Đến với Biển Hồ

Khi đến gần Phnôm Pênh, gặp dòng Mê-kông rồi lại chia làm hai ngả qua đất Cam-pu-chia vào Việt Nam. Mê-kông với Tiền Giang và Tông-lê Sáp với Hậu Giang, rồi đổ nước ra biển Đông với chín cửa (Cửu Long). Điều kỳ diệu của tự nhiên do dãy núi Con Voi chạy dài từ Thái Lan qua vùng ven bờ biển của Cam-pu-chia tạo nên con đập tự nhiên ngăn nước ở đồng bằng Cam-pu-chia không chảy ra vịnh Thái Lan. Biển Hồ nằm cách Phnôm Pênh chừng tám chục cây số về hướng tây bắc. Về mùa khô, Biển Hồ chỉ sâu chừng một, hai mét. Sông Tông-lê Sáp dài 160 km và chỗ rộng nhất tới 36 km. Khi mùa mưa đến (ở Cam-pu-chia từ tháng năm đến tháng mười), nước bắt đầu lên. Nhưng nước của lưu vực Tông-lê Sáp chưa thể tạo nổi Biển Hồ. Chính dòng Mê-kông hùng vĩ có lưu lượng nước trung bình khoảng 475 tỷ m³ và tải xuôi 250 triệu tấn phù sa hằng năm. Khi chảy đến chỗ gặp Tông-lê Sáp, dòng nước Mê-kông một phần xuôi về châu thổ Cửu Long, một phần chảy ngược dòng Tông-lê Sáp theo hướng tây bắc đổ nước vào Biển Hồ. Biển Hồ lớn lên từng ngày trong mùa mưa, đều tiết lũ cho vùng châu thổ Mê-kông. Khi nước hồ đầy, diện tích có năm rộng tới 160 nghìn km² và chỗ sâu nhất từ chín đến 14 m, là kho chứa nước ngọt lớn nhất vùng Đông Nam Á và hồ cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Khi mùa mưa ngớt, nước của Mê-kông ít dần, nước từ Biển Hồ lại theo sông Tông-lê Sáp và Cửu Long ra biển. Biển Hồ teo lại rồi lại đợi lúc lớn lên vào mùa mưa năm sau.

Với nhiều người dân Campuchia, Biển Hồ là nguồn sống. Biển Hồ nuôi nền nông nghiệp của nước này, điều hòa nước, mang phù sa bồi đắp những cánh đồng màu mỡ, cung cấp từ 60 đến 80% chất đạm cho những người dân của đất nước đang còn nghèo bởi hậu quả của 30 năm nội chiến và nhất là sự hủy diệt đất nước trong thời Khmer đỏ. Ở Biển Hồ có tới 300 loài cá nước ngọt, trong đó có các loại cá ngon nổi tiếng. Đã đánh bắt được con cá chép nặng tới 135 kg. Giống cá thác lác làm chả cá băm viên nổi tiếng thế giới, to tới bốn, năm kg. Cá chuối, cá trê có con nặng vài chục kg và những đàn cá trích có mẻ lưới đánh được một vài tấn.

Mặt trời vàng ngả về tây, tôi theo những ngư dân dong thuyền độc mộc đi đánh cá chuối, cá trê. Một đêm họ có thể bắt được một vài trăm kg. Trên Biển Hồ có những ngư dân chuyên sống bằng nghề đánh bắt cá, nhưng cũng có nhiều người khi mùa cá nổi mới đến kiếm cá để dùng trong năm. Bờ phía tây bắc của Biển Hồ có cố đô Ăng-co Vát của vương quốc Khmer hùng cứ một thời, suốt từ năm 827 đến năm 1431 mới bị vương triều Ai-út-thai-a triệt hạ, kinh đô dời về Phnôm Pênh từ đấy. Trên nhiều tấm phù điêu của Ăng-co có các cảnh trồng cấy trên đồng và chài lưới trên Biển Hồ. Dòng Mê-kông tạo dựng Biển Hồ, nhưng trong tương lai không xa, khi khoảng 60 con đập trên dòng chính và các nhánh của Mê-kông được xây dựng với tổng công suất 37.000 MW điện, sẽ có từ 50 đến 60% lượng nước của Mê-kông bị giữ lại ở các hồ chứa trên thượng và trung nguồn, cùng với nước là hàng trăm triệu tấn phù sa. Biển Hồ đang đứng trước nguy cơ thay đổi. Hiện nay trên dòng chính Mê-kông và các nhánh sông con có 24 chiếc đập đã xây xong, hằng năm mới giữ lại khoảng từ 16 đến 20% lưu lượng, nhưng nhiều rừng ngập nước quanh Biển Hồ chết dần chết mòn. Các nhà khoa học tính rằng nếu thay đổi trong khoảng 25% lưu lượng, tính an toàn về thủy văn và sinh thái của sông, của hồ không mấy đổi thay, nhưng trên tỷ lệ đó sự thay đổi sẽ diễn ra. Thế giới đã từng chứng kiến những dòng sông, những cái hồ trở thành sông, hồ chết trong khoảng thời gian ngắn. Sông Cô-lô-ra-đô ở Mỹ và Mê-hi-cô, sông Nin ở Ai Cập, biển kín A-ran ở U-dơ-bê-ki-xtan... đều có sự can thiệp quá đáng của con người.

Tôi đã đến bờ phía đông bắc của Biển Hồ lúc đầu mùa mưa, đêm đêm mắc võng trong những vạt rừng ngập nước ven hồ, nghe cá ăn đêm đớp mồi xôn xao cả vùng nước lớn. Vượt qua sông Tông-lê Sáp đỏ phù sa bằng thuyền của các ngư dân sống trên nhưng xóm nổi đôi bờ, tanh tanh mùi cá, đến nay tôi vẫn chưa quên cái mùi thơm khói, cái vị béo ngậy của thịt cá chuối phơi tai tái vài ba nắng, nướng trên lửa than hồng của những người Khmer tốt bụng chiêu đãi tôi.

(báo Nhân dân cuối tháng số 51 ra tháng 07-2001)

Các tin khác cùng chuyên mục
Câu cá dò trên biển, giật mỏi tay! - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:22:38 CH
Luận về mồi câu cá chép - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:22:16 CH
Những ngư trường ở biển Việt Nam - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:21:14 CH
Đặc sản cá niêng"Quảng ngãi - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:20:48 CH
Hầm hô - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:20:28 CH
Câu cá - Thú vui điền viên - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:19:58 CH
Hương vị quê hương - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:19:21 CH
Hồ Ba Bể - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 9:51:49 CH
Cơm Mường Quạ, cá sông Giăng - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 9:50:33 CH
Cá Măng - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 9:50:10 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.