Bắt cá thì có đủ cách: chài, lưới, câu, cắm chà… Bây giờ xuồng ghe nhiều, mặt sông cần được giải phóng thông thoáng cho mọi người dễ dàng. Chứ còn ngày trước, nếu có dịp đi bằng xuống chèo, xa xa bạn sẽ trông thấy một đám chà lớn. Cắm chà là cách bắt cá đòi hỏi sự cần cù, tài năng của cư dân miền sông nước.
Đầu tiên phải chọn nơi để cắm chà và phải cắm thế nào cho con cá bơi qua sẽ ghé lại trú ngụ, rồi sinh sôi nảy nở… Vui nhất là lúc dỡ chà, người ta lấy đăng bao kín đám chà, rồi mới nhổ từ từ. Con cá bắt được bằng cách này còn sống, vừa tươi ngon, lại sạch sẽ, không phải mất công rửa nhiều như cá tát đìa. Và vì bắt được nhiều thứ cá nhưng không thứ nào nhiều, nên người ta thường bán lộn xộn các thứ cá với nhau, bán theo mớ cho bà con trong xóm, nghĩa là nhắm chừng chứ không cân ký.
Mía dùng để kho cho món này cũng vậy, dùng mía thường cũng không sao, nhưng với mía lau thì ngon hơn nhiều, vì mía lau vị ngọt thanh. Thường ở quê nhà nào cũng có trồng mía lau, để dành cho những lúc cảm sốt nóng trong người, chặt vào đem nấu chung với rễ tranh làm thức uống, rất mát.
Cách kho cũng không có gì khó, mía lau róc sạch cắt thành từng dóng mía, chẻ làm hai, làm tư, xếp dưới đáy nồi rồi mới xếp cá lên trên. Chỉ cần một chút nước màu thắng vừa vàng tới, bỏ vào nấu riêng cho thật sôi, nêm nếm gia vị cùng với muối, không dùng nước mắm, sau đó đổ chung vào nồi mía và cá đã xếp sẵn, tiếp tục nấu trên lửa nhỏ, cho đến khi thật sắc. Lúc con cá mềm, mía cũng ra nước ngọt là lúc múc ra dĩa thưởng thức được.
(Theo báo Cà Mau)