Mặt nước hồ Sông Mực (người dân địa phương còn gọi là hồ Bến Mẩy, thuộc Vườn Quốc gia Bến En, nằm trên địa bàn hai huyện Như Xuân và Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) luôn phẳng lặng như một chiếc gương lớn, trong xanh tưởng như nhìn thấy đáy. Núi rừng thả những chiếc bóng lớn thẫm xanh trầm mặc, mây trắng bồng bềnh thỏa sức ngao du suốt các chiều dài rộng của hồ, thật thi vị. Nhưng trong lòng của thắng cảnh hồ Sông Mực này còn ẩn chứa nhiều câu chuyện về một loài cá nước ngọt khổng lồ- đó là cá mè hồ Sông Mực. Theo câu chuyện của những cư dân sống quanh hồ thì loài cá sinh trưởng nơi đây có vóc dáng to lớn lạ thường, nặng đến cả tạ, trông như những chiếc cột đình bơi lội vẫy vùng dưới nước. Trong hồ có hàng chục loài cá, nhưng không phải bất cứ loài cá nào cũng vậy, đặc biệt chỉ có loài cá mè mới thế. Cá mè trắng đã to, nhưng về kích thước và trọng lượng thì kỷ lục đích thực phải là loài cá mè hoa. Thịt cá rất thơm ngon, ngậy mỡ, chế biến các món luộc, hấp rất hợp. Hiếm gia đình nào có thể tự ăn hết một con cá, bởi chỉ riêng một chiếc đầu cá (loại cá 10 kg) cũng cần đến năm, sáu gia đình chung nhau mới có thể ăn hết.
Khi trao đổi với chúng tôi về giống cá mè- đặc sản của hồ Sông Mực, ông Nguyễn Hồng Tư, cán bộ Vườn Quốc gia Bến En, hào hứng tâm sự: “Tôi sinh trưởng ở đây, lại là cán bộ của vườn hơn mười năm rồi, nên tôi không lạ gì loài cá này. Thả cá giống xuống, nó lớn nhanh như thổi. Loại cá mè lá bài (to bằng cây bài tam cúc) thả xuống hồ Sông Mực này, sau hai tháng đã nặng hơn một kilôgam. Một năm sau đã có thể lên đến bảy, tám kilôgam. Càng nuôi lâu thì cá càng to lớn, mà đặc biệt chẳng phải lo thức ăn cho chúng. Những con cá chừng hơn 10 kg thì xe chở đấu đong không hết. Loại to chừng ba, bốn mươi kilôgam thì đếm không xuể”.
Theo lời kể của ông Tư thì con cá mè to nhất mà ông từng tận mắt trông thấy là nặng khoảng hơn 70 kg, do Xí nghiệp cá Sông Mực (một đơn vị khai thác thủy sản của Nhà nước nay đã giải thể) bắt được cách đây hơn mười năm. Người ta buộc con cá bằng một sợi dây thừng, xâu qua hai mang và khiêng trên vai bằng đòn gánh. Con cá này to như con lợn béo, dài hơn một sải tay, đầu tròn như cái mủng (loại thúng nhỡ), mình nung núc thịt. Hai thanh niên lực lưỡng khiêng cá mà lặc lè. Đuôi cá cứ như mấy cái chổi rơm chắp lại, quét lệt thệt xuống đất, sạch cả đoạn đường người ta khiêng nó qua. Ông Lê Trường Sơn, cán bộ phụ trách du lịch sinh thái của Vườn Quốc gia Bến En cũng xác nhận thông tin này.
Nhiều hộ dân quanh vùng hồ Sông Mực thì lại có những ấn tượng với khung cảnh khác. Mỗi mùa mưa lũ (từ tháng 5 đến tháng 12), cá mè vượt hồ lên các lạch nước để vật đẻ. Cứ nơi nào có nước chảy, nơi đó cá chạy ầm ầm như trâu đầm, cày nát cả cỏ cây. Chúng to như bắp chân, như chiếc phích, phơi lưng, phơi lườn trên nước cạn. Chúng tôi vác dao rừng đi rượt đuổi, chém lia lịa. Mỗi lần đi “săn” cá về, ai cũng được hàng chục cân cá trong sọt”- Một nông dân sau khi bắt chuyện với chúng tôi bên mép hồ phấn khởi khoe.
Cũng chính bởi sự khác thường đó mà cá mè hồ Sông Mực phải chịu không ít nỗi oan. Nhiều người phao tin rằng, mật loại cá này độc lắm, nếu ăn vào thì nguy hiểm cho tính mạng. Rồi thì mỡ cá mè này dày hơn cả mỡ lợn, chắc phải độc lắm. Đã có khối người ăn xong thì ngay lập tức lên cơn “tẩu hỏa nhập ma”, toàn thân co giật, nóng lạnh liên hồi đấy thôi. Lại có người cho rằng: “Cá Thần đấy, nếu không tại sao lại khổng lồ như vậy?! Hình như người Mường hay người Thổ địa phương thờ và bảo vệ nó đấy, không ăn được đâu!”...
Khi chúng tôi đề cập vấn đề này, ông Lương Xuân Hà, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bến En khẳng định: Những lời đồn thổi như vậy chắc xuất phát từ những người chưa từng ăn, thậm chí chưa từng nhìn thấy con cá mè hồ Sông Mực. Nó có to hơn con cá mè thường nhiều lần, nhưng chỉ béo hơn thôi chứ làm gì mà trông ghê gớm, kỳ dị vậy. Cá mè không phải là loại cá tự phát sinh, phải nuôi thả mới có được, mà toàn mua giống đại trà từ khắp nơi, nên chuyện cá Thần là không thể. Bằng chứng đủ sức thuyết phục là hơn 660 hộ dân với 3.670 khẩu, cả người Kinh, người Mường, người Thái, người Thổ sống trong vùng quy hoạch của Vườn Quốc gia Bến En có ai từ chối món khoái khẩu này đâu. Tuy nhiên, ông Hà cũng khuyến cáo không nên nuốt cả cái mật cá, vì mật gì thì cũng nóng, mật cá to quá dễ gây hại. Còn mỡ những con cá mè nơi đây đúng là quá béo thật, nhưng nó chỉ nguy hiểm với người có tiền sử mắc bệnh sốt rét thôi.
Nguồn lợi thủy sản có giá trị
Theo kết quả điều tra hệ động, thực vật Vườn Quốc gia Bến En của Phân viện Bắc Trung Bộ (thuộc Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn) thì hồ Sông Mực có 68 loài cá, thuộc 7 bộ, 14 họ, 46 giống. Trong 31 loài cá có giá trị kinh tế cao của hồ Sông Mực, cá mè được đánh giá là loài có tiềm năng lớn nhất. Đã có lúc cá mè ở đây tưởng như bị tuyệt diệt. Mối đe dọa của chúng không phải là trăn, rắn hay các động vật ăn thịt khác, bởi những con cá mè to lớn thừa sức “át vía” các đối thủ khắc tinh truyền đời đó. Những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều hộ dân xung quanh hồ đã dùng mìn, kích điện (loại ắc quy phát điện 12 V) thảm sát thủy sản hồ Sông Mực. Sau mỗi tiếng “ầm”, mặt hồ vốn bình yên, tuyệt mỹ bỗng thấy trắng xóa những bụng cá lớn, cá bé. Khi Vườn Quốc gia Bến En được thành lập, tình trạng này mới chấm dứt. Thủy sản trong hồ nói chung và cá mè nói riêng mới tai qua nạn khỏi.
Trong thời gian tìm hiểu về loài cá mè hồ Sông Mực, chúng tôi đã đến Tổ hợp tác thủy sản Sông Mực, xin được theo các ngư dân đi đánh cá. Đồng hồ điểm 21 giờ đêm, anh Lê Hồng Trường, xã viên của tổ cho biết: “Muốn bắt được cá mè to, phải đi vào ban đêm, vì lúc này chúng mới đi kiếm ăn. Nếu các anh muốn đi xem đánh bắt cá thì tôi có thể đưa đi, còn muốn xem con cá nặng cả tạ, thì tôi không dám hứa trước”. Theo hợp đồng với Vườn Quốc gia Bến En, tổ hợp tác chỉ được khai thác loại cá do mình đã thả giống một năm nay, tức là loại cá mè chừng 8- 10 kg mà không được bắt cá lớn. Tôi nhìn ra xung quanh, hàng chục ngư dân đang chuẩn bị ngư cụ cho buổi lao động trong đêm. Cứ hai người xếp một tấm lưới 3 tầng, nặng 15 kg một chiếc thuyền nan dài chừng 2m, rộng chừng 1,3m. Bắt cá mè hồ Sông Mực cần vào các triền bãi trước lúc nửa đêm và ra cửa sông lúc rạng sáng. Cá thường tập trung đông đúc vào các thời điểm này. Xung quanh hồ là các dãy núi, triền đồi, giữa hồ lại nhiều đảo chìm đảo nổi, nên việc bắt được nhiều cá hay không, cá to hay cá nhỏ dựa rất nhiều vào kinh nghiệm của từng ngư dân. Những ngư dân từng trải của vùng hồ này bật mí với chúng tôi: “Lòng hồ này tuy có chỗ sâu đến hơn 80 m thật, nhưng nhìn chung địa hình dưới đáy hồ khá phức tạp, nhiều núi ngầm, hang động, không dễ gì dùng lưới lớn như đánh cá biển được. Trước đây, Xí nghiệp thủy sản Sông Mực phải dùng đến loại lưới ống mới bắt được các con cá khổng lồ đấy, vì cá mắc vào lưới ấy như lợn đã chui vào rọ, không cách gì quẫy ra được”.
Được biết, cá mè hồ Sông Mực đang đứng trước một cơ hội mới khi Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn vừa phê duyệt đề án thí điểm cho thuê mặt nước hồ Sông Mực để nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Đơn vị nào trúng thầu có thể thả nuôi ba, bốn tấn cá mè giống, thu hàng tỷ đồng trong một năm là kế hoạch có thể thực hiện trong tầm tay. Cá mè nơi đây sẽ được nuôi, chăm sóc và khai thác một cách hợp lý để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Và hơn hết, khi những người dân nơi đây được hưởng lợi từ nguồn thủy sản có giá trị này, đồng bào sẽ biết cách bảo vệ và phát triển nó.
Hà Đồng Báo Thanh Hóa điện tử