Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc họ bắt đầu khởi hành. Lặng lẽ trong đêm, mỗi người một ghe, họ săn tìm loại đặc sản của vùng nước ngọt: tôm càng xanh.
Cái thú nghề câu
Trời sụp tối, chiếc ghe nhỏ của anh Dương Văn Út cũng vừa neo lại bến câu sau hơn bốn ki-lô-mét rong ruổi. Đó là một vàm sông nhỏ, thuộc phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng. Bên kia sông là quận Ninh Kiều lác đác những ngọn đèn xanh, đỏ. Còn bên này sông, màn đêm đã tĩnh lặng, chỉ thấp thoáng vài ánh đèn nhỏ từ những căn nhà rải rác ven sông.
Đâu phải đơn giản có thể ghé bất cứ bến sông nào của con sông Cần Thơ này. “Kinh nghiệm của dân câu tôm là phải chọn những vịnh sông (đoạn sông cong vào), bến sâu, nhiều chà… mới thả câu”- anh Út khẳng định.
Trang bị cho nghề hạ bạc này khá đơn giản. Một cần câu nhỏ với sợi nhợ dài chừng mười mét quấn cuộn, một chiếc phao nhỏ luồn theo cước để biết hướng vớt tôm, một vợt lưới nối với đoạn tre dài chừng ba mét và một hũ sành nhỏ đựng mồi. Tất nhiên, không thể thiếu chiếc ghe nhỏ mà chúng tôi ngồi gần hai giờ đồng hồ để đến đây.
Thời trước, dân câu tôm dùng mồi trùn - loại trùn sống đầy rẫy ở đất vườn vùng này. Dần dà, ai đó khám phá và rỉ tai nhau, dân câu tôm chuyển sang sử dụng mồi trùn lá, loại trùn chỉ sống trong các bẹ dừa nước ở vùng nước mặn. Hôm trước, anh Út lặn lội xuống tận Sóc Trăng tìm mua, với giá 60.000 đồng/ki-lô-gam. “Còn tại Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, giá được kê lên tới 90.000 đồng/ki-lô-gam”, anh Út nói. Thứ mồi đặc biệt này bán rất chạy cho dân câu tôm ở Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long…
Lưỡi câu là một vòng sắt nhỏ, quấn sẵn một mớ ốc. Nối thêm vào đoạn trùn lá, anh Út thong dong thả câu, chờ “hàng”… Chưa đầy mười phút sau, anh Út đã ra dấu có tôm cắn câu. Nhóng thử cần câu, anh lắc đầu: “Con này nhỏ”.
Chiếc cần câu được anh nhấc lên từ từ, cũng lúc là chiếc vợt nhẹ nhàng đưa xuống, vớt từ dưới lên. Khi vợt cách mặt sông chừng một mét, anh hớt mạnh. Một chú tôm trứng nhỏ đã nằm co ro trong vợt.
“Con này nhỏ, bị đánh rớt xuống tôm “nhì”, giá hiện giờ khoảng 110.000 đồng/ki-lô-gam. Còn tôm “nhất” - từ 100 gam trở lên - hổm rày bán được 150.000 đồng/ki-lô-gam”. Anh Út kể, đợt câu trước, chỉ trong vòng mười ngày anh thu được trên một triệu đồng tiền bán tôm. Tuy nhiên, theo con nước, mỗi tháng chỉ câu trúng được chừng mười ngày.
Cái xóm nhỏ mà anh Út đang sinh sống, thuộc khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, vài chục năm trước có trên sáu mươi tay câu, có nhiều tay câu “sừng sỏ” như Ba Tây, Sáu Long... Lúc còn nhỏ, anh Út theo ghe câu tôm ít chuyến rồi đâm mê luôn từ đó. Ngay lúc ông Ba Tây ở gần nhà chê cái vợt vớt không vừa tay, anh Út dạm mua ngay. Tiếp đó anh sắm nhợ, cần và mua chiếc ghe nhỏ lênh đênh những đêm trắng trên sông nước.
Anh Út lại ra dấu. Con này chừng 100 gam - tôm “nhất” đây”- anh Út thì thào. Nhưng cần vừa nhóng nhẹ, con tôm đã buông mồi… Đến lần cắn câu thứ ba, con tôm mới chịu theo mồi lên mặt nước. Loáng cái, chú tôm đã nằm gọn trong vợt, hai càng xanh dài, chắc lẳn. Cầm thử, đúng là khoảng 100 gam.
Hai chục năm theo nghề câu, anh Út chỉ cần nhóng nhẹ chiếc cần đã biết con tôm đang ăn nặng khoảng bao nhiêu. Tép ăn cũng biết. Còn cá, anh có thể khẳng định con cá đang phá mồi bên dưới là cá bống hay cá chim trắng, chạch lấu… Tay nghề dân câu hơn nhau là chọn bến câu và điều khiển chiếc vợt bằng tay trái, canh khoảng cách với con tôm. Bởi cứ lóng ngóng, cục mồi vớt còn không trúng, nói chi tôm.
Đêm lạnh, nhưng mỗi khi vớt được một chú tôm, ném nhảy xoi xói trên khoang ghe thì cái nặng trĩu của cặp mắt, cái buồn của bến sông đêm dường như tan biến. Thú nhất là khoảng tháng 11 Âm lịch, tôm càng lửa đổ về nhiều. Con nào con nấy to tướng, thịt chắc lẳn. Ba năm trước, anh Út câu được con tôm nặng “kỷ lục”: 400 gam. Mà tôm câu trên sông thì khỏi chê. Thịt chắc, ngọt đậm hơn nhiều so với tôm nuôi.
Đối với dân câu tôm, sự cô độc suốt đêm không làm họ ngại. Cứ ngồi thong dong, ngắm sông đêm, sóng vỗ mạn ghe rì rầm, hứng gió mát lộng. Mỏi thì nằm, ngửa mặt nhìn sao đêm lấp lánh, tha hồ ngẫm sự đời.
Sát bên là mặt sông lạnh, bên kia là những ánh đèn ấm cúng của những căn nhà đầy tiếng trẻ bi bô, đôi khi cũng khiến họ chạnh lòng, nhớ chăn êm, nệm ấm, nhất là những đêm mưa nằm trùm nylon co ro dưới khoang ghe. Nhưng theo nghề riết rồi con tôm khiến họ mê hơn - tất nhiên, chỉ khi lên ghe đi câu…
Dân câu tôm chỉ xem đấy là nghề phụ. Như anh Út, công việc chính của anh là chở bàn, tủ, ghế gỗ từ Cần Thơ xuống Sóc Trăng, Bạc Liêu bán lại. Thời này, tôm cá khan hiếm, chỉ độc nghề câu thì khó đủ sống. Ở Vĩnh Long, trước đây có xóm câu tôm vài trăm người, nhưng giờ bỏ nghề dần. Còn tại xóm anh Út, giờ cũng chỉ còn lèo tèo vài người, cứ đêm xuống là dong ghe ra sông. Trước đây có ông Hai Bổn ở Hưng Phú câu tôm không cần vợt. Lưỡi câu của ông uốn đạt độ chuẩn rất cao, tôm nào ăn thì khó sổng. Dân câu ai nghe đến tên ông cũng phải thán phục. Nhưng giờ ông cũng bỏ nghề…
Nhấc hẳn cần câu lên, châm điếu thuốc, anh Út giải thích: “Hết nước tôm ăn rồi. Nghỉ tay chút”. Theo anh, tôm ăn có thời điểm, có thể là lúc nước ròng hoặc nước lớn, khó có thể đoán trước. Nhưng khi nào rờ tay chạm mặt sông, thấy âm ấm, đó là lúc tôm ăn. Còn rờ thấy nước sông lạnh toát, ngồi đến cả giờ đồng hồ cũng hoài công.
Đang nằm lim dim, bỗng nghe tiếng mấy chú tôm bắt được búng lách tách trong giỏ máng cặp ghe, anh Út bật dậy: “Tới nước tôm ăn nữa rồi”.
Quả thực. Chưa đầy năm phút sau, anh Út đã nhấc nhẹ cái vợt. “Tôm càng xanh”- anh hí hởn. Nhưng khi chiếc vợt sắp sửa được nhấc mạnh, một nhánh cây nhỏ dưới sông đã cản đường. Vợt mắc kẹt, tôm búng tách chuồn mất.
Gần nửa giờ sau, anh Út vẫn còn chặc lưỡi tiếc con tôm bị sổng. “Trên mười lăm ngàn chứ ít sao!”. Nói vậy, chứ tôi biết cái anh tiếc hơn là mất cảm giác hả hê khi nhìn chú tôm nằm gọn trong vợt. Cái thú nghề câu mà.
Muôn sự nghề câu
“Nhiều tay đi câu chớ mê tín lắm” - anh Út kể. Như anh Tân ở gần nhà, đợt đó câu gần mười ngày không dính một con. Tôm ăn thì vớt xổng… Cay cú, anh này kéo ghe lên bờ, kiếm “bùa” đốt phong long. Ai quá giang ghe anh cũng không cho.
Còn ông Năm T., mỗi lần thấy người khác câu trúng là cũng tay câu, tay vợt đi theo. Chỉ có điều, cũng đi cả đêm nhưng ông ngủ nhiều hơn câu. Có lần, mới khởi hành, dân câu đã thấy ông gác cần nằm ngủ co ro bên bến sông. Đến lúc xong chuyến câu, quay về vẫn thấy ông còn nằm ngáy.
Buồn nhất đối với dân câu là chuyện cặp ghe câu bị dân trên bờ xua đuổi. Thực ra, do dân trộm hoành hành quá nhiều, nên dân câu cũng dính oan.
Quá nửa đêm. Mồi câu bị cá rỉa cạn sạch. Anh Út quay ghe trở về. “Đêm nay thất”. Chiếc giỏ cột bên ghe chỉ có đúng sáu con tôm, tổng cộng khoảng nửa ki-lô-gam. Từ sáu năm trở lại đây, tình trạng thuốc tôm hoành hành khắp nơi. Chỉ cần chai thuốc chừng hai chục ngàn, người ta lén bỏ xuống một đoạn sông nào đó, chưa đầy nửa giờ sau, tôm tép lớn nhỏ trồi đầu chết sạch. “Cách bắt tôm tận diệt này dân câu rất ghét”- anh Út nói với vẻ bực dọc.
Màn đêm vắng lặng. Anh Út lặng lẽ tay chèo. Đoạn đường về vàm sông Cái Răng - Cái Sơn cách nơi câu chỉ chừng ba ki-lô-mét nhưng ghe chèo mất gần một giờ.
TBKTSG, 24/4/2005 Hồ Hùng