Cá Lăng thường sống ở những nơi có dòng nước chảy xiết, ngầm đá nơi thượng nguồn các con sông lớn như: sông Lô, sông Thao, sông Mã, sông Cả... Ở Thanh Hóa, cá Lăng thường sinh sống và phát triển dọc sông Mã từ huyện miền núi Cẩm Thủy đến huyện vùng cao Mường Lát.
Ba giờ sáng một ngày cuối thu, khi ngoài trời còn dày đặc màn sương đêm và gió se lạnh, anh Hà Văn Hình- một nông dân ở bản Buốn, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát gọi giật vào tai tôi: "Phóng viên ơi! Dậy đi ra sông câu cá thôi". Tôi nhìn ra bậc nhà sàn, một bó cần câu (loại dài tới 3m) đã được anh Hình chuẩn bị sẵn cùng chiếc xô nhựa và một túi mồi. Xách vội chiếc máy ảnh và bó cần câu, tôi cùng anh Hình lao xuống triền sông Mã khi rất đông thanh niên của bản cũng đang xuống sông đi câu cá Lăng. Vừa đi anh Hình vừa cho biết: "Cả bản Buốn, bản Chiềng Cồng, bản Tén Tằn của xã này phải có tới hơn ba mươi người làm nghề câu cá lăng chuyên nghiệp dọc sông Mã. Mùa mưa cũng như mùa khô, cứ ba giờ sáng là mọi người í ới gọi nhau ra sông đi câu cá Lăng. Vất vả một chút nhưng vui lắm. Đoạn sông từ trung tâm huyện đến xã Tén Tằn (giáp biên giới Việt- Lào) được đồng bào nơi đây gọi là: Khúc sông vàng, bởi vùng này có nhiều cá Lăng, nước chảy xiết, ghềnh đá nhiều".
Xuống đến mép sông Mã, đôi tay của anh Hình cứ thoăn thoắt mắc mồi là những con cá chép, cá rô phi nhỏ xíu vào lưỡi câu, rồi quăng ra phía mặt sông. Mười phút... rồi ba mươi phút trôi qua lặng lẽ. Sương sớm trên mặt sông bắt đầu loãng ra, gió vẫn thổi rin rít, lành lạnh. Tôi nhìn ra xa, thấy mờ mờ một dãy dài các thanh niên đang kiên nhẫn đứng chờ đợi bên những chiếc cần câu cá Lăng dọc sông Mã. Thỉnh thoảng, phía thượng nguồn lại có tiếng reo lên sung sướng: "Cắn câu rồi! Con cá này to quá. Chắc phải được hơn một cân đây..." Anh Hình ngồi lặng lẽ hút thuốc lá, đôi mắt sáng vẫn không rời chiếc phao câu trắng muốt, to như ngón tay cái đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chợt anh Hình nhổm dậy, ôm lấy cần câu giật phắt lên, một con cá lăng to như bắp tay mắc lưỡi câu giẫy giẫy trên không trung. Nhanh như cắt, anh Hình tóm gọn đầu con cá, móc ra khỏi lưỡi câu rồi ném tọt vào chiếc xô nhựa.
Miệt mài ngồi bên những chiếc cần câu gần bốn tiếng đồng hồ, đến 7 giờ sáng, anh Hình cũng đã câu được cả thảy 5 con cá Lăng. Gom cần câu trở về bản, anh chở tôi vòng lên thị trấn huyện Mường Lát để kịp bán cá tươi cho các nhà hàng. Bước ra khỏi quán, anh Hình cho tôi biết: "Giá cá Lăng xuống nhanh thật. Mới tuần trước đang được tới 60.000 đồng/kg cơ. Nhưng thôi, hôm nay anh em mình câu vậy là hiệu quả lắm rồi. Có hôm chỉ được một, hai con cá nhỏ thôi".
Khác với những người câu cá lăng ở Mường Lát, những thợ câu loài cá này ở huyện Quan Hóa, Bá Thước lại có cách câu "độc chiêu" hơn- đó là câu chùm. Theo chân anh Hà Văn Mai, ở bản Ban, xã Hồi Xuân (Quan Hóa), tôi bước xuống mép sông Mã, nơi chân cầu Na Sài khi đồng hồ đã điểm sang 12 giờ đêm. Thành thạo đến quen thuộc với việc mắc mồi vào hai mươi lưỡi câu to như que tăm quế trong vài phút, anh Mai nhờ tôi rọi đèn pin ra phía mặt sông, chỗ nhiều ghềnh đá, rồi quăng cả chùm lưỡi câu về phía đó. Cột chặt xong sợi dây nối với các lưỡi câu vào một tảng đá lớn trên bờ, anh Mai thong thả kể:
Vùng Hồi Xuân này có khoảng hai mươi người chuyên đi câu cá Lăng. Loài cá này sống trong các ghềnh đá, ban ngày thì chúng trốn biệt trong hang, hốc, đá dưới đáy sông, ban đêm mới đi kiếm ăn. Từ trước đến nay, người dân địa phương luôn ý thức được việc bảo vệ sự sinh trưởng, phát triển của loài cá này, nên chỉ câu những con cá to (tức là làm mồi và lưỡi câu to). Vào mùa sinh sản của cá, đồng bào không ai đi câu cả. Nhưng cách đây hơn một năm, nhiều người dân thuyền chài ở mạn dưới lên đây dùng kích điện chà xát, đánh cá Lăng một cách hủy diệt. Ngày đó, cứ từ khoảng 12 giờ đêm đến bốn giờ sáng, đoạn sông Mã từ cầu Na Sài lên đến xã Thanh Xuân, nhiều thuyền, bè đèn sáng rực, dùng kích điện đi đánh cá Lăng. Buổi sáng, ra sông Mã nhìn thấy vô số xác cá Lăng nhỏ như ngón tay út nổi trên mặt sông, đồng bào thấy xót vô cùng. Sau đó, chính quyền và công an xã, huyện nhanh chóng xử lý nghiêm khắc các đối tượng dùng kích điện đánh cá Lăng, nên đến nay đã không còn hiện tượng này.
Đêm vùng cao như lạnh hơn, khi sương mù luôn dày đặc và tĩnh mịch. Tôi nhìn ngược lên phía sông Mã, đoạn chảy qua thị trấn huyện Quan Hóa, nhiều ánh đèn pin lập lòe đang lia lia trên mặt sông, mà theo anh Mai cho biết đó là ánh đèn của những người đi câu cá lăng. "Bà con ở đây biết từng nơi cá lăng thường đi ăn đêm, thuộc luồng nước chảy và ai cũng có một chỗ câu của riêng mình. Những người đi câu cắm câu chùm dọc bờ sông Mã rồi về thôi, nhưng không ai lấy của ai. Sáng sớm mai ra nhổ câu, có người thì được cả một xâu cá, nặng tới ba, bốn kilôgam, nhưng có người chỉ được một, hai con vài ba lạng"- Anh Mai vừa kể, vừa rọi đèn pin cùng tôi trở về nhà anh khi cả bản đã chìm sâu vào giấc ngủ.
Những năm qua, nghề câu cá lăng trên sông Mã đã tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nơi thượng nguồn con sông này. Với giá dao động từ 50 đến 90.000 đồng/kg (tùy từng thời điểm) mua tại địa phương, cá lăng đang là loài cá có giá bán cao nhất ở khu vực này, giúp nhiều gia đình xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, nguồn tiêu thụ loài cá đặc sản, thơm ngon này là rất lớn và ổn định, bởi hàng ngày các tư thương từ các tỉnh Hà Tây, Hòa Bình luôn vào các huyện Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa, Mường Lát để mua cá lăng, cung cấp cho các nhà hàng, chợ hải sản ở Hà Nội. Theo điều tra của chúng tôi, mỗi ngày tại các huyện này, bà con đang xuất bán khoảng hơn 100 kg cá Lăng cho thị trường ngoài tỉnh.
Được biết, vừa qua Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ Thủy sản) đã nuôi và cho sinh sản nhân tạo thành công loài cá lăng chấm. Loài cá lăng này hiện đang sinh sống nhiều trên thượng nguồn sông Mã, đoạn qua tỉnh Thanh Hóa. Đây là tín hiệu vui đối với đồng bào sinh sống ở vùng cao, dọc sông Mã. Bởi trong tương lai, ngoài việc câu cá lăng trên sông, bà con nông dân có thể nuôi cá lăng trong lồng tại vùng ven sông, tạo nguồn thu nhập ổn định, bền vững. Đồng bào nơi đây rất mong ngành thủy sản tỉnh sớm cung ứng giống cá lăng để bà con triển khai nuôi đại trà trên sông Mã.
Hà Đồng (Thanh Hoá điện tử)