Ngày nay, cá mái chèo đạt đến mức cân nặng tối đa chỉ khoảng 23 kg. Trước đây, người ta từng bắt được những con nặng đến 90kg. Được gọi là “cá tầm thìa” vì chúng cũng tương đối giống cá tầm trắng về hình dạng, ngoại trừ mõm dài và da trơn. Chúng cũng có nhiều đặc điểm giống cá mập, như có van hình xoắn ốc trong ruột, có mang thay vì lỗ thở trên đầu và có nhiều sụn trong xương.
Cá tầm thìa là loại cá sông lớn nhất chỉ chuyên ăn phiêu sinh vật. Miệng chúng lớn, có những tấm lược để lọc giữ giáp xác, tảo, ấu trùng và những con phù du nhỏ khác. Cái mõm dài của chúng có những tế bào cảm biến đặc biệt - giúp chúng phát hiện những dòng điện yếu do những đám phiêu sinh vật (động lẫn thực vật) phát ra. Khi bắt mồi, chúng mở cái miệng to ra và bơi nhanh về phía trước, ép nước qua những cái lược ở mang. Sau khi lọc xong, chúng ngậm miệng lại và nuốt mồi xuống bao tử. Bằng cách đó, chúng tiêu thụ lượng lớn phiêu sinh vật mỗi ngày và lớn lên rất nhanh.
Cá mái chèo không đẻ trứng hằng năm, thường sinh sản khi nhiệt độ nước khoảng 10 độ C và khi mực nước tăng lên do tuyết tan và mưa xuân. Một con cá mỗi lần có thể đẻ khoảng 600.000 trứng, tùy thuộc vào kích thước và tuổi của nó.
Cá mái chèo có mặt trên trái đất trước cả loài khủng long và tồn tại từ đó đến ngày nay. Dù cái mõm gây ấn tượng rất mạnh, nhưng chúng hoàn toàn vô hại. Vì kích thước to lớn nên cá tầm thìa trưởng thành có ít kẻ thù. Kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng hiện nay là cá mút đá. Thường khoảng 30 con cá mút đá bám chặt vào một con cá tầm thìa. Trước đây, vào cuối những năm 1800 và đầu những năm 1900, con người bắt chúng để lấy trứng làm món trứng cá muối. Nhưng ngày nay, chúng được luật pháp bảo vệ ở bang Minnesota (Mỹ) - nơi có con sông Mississippi.