Trước khi nói về tôm luộc nước dừa cũng cần nói sơ qua về cách bắt tôm cái đã. Bắt tôm cũng có nhiều cách: đặt lờ, đặt lợp, thả chà, giăng lưới, thả câu… ở đây tôi muốn nói cách câu tôm. Đi câu tôm tuy cực, nhưng đó là cái thú vô nhị của người đồng quê, câu cá thì đi ban ngày, còn câu tôm phải câu vào ban đêm. Con sông nhỏ với chiếc xuồng ba lá lắc lư, cần câu đơn giản chỉ cần một nhánh tre dài 1m, nhợ dài 1m, không cần lưỡi câu, chỉ có một cọng kẽm dài 2cm, mồi là giun đất ở quê tôi gọi là "trùn hổ" có con lớn bằng ngón tay cái người lớn, dài từ 2-3 tấc, sắc nâu ánh màu xanh, loại trùn này mạnh lắm khi bò nó cất đầu phóng về phía trước giống như rắn hổ nên gọi là "trùn hổ". Con trùn được luồn vào cọng kẽm cuốn thành cục tròn bằng cườm tay. Mặt trời vừa chen xuống hàng cây là bắt đầu bơi xuồng ra sông. Câu tôm cần nhất là cái vợt được đan bằng chỉ hoặc cước hình vòng cung, bán kính 5 tấc, dạo dài 6 tấc, tôm nghe mùi tanh của trùn bu lại tìm mồi. Khi tôm mê mồi, người câu một tay kéo mồi lên, tay kia dùng vợt mút theo cục mồi từ dưới lên, hai động tác tay sao cho nhịp nhàng và giữ khoảng cách giữa cục mồi và miệng vợt độ 3 tấc, con tôm mê mồi theo lên gần đến mặt nước, tay cầm vợt phải nhanh dùng lực hất mạnh vợt lên, con tôm trở tay không kịp nằm gọn trong vợt, khi "trúng" không phải một con mà đến hai ba con.
Nghề câu tôm cực lắm, không phải như nghề câu cá, câu tôm phải đi từ chạng rạng tối đến trời hừng đông mới về, mưa gió, rồi muỗi cắn cũng ngồi chịu trận, mình không dám động địa sợ tôm buông mồi. Đổi lại khi tôm rỉa mồi, nhợ câu trì trì đã tay làm sao, lúc đó là khoái nhất quên hết muỗi cắn. Câu tôm là phải thức suốt đêm, bầu trời vần vũ, mờ mịt, những cơn mưa đầu mùa có lúc trút như nước với chiếc nón lá bung vành, tấm nilon đủ choàng qua khỏi cổ rồi buộc lại, chỉ thế thôi cũng chống chọi được đêm mưa. Cái nghề câu tôm cơ cực là vậy. Câu tôm chỉ đủ ăn, chẳng ai làm giàu bằng cái nghề này bao giờ, ngày làm lụng ban đêm đi câu để kiếm thêm tiền bút sách cho con, trang trải đám giỗ, đám cưới…
Ở nông thôn muốn ăn món gì thì nuôi trồng, mới có đâu có tiền để đi chợ nên người ta thường nói: "khách đến nhà không gà thì vịt" là vậy. Tôm câu về nhiều thì bán, ít gọng trong lờ để dành đãi khách. Ngày xưa tôm là món ăn thông dụng cho người dân ở nông thôn chứ đâu có đắt tiền lại quý như bây giờ. Tôm ăn riết rồi cũng ngán, nên tìm cách chế biến cho khác khẩu vị gọi là đổi món mới ngon.
Tôm là thực phẩm ngon, dễ ăn, dễ chế biến. Món ăn đơn giản nhất là tôm luộc, nhưng luộc tôm cũng có chút bí quyết ăn mới ngon. Tôm luộc ngon nhất là nước dừa tươi. Nước dừa để chút muối vừa đủ ngập xăm xắp số tôm cần luộc, như vậy nước ngọt của tôm không bị toát ra ngoài mà còn hấp thu được vị ngọt của nước dừa. Nước dừa nấu thật sôi cho tôm vào luộc, khi thấy tôm vừa đỏ thì vớt ra ngay. Tôm luộc đúng độ thịt mềm mà vẫn dai, nếu quá lửa tôm bị xám thịt và cứng, ăn tôm luộc chấm với muối tiêu chanh mới đúng gu.
Nhớ ngày xưa ăn tôm luộc, tôm nướng đâu có tính bằng kg, đến mùa tát đìa tôm nhiều lắm tha hồ nướng, luộc ăn đến phát ngán mà không hết. Có khi câu, không tát đìa, chỉ cần quậy đục một vũng nước chừng 2 phút, tôm nhỏ, tôm lớn nổi râu quơ lềnh bám vào bờ mương, trẻ con bắt cũng được. Nhớ kỷ niệm ngày xưa đến phát thèm, bây giờ đành chịu vậy thôi, chỉ tội nghiệp con cháu sau này biết có dịp thưởng thức không.
Tôm là thức ăn thích hợp cho người già không xương dễ nhai dễ nuốt nên phận làm con nuôi cha mẹ bằng món ăn tôm là tốt nhất:
Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi
Giã gạo cho trắng để nuôi mẹ già…
Trong đạo vợ chồng cũng có câu ca dao nói về hạnh phúc lứa đôi được thể hiện trong bữa ăn, câu ca dao mang ý nghĩa sâu sắc chỉ râu tôm nấu với ruột bầu đơn sơ nhưng nói lên lòng chung thủy:
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
Huỳnh Phong Lưu