Trong cuộc thiên di của người Thái, từ phía bắc vào nam, khi đi đến miền tây nam xứ Nghệ, bắt gặp con sông, nước trong xanh trôi lững lờ, nước uống vào vừa mát, vừa ngọt. Cạnh con sông có một bãi đất màu mỡ, có hàng nghìn loài chim sinh sống ở đó, nhiều nhất là chim quạ.
Con sông bắt nguồn từ dãy núi Pù Mát (giáp biên giới Việt - Lào) chảy xuôi dòng luồn lách quanh co qua những dãy rừng đại ngàn, nước quanh năm trong xanh, giăng dài đẹp như một dải lụa xanh. Họ đặt tên là sông Giăng. Cánh đồng nhiều chim quạ gọi là Ðồng Quạ.
Trong quá trình xây bản, lập mường, họ đặt tên là Mường Quạ. Dân bản Mường Quạ giao cho No Thảo chăm lo nuôi cá ở dưới nước; No Xi chăm lo tìm kiếm các giống lúa trồng trên đồng Mường Quạ. Hai anh em tận tình với công việc được giao. Thấy thế mẹ Thượng Ngàn; mẹ Thỏa (nước), giúp sức vào tìm kiếm, chỉ một thời gian sau, sông Giăng có rất nhiều loài cá, người lội qua sông phải rẽ cá mà đi, người xuống sông tắm từng đàn cá đến vây quanh đùa giỡn, nhiều nhất là cá mát, "Bể thu, đao; rào rầm mát". Cá mát sông Giăng, được sống trong môi trường nước sạch, trong lành, ăn những phù du của rừng Pù Mát ban phát cho, cá mát sông Giăng vừa béo, vừa ngọt, vừa dai, vừa mềm, rất ngon, dư vị khác hẳn cá mát các sông khác.
Dân bản ở đây, Tết đến ai chưa có cá mát cúng tổ tiên, xem như chưa có cỗ cúng Tết.
"Năm hết Tết đến - chúng con chỉ có
Một trành cá mát - Một bát mật ong
Một chén rượu lạt - dâng lên tiên tổ
Phù hộ chúng con - ăn nên làm ra
Con suối lắm cá - cây rừng lắm hoa"
(Bài cúng Tết dân tộc Ðan Lai)
Từ một bãi đất hoang, dân bản đã biến Ðồng Quạ thành một cánh đồng màu mỡ, trù phú, một cánh đồng lúa nước (sông Giăng) tưới tiêu, nên đã cho những hạt thóc quý giá, gạo tẻ cơm ngon dẻo, ngon nhất là cơm lam. Ðặc biệt có loại lúa nếp Khầu Cú Páng (lúa nếp vàng) xôi hông lên có mầu vàng, có chất dầu như mỡ gà trộn vào, mầu vàng óng ánh, mùi thơm ngào ngạt. Nếp xôi Khầu Cú Páng được ăn kèm với cá mát sông Giăng thì phải nói là tuyệt. Nhiều du khách đến thăm Mường Quạ được ăn "Cơm xôi Mường Quạ, cá nướng sông Giăng" đều tấm tắc khen và nhớ mãi, bởi thế mới có câu ca:
"Cơm Mường Quạ, cá sông Giăng".
ST