Côn Đảo - Khi mỗi gương mặt l 1 hoa hồng (Tiếp theo v hết)

Côn Đảo - Khi mỗi gương mặt là 1 hoa hồng


Con mực may mắn, được chụp trước khi Thuỷ hoả táng

Tôi sẽ nhớ hoài bữa ăn trưa trên biển hôm đó. Con thuyền chòng chành, cơm canh sóng sánh, người ngồi ngả nghiêng vào nhau mà nụ cười vẫn nở trên môi. Nhiều người hay hỏi tôi sao đi xa nhà đã lâu mà vẫn nặng lòng yêu quê đến vậy... tôi nghĩ nếu họ cũng có những giây phút Bên nhau ta có ta thế này, họ sẽ hiểu vì sao. Tôi nhớ về những buổi câu biển phải tự mua cơm nắm, bánh mì đem theo (Điều rất bình thường ở nước ngoài) mà thấy thân thương làm sao tiếng cô Lộ và các anh giục giã: Ăn đi, ăn nhiều vào, về lại bên đó đắt đỏ không có mà ăn đâu! (Cũng là 1 điều rất bình thường của người Việt Nam mình, bạn nhỉ!)


Nhà hàng nổi

Ăn-ngủ là 2 động từ luôn đi chung, gắn bó thân thiết với nhau, tôi vì không muốn cãi lại ý trời nên rất ngoan ngoãn thực hiện đúng theo thứ tự: Sau bữa ăn trưa là leo lên khoang giữa ngủ 1 mạch... quên câu luôn. Chỉ đến khi nghe tiếng hò reo mừng anh Hùng Bia giữ vững phong độ, tiếp tục kéo thêm vài con cá Mú Xứng lứa vừa đôi với con lúc sáng tôi mới choàng tỉnh, lồm cồm bò ra câu tiếp.

Không rõ trong khi tôi ngủ, con tàu đi thêm được bao xa, nhưng tôi biết chắc là địa hình câu đã khác khi thấy cây cần của mình đã được anh Sĩ Lâm thay cho loại mồi giả trọng lượng nhẹ hơn, anh cẩn thận đứng từ phía mũi tàu ra hiệu cho tôi Đáy cạn, có nhiều đá ngầm chừng như nhắc nhở tôi cẩn thận chuyện kẹt mồi vào đá. Anh vừa ngừng ra dấu cũng là lúc tôi thả xong con mồi 150gr chạm đáy, chưa được 2 vòng quay thì đầu cần đã bị vít xuống, giật rung bần bật, chui tọt vào gầm tàu... tôi chới với, cá gì mà dữ dằng vầy nè. Tôi đã tỉnh ngủ mà cảm giác câu được cá lớn vẫn khiến tôi lâng lâng như người mộng du, đoạn cước vẫn nằm lọt thỏm trong gầm tàu, đích thị là cá lớn, tôi thét gọi ứng cứu mà sao anh Sĩ Lâm chỉ đứng ngó chứ không hăng hái giúp tôi kéo cá như mọi lần nhỉ? (Chắc là ganh ghét tài năng đây mà). May quá, anh Hùng Bia nhanh tay đỡ cần cho tôi, vừa kéo vừa thăm dò, chú Hán thấy tình hình căng đã phát sóng điều khiển từ xa Bình tĩnh, xả bớt dây ra! Xả mo-bin đi!, tôi nhanh nhẩu đoảng, hưởng ứng lời chú bằng 1 hành động ngớ ngẩn đến hy hữu MỞ dây ra, chú Hán chỉ kịp kêu Trời, không phải thế... kể thì dài dòng nhưng sự việc chỉ diễn ra trong tích tắc, anh Hùng đã phát hiện không phải cá mà là đá ăn mồi của tôi, nhưng do sóng cả nên con tàu vừa xoay vòng vừa đảo mạnh cộng với cái đầu giàu trí tưởng bở của tôi mà cứ ngỡ cá to kéo dây vào gầm tàu... Quá ư thất vọng, lại thêm quê độ, tôi ngồi phịch xuống bần thần nhìn những con sóng đáng ghét cứ chồm lên táp vào mạn thuyền như chọc tức mình. ngỡ đã yên thân, bỗng nghe giọng anh Sĩ Lâm chăm sóc sát bên tai: Mồi bị kẹt đá chứ gì? Thấy là biết rồi, tại em a-ma-tơ nên cầm cần mà cũnng không hay đó thôi . Híc, tôi tức chết vì gã này, thấy người ta chới với, không đưa tay nghĩa hiệp ra giúp thì thôi, lại đạp thêm 1 phát cho chìm nghỉm luôn, hay người Nhật họ vẫn còn hận chúng ta từ cái dạo năm 45 nhỉ!


Nhật - Việt: Huề thôi!

Thôi không chơi được với ngoại kiều thì ta về ta tắm ao ta, tôi quay ra buôn chuyện câu kéo với chú Hán, mắt hết tròn lại dẹt khi nghe chú kể chuyện bôn ba sông hồ của chú, nhất là đoạn đi câu cá mập bằng thùng phuy ở Úc. Chú Hán vốn ít nói, số lượng từ ngữ chú đem ra buôn khan hiếm như hàng hoá thời bao cấp, nhưng chất lượng từng câu chuyện thì ngang ngửa tiêu chuẩn I-ZO. Là tôi nghĩ thầm chứ có nói ra đâu, sao cô Lộ biết mà phản ứng rất chi bụt chùa nhà không thiêng: Tôi không biết cá mập cá ốm gì của ông, tới chiều nay mà ông không câu được con nào cho tôi nấu cơm thì tôi cứ gọi ông là Hán Ze-zô. Lời nội tướng có hiệu quả tức thì, chú Hán đứng bật dậy bất kể đang cơn sóng to gió lớn, khí thế quay máy của chú hiên ngang làm cho ai ai cũng hồi hộp nín thở chờ đợi, và giờ G đã điểm! Lão tướng kéo lên con cá đầu tiên trong tiếng cười hân hoan của cả đoàn tàu, chú Hán cũng cười mà để ý kỹ sao thấy nụ cười méo xẹo, và phải để ý kỹ hơn nữa mới thấy được con cá Đốm chú vừa câu lên... hì hì, hoan hô chú Hán đã phấn đấu vượt qua chính mình, lập kỷ lục Cá bé nhất trong đời cần thủ câu biển của chú. Tôi đưa máy lên sắp làm động tác gìn giữ cho muôn đời sau chợt nghe có tiếng bon chen của anh Hùng y tế: Chụp con bạch tuộc của anh nữa chứ!, con bạch tuộc của anh mới xứng đáng vào guiness. Tôi ngơ ngác nhìn ứng cử viên bạch tuộc mà quặn ruột vì cười khi nghe anh giới thiệu tiểu sử xuất thân của nó: Anh câu được nó từ hồi sáng mà đâu dám khoe, giờ thấy con Đốm của chú Hán sắp giật mất kỷ lục nên phải đưa nó ra trình làng, rồi như sợ tôi chất vấn thêm nên anh Hùng y tế lanh miệng quảng cáo luôn: Mà em thấy anh hay hông, cả tàu này đâu có ai câu được bạch tuộc như anh Tôi sợ anh uốn lưỡi thêm vài lần nữa thì cái tàu này sẽ biến thành kho thuốc nổ mất nên vội vàng bấm máy, miệng vẫn luôn théc méc: Chú ơi, anh ơi, đâu là ngón tay, đâu là cá


Xứng đôi

Chưa kịp viết báo cáo tình hình cá nhà trẻ thì xế chiều chú Hán lại kéo lên thêm 1 con Đốm phá kỷ lục 2 con lúc nãy, cô Lộ cám cảnh than giữa đất trời Ban đầu ông đi lạc vào nhà trẻ, bây giờ ông lại bắt nhầm con cá quấn tã đi chơi, lạ 1 điều chú Hán không giận mà còn cười tươi ra chiều khoái chí, chắc chú mừng vì thoát được bí danh Hán ZE-ZO đó mà. Đúng như tôi dự đoán, chú Hán nâng niu con cá (Phải dùng kính hiển vi mới thấy) đắc thắng truyền lệnh : Nhà trẻ thì vẫn còn hơn Zero. Cô Lộ tỏ lòng bao dung hạ giọng: Ông không là Zê-zô thì là Hán tí teo vậy Lúc đó tôi đang uống nước mà suýt sặc. Với chiều cao tương đương 1m8, gom hết thành viên trên tàu lại có ai dám cạnh tranh với chú đâu mà cô phải thiên vị phu quân đến thế cô ơi.

Cơ khổ, chú Hán né được biệt danh tai tiếng đó thì ổn, nhưng mà cô Lộ rất thích số zero hay sao mà cô đảo mắt 1 hồi điểm danh: Hôm nay có Sĩ Lâm Nhồng, Hùng Mú, Hùng Bạch Tuộc, Hán Tí Teo vậy thì còn chữ Zê-Zô sẽ tặng cho... Tôi cản đường lập tức Hôm nay con đi theo làm thư ký cho mọi người chứ không phải đi câu ạ. Mọi người làm chứng giùm, từ sáng tới giờ con ôm camera nhiều hơn ôm cần mà. Liền sau đó, tôi nghe rõ ràng tiếng cười hà hà hà, hì hì hì của chú Hán và anh Hùng hết sức châm biếm. Sao họ cười vào Sự thật nhỉ???!!!


Hơn là Zê-Zô

Về chiều, anh Tèo đưa thuyền nép gần vách núi nên có cảm giác gió nhẹ, biển động cấp 2 ~ cấp 3 hay năm thứ nhất đại học mà thôi, trên tàu lại chuẩn bị bữa cơm tối. Vẫn là những món ban trưa còn lại nhưng nhờ ơn mấy con cá Mú của anh Hùng mà cả tàu có thêm dinh dưỡng. Kết thúc 1 ngày lênh đênh là bữa cơm đạm bạc, sao tôi ăn thấy ngon miệng chi lạ. Với bí danh Vân zero cô Lộ vừa đặt cho, tôi tự hỏi mình có buồn vì không câu được cá không, có ngay câu trả lời trong bữa cơm này đây. Người ta nói Lòng buồn nuốt cơm không vô, còn tôi thì vẫn vô tư thưởng thức. Tôi hỏi thăm Sĩ Lâm cảm nghĩ của anh cả ngày nay, anh bảo Thất bại - Nếu đòi hỏi về số lượng cá, nhưng anh lại thấy mình giàu có hơn. Tôi biết anh không nói dối.

Trời sập tối rất nhanh, gió biển mang hơi lạnh buốt, những rặng núi đã mờ trong sương, tầm nhìn xa giảm xuống chỉ còn vài mét, có mưa rào rải rác... Chúng tôi xếp cần lại, ngồi bên nhau nghe anh Tèo kể chuyện về nghiệp mưu sinh trên biển. Giọng anh đều đều, thấy như buồn vui sướng khổ gì cũng có vị mặn của nước biển hoà cùng nước mắt, mồ hôi trong từng lời anh nói. Trước nay tôi vẫn tưởng chỉ có làm ăn trên cạn mới gặp nhiều ức hiếp, té ra xuống đến nước mỗi người 1 thuyền như dân chài mà vẫn chưa hết bất công. Tôi dè dặt bày tỏ sự phẫn nộ thì anh Tèo đã khua khua tay, giọng anh hiền lành cam chịu: Cá lớn nuốt cá bé... Cuộc sống mà!

Đêm đến, cả giàn đèn tàu phát sáng chói loá, tôi háo hức chờ xem cha con anh Tèo câu Mực, 4 người ngồi 4 góc trong màn mưa bắt đầu nặng hạt. Lần đầu tiên tôi được thấy người ta câu mực ở Việt Nam, ngộ lắm nha. Họ không dùng mo-bin để câu mà cầm 1 cuộn dây được quấn quanh cái trục gỗ hình trụ rỗng ruột, rồi điều khiển cổ tay dẻo như múa mỗi khi muốn thả mồi hay thu dây.


Kéo mực tuy cực mà... dzui!

Còn nhóm cần thủ chúng tôi, sau 1 ngày bị sóng gió Côn Đảo oanh tạc, vẫn chưa chịu đi nghỉ. Chắc là ai cũng như tôi, chờ xem lũ mực dính câu của nhóm anh Tèo để vui ké chăng! Nhưng thất vọng vẫn hoàn thất vọng, biển không khoan nhượng tặng chúng tôi thêm con cá, con mực nào nữa. Quả là chuyến câu trời hành!

Nhưng hôm ấy trời không những hành mà còn bất công nữa. Tội nghiệp cô Lộ, người ít mang tội lỗi với lũ cua cá và biển cả nhất (Trích nguyên văn lời chú Hán) lại bị đày cho tơi tả, nằm bẹp trên khoang Delux (Nơi duy nhất trên tàu chỉ bị nước mưa ghé thăm chứ không bị nước biển tạt vào). Nhìn người hoạt náo viên kiêm bếp trưởng, kiêm phó nháy, kiêm thủ quỹ cho cả đoàn diễn lại vai chính của anh Sĩ Lâm hồi sáng mà xót ruột, tôi cũng hết tinh thần thi đua, gà gật đi tìm 1 chỗ khiêm tốn trong khoang Delux để ngả lưng.

Với tôi, không phải đây là lần đầu ngủ thuyền, ngủ ghe nhưng là lần đầu ngủ giữa thiên nhiên khi biển động nên thấy thấm phần nào cái cơ cực của người ngư phủ. Trừ cô Lộ và tôi được ưu tiên nằm khoang Delux, 8 người còn lại kể cả bé Tí mới 13 tuổi hay anh chàng ngoại kiều đất nước Japan giàu có cũng nằm co ro qua đêm dưới sàn tàu ẩm ướt. Càng về khuya, sóng đánh càng mạnh, gió rít phụ hoạ từng hồi, đêm đen như mực đồng loã làm tăng thêm phần hung tợn của thiên nhiên. Trong vài giờ đầu, tôi mấy lần thức giấc vì tưởng tàu sắp lật tới nơi, nhìn xuống sàn thấy mọi người vẫn ngủ say mê mệt, mặc cho đang có mưa trên trời dội xuống hay nước dưới biển tạt lên... Giờ nhớ lại cảnh này tôi vẫn còn xấu hổ. Khi thấy mọi người lầm than như thế nhưng do qua buồn ngủ, cộng thêm tật làm biếng có đẳng cấp nên tôi... nằm xuống ngủ tiếp, coi như vô sự. Chỉ đến lần sóng dập cuối cùng, phải ngồi bật dậy thủ sẵn cái áo phao, chợt thấy kế bên trống trải, nói dại, tôi tưởng cô Lộ bị sóng đánh xuống biển mất rồi, vội đảo mắt nhìn quanh thì nhận ra cô đang lom khom đi đắp chăn cho con của anh Tèo và những người còn lại. Tôi lặng người đi vì xúc động (và hối hận nữa), người phụ nữ tuổi lục tuần đang ngất ngư vì say sóng như cô mà vẫn gắng gượng, âm thầm chăm sóc mọi người xung quanh trong đêm hôm mưa gió, còn tôi thì thiệt là... câu kéo thì dở mà ăn ngủ thì giỏi hổng ai bằng, đáng mặt thanh niên Sức dài vai rộng, lao động thì KHÔNG. Hình như yên tâm mọi người đã được giữ ấm, cô Lộ quay lại chỗ nằm, tôi nín thinh nghe rõ lời cô lẩm bẩm: Cô không dậy kịp thời cho chúng mày chết rét. Tôi bị lương tâm vừa cắn vừa rứt thêm khoảng 10 giây nữa, nhưng chắc nó cũng mệt như chủ nên lăn ra ngủ, tôi tranh thủ ngủ theo cho đến sáng.

Trời còn tờ mờ, tôi nghe tiếng nhạc réo rắt từ chiếc Radio mini của anh Tèo như thúc giục Dậy mà câu hỡi đồng bào ơi, tung chăn ra dòm thì thấy đồng bào đã dậy từ bao giờ, tôi đành vừa đánh răng vừa tự an ủi Đồng bào bị bệnh mất ngủ hết rồi. Cô Lộ còn say sóng nên vẫn nằm thưởng thức tiện nghi trong khoang Delux, mọi người chưa ăn sáng đã ôm lấy cây cần hòng gấp rút gỡ gạc lại cho cô Lộ và anh Sĩ Lâm 2 chầu chè hôm qua. Biển hôm nay có phần bớt động nhưng anh Tèo cảnh báo Không đâu, bữa nay biển sẽ động mạnh hơn hôm qua.

Sau bữa sáng, tất cả lại vào vị trí chiến đấu, tôi vịn thành tàu tiến được đến vũ khí của mình thì ... thở dốc. Đưa tay nhấc thử cây cần mà thấy nó phân thân thành 3 phiên bản, lại còn nặng như thiết bảng của Tề Thiên (Đoán thế chứ tôi đã được cầm khúc gậy đó bao giờ đâu), rõ là say sóng rồi, say sóng rồi! Hu hu! Cô Lộ như đi dép Biti's trong bụng tôi nên cất giọng: Vào nghỉ đi Vân ơi, cô thấy mày lừ đừ lắm rồi. Chỉ đợi có vậy, tôi leo tót lên khoang Delux yêu dấu, mắt khép hờ đến khi trời sáng bạch.

Vừa chân ướt chân ráo đặt xuống sàn tàu đã nghe chú Hán khoe: Lúc nãy V ngủ (Oan cho tôi quá, chỉ khép hờ mắt thôi mà), chú trolling hụt 1 con cá to lắm. Không thấy cá đâu nhưng nhìn con mồi giả gần 2 tấc nham nhở dấu răng mà tôi tiếc ơi là tiếc. Nhìn sang tả hữu, thấy các anh vẫn miệt mài thi gan với biển 1 cách chăm chú, trừ anh Hùng y tế đang ngồi xếp bằng bóc kẹo cafe ra ăn ngon lành. Tôi nhìn anh như quan sát hiện tượng lạ của cần thủ thì thấy anh làm 1 chuyện lạ lùng hơn nữa - mặt hướng ra biển, tay kính cẩn thả cục kẹo càfe xuống nước, miệng thành tâm cầu nguyện Thủy ăn kẹo đi rồi bà Thủy cho con xin 1 con . Không rõ vì cục kẹo cafe làm Bà mất ngủ hay vì hợp đồng trao đổi 1 cục kẹo - 1 con cá bất bình đẳng của anh Hùng khiến Bà Thủy nổi giận tới nỗi 1 tiếng đồng hồ sau, Bà lại tiếp tục trêu ngươi chú Hán khi cho 1 con Nhồng to vật vã cắn câu. Tất cả thành viên trên tàu vùng dậy, dồn hết hy vọng cuối cùng vào đôi tay ôm cần lão luyện của chú Hán. Con cá Nhồng nhảy nhót (hay giãy giũa ???) lao xao trên mặt biển, cách xa khoảng trăm thước mà nhìn rõ nó to như bắp tay khiến cô Lộ cũng phải đánh tiếng: Ông câu được con cá này tôi khỏe ngay... Cô vừa dứt lời, sợi dây chùng hẳn, chú Hán nhẹ nhàng thu cước lại, mọi người tản ra chăm sóc cây cần của mình, vì lý do nhân đạo, các bạn đừng hỏi tôi Thế con cá Nhồng đâu rồi?

Tới nước này thì người ít nói nhất là anh Hùng Bia cũng phải tạo 1 câu cảm thán đầy đủ Chủ - Vị ngữ Chưa bao giờ thấy Ông già đi Côn Đảo mà về tay không như lần này. Nghe rồi chú Hán lạc quan: Thì gửi tạm nó lại đây, tháng 4 ta ra kiếm sau. Đang nói chuyện hẹn hò đi câu vào tháng Tư mà không hiểu sao cô Lộ lại góp lời rất... kinh tế: Ông tính đi tháng Tư nữa à, ham chơi như ông mà không có tôi thu vén, cho ông nghèo kiết xác! Tôi bật cười vui lây với tình nghĩa gừng cay muối mặn của cô chú.

Nhưng sự kiện vui nhất (Mà không biết nên cười hay khóc) được cả tàu bình chọn trao giải Hy Hữu rơi vào tay anh Hùng y tế. Số là sau khi thả viên kẹo cafe ban sáng, thì xế trưa ăn Hùng được bà Thủy thương tình cho câu đuợc 1 con cá đốm to lớn đúng như kích thước và trọng lượng của viên kẹo cafe (Đến thần thánh cũng sòng phẳng ghê chưa). Quá xúc động vì món quà bất ngờ, anh Hùng đưa con cá vẫn còn đang cắn câu ra cho mọi người làm chứng và... chuyện ngàn năm có 1 xảy ra: Con cá vùng vẫy hòng tuột khỏi lưỡi câu, cuối cùng nó đã được như ý nguyện, rơi tõm xuống biển. Nhưng lạ 1 điều con cá gặp nước rồi mà không bơi, nó nổi bồng bềnh trên mặt biển như còn luyến tiếc điều gì. Anh Hùng và tôi nhìn lại cái lưỡi câu thì cả 2 đồng thanh kêu Trời, con Đốm bỏ quên bộ ruột! Ruột của nó treo toòng teng trong thẻo lưỡi câu sắc lẻm. Thì ra con Đốm tức tưởi Hồn lìa khỏi xác còn vương tơ lòng mà chưa nỡ vẫy chào: Thân đi, ruột ở lại đó mà. Sau chuyến Côn Đảo này, anh Hùng y tế có thêm bí danh nghe rất xã hội đen: Hùng lòi ruột! Bó tay!

Gần trưa, tình hình có chiều thê thảm, Lão tướng hạ lệnh rút quân. Con tàu vựơt sóng đưa quan quân về lại cảng Bến Đầm.

Trắng tay trở về mà bảo không buồn... là thật ra tôi đang dối lòng, nhưng nỗi buồn nhẹ tựa lông hồng ấy đã bị cuốn theo chiều gió nhường chỗ cho niềm vui câu được những bài học lớn từ mọi người, từ đại dương, những bài học có giá trị hơn lũ tôm cá rất nhiều. Tôi thầm tạm biệt những chỏm núi đã che chắn cho tàu của chúng tôi qua tới nay, thầm cám ơn biển xanh Côn Đảo đã tặng tôi mấy chục sàng khôn chỉ trong 1 ngày đàng. Bắt tay chào từ giã cha con anh Tèo tôi vững tin nói lời hẹn ngày tái ngộ, bởi tôi biết mình khó lòng thoát khỏi sự quyến rũ của sóng nước, đất trời Côn Đảo.


Tạm biệt anh Tèo!

Vẫy tay gửi lại con tàu Bình Thuận những buồn vui của buổi khai cần đầu xuân. Nhóm chúng tôi phi thẳng về SG - CĐ Resort làm 1 cuộc tổng vệ sinh cho cần máy và... cần thủ. Vừa mở cửa phòng, tôi choáng váng khi thấy có người lạ phía tủ kính. Cha mẹ ơi, quần áo thì đúng kiểu dáng của tôi, tầm vóc cũng là ngang tôi, mà sao gương mặt tơi tả thế kia? Tôi tuy không trắng lắm nhưng cũng chưa bao giờ sở hữu làn da vừa đen vừa đỏ độc đáo dường này, Nắng Việt Nam chất lượng cao đây mà! Lúc đó thì có xót xa chút ít, nhưng về sau tôi lại thích nước da nâu đồng này bởi nó tạo cho tôi 1 nét riêng khác với thiên hạ đến nỗi từ anh giữ xe hay cô dọn bàn ở quán cũng trầm trồ: Mặt chị bị gì mà cháy... ghê vậy? .

Gác lại chuyện xấu đẹp, tôi tẩy trần qua loa, nghỉ lưng lấy lệ, nhập năng lượng vừa đủ rồi tiếp tục hội nghị bàn dài nghe mọi người tính toán tìm điểm câu ven bờ tối nay.

Hội nghị giải tán trong tình trạng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh . Cô Lộ long thể bất an nên không ý kiến, chỉ cử đại diện là chú Hán tham gia. Song Hùng trung thành với mồi thật nên 2 anh phải chạy vòng quanh Côn Đảo phải giữa trời trưa nắng gắt tìm chỗ bán mực làm mồi. Anh Sĩ Lâm và tôi không quá cực khổ như Song Hùng vì là môn đồ của phái Mồi giả nên rủng rỉnh chút thời gian đi thăm nhà tù chuồng Cọp và thắp nhang cho mộ chị Võ Thị Sáu, cầu nguyện linh hồn chị siêu thoát, tiện thể xin chị phù hộ cho chiều nay câu được 1, 2 con cá (Chưa đến phút thứ 90 nên vẫn nuôi hy vọng gỡ bàn danh dự chứ nhỉ, mọi người) .


Dưói gốc Lê-ki-ma

Chúng tôi quay về khách sạn, chân chưa đạt đến bậc thềm đã quay ra theo tiếng gọi đi thực địa ngư trường của anh Hùng y tế. Đứng trên cầu tàu 914, chú Hán vạch kế hoạch tác chiến về đêm cho nhóm chúng tôi, kẻ dùng mồi nên giả tập kich chỗ nào, người dùng mồi thật nhớ đột kích ở đâu, toàn quân hào hứng nhận lệnh, người người phấn khởi chờ đêm, khí thế quyết chiến không hề suy giảm, mọi người hăng hái như chưa từng biết đến cơn lốc biển và cơn lóc cá vừa qua.

Sau bữa cơm tối, chiếc kim đồng hồ chầm chậm nhích dần đến số 8, mọi người nôn nóng lên đường ngay nhưng tôi cố tình trì kéo cho quá 8h mới yên tâm xuất phát (Dù tôi cũng phấn chấn lắm), bởi người xưa đã dặn muốn xuất hành may mắn thì phải đi hơn về kém mới thiêng. Tôi thuộc hệ vô thần nhưng vì sự nghiệp câu kéo cao cả, tôi sẵn sàng ghi danh lớp học Kinh nghiệm kiêng cữ dân gian nhập môn.

Năm người chúng tôi kéo nhau ra bờ biển, sóng vẫn dồn dập trút giận vào bờ, men theo bờ là những rạng đá đen thẫm hăm he nuốt gọn mấy con mồi giả yêu quý của tôi bất cứ lúc nào. Anh Sĩ Lâm biết tôi rất kém khoản giải thoát mồi giả khỏi vướng đá nên chân thành khuyên tôi hãy tập câu mồi thật lần này để mấy con mồi giả đỡ tổn thọ, để tôi thoát khỏi tội làm trái gây hậu quả nghiêm trọng với chúng, thế nên tôi theo chân Song Hùng năn nỉ cho thọ giáo cách câu mồi thật. Chúng tôi đi bộ thêm 5 phút nữa thì đến địa điểm mà các anh cho là thuận tiện để trổ tài, tôi quên không hỏi lý do vì sao lại chọn nơi đó nên bây giờ không có gì mà buôn với các bạn về cách chọn địa hình của dân câu mồi thật (Là do đang mải ngắm Côn Đảo về đêm mà).

Mới hơn 8h tối nhưng con đường Tôn Đức Thắng vắng tanh, không 1 bóng người, không 1 tiếng xe máy, cả tiếng nhạc sập sình hỗn tạp thường thấy của hàng cà phê ở những điểm du lịch cũng không nốt, có thể nói Côn Đảo bình yên đến từng ngọn cỏ, hạt sương.Trong cái lành lạnh êm dịu của đêm, chỉ nghe tiếng sóng xô bờ và nhịp thở của chính mình... ôi, hình như lâu lắm rồi tôi mới được nghe tiếng biển Nguyên chất đến vậy, lòng thanh thản lạ lùng!

Đang mơ màng theo tiếng sóng thì tôi bị nhóm Song Hùng đánh thức bằng 1 mùi hương đặc biệt không keyboard nào tả xiết, tôi biết ngay ám khí phát tán từ túi mực làm mồi mua hồi trưa, gần như mếu, tôi nói với 2 anh: Em thấy chỗ này chắc cũng câu bằng mồi giả được, thôi, để em thử. Anh Hùng y tế (dù nói đã giải nghệ) nhưng chưa bị lục nghề, bắt mạch tôi chính xác: Em cứ câu bằng mồi thật đi, không sợ hôi đâu, anh móc mồi giùm cho. Ôi, quý hoá quá! Tôi nhận lời liền dù tôi là người xưa nay ghét nhất những kẻ học đòi quý-sờ-tộc, đi câu mà có người theo móc mồi, quăng dây giùm, chỉ chờ đến khi có cá cắn câu mới ra tay... phen này tôi bị quả báo, chắc đang bị các bạn ghét lại rồi (Đừng ghét tôi cho phí sức nhé bạn, bởi bạn có ghét tôi cũng hổng biết đâu mà, hihi)

Mặc dù cố gắng nuốt từng lời chỉ dẫn tận tình của anh Hùng về cách sử dụng chì, lưỡi, mồi thế nào cho hiệu quả khi biển động, tôi vẫn không thể cảm được bộ thẻo mồi thật này, đến khi anh trao cây cần lại cho tôi thì... tiến thoái lưỡng nan. 1 kẻ nào giờ quen tiêu khiển với bọn mồi giả, chỉ 1 dây, 1 mồi với chiều dài để chuẩn bị quăng quá lắm cũng chỉ là 40~50cm. Bây giờ nhìn thẻo mồi thật mới khủng bố tinh thần chứ: dài thì cả thước, lại là 2 đoạn dây tách ra khiến chì 1 nơi, mồi 1 nẻo, gió thổi đánh tung toé 2 sợ dây ra xa nhau, làm sao mà quăng đây trời. Tôi phân vân có nên liều 1 phen không? Chắc nên, ngạn ngữ Tây hay Tàu chẳng đã dạy ta thất bại là mẹ thành công đó sao? Mà chắc không nên, chưa quen tay lỡ cục chì văng xuống biển còn lưỡi câu móc trúng miệng mình thì không biết sẽ ca bài hu hu hay híc híc nhỉ?

Thấy tôi cầm cây cần đầy đủ vũ khí rồi mà còn đứng xớ rớ, anh Hùng y tế bắt mạch tiếp: Nè, coi anh quăng trước rồi em thử lại nha, nói rồi anh nhẹ nhàng biểu diễn 1 cú quăng mồi ngoạn mục, trông rất đẹp mắt, tôi ngộ nhận sao mà dễ thế nên giằng ngay lại cây cần, bặm môi lấy thế quăng 1 phát ... nghe tiếng dây tuôn ra khỏi tay quay rất vui tai và... cạch! Tại sao thẻo lưỡi không rơi xuống nước lại rơi ngay tảng đá nhỉ? Đừng thắc mắc, bạn hỏi tôi, tôi biết hỏi ai?

Không biết Song Hùng có đang cười ngặt nghẽo trong bụng hay không, nhưng anh vẫn khuyên tôi thử lại lần nữa Không khó lắm đâu, câu cá Hồi khó vậy em còn câu được nữa là..., đó, lại giọng điệu khích tướng rồi! Biết thế nhưng vẫn thấy mát lòng mát dạ, quả nhiên lời khen trong trường hợp nào cũng giúp người ta lên mây!

Sau vài lần dìu dắt đứa học trò chậm tiêu nhưng đã có chút tiến bộ, anh Hùng y tế để tôi tự thân vận động, còn anh quay ra giải quyết bộ thẻo của mình. Đúng là trời cao có mắt, anh Hùng quăng mồi vài lần đã được biển tặng ngay 1 con cá Đốm to hơn bàn tay như thưởng công người tốt việc tốt mà anh giúp tôi nãy giờ. Không chần chờ trận Song Hùng quyết đấu được mở ra ngay lập tức khi anh Hùng Bia cũng kéo lên 1 con cá Đốm nữa to tương đương để cạnh tranh. Tôi đang nhảy nhót chung vui với các anh thì cần của tôi cũng giật nhè nhẹ, 1 con Đốm nữa nộp mạng, tuy không lớn như 2 con đàn anh nhưng khiến tôi vui như Tết, là lá la, cám ơn chị Võ Thị Sáu, cám ơn anh Hùng.

Sau chiến thắng liền tay, chúng tôi mới nhớ ra chú Hán và anh Sĩ Lâm. Nhìn sang trái thấy dáng chú Hán tít đằng xa đang lững thững đi tới, nhìn sang phải thấy anh Sĩ Lâm tất tả chạy về. Tôi chờ anh thở xong mới hỏi: Anh đang ở Cầu tàu, sao biết bọn em câu được cá ở đây mà quay lại vậy?. Ảnh trả lời tỉnh bơ: Đâu có biết mọi người có cá, tui quay lại vì đang câu ở cầu tàu bỗng dưng điện tắt tối thui, nhớ ra đây là nơi 914 người bỏ mạng nên tui... chạy lẹ . Tôi hết ý kiến với anh chàng này những cũng kịp ghi vào bộ nhớ phát hiện mới : Đâu chỉ con nít mới sợ ma...

Gần 11h đêm, gió chuyển sang lạnh buốt, anh Hùng Bia vẫn giữ kỷ lục số lượng khi tiếp tục kéo lên vài con Đốm nữa, anh Hùng y tế phá kỷ lục chất lượng bằng 1 con cá Bè to nhất chuyến đi, tôi thoả mãn khi câu được con cá Đốm thứ 2 (Dù nó được ưu tiên cho 2 chữ nhỏ nhất). Vì thông tin nhạy cảm nên tôi xin phép không công bố thành tích của chú Hán và anh Sĩ Lâm. Ai muốn biết thì gọi phone đường dài sang Nhật, tôi hứa sẽ kể cho bạn nghe sự thật. Không tiếp qua mail.


Tích tiểu thành đa

Chuyến câu Côn Đảo của nhóm chúng tôi là vậy, không gặp khủng long hay thủy quái, không có những kỹ xảo ôm cần, dùng máy đặc sắc như bạn mong đợi khi đọc bài viết về câu cá. ...có lẽ nó khiến bạn dễ chán giữa chừng vì không học hỏi thêm được kinh nghiệm câu kéo nào... Đành vậy, tôi vẫn viết ký sự này ra đây vì nó là sợi dây biểu cảm, nối lời bài hát mà tôi rất thích, nhưng tới hôm nay tôi mới hiểu được ý nghĩa trọn vẹn:

Khi mỗi gương mặt là 1 hoa hồng
Ta mải mê nhìn người quen hay lạ

Để mắt ta in bóng hình tất cả...

Nghiêm Cẩm Vân.

Các tin khác cùng chuyên mục
Hồ Cấm Sơn - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:30:42 CH
Hồ Pá Khoang - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:30:16 CH
Tự làm bún chả cá - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:29:49 CH
Mít non, cá chuồn - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:29:18 CH
Gỏi cá Miền Trung - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:28:53 CH
Canh cá Quỳnh Côi - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:28:29 CH
Cá đối kho mía lau - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:28:02 CH
Suối cá thần ở Cẩm Lương - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:27:42 CH
Đến Cửa Lò, đi câu mực - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:27:05 CH
Trường Sa - Điểm du lịch lý tưởng - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:26:33 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.