Cả một vùng thiên nhiên hoang dã cách phà Thủ Thiêm chỉ chừng ba cây số. Những cánh đồng mênh mông lục bình, cỏ ống, rải rác những cây tràm, cây bần, những bụi dừa nước... Tiếng bìm bịp kêu hòa lẫn những tiếng máy tàu, còi tàu vọng lên từ sông Nhà Bè. Trong cái cảnh hoang sơ đó, người ta cũng thấy nhiều nền nhà bị bỏ hoang hay những chiếc cọc rào phân lô đất.
Anh Tụ nhanh nhẹn lội xuống ruộng, vạch cỏ ra thành từng lỗ hình tròn và vắt ngang cần câu. Dây câu được cột ở giữa cần; khi lươn, rắn ăn câu thì không thể kéo cần đi do vướng các bụi cỏ. Như một "thổ địa" thực thụ của vùng đồng ruộng hoang vu này, anh vừa lội bỏ cần vừa nhìn theo các dấu vết mà giải thích là chỗ này có rắn, chỗ kia có lươn, con này cỡ bao lớn, con kia cỡ nhỏ... Trong buổi chiều, anh bỏ 200 cần, trong đó, chỉ có 20 cần là câu rắn.
Anh Tụ bảo ở quê anh, xứ nổi tiếng về nghề rắn, đi câu phải dùng dây câu dài hơn ở đây do nước ngập sâu hơn. Mồi để dùng câu lươn là những con nhái, được các con anh cắt ra thành từng mảnh và móc vào lưỡi câu. Câu rắn thì dùng cá rô đồng, móc nguyên con. Lưỡi câu cũng phải là loại "đặc chủng" dành riêng cho lươn, rắn, chỉ mua được ở quê...
5h sáng hôm sau, trời chưa hửng, sương mù khá dầy, lạnh đến "răng đánh bò cạp". Khoác thêm chiếc áo sơ mi cũ, anh thản nhiên lội ruộng. Con lươn đầu tiên được anh giơ lên khoe chỉ sau bốn cần không dính. Con rắn đầu tiên dính cách đó vài trăm mét, cũng đã chết.
Khoảng 6 kg vừa lươn vừa rắn, lúc nhúc chiếm lưng nửa chiếc giỏ tre anh đeo trên người, là kết quả của ngày câu. Anh bảo được vậy cũng vừa, không đến nỗi thất. "Lúc này có nhiều người đi chích điện nên lươn rắn gì cũng ít. Hồi trước nhiều bữa được mười mấy ký, giỏ đầy thiếu điều đậy nắp không được", anh nói. 200 cần câu rải rác khắp nơi, anh Tụ thu hồi không sót một cây cần.
Thỉnh thoảng, anh cũng bắt được rùa, ba ba. Cá lóc, cá trê "hồi trước" mà dính thì cả một hai ký một con. Làm nghề câu rắn, đôi khi anh cũng bị những con rắn hổ đất, hổ ngựa rượt chạy có cờ. "Bọn nó rượt theo con mồi, thấy mình, cũng say mồi, phùng mang tấn công luôn. Sợ nhất là bọn rắn hổ đất, cắn là chết liền, chứ hổ ngựa cắn thì nghe người ta nói chỉ bất tỉnh mười phút rồi tỉnh dậy, không sao !".
Thành quả của ngày câu được phân chia thành ba bốn bịch: rắn, lươn, loại lớn, loại nhỏ... Rắn thì được bán cho các quán nhậu hay theo "đơn đặt hàng" từ những dân nhậu quen biết, giá 65.000-70.000 đồng/kg. Được giá, nhưng do "cầu" thất thường nên anh chỉ câu rắn theo "đơn đặt hàng" là nhiều. Lươn thì bỏ cho các quán cơm, giá chừng 30.000-35.000 đồng/kg.
Vừa lựa rắn, lươn, anh vừa bảo: "Sợ nhất là bệnh. Nắng mưa, lạnh lẽo gì cũng phải đi. Ngày nào cũng vậy, sáng mở mắt ra là phải tốn 10.000 đồng tiền quà bánh cho bọn nhỏ đi học rồi. Làm nghề này cũng có tiền, nhưng hễ buông ra là mang nợ". Vợ chồng anh sống trong một căn ổ chuột trống tuênh rộng chừng mười mấy mét vuông, bên cạnh một con mương hôi hám trong một con hẻm trên đường Ung Văn Khiêm. Anh thì đi câu, chị làm nghề giúp việc nhà, cả hai vợ chồng đều nai lưng ra làm để nuôi đàn con năm đứa đều đang đi học ở trường tình thương, chưa kể thỉnh thoảng lại phải thăm nuôi đứa con trai đang nằm trong trại tạm giam vì tham gia một vụ đánh lộn gây thương tích.
Anh Tụ mới trở lại với nghề cũ cách đây hai năm, khi tình cờ đi câu cùng bạn bè. Trước đó anh từng lăn lộn với nghề phụ hồ, bán ve chai. "Nghề này ông bà mình bảo là nghề bà cậu, không khá nổi". Anh giải thích nghề "bà cậu" là nghề "đâm hà bá". Giang sơn của anh, trải dài mười mấy cây số ven sông từ phà Thủ Thiêm đến cầu Ông Tranh, đã dần dần bị thu hẹp do san lấp, xây dựng. "Chưa biết sẽ làm gì, nhưng chỉ chừng một năm nữa là mình hết có cơ để làm nghề này nữa", anh cảm nhận.
Nguồn: