Về Củ Chi bắt cá lia thia đồng

Tôi là dân thành phố “rặt”, chưa hề biết chuyện lội ruộng bắt cá lia thia nó ra làm sao nên phải dò hỏi khắp nơi xem có ai biết chỗ bắt cá lia thia ở đâu không. Ngày nay, ai cũng bận rộn với việc sinh kế nên những câu hỏi như vậy là điều người ta ít mong đợi ở bạn nhất. Hơn nữa con cá lia thia bé tí tẹo, không mang lại lợi ích kinh tế đáng kể nào nên cũng chẳng mấy ai quan tâm ngoại trừ những thành viên của “Hội ái mộ cá Betta hoang dã nội địa tức cá lia thia đồng”. May thay, có một người bạn tên L. ở Củ Chi, hồi nhỏ hay chơi trò đá cá lia thia, đồng ý dẫn chúng tôi đi bắt cá vào thứ bảy này (30/9).

Tôi đã nghe nói về sự hiện diện của các loài Betta aff. imbellis và Betta sp. Bùng Binh ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh (ráp ranh với huyện Củ Chi) do đó tôi hy vọng đợt này sẽ bắt được một số cá mang xanh (B. aff. imbellis). Vì bận công việc đột xuất nên vào phút chót, anh bạn người Malaysia và hai người nữa không thể đi được nên chỉ có vợ chồng tôi tham gia mà thôi.

Đường đi Củ Chi rất tốt, chúng tôi đi khoảng 1 giờ là đến nhà của L. ở Hương lộ 8. Sau khi ăn sáng xong, L dẫn chúng tôi đi theo đường nhỏ cạnh nhà, được một đoạn khá xa chúng tôi quẹo trái đi xuống đường ruộng. Đường này chạy song song với Hương lộ 8, bên trái là ruộng, bên phải là kênh dẫn nước. Mấy hôm nay có dớp bão, trời mưa nhiều, đường rất lầy lội khó đi, mấy lần xém bị té.

Đến cánh đồng khi xưa L. thường bắt cá lia thia, chúng tôi dừng xe gửi ở chòi của người canh lưới cá rồi lội bộ vào ruộng. Chúng tôi mất khoảng nửa tiếng đi loanh quanh trên bờ ruộng, L. thường dùng chân vén cỏ ven bờ để tìm đám bọt cá lia thia nhưng không những không thấy cá lia thia mà hầu như không có bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống ngoại trừ những bè trứng đỏ rực của loài ốc bươu vàng ở chân các bụi lúa. Hình ảnh quen thuộc này tôi đã từng thấy ở Sóc Trăng và Long Xuyên rồi nhưng L. khá ngạc nhiên vì anh từng bắt cá “đến mỏi tay” ở đây.

Chúng tôi quay trở ra nói chuyện với người canh lưới cá; anh biểu thử qua mấy đám ruộng phía sau khu Công Viên Nước Củ Chi xem sao. Tôi cũng nói với L. là ở mấy mảnh ruộng bỏ hoang có thể có cá lia thia vì ở đó không ai xịt thuốc trừ sâu. Trời bắt đầu có mưa nhỏ. Chúng tôi đi tiếp đến mấy khu ruộng phía sau Công Viên Nước nhưng loanh quanh một hồi cũng không thấy dấu hiệu của cá lia thia. Trời mưa nạng hạt hơn. Chúng tôi đành rẽ ra đường Hương lộ 8 để tìm chỗ trú nhưng đến gần lộ thì trời lại tạnh.

L. quan sát khu ruộng bên đường và thấy có nhiều rong lẫn trong đám lúa. Anh nói ruộng lúa có lẫn rong thường có cá lia thia vì chúng “ăn rong”. Tôi không rõ cá lia thia có ăn thực vật hay không nhưng môi trường như vậy có thể là nơi sinh sản của các sinh vật khác, nguồn thức ăn cho cá lia thia bột và trưởng thành. Bước vô vài bước L. liền phát hiện ra bọt cá lia thia và chỉ cho tôi xem. Lúc đó, dù khá kích động nhưng tôi vẫn còn đủ bình tĩnh để chụp hình ổ bọt trước khi bắt cá, trông nó như thế này đây:



Hình phóng to cho thấy con cá nằm dưới ổ bọt, bên trên một cái lá khô, xung quanh là rong, cái đuôi của nó lòi ra:



Sau đó, tôi tay phải cầm vợt nhấn xuống phía dưới ổ bọt, tay trái từ phía bên kia lùa cá vào vợt (lần sau đi vớt tôi sẽ dùng rổ cho tiện). “Người chụp hình” đã bỏ lỡ cảnh trên nhưng tấm này cho thấy tôi đã hồi hộp và phấn khích như thế nào khi thấy con cá giãy giãy trong vợt. “Thầy L. lia thia” tay cầm bông hoa súng ngắt ở con kênh bên cạnh, đứng chỉ đạo rất nhàn nhã:

 



Sau đó, tôi phát hiện thêm 3 đám bọt nữa mà từ đó tôi bắt được 1 con cá đực và hai con cá cái. Có lẽ, tổ có cả đôi vì đời nào mà cá cái nhả bọt được nhưng cá đực thấy động đã bỏ chạy mất. Tất cả đều là cá lia thia mang đỏ Betta splendens. Dạo này không thấy cá lia thia làm tổ sát bờ bởi vì người ta hay cắt cỏ cho bò ăn làm cá động, bỏ chạy. Chúng phải làm tổ giữa chân các bụi lúa.

 



“Thầy L. lia thia” lúi húi tìm mãi mà chẳng thấy đám bọt nào nữa. Anh nói chờ mấy ngày nắng ráo cá sẽ làm tổ bọt nhiều hơn, tha hồ bắt.


Còn đây là hình ảnh ruộng lúa có mọc xen kẽ các loại thực vật thuỷ sinh. Có lẽ ngoài việc cung cấp môi trường trú ẩn và thức ăn cho cá lia thia, chúng còn có tác dụng làm giảm bớt tác hại của thuốc trừ sâu. Ruộng này nằm ngay bên trái khu Công Viên Nước Củ Chi.

 



Bắt được vài con cá cũng đủ nuôi rồi nên chúng tôi dừng tay đi uống nước mía. Tôi quan sát thấy mấy con cá vừa bắt được dữ hơn nhiều so với những con tôi đang nuôi ở nhà. Kỳ và đuôi tơi tả có lẽ vì tranh giành lãnh thổ, đá lộn với nhau ở ruộng. Không rõ sau này được nuôi bằng nước máy thì chúng có còn dữ nữa hay không.

Buổi trưa chúng tôi về đi chợ, nấu cơm cùng ăn với gia đình L. Trong thời gian đó xảy ra một chuyện rất lạ. Số là tôi thả chung một con đực với hai con cái trong một lọ. Chỉ trong vài tiếng con đực đã ép với một trong hai con cái cho ra một tổ bọt đầy trứng. Con cái chắc bị bắt khi đang chuẩn bị đẻ, tức trứng.


Nhân tiện tôi tranh thủ “phỏng vấn” L. về các loài cá lia thia mà anh từng thấy ở địa phương. Anh thấy có 3 loại là lia thia đỏ, lia thia xanh và lia thia trắng (loài này không thấy nhả bọt nên người ta bắt chúng bằng cách xúc đại dưới kênh) mà theo tôi đoán có lẽ là các loài B. splendens, B. aff. imbellis và B. sp. Bùng Binh. Loài Bùng Binh rất hiền, chúng không đá lộn với nhau như hai loài kia và không biết nhả bọt vì chúng là loài ấp miệng (mouth brooding) tức con đực ấp trứng trong miệng cho đến khi trứng nở thành cá con.

Tôi cũng trao đổi với L. về xuất xứ của số cá lia thia được bày bán làm thức ăn cho cá La Hán ở thành phố và anh cho rằng người ta nuôi và cho chúng đẻ đâu đó vì mỗi ngày đều có hàng ký được bày bán ở chợ Củ Chi. Buổi chiều trên đường về ngang qua chợ tôi thấy người ta bày bán rất nhiều cá lia thia giá 8 ngàn/lạng. Trong chậu cá lia thia có lẫn cả cá bã trầu, cá lóc, cá rô, cá sặc… từ đó tôi kết luận là họ đánh bắt chớ không phải nuôi. Tôi chợt nhớ đến con kênh bên cạnh đường ruộng mới đi hồi sáng. Người lưới cá đặt hai ba lớp lưới giăng ngang dòng kênh, không con cá nào đi lọt. Anh nói là hôm qua vừa mới lưới được hàng ngàn con cá lia thia. L. cũng nói là khi nước lên, cá lia thia thoát ra khỏi ruộng và đi hàng đàn ngoài kênh. Như vậy số cá lia thia mà chúng ta thấy bày bán trên thị trường được “lưới” ngoài kênh lớn vào mùa nước lên.

Khi mô tả về loài cá lia thia xanh, L. nói rằng đuôi của chúng có màu xanh thay vì đỏ. Theo tôi biết thì loài lia thia đỏ (B. splendens) phân biệt với loài lia thia xanh (B. imbellis) ở màu của nắp mang chớ đuôi của chúng thì như nhau. Vậy loài mà L. mô tả có thể là một loài mới chưa được phát hiện chăng? Hy vọng rằng một ngày nào đó tôi sẽ có cơ hội viết một câu chuyện khác về loài cá lia thia đồng “đuôi xanh” ở Củ Chi.

Nguồn:http://forum.ctu.edu.vn

Các tin khác cùng chuyên mục
Cá ướp chua của người Mường - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 4:32:41 CH
Câu chuyện kinh doanh: Người đánh cá thổi sáo - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 4:31:16 CH
Mẹo dùng ...bao cao su - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 4:21:31 CH
Bảo dưỡng máy Shimano Tiagra TI-16 - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 4:19:17 CH
Kỷ niệm câu cá hanh Khe Gà - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 4:18:10 CH
Nhà hàng hải sản Ah - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 4:16:28 CH
Miền Bắc tiếp tục rét, nước sông Hồng đỡ cạn - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 4:15:47 CH
Địa chỉ ẩm thực Hà Nội - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 4:14:47 CH
Chả trứng mực đất Mũi - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 4:13:06 CH
Mồi câu - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 4:12:10 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.