Hồ Thác Bà – Giấc mơ trở về tuổi thơ ấu (Phần I)

 

Ra khơi

     Từ thành phố đến hồ chỉ hơn chục ki lô mét, rất dễ tìm vì đến ngã tư trung tâm thị trấn Yên Bình có biển chỉ dẫn, rẽ trái là Hồ Thác Bà, rẽ phải là cầu Văn Phú đi tắt về Cổ Tiết – Cầu Trung Hà – Hà Nội. Nếu đi thẳng thì về Đoan Hùng – Phú Thọ … là tuyến đường quen thuộc.

    Với chiều dài 55km, chiều ngang khoảng 10km, Hồ Thác Bà thực sự là một mê hồn trận với 1200 hòn đảo dày đặc. Nếu tính từ đập thủy điện đến thượng nguồn sông Chảy ở Bảo Nhai hoặc tính từ Bảo Yên thôi … thì chiều dài Hồ Thác Bà cũng đã lên tới hàng trăm ki lô mét. Tôi còn nhớ vào những năm 80 thời bao cấp, thời đó thịt cá phải mua bằng tem phiếu, nói chung là cán bộ nhà nước cũng như dân tình rất đói nghèo. Vậy mà thời đó có những chuyến xe ô tô chở đầy cá đánh bắt từ Hồ Thác Bà đem ra cửa hàng thực phẩm đổ xuống sân thành một núi cá. Những con cá măng 20-40kg chỉ là chuyện quá đỗi tầm thường trong con mắt người dân thị xã Yên Bái hồi đó. Thứ nhất là vì họ từng nhìn thấy những con cá còn to hơn thế, thứ hai là vì cá măng ăn nhạt nhẽo chán chết, thứ ba là họ chẳng có tiền mà mua. Tem phiếu thì họ để dành mua thịt, chứ cá thì ăn làm cái quái gì cho hóc xương. Nếu hết thịt để bán ( thực ra phải dùng từ phân phối ) thì cá trở thành nỗi kinh hoàng của dân Yên Bái. Một tuần sau mà còn nhắc đến cá là ai nấy lắc đầu quầy quậy. Cá măng ăn nhạt nhẽo, nát toét, nói chung là chẳng ra gì, nhưng nếu lát mỏng ướp qua nước muối đậm đặc phơi một nắng rồi đem sấy hun khói thì ngon vô cùng, làm mồi nhậu thì cứ gọi là …

     Thế nhưng có một nghịch lý là trong khi hầu hết các gia đình đều đói khổ và ăn cơm độn sắn, ngô, khoai thì hầu hết cá ươn ế ẩm bị đem … muối cho lợn ăn. Có thể bạn không tin, nhưng cái gì cũng có nguyên do của nó. Cậu bạn học cùng tôi có bà mẹ buôn tem phiếu, sau nhà cậu ta la liệt những thùng phuy 200 lít thường dùng chứa dầu hỏa. Thi thoảng tôi đến chơi lại thấy những cái thùng đó thò ra một … cái đuôi cá. Lại gần xem thì cha mẹ ơi, nguyên một con cá măng bự cùng vài con nhỏ hơn cắm đầu xuống, nêm chặt cái thùng, muối rắc lên trên. Cái thùng phuy cao chừng 1m, vậy mà cái đuôi con cá còn thò lên khoảng 50cm. Hỏi ra mới biết chuyện này như cơm bữa, vài ngày cá muối khắc rữa ra và sụn xuống, hơi đâu băm chặt cho rách chuyện, để nuôi lợn mà. Cá thì nhiều, tem phiếu thì có hạn. Không có chuyện đem ra chợ bán, vì như thế thì khác chi lạy ông quản lý thị trường tôi buôn tem phiếu ở bụi này. Mà nếu có đem bán thì dân cũng chẳng có tiền mua. Thế đấy, có thời kỳ cuộc sống là thế đấy.

     Nhưng chính đó là quãng thời gian thơ ấu hạnh phúc nhất cuộc đời tôi, dẫu kham khổ nhưng vô tư lự, sau giờ đi học và phụ giúp gia đình tôi lang thang câu cá, bắn chim, đánh bi đánh đáo… Những buổi chiều câu cá ngạnh trên cầu phao bến Âu Lâu nhìn hoàng hôn mênh mang, những buổi sáng đi học men đường ray đếm những chuyến tàu … hay có những ngày sang bên kia sông đi theo một đàn chim non mới ra giàng …

    Nhưng có lẽ thú vị nhất lại là câu tôm bờ sông, những con tôm càng to một cách kỳ lạ, láu lỉnh một cách khó tin. Chúng luôn rỉa hết mồi giun của tôi.
Sau 20 năm, tôi quay lại thành phố Yên Bái họp lớp cũ. Thực ra họp lớp chỉ là cái cớ, tôi muốn nhân dịp này về thăm chốn cũ, nơi mà tôi lần đầu biết xao xuyến trước một mái tóc dài bồng bềnh, một chiếc nón che nghiêng … Nhưng lý do đặc biệt là tôi muốn đi câu cá, tôi muốn tìm lại con tôm láu lỉnh bến nước năm xưa xem nó đã già chưa và râu nó đã bạc chưa, tôi muốn đi tìm lại Hồ Thác Bà tôm cá đầy vơi đẹp như Thiên Đàng trong ký ức trẻ thơ. Tôi muốn sống lại thời thơ ấu hạnh phúc, dẫu chỉ giây phút, để ngày mai tôi lại trở về với thực tại tiếp tục cuộc sống mưu sinh chốn đô thành.

     Vậy là đêm mồng 1 tháng 9 năm 2006, tôi mang theo hầu như toàn bộ kho đồ câu hăm hở lên đường , thẳng hướng thành phố Yên Bái. Và ngay hôm sau tôi bắt đầu tranh thủ đi câu cá quả loanh quanh hồ ao trong thành phố, sở trường của tôi.

     Nói về cá quả, tôi xin dông dài một chút. Vào khoảng năm 1984 – 1986 gì đó, trên đường đi học về tôi có thấy một đám người xúm đông xúm đỏ, tôi nghe dân tình bàn tán xôn xao về một gã tù trốn trại cải tạo bị bắt, gã bị trói tay vào dây thừng buộc sau xe đạp của một viên công an dẫn độ về trại ( giống như chó vậy ). Trẻ con chạy theo sau ném đá và hò reo ỏm tỏi. Không chịu nổi nhục nhã, hoặc có thể không chịu nổi cái tương lai chẳng mấy sáng sủa nơi trại giam, gã tù kia nhảy vào gầm ô tô tự tử, suýt kéo theo cả tay công an thiệt mạng. Tay công an chắc sau này cũng lãnh đủ trách nhiệm. Chuyện chỉ có vậy thôi, rồi tất cả rơi vào quên lãng. Khi đó tôi không hiểu. Tôi không hiểu ở tù thì nghĩa là sao. Và trốn tù thì tôi chỉ thấy trong các cuốn truyện đuợc đọc, thường là rất ly kỳ. Thế rồi vài năm sau tôi gặp một tù nhân thực sự, chính anh ta là người đầu tiên dạy tôi câu cá quả.
Hôm đó chủ nhật tôi cùng cả lớp sang nhà một người bạn bên kia sông chơi, nhà cậu ta gần trại giam. Cậu bạn này về sau vào Nam sinh sống và chết trong một tai nạn giao thông. Nhờ quen biết nên tôi được vào câu cá trong ao của trại, rất nhiều cá , nhất là rô phi, chưa bao giờ tôi câu được nhiều như thế. Đang câu mê mải tôi chợt phát hiện ra một gã phạm nhân đứng câu cá quả, cái cần câu bằng tre dài độ 2m, gã vảy con nhái lách bèo rất đẹp, trong chậu gã câu được hơn chục con cá to bự. Rồi tôi thấy gã dừng tay cuốn đấu câu, nét mặt căng thẳng, rồi sau đó gã giật mạnh lôi lên bờ một con cá dữ tợn. Tôi không hiểu, tôi vẫn không hiểu gì. Tại sao một chuyện khó tin như thế lại xảy ra. Tôi theo dõi khá lâu mà không thể biết khi nào cá cắn, mà cái giống cá quái gì lại như con rắn gớm chết đi được. Gã tù câu hết con này đến con khác, gã lầm lì câu như thể không có thứ gì khác trên đời này tồn tại trừ mấy con cá. Tôi như bị thôi miên, bỏ cả đám rô phi để xem gã câu. Tôi hỏi gì gã cũng không nói.

     Xin chú thích rằng Yên Bái nửa miền núi nửa trung du nên cá quả không nhiều như dưới xuôi, vả lại như tôi đã nói thời bao cấp khác xa bây giờ, đâu có mua bán gì nhiều. Thế nên đến lúc đó tôi mới nhìn thấy con cá quả là chuyện bình thường.

     Cho đến khi chiều tắt nắng gã tù kia mới dừng câu, lúc đó cái chậu của gã đầy phè, tôi còn nhớ cái chậu sắt tráng men to tướng in hình con cá vàng đậy một cái rổ tre chặn bên trên bằng viên gạch của gã. Lấy hết can đảm, tôi ngỏ ý xin một con cá nhỏ nhất, gã ngó tôi từ đầu tới chân. Phải nói rằng tôi rất sợ, cái đầu gã trọc lốc. Và cái vẻ lầm lì của gã khiến tôi nghĩ rằng có lẽ tôi đang phạm một sai lầm nghiêm trọng.

     Nhưng hóa ra tôi nhầm, đôi mắt gã rất hiền, và buồn bã vô hạn. Khó tả cho hết về đôi mắt xa vắng của gã. Gã hất hàm bảo “ Cho mày cả chậu , đổi cho tao bao thuốc “. Tôi moi bao thuốc hiệu Đống Đa còn vài điếu đưa cho gã, nhưng chỉ dám xin vài con cá. Vừa hút thuốc gã vừa nói những câu cộc lốc, gã xin bất cứ thứ gì tôi có, từ mẩu bút chì, cây bút máy kim tinh, cho đến vài đồng lẻ. Đổi lại gã cho tôi cái cần câu, lưỡi câu, trừ cái đấu câu gã giữ lại. “ Mày thì chỉ câu ống bơ được thôi”- gã nói – “ Bát gỗ như tao thì còn lâu“.

     Tôi được gã chỉ dẫn qua loa về cách câu cá quả, thế rồi không bao giờ còn gặp lại gã nữa. Nghe đâu gã là tù chung thân, nhưng vì có tài làm lưỡi câu và câu cá ( và tù thì còn nhiều tài vặt khác nữa ) nên cứ chủ nhật gã được cử ra câu cá phục vụ nhà bếp quản giáo. Một tuần gã có một ngày tự do . Về sau này có đôi lần tôi quay lại tìm gã nhưng không ai thấy gã câu cá nữa, có lẽ gã bị chuyển đi trại khác, hoặc có thể đã chết. Nói chung, chẳng ai nhớ đến gã.

      Di vật của gã tù để lại giúp tôi câu được một con cá quả duy nhất ở một cái đầm hoang sau sân bóng, con cá bé bằng cổ tay. Sau đó chiếc lưỡi câu vướng bèo mất. Cây cần câu sơ sài gắn khoen sứ vứt lay lắt ngoài vườn đôi khi trở thành cây roi những trận đòn, tôi đem bẻ vứt đi. Vậy là không còn gì nữa.

Một tay câu lão luyện ở Sóc Sơn

     Thế rồi việc học hành thi cử choán hết thời gian, rồi những tà áo hay ánh mắt lúng liếng nào đó đã thu hút sự quan tâm của tôi, tôi quên lũ cá quả, quên gã tù có đôi mắt lạnh lẽo xa xăm … tôi mau chóng thay đổi và rời xa quê hương, rời xa tuổi thơ ấu, thậm chí tôi cũng đã lãng quên cả những mối tình học trò. Tôi ở lại thành phố và trở thành một gã suốt ngày chỉ lo lắng đối phó với những khó khăn trong cuộc sống. Tôi lấy vợ, sinh con … sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như không có một ngày tôi tình cờ đọc một bài viết của nhà báo Việt Hòa về câu cá quả trên trang web 4so9.com, bài viết đánh thức trong tôi một cảm hứng mạnh mẽ. Không biết vì tôi đa cảm, hay vì tôi hoài cổ, nhưng tôi muốn học lại cách câu cá quả. Tôi nhớ lại sự bí ẩn, cảm giác sợ hãi mà người tù vô danh và lũ cá kỳ lạ kia tạo nên. Tôi cũng muốn tìm lại cảm giác hồi hộp khi câu được cái con vật nửa trăn rắn nửa cá kia.

Đó là lý do tôi có mặt ở Hồ Thác Bà sau hai mươi năm rời xa.
 

Nhà máy thủy điện Thác Bà

     Hồi đó lần đầu tiên đến Hồ Thác Bà tham quan nhà máy thủy điện, tôi choáng ngợp trước công trình khổng lồ chạy rầm rầm, những chiếc tuốc-bin quay chóng mặt như thể sẵn sàng ngiền nát mọi thứ, rồi những đường hầm dưới nhà máy nhằng nhịt vô số máy móc thiết bị …

     Sự quan tâm của tôi là chim muông và cá mú kia. Những đàn chim sáo đá, sáo đen bay rợp trời và đậu chi chít trên vách núi. Dưới đáy hồ nước trong veo từng đàn cá bơi lội, tôi còn nhìn rõ những con ba ba thong thả bơi. Thợ câu thì kể lại rằng những bãi lau sậy ngập nước họ chỉ câu cá quả trên 1kg, chọn cá mà câu. Còn chẳng may cá măng mà đớp mồi thì khôn hồn cắt ngay cước nếu không muốn bị lôi xuống hồ. Còn để đánh bắt các loại cá khác, dân đánh trộm dùng mìn và lưới, ai rỗi hơi mà đi câu !

     Hồi đó những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, tù trốn trại … tụ tập về hồ thành băng đảng, trữ thuốc nổ, vũ khí, lương thực, trốn sâu trong các đảo và các hẻm núi tồn tại một thời gian dài. Nếu ai còn nhớ phim truyền hình “ Bụi Hồ “ thì phim đó chính là về các hảo hán ở Hồ Thác Bà này. Tôi đã từng gặp một vài người trong số họ. Sau này không rõ số phận họ ra sao. Nghe nói có vài người vẫn ở lại hòn đảo nào đó, sống lương thiện và cách biệt thế giới bên ngoài.

     Trở lại câu chuyện, sau hai ngày họp lớp cuối cùng ngày 4/9/2006 tôi cũng đến Hồ Thác Bà cùng một người bạn, anh bạn này chơi với tôi thân thiết, làm ở công an Tỉnh nên thông thuộc đường xá, lại ham vui nữa. 5h sáng chúng tôi lên đường, Hồ Thác Bà cách thành phố Yên Bái 15km, gần đến nơi thì tôi nhận ra ngay khu nhà nghỉ Công Đoàn bên bờ hồ , điêu tàn và gần như hoang phế, nó đâu còn tráng lệ như trong ký ức của tôi nữa. Nơi này ngày xưa là niềm tự hào của cả tỉnh. Bác bảo vệ còn ngái ngủ đón hai chúng tôi. Giá thuê phòng rẻ nhất là 50.000đ/ngày, còn biệt thự cao cấp là 120.000đ/ngày (!). Nhà khách có thể đón tiếp cùng lúc 100 khách. Du thuyền tham quan hồ sức chứa 20 người thì 600.000đ/ngày ( thực ra nó là cái ca-nô thì đúng hơn ). Suất ăn có thể đặt mức tối thiểu là từ 20.000đ/người cho đến 50.000đ/người chưa tính đồ uống. Có sân tenis, bóng bàn, karaoke … nhưng miễn internet. Tóm lại giá rẻ giật mình và đầy đủ tiện nghi, đầy đủ tất tật, chỉ có điều thiếu mỗi … khách khứa. Chúng tôi gặp duy nhất bác bảo vệ và một cô gái son phấn ngái ngủ đứng ngơ ngác giữa sân, chẳng biết cô bán chai, hay cô lại bán chanh (!). Chúng tôi nhanh chóng rời khu nhà nghỉ để đi thuê thuyền câu, mục đích của tôi là đi tiền trạm tìm hiểu về điểm câu tổ chức câu cá dã ngoại cho câu lạc bộ câu cá nên sau khi có thông tin về giá cả, dịch vụ … tôi còn đề nghị bác bảo vệ vẽ cho thêm cái sơ đồ Hồ Thác Bà. Tôi có bản đồ vệ tinh chụp Hồ Thác Bà, nhưng bản đồ hành chính thì không có, đành phải dựa vào các địa danh bác bảo vệ ghi vội cho trên sơ đồ và kinh nghiệm tay lái thuyền vậy.

Ảnh vệ tinh chụp Hồ Thác Bà

    Tay lái thuyền trẻ măng tên Ngọc, gã kêu 350.000đ/ngày cho cái thuyền dài chừng 10m rộng chừng 1,8m và muốn đi đâu thì gã đưa đi. Tôi chả buồn mặc cả nữa, bảo gã chuẩn bị con gà, mì tôm, bếp gas … rồi trong lúc gã đi mua đồ ăn tôi tranh thủ mắc mồi câu. Đang buộc mấy con nhái thì trời mưa lắc rắc, ai đó kêu “ có đàn cá chày” kìa. Tôi nhìn ra mép hồ thấy chừng 6-7 con cá chày to bằng cổ tay bơi thoăn thoắt, tôi lôi lưỡi câu nhỏ cấu luôn đùi nhái mắc vào câu thử. Lũ cá chày khôn quá, chúng chén sạch mồi mà không sao giật lên được. Thì ra trong lúc tôi buộc mồi để câu cá quả những phần nhái thừa và những con nhái chết đem vứt xuống nước, đàn cá thấy mùi tanh lập tức lăn xả vào chén. No nê chúng liền biến mất tăm như chưa hề tồn tại. Thế rồi một lát trời tạnh mưa, chúng tôi lên thuyền rời cảng Hương Lý và tiến về phía các hòn đảo. Giống như bản sao thu nhỏ và vội vàng của vịnh Hạ Long vậy, các hòn đảo thực chất là những quả đồi nhỏ trong thung lũng xưa kia giờ ngập nước chỉ còn là những đỉnh đồi tròn tròn, trơ trọi hoặc trồng cây công nghiệp đơn điệu, ven bờ là cây gai xấu hổ mọc chằng chịt. Nước hồ trong leo lẻo, xanh thẳm. Tôi lôi cần câu ra xếp thành hàng chuẩn bị. Có hai gã thanh niên nhờ quá giang sang nhà máy thủy điện , đi được một đoạn gã tài công gặp chiếc tàu công vụ, gã gửi cho khách đi theo tàu luôn, vậy là còn lại 3 chúng tôi.

    Trước đó, theo thông tin dò la nơi xuất phát tại cảng Hương Lý chúng tôi được biết là ở Cây Số 15 có một bãi câu, còn nếu muốn nhiều cá phải lên thượng nguồn ( tàu chạy tốc độ 18km/h đi mất 3 tiếng rưỡi mới đến nơi ). Chúng tôi không có ý định lên thượng nguồn, vì như thế thì lên đến nơi chỉ kịp ăn uống rồi về luôn, quên ngay chuyện câu kéo đi. Nếu lên thượng nguồn, tốt nhất đi đường bộ đến Bảo Yên rồi rẽ ngang, xa một chút nhưng thuận tiện hơn, và nên đi 2 ngày. Nếu có dịp, tôi nghĩ bụng, nhất định mình sẽ quay lại câu cá ở thượng nguồn theo tuyến đó. Dù sao, đi thuyền ven bờ xuyên qua mê hồn trận các đảo cũng có cái hay của nó. Nắng lên. Tôi nhìn bóng nắng để xác định phương hướng. Chúng tôi di chuyển theo hướng Tây Bắc, men theo bờ trái của hồ. Phải nói rằng cảnh rất đẹp, có những chỗ mênh mông không thấy bờ bên kia hồ, có những eo và vịnh tĩnh lặng , giữa khe đồi núi , nơi đó tán cây che tối, mặt nước sâu tĩnh lặng như tờ, vài con chim rừng kêu thảng thốt. Tôi ra hiệu tắt máy co-le thuyền cho nó trôi vào vịnh và bắt đầu câu. Tiếng máy ầm ĩ tắt ngấm, trả lại sự im lặng cho bầy cừu, chiếc thuyền trôi từ từ theo quán tính, tất cả đều nín thở. Mặt nước đầy cỏ rác và những bụi cây xấu hổ, cỏ lau … gần đúng như tôi mường tượng, là nơi mà những con cá quả khủng long rình rập trườn khẽ bên dưới, để rồi lao lên đớp mồi như quái vật.

    Tôi ném mồi, tiếng vút cần quen thuộc xé tan sự im lặng đáng sợ nơi đây. Con mồi nhái này hơi nhỏ. Tôi thay bằng con mồi giả có cánh quạt cho “xứng tầm” với con cá mà tôi sẽ câu. Chừng 10 phút trôi qua, không có gì xảy ra. Anh bạn đi cùng tôi và gã tài công thôi không nín thở chờ đợi nữa, hai gã bắt đầu buôn dưa lê và lôi đồ ăn ra đánh chén. “ Có mang rượu không nhỉ ?” – Gã bạn tôi hỏi – “ Có tí rượu thì hay quá !”

Đây là Xồm

    Gã tên Quang – trùng tên với tôi – thường gọi là Xồm, gã có bộ râu quai nón và công việc thường ngày là nhậu. Nếu có một ngày gã mở quán nhậu Quang Xồm kiểu na ná Hải Xồm thì tôi cũng không lấy làm lạ. Sau một hồi đánh chén, Xồm lăn quay ra ngủ. Tôi hơi mất hứng, vì gã sẽ không được chứng kiến cảnh cá quả đớp mồi. Tôi có đề nghị gã cùng câu với tôi, nhưng gã chẳng nói gì. Thôi kệ. Gã không biết gã sẽ bỏ lỡ mất điều gì đâu. Tôi tiếp tục ném mồi về phía những bụi rậm. Lúc đó khoảng 10h sáng . Tôi nhìn thấy một cái bong bóng nổi lên. Nó đây rồi, tôi tự nhủ. Có một cuộn nước vẩn lên dưới đám cỏ . Tim tôi đập mạnh thảng thốt …

    Và rồi, một âm thanh trầm đục như từ dưới âm ti dội lên. Mặt nước rung động, một con chim hoảng hốt bay vụt lên từ tán cây ven bờ, cành lá xao xác. Tôi chưa từng thấy một tiếng cá quả bắt mồi nào giống như thế. Anh bạn tên Xồm của tôi đang thiu thiu ngủ cũng giật mình nhỏm lên ngơ ngác : “ Cái quỷ quái gì thế ?”. Tôi không biết trả lời làm sao. Tôi quay sang nhìn về gã tài công tên Ngọc ý dò hỏi. Mặt gã tỉnh bơ như không …

… Bạn hãy đoán xem chuyện gì vừa xảy ra ?

( Đón đọc phần II )

Các tin khác cùng chuyên mục
Dù câu cá - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:05:38 SA
Cá Chép - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:04:02 SA
Cá kiếm tự “nung nóng” nhãn cầu để săn mồi? - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 8:56:02 SA
Bạch tuộc có “khuỷu tay” - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 8:54:44 SA
Những loài thủy quái - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 8:53:11 SA
Cá cóc Tam Đảo có thể thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 8:45:37 SA
Mỹ:Xuất hiện loài cá lưỡng tính do ô nhiễm nguồn nước - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 8:42:29 SA
Cá biển có thể thay đổi giới tính - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 8:39:26 SA
Loài cá có tuổi thọ ngắn nhất thế giới - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 8:20:51 SA
Tại sao cá sấu nuốt đá vào bụng? - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 8:19:58 SA
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.