Bên hông thị trấn Cẩm Thuỷ, sông Mã phân định ranh giới giữa xã Cẩm Phong phía bên bờ Bắc và xã Cẩm Sơn ở bờ Nam. Phía Cẩm Phong, cũng là một khu phố xá đông vui. Thời Pháp thuộc, chế độ thực dân đặt huyện lỵ Cẩm Thuỷ bên đó. Quanh cầu Cẩm Thuỷ, một làng chài với hàng chục lồng nuôi cá xếp nối đuôi nhau tạo thành một nét cong mềm mại uốn theo bờ sông. Nghề đánh bắt và nuôi cá đã có truyền thống lâu đời của cư dân ở huyện miền núi Thanh Hoá này, khi họ được thiên nhiên ban tặng con sông Mã xinh đẹp và giàu có.
Ngược dòng sông Mã, chúng tôi theo Quốc lộ 271 hướng về phía cửa khẩu Na Mèo sang nước bạn Lào. Xã Cẩm Lương cách thị trấn 12km. Cây cầu treo Cẩm Lương chưa hoàn thành phần ván, chúng tôi đành để hai chiếc xe Minsk cồng kềnh đồ đạc lại bờ Nam, lên đò ngang qua sông Mã. Đi thêm khoảng 3km là đến suối cá Lương Ngọc, nằm sát chân núi.
Dòng suối nhỏ rộng khoảng 3m, bị chắn bằng một đập tràn để lấy nước tưới ruộng. Từ ngoài vào, đã nhìn thấy những đàn cá con tung tăng. Càng vào sát chân núi, càng nhiều cá lớn, và đến trước một cửa hang rộng bằng khoảng 4 bàn tay, hàng nghìn con cá to bằng bắp chân nằm sát bên nhau, kín đặc cả suối.
Bà con thôn Lương Ngọc cho biết, cá ở đây chủ yếu là giống cá dốc. Thân cá giống cá trắm, nhưng môi đỏ chót. Ngoài ra, suối cũng có các giống cá trôi, chép, leo hoa, chày…Cá dốc cũng sinh sống ngoài sông, nhưng cá sông màu trắng, còn cá ở suối này có màu xanh sẫm. Thịt cá dốc sông ăn ngon như thịt cá trắm.
Con suối Lương Ngọc bắt nguồn từ trong lòng núi, trong đó cũng có một hệ thống hang động rất rộng. Cá sinh sống trong con suối ngầm này, ăn rêu và lá cây hai bên bờ rụng xuống suối. Lá dâu da xoan, lá bạng, lá cây long lạnh, thậm chí cả lá bưởi, cá đều ăn được cả. Hàng ngày, vào lúc 5 giờ sáng, cá nối đuôi nhau qua cửa hang ra nằm chơi ngoài suối, đớp lá cây. Đến tối, khoảng 19 giờ, cá lại kéo nhau vào ngủ trong hang.
Tuy cá nhiều như vậy, nhưng dân ở đây không ai ăn thịt cá, họ coi đây là giống cá “Thần”, nếu ăn thịt sẽ gặp điều không may. Dân làng còn lập bàn thờ bên suối đề thờ cúng, và hàng năm, từ ngày 8 đến 15 tháng Giêng âm lịch, mở hội tế thần núi, thần sông, thần cá bên bờ suối.
Người dân Cẩm Lương rất tôn trọng cá suối thần. Nhiều lần nước lụt cá tràn cả ra ruộng lúa. Đến
|
Chú bé tinh nghịch cho cả ngón tay vào miệng cá
|
lúc nước xuống, bà con nhìn thấy cá dốc màu xanh đen, biết không phải cá sông đều đem về suối thả lại.
Từ mấy chục năm nay, nghe tiếng suối cá thần, du khách đổ về tham quan rất đông, nhất là các dịp lễ tết. Cá ở đây rất bạo dạn, không hề sợ người. Trẻ con thường hái để bán những chùm lá dâu da lấy 1-2.000 đồng để du khách cho cá ăn. Mỗi khi lá đưa xuống sát mặt nước, cá đua nhau nhảy lên đớp, khiến mặt nước đang yên tĩnh xao động trong giây lát. Cá thường chỉ nằm lững lờ dưới mặt nước, nhưng mỗi khi chúng vờn đuổi nhau là dân làng biết hôm sau trời sẽ có mưa.
Có chú bé nghịch ngợm còn đưa cả ngón tay vào miệng cá mà kéo bổng con cá lên, có lẽ răng cá không sắc. Tuy nhiên, nếu tung xuống suối miếng thịt, cá vẫn ăn ngon lành. Hoặc cá có thể nuốt gọn từng hạt lạc một. Bà con bảo có du khách còn cho cá ăn mỳ tôm, nhưng hình như món này không hợp với sức khoẻ của cá nên họ khuyên du khách không nên ném mỳ tôm cho cá ăn nữa.
Dù cá sinh sống kín mặt suối, nhưng điều kỳ lạ là nước suối không hề có mùi tanh. Chỉ cách miệng hang có 100m, dân làng vẫn tắm gội, giặt giũ bình thường. Thậm chí, trước đây, người dân Lương Ngọc còn dùng nước suối để ăn uống, chỉ khoảng 15 năm nay mới ăn nước giếng đào. Ông Quốc, một người dân đi làm về đang tắm dưới suối vui vẻ nói: “Trước đây cứ chiều về trai các làng bên kéo về đây tắm gội đông vui lắm. Họ vừa ngắm cá, vừa ngắm các cô gái xinh đẹp quê tôi tắm giặt ở đây”.
Cá suối sinh sản vào tháng 4, 5 âm lịch hằng năm. Dòng suối ngầm cá sống chảy trong chiếc hang có nhiều cửa thông ra sườn núi. Nghe kể là hang rất rộng, vòm cao đến 15m, và nước trong đó sâu đến 2-3m. Cửa vào nằm ở lưng núi, trong khi cửa ra khá thấp, sát chân núi. “Đó là vào cửa cha, ra cửa mẹ. Cửa cha nghiêm khắc nên ở cao, nhưng cửa mẹ hiền từ, nhân ái”, một phụ nữ Mường cho biết như vậy.
Trước đây, người ta vào khai thác vàng trong hang, chính quyền sợ làm ảnh hưởng môi trường khiến cá chết nên đã ngăn cấm. Mười mấy năm trước, một đoàn các nhà khoa học Nhật Bản cũng đã vào hang nghiên cứu, nhưng không biết kết quả của họ thế nào.
|
Giặt giũ ngay trên suối cá
|
Anh Bùi Quốc Sỹ, nhân viên tổ bảo vệ suối cá (do ủy ban xã tổ chức để làm dịch vụ du lịch) cho biết. Cách đây mấy năm, cửa hang thông từ dòng suối vào núi còn rộng, anh còn nhìn thấy con cá nặng đến 20kg. Nhưng sau đó, địa chất vùng núi này có biến động, cửa hang sụp xuống chỉ còn hẹp như bây giờ, từ đó không còn nhìn thấy con cá lớn lạ thường này nữa, không biết nó đã chết trong suối ngầm hay mắc kẹt không ra được.
Rời suối cá thần, qua đò sông Mã quay lại đường Hồ Chí Minh tiếp tục hành trình, chúng tôi vẫn chưa hết ấn tượng về suối cá lạ kỳ nơi đây. Mai kia, đường Hồ Chí Minh thông tuyến, cầu treo Cẩm Lương cũng đã hoàn thành, chắc chắn suối cá sẽ còn hút du khách hơn nữa, và sẽ giúp bà con người Mường trong vùng có thêm một nguồn thu nhập đáng kể để cải thiện cuộc sống.
Cẩm Thuỷ, ngày 19 tháng 4