Biển Hồ Tơ Nưng còn gọi là hồ Ea Nueng. Từ thành phố Pleiku theo quốc lộ 14 đi về thị xã Kontum, khi đến km 7 thì rẽ về tay phải, theo con đường mòn dẫn đến hồ. Cả một biển nước mênh mông lóng lánh dưới ánh mặt trời hiện ra trước mắt du khách. Chung quanh bờ hồ là những bãi lau sậy, còn trước mặt hồ thì bồng bềnh những đám bèo, là nơi ẩn náu của nhiều loài chim và các loại côn trùng.
Biển Hồ Tơ Nưng thật đẹp, thật quyến rũ, nhất là vào những ngày đẹp trời. Chung quanh bờ hồ có thể nói là cả một vườn hoa đầy màu sắc. Nhiều nhất là hoa ê ban màu sữa chấm phá lung linh giữa khoảng không gian xanh biếc. Hoa mua màu tim tím. Hoa ngải màu phơn phớt trắng hồng...
Hồ Tơ Nưng còn là nơi ẩn náu của các loài chim, như chim sin sít lông tím, mỏ hồng, sớm chiều kêu vang lảnh lót như tiếng kèn đồng; chim bói cá có màu lông sặc sỡ, xanh biếc lẫn ánh cam; chim cuốc đen trui trủi hoặc màu lốm đốm hoa mơ... Những chú chim Kơ túc, Kơ vông thấp thoáng trong các cụm hoa sen, hoa súng trên mặt hồ. Các con le le, ngỗng trời lặn ngụp trong những bãi lau sậy nổi trôi bồng bềnh giữa mặt hồ gợn sóng. Trên trời xanh, những chú chim đ\'rao chao đảo, chim trắc la bay lượn không ngừng.
Biển Hồ Tơ Nưng còn là vựa cá lớn của Tây Nguyên, gồm đủ loại cá nước ngọt như cá chép, cá trắm, cá trôi, cá đá, cá niềng, cá chày, cá ngựa... bơi lội nhởn nhơ. Ngoài ra còn có rùa, ba ba, lươn, chình là những thuỷ sản sống lâu năm trong hồ.
Những ngày có mưa lớn, hàng trăm con suối đổ về đây và nước biển hồ dâng lên lai láng. Thuyền độc mộc là phương tiện đi lại duy nhất và thuận tiện nhất trên mặt hồ. Nhiều buôn làng của người Ba Na, Gia Rai sống trên bờ hồ, ngoài săn bắn, hái lượm, làm nương rẫy còn sống bằng nghề đánh bắt cá.
Đối với biển hồ Tơ Nưng, đồng bào Gia Rai có nhiều kỷ niệm đau buồn qua chuyện kể sau đây: Ngày xửa, ngày xưa nơi đây là buôn làng sầm uất với những dòng suối nước trong veo. Hàng ngày tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng đàn hòa vang thành những khúc nhạc rộn rã, âm vang khắp núi rừng. Thế rồi một năm nọ, trâu bò cả làng đều chết. Dân làng cho là Giàng (Yang) ghét bỏ nên cùng tộc trưởng vào rừng săn bắt nai đem về làm lễ cúng Giàng. Lễ xong, mọi người đang vui say, tin rằng Giàng sẽ phò trợ. Nào ngờ, mặt đất bỗng nhiên rung chuyển mạnh làm sụp đổ cả làng xuống vực sâu, nước tràn ngập, không còn một ai sống sót. Riêng có vợ chồng Mạc Mây bận đi thăm bà con ở xa nên đã tránh được tai nạn thảm khốc. Về làng, chỉ thấy toàn biển nước mênh mông, quá bàng hoàng, khiếp sợ bèn chạy đi báo các làng lân cận về tin khủng khiếp này. Cũng từ đó, người Gia Rai nhớ thương da diết những người đã khuất vì tai nạn trên và luôn luôn xem biển hồ Tơ Nưng là chứng tích của một sự kiện bi thảm khó quên được.
Truyền thuyết là vậy, còn theo các nhà khoa học thì hồ Tơ Nưng chính là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu năm qua. Hồ có hình bầu dục, sâu từ 20-30m với diện tích 230ha. Bờ hồ chính là miệng núi lửa nhô cao cho nên đứng từ xa vẫn trông thấy rõ. Hồ Tơ Nưng là một trong những hồ đẹp nhất ở Tây Nguyên, khi gió to thường có sóng lớn nên mới gọi là biển hồ. Còn người địa phương gọi là Tơ Nưng, có nghĩa là biển trên núi.
Khách phương xa đến thành phố Pleiku có lẽ không quên đi thăm biển hồ. Tại đây, khách có thể dùng thuyền độc mộc dạo chơi trên mặt hồ mênh mông mới thấy thú vị làm sao! Đẹp nhất là vào những đêm trăng sáng, mặt hồ càng huyền ảo, lung linh. Nếu đến đây vào dịp lễ hội, du khách sẽ được bà con buôn làng mời tham dự vào cuộc múa hát, vui say bất tận rồi quên hẳn lối về...
Biển hồ Tơ Nưng thật xứng đáng là viên ngọc quý của đất trời Tây Nguyên. Hy vọng rằng tới đây, cùng với sự phát triển của du lịch Tây Nguyên, biển hồ Tơ Nưng sẽ trở thành điểm du lịch thật sự thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan.