mồi thiệt bằng mực ống ấn tượng tới nỗi cô Lộ phải luôn miệng tiếc rẻ: Mực còn sống, tươi ngon thế này mà làm mồi á?. Gì mà hấp dẫn thế? Cặp mắt tò mò của tôi theo tiếng xít xoa của cô Lộ ngó vô hầm chứa, ôi thôi, đúng là dùng lũ cua, cá, mực còn sống phây phây đang nhảy nhót loạn xạ thế kia làm mồi thì đến kẻ xài hoang như tôi còn thấy đứt ruột huống gì nội tướng thứ thiệt.

Mặc kệ những cái chắc lưỡi tiếc rẻ, anh Tèo thẳng tay quăng con mực lớn cỡ bắp tay lực sĩ (Không phải tay da bọc xương như tôi) lên cho nhị vị Song Hùng mần thịt làm mồi. Tôi không biết câu bằng mồi thật mà cũng không có bạn câu mồi thật nên lần đầu tiên được thực mục sở thị cách chuẩn bị mồi rồi lại nhìn thấy mọi người đo chì, lượng dây, buộc lưỡi, móc mồi mà thấy công phu, tỉ mỉ gì đâu... Trong trạng thái bồng bềnh, biển gầm gào dữ dội như muốn nuốt chửng lấy con tàu mà mọi người vẫn bình tĩnh dõ dẫm, mắn nót từng đoạn dây, mối nối... tôi phục lăn niềm đam mê to lớn ấy.

Bây giờ mới nhớ ra chú Hán, rõ là Master Angler có khác, vừa thấy chú ngắm nghía mấy con mồi giả, đã thấy chú giải quyết xong món cá làm mồi sống cho cái cần thứ 2.


Lão tướng Hồ Văn Hán

Trừ cô Lộ trở thành cổ động viên tự nguyện, 5 người còn lại thi nhau câu kéo đủ kiểu, nhưng kiểu đặc biệt nhất đã rơi vào tay chú Hán! Kiểu câu này ban đầu làm tôi sắp... chết vì cười nhưng về sau nghe giải thích tôi mới thấm được cái kinh nghiệm câu kéo vàng ngọc của Lão tướng, cái miệng dùng để cười ban nãy chuyển sang hệ Khẩu phục, khẩu phục, khỏi nói cũng biết là Tâm rất phục rồi.

Suốt từ lúc 5 người bắt đầu quăng mồi, tôi đã thấy 1 cái bong bóng màu cam cách tàu khoảng 50 ~ 60m, bị sóng dập tơi bời mà vẫn hiên ngang nổi lềnh bềnh trên mặt nước xanh thẵm, tôi nhủ thầm sao tàu này phát tín hiệu SOS sớm thế hay là có ý nghĩ gì khác nhỉ... nghĩ trộm vậy nhưng không dám ho he sợ bị chê dốt (mà dốt thiệt). Thêm một lúc nữa mới thấy người kéo quả bong bóng đó lên là... chú Hán. Tôi lại nghĩ lão tướng vui tính ghê, vừa bận câu mà vẫn chơi bong bóng. Nào dè, khi chú kéo lên cả bong bóng lẫn con mồi sống bằng cùng 1 chiếc cần thì tôi bật ngửa, không phải trò chơi trẻ con rồi. Sao lại là quả bong bóng nhỉ? Tôi hạ giọng năn nỉ rất ư khổ nhục kế: “Chú ơi, lợi ích của quả bong bóng là gì vậy? Chú làm ơn chỉ giáo cho con bớt... lạc hậu ạ & tôi đã khai thác được bí quyết của lão tướng cho HFC nhà ta như sau (Đừng phổ biến ra ngoài nhé, bí quyết mất linh)

Dùng bong bóng để câu cá săn mồi ở tầng nước từ trên mặt xuống đến 5-6 thước bằng MỒI SỐNG (live bait) khi tầu đang neo hoặc thả trôi. Cũng có thể câu từ bờ đá hoặc cầu cảng nếu gió thổi đúng hướng muốn câu.

Lưu ý: Khi câu bằng mồi sống, thường không dùng chì để con mồi sống dễ dàng di chuyển và kích thích mạnh mẽ các con cá săn mồi hơn.

Lợi ích dùng bong bóng để câu :

- Khống chế độ lặn sâu tối đa của con mồi sống bằng cách điều chỉnh độ dài của thẻo sau bong bóng. Thường để chiều sâu tối đa x 3 - Ví dụ muốn khống chế độ lặn sâu của con mồi sống ở tầm 5 thước thì để thẻo dài 15 thước.

- Dễ dàng dưa con mồi ra xa chỗ mình ngồi câu (70 - 100 thước), vừa để con cá săn mồi không bị ngoại cảnh chi phối vừa tránh vướng các đường câu khác.

- Làm phao báo khi có cá ăn mồi. Phao này rất dễ quan sát từ xa ! Cá mồi kéo nhẹ, nó cũng chuyển động.

- Làm giảm lực của cú đột phá đầu tiên - thường rất mạnh - của con cá mắc câu.

Lưu ý: Câu với bong bóng, khi cá cắn câu nên để nó chạy mươi giây, sau đó so dây và đóng cá. Đóng ngay sẽ trượt...(Kinh nghiệm buồn của chính Lão tướng!)

Không biết còn thêm công dụng nào nữa không, nhưng thọ giáo đến đây là tôi đã muốn chạy đi bấm chuông cà phê Trung Nguyên ngay lập tức rồi, để làm gì ư? Để nhận giải Khơi nguồn cảm hứng sáng tạo mới chứ sao nữa!

Quay lại với những diễn biến trên con tàu Tông xuyệc tông sau 20' thả mồi, Anh Hùng Bia thể hiện tài năng bằng 1 con cá Mú to đến nỗi... phải nâng bằng 2 ngón tay (Chứ sử dụng cả bàn tay e nó bẹp nhép), mở hàng 1 chuyến câu đầu năm ... thất bát, hic!

5 phút sau, bà con lại thêm 1 phen náo loạn khi anh Sĩ Lâm bằng mồi giả đã nhẹ nhàng dìu được 1 chú cá Nhồng... bé bỏng lên tàu, tôi phân vân có nên chụp hình con cá Tuổi thơ xa mẹ này không thì anh Sĩ Lâm đã... năn nỉ: Thôi, tha cho khoảnh khắc bôi bác nhất của anh đi. Cũng như con Mú của anh Hùng, lần này tôi cũng rộng lượng không hợp tác với... KONICA, phải giữ sĩ diện cho ngoại kiều Japan chứ. Mà nói cho ngay, không ai trong chúng tôi còn nghĩ đến chuyện hình, ảnh được nữa. Trong cái dập dồn của ngày biển động, giữ chắc được cái cần là đã thở không ra hơi rồi, đâu dám xa xỉ sức khỏe cho cái camera.


Sóng cả... ngả tay chèo (1 chiếc thuyền bị sóng hất thẳng vào vách núi)

Càng về trưa, biển động càng mạnh, anh Sĩ Lâm xuất thân từ đất nước của sóng thần, động đất mà còn chịu không nổi sóng này, 2 lần gục mặt xuống biển... cho cá ăn chè. Trong tiếng tít tít giục giã của chiếc máy tầm ngư, Anh Tèo cố gắng điều khiển con tàu vượt từng ngọn sóng bạc đầu đi tìm luồng cá. Ngay cả khi tàu dừng hẳn, không 1 ai còn giữ được dáng câu chuyên nghiệp Đất nước đứng lên nữa mà phải giương cần, quăng mồi trong tư thế ngồi bẹp xuống sàn tàu, gương mặt ai nấy đều thoáng nét phờ phạc. Thực lòng tôi mệt và đói lắm rồi, buông cần ra thì mắc cỡ là người bỏ cuộc đầu tiên mà cố ôm miết lấy cần câu chắc lọt xuống biển vì hoa mắt lúc nào không hay. Bạn cũng biết rồi đó, Dù bạn có ghiền câu bạn cũng không thể quên đi được cơn đói sẽ đến với bạn trong từng ngày từng giờ, huống chi tôi không câu được con cá nào từ sáng đến giờ nên càng dễ nản, mà ngó ra chung quanh thấy mọi người tuy lộ vẻ thấm mệt nhưng hình như không có biểu hiện của sự giải lao, kể cả cô Lộ vẫn đang hào hứng diễn thuyết: Từ sáng giờ chỉ có 2 con cá sơ sinh này thảm vậy, cố mà câu được con nào khoảng 5, 6 ký đi thì tôi nấu ngót cho mà ăn. Không rõ cô đang động viên hay đang hứa hẹn... nhưng tôi nghe xong đoạn Cá 5, 6 ký bỗng thấy cô đang xử ép nhóm cần thủ chúng tôi rồi.

Họa vô đơn chí, mà cơn đói kéo đến nhanh không kịp cản, tôi phát tín hiệu đói, đói, đói đầu tiên... Bé Tí, con trai anh Tèo lật đật chạy đi vo gạo, nấu cơm. Cô Lộ sau mấy tiếng làm cổ động viên cho 2 phe mồi giả, mồi thiệt, và là cổ động viên đặc biệt tích cực cho phe mồi giả-thiệt của chú Hán thì chuyển nghề, quay ra trổ tài bếp trưởng. Lúc này, tôi nhìn người nội tướng nhanh nhẹn chuẩn bị bữa cơm giữa biển mà thầm cám ơn cô. Thì ra ban sáng khi vừa xuống đến cảng Bến Đầm, trong lúc mọi người lo hàn huyên hay ngắm cảnh thì cô Lộ đã tất tả chạy ngược lại khu chợ gần đó mua thức ăn, hoa quả cho cả tàu. Nhìn số thực phẩm ít ỏi nhưng chu đáo từ mớ rau thơm để nấu canh đến trái dưa hấu dùng tráng miệng đều có đủ cả, tôi ngạc nhiên lẫn ngưỡng mộ tài căn cơ của cô.

Không câu được cá to thì đành tiễn 2 con cá Mú, Nhồng sơ sinh kia về cõi tiên vậy. Thế là được 1 nồi canh chua ngon tuyệt. Anh Tèo mở hầm chứa, nghe nói là lấy thêm cua cá trong đó góp cho bữa cơm thêm phần thịnh soạn thì lại thấy anh xúc lên 1 đống mực, đủng đỉnh loan tin: Sóng lớn quá đập vô tàu như vầy làm mực chết hết rồi. Trời đất, hồi sớm mơi còn gần chục con mực to khoẻ ngon lành là vậy mà sau mấy tiếng đồng hồ bôn ba cùng người nơi biển cả đã hồn lìa khỏi xác, nằm cứng ngắc trên tay anh Tèo tội nghiệp thế kia. Anh Hùng y tế và Sĩ Lâm đang câu phía mũi tàu nghe tiếng lao xao phía đuôi tàu đằng này cũng xếp cần chạy tới (Do hiếu kỳ hay đói bụng vậy ta?)

(Còn nữa)

Nghiêm cẩm Vân

Các tin khác cùng chuyên mục
Lời Cảm Ơn - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:38:23 CH
Cá mực khổng lồ - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:36:00 CH
Thông báo giao lưu - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:33:43 CH
Rủ nhau đi Oánh lục - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:32:43 CH
Chợ cá Tsukiji - một nét văn hoá xứ Phù Tang - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:32:16 CH
Côn Đảo - Khi mỗi gương mặt l 1 hoa hồng (Tiếp theo v hết) - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:31:48 CH
Hồ Cấm Sơn - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:30:42 CH
Hồ Pá Khoang - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:30:16 CH
Tự làm bún chả cá - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:29:49 CH
Mít non, cá chuồn - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:29:18 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.