Bạn nên cho rau đắng, giá sống vào tô cháo, một ít gừng non xắt nhuyễn rồi trộn đều, rắc ít tiêu vào. Rau đắng (polygonum aviculare), theo A.D Turova, có tác dụng hạ huyết áp, tăng cường sự hô hấp. Rau đắng có 0,35% chất tanin; carotin: 39%; đường, nhựa, sáp, tinh dầu - độ tro: 2,44%. Gừng còn gọi là khương (gừng tươi: sinh khương) có tác dụng ôn trung tán hàn, trừ thấp, tịch uế…
Húp vài muỗng cháo nóng hổi, gắp miếng cá lóc chấm nước mắm ớt thơm phức, dư vị nồng trên đầu lưỡi. Có thể sẽ thắc mắc, sao ở nhà mình nấu không bằng quán? Thì đây, cách nấu tô cháo cá lóc của dân Sóc Trăng là lựa cá lóc 1kg, làm sạch, hấp chung với mỡ hành, vớt ra để nguội. Sau đó gỡ thịt cá ướp với chút nước mắm (không nấu cá nhừ trong cháo). Xương cá cho vào nồi nước, nấu kỹ lọc lấy nước để nấu cháo, chờ cháo sôi đều mới đổ cá ướp gia vị vào nồi, khuấy đều lần nữa rồi nhắc xuống.
Tô cháo là hỗn hợp: vị thơm bùi của gạo lúa mùa, vị ngọt của cá tự nhiên, vị cay và thơm của gừng, tiêu, vị mặn của nước mắm, vị nồng của ớt, tất cả hoà quyện nhau. Vấn đề là làm sao “cân” gia vị vừa phải, hài hòa, phù hợp với khẩu vị của bạn. Giá mỗi tô cháo cá lóc 5.000đ. Kêu thêm đầu cá, có giá riêng.
Báo SGTT
Ngày 11/12/2006