Câu chuyện của người lớn và của bà thầy cúng
Trong lễ hội cá, tiệc cá trần gian có một ở Mậu Duệ, cả những con cá chiên nặng 30 hay 40kg đều được chế biến làm những món ăn truyền thống!
May quá, người bạn đồng hành, anh Đàm Văn Đửng, lái xe lâu niên của Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang lại là người Tày vùng Bắc Quang. Tôi vào xã Mậu Duệ của người Tày Yên Minh, nói chuyện với thầy cúng, người già cứ là khỏi cần phiên dịch. Lãnh đạo xã, các cựu lãnh đạo huyện ai cũng biết rất rõ, ai cũng bao nhiêu tuổi đời là bấy nhiêu tuổi chứng kiến Tết cá với lễ hội đua cá rọc rạch khắp các lòng sông khe suối của bản Tày. Nhưng không ai biết vì sao tổ tiên họ lại cho ra đời được cái lễ hội kỳ lạ đó. Lạ đến độ, tôi nghĩ, chương trình Discovery của thế giới cần ghi hình lại kẻo một mai mai một mất (!), thì mất béng đi một Chuyện lạ Việt Nam. Vì sao nhỉ? Anh Đửng bảo đi hỏi các thầy cúng người Tày khắc biết. Ông Nguyễn Đình Hòe, 75 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch huyện Yên Minh đang sống ở một bản hoang biệt của xã Mậu Duệ hoan hỉ đồng ý. Bởi chưa bao giờ ông đặt vấn đề tại sao có hội đua cá, cũng chưa bao giờ ông nghĩ rằng các vị thầy mo thầy cúng, ở phương diện nào đó là người gìn giữ cái tinh túy của tâm thức cộng đồng. Ông Hoàng Văn Viên, là thầy mo của bản vẫn hằng cúng cá trong hội đua cá bao năm nay, tiếc quá, khi chúng tôi tìm đến cụ đã về thiên cổ. Con gái cụ Viên, bà Hoàng Thị Khuê chỉ lõm bõm nhớ được vài bài cúng của cha truyền lại. Giờ “văn hóa mới” người ta cũng ít mời thầy cúng bái, sự mai một này nếu vẫn được coi là điều nhân cốt để bản Tày vươn lên bản văn hóa, thì có lẽ chúng ta đã ít nhiều không công bằng với văn hóa dân tộc (!).
Đến ngày 9/9 âm lịch hằng năm, đó cũng là mùa lúa chín vàng ươm khắp đồng. Người Tày bao giờ cũng tụ cư bên những dộc nước, văn minh của họ là văn minh lúa nước (và lễ hội lớn nhất trong năm của người Tày là hội Lồng Tồng – hội xuống đồng) nên Tết cơm mới của bà con diễn ra bên những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Lễ cúng rừng của họ cũng diễn ra bên cửa rừng, ông thầy cúng vái chín phương trời mười phương đất rồi ôm cái thân cây khổng lồ đầu bản mà khấn cầu mưa thuận gió hòa. Nên ruộng nước của người Tày bao giờ rừng rú, chon von hơn ruộng cấy các vùng châu thổ bãi bồi. Cá bơi dưới nước ruộng, lúa dầm chân trong ruộng nước mà lớn, mà mẩy, mà chín. Cấy gặt xong thì tháo nước đồng, bắt cá. Cá nhiều tới mức những chân mạ ngày hội tháo nước cứ lục xục, cứ ve vẩy như vây cá lớn cá bé quẫy đạp. Cả cánh đồng lạch xạch tiếng cá rạch nước trốn chạy cơn khô hạn bất ngờ (tháo nước). Khi cá nằm phơi bụng ra giữa cánh đồng mới gặt xong, cũng là lúc trẻ con người lớn xuống đồng bắt cá. Tiệc cá với những món mà chỉ có “ngư thần”, thủy thần mới hiểu tại sao người Tày lại sáng tạo ra được bắt đầu từ đó. Hội đua cá cũng vì thế mà ra đời.
Cá bắt xong, trước bàn thờ tổ tiên, bà Hoàng Thị Khuê, thầy mo bắt đầu cúng, tôi phiên âm ra quốc ngữ, có thể còn nhiều sai sót, như sau:
“Lán pỉ ná tuông khau oọc
Khâu xùa pú khâu hao
Khâu hao pu lon khau sáng
Tang tư ta xe mưa
Ta nưa ta xe quéng…”.
Ông Nguyễn Khắc Hòe và anh Đửng cùng dịch: Được mùa, trẻ con, con cháu đi ra đồng thấy lúa đón đòng, trổ bông. Lúa chín thì cho vào bồ, để cái bàn thờ chẳng bao giờ hiu quạnh. Bàn thờ trên không hiu quạnh, bàn thờ dưới đầy ắp. Con cháu còn có mâm bát về bày trên bàn thờ. Con cháu đầy đàn không để bàn thờ hiu quạnh. Con cháu có cá đồ măng chua đặt lên bàn thờ (trong Tết Cơm mới)”.
Món cá đồ măng chua đã đi vào các bài cúng của người Tày một cách phổ biến. Song, với người Tày ở các xã Mậu Duệ, Ngọc Long huyện vùng cao núi đá chất ngất Yên Minh, có hàng chục món ăn từ cá khác, mà tôi cứ “tham lam” nghĩ: bà con về mở nhà hàng đặc sản dân tộc ở Hà Nội thì có mà vớ bẫm. Những món nghe kể đã thấy nổi cái lòng ham nếm của ngon vật lạ trong nhiều người. Bà con cúng món “khẩu ràng” là lúa non (như cốm ở miền xuôi) đem luộc hoặc đốt nướng lên, giã nhuyễn sàng sẩy kỹ, thơm phức. Trong cụm từ “khẩu ràng poọc pỉa móc mảy”, thì món “poọc pỉa móc mày” là bánh trưng nhân cá ăn trong Tết cơm mới. Cá làm nhân bánh - một điều mà người dưới xuôi không thể lý giải nổi.
Nhưng trong lễ hội cá, còn nhiều món “của độc” hơn. Hôm ấy, cánh đồng trơ nước, cá rạch lên bờ vào các ngôi bếp của người Tày trọn vẹn. Chợ bán toàn cá, toàn dân (xã) ăn cá. Các ao chuôm nhốt toàn cá. Bà con ăn bay cá của cánh đồng trong một ngày! Cá gói trong các thanh măng chua lớn đem đồ kỹ trong coóng tẩu (cái chõ đan bằng tre nứa, vẫn còn tươi). Cá gói trong lá rừng thơm, cứ thế đốt lửa ngùn ngụt lên nướng, lúc bới cục than lá rừng ra, trong ấy có một con cá ướt nhẹp ngầy ngậy thơm. Ăn một lại muốn ăn hai! Cá ở Mậu Duệ được làm gỏi theo cái lối rất riêng. Cũng đánh vảy, lát mỏng thịt cá rồi dùng tro bếp, giấy bản thấm khô, tẩm gạo rang ăn gỏi như dưới xuôi; nhưng đặc biệt, phần xương và đầu cá được lọc riêng, rang ròn lên rồi cho vào cối giã nhuyễn. Thịt cá được lát mỏng tang, thái nhỏ như sợi bún, ướp thêm chanh, ớt, hạt đậu tương rang ròn giã nhỏ, trộn thêm các loại lá lẩu trên rừng nữa. Thế là ăn, một thứ gỏi, một thứ nộm chỉ có ở Mậu Duệ. Không ai có thể thống kê có bao nhiêu loại lá rừng được ăn với món sống trộn xương cá rang ấy, chỉ biết rằng, có lá sung, lá chanh, ớt, dấp cá, lá sấu mà dưới xuôi quen thuộc. Còn lại là kính thưa các loại lá của ẩm thực truyền thống người Tày (một dân tộc có dân số chỉ đứng sau người Kinh, ở VN; với nền văn minh phát triển rực rỡ). Món cá luộc, cá dán, cá hấp, cá xào, cá nướng, cá nấu canh, cá kho nhừ, cá ăn sống, cá ngâm chua, tẩm bột… Riêng những món ăn “độc bản” từ bộ lòng cá lớn, bà con chế ra cả chục món ăn “quỷ khốc thần sầu”, ăn rồi nhớ đến… già. Dường như, tất cả các món liên quan đến cá mà loài người có thể nghĩ ra, chúng hội tụ về Mậu Duệ trong một ngày. Nhà nào cũng ăn cá, cánh đồng nào cũng bắt cá, ban thờ nào cũng bày cá, bài cúng nào cũng nhắc tới cá. Cá với nước, nước với lúa, lúa nước với văn hóa và cuộc sống của người Tày nơi đây là một.
Duy có một món cá, tôi thấy là rất lạ, nó như một thứ tín ngưỡng trong vui thú hóa kiếp cho cá của bà con vậy. Cá để cả con, chọn những thứ cá dài thượt. Bà con đi tìm những lá cây gừng to, lá dài, xanh ngọc rồi kéo léo luồn tàu lá dài như một lưỡi kiếm cổ ấy vào bụng cá. Miệng cá, dọc thân cá đến tận đuôi được gài một lá gừng xanh. Cứ thế đem nướng trên than hoa của cây gỗ già, đống lửa đốt giữa bản, trước sự rộn ràng Tết cơm mới của cả bản. Những con cá nướng lá gừng, ăn đến đâu, thơm nồng mà sực ấm cơ thể đến đấy. Cá nướng gừng, một món ăn, một phương thuốc.
Mùi cá sực lên khắp xóm làng. Cả những chú thợ khai khoáng, cả khách vãng lai đều được trân trọng mời vào dự tiệc cá. Bà con tin rằng, trong hội cá, càng đông người ăn cá, với càng nhiều món ăn từ cá - thì Tết cơm mới năm sau sẽ càng thêm niềm vui, mùa màng thêm tốt tươi, bản làng thêm bình an. Đám trẻ nghêu ngao hát đồng dao trong căn bếp ủ trong khói cơm chiều nghe thật quen mà thật lạ:
Khói về kia ăn cơm với cá/ khói về đằng này ăn lá chuối khô. Trong tâm thức của người Việt Nam, chẳng riêng gì người Tày, cơm với cá là ngon nhất, gần gụi nhất. Nhớ mẹ ta xưa thì cũng là nhớ cảnh mẹ phải
miệng nhai cơm bung/ lưỡi lừa cá xương nuôi ta khôn lớn, chứ có nhớ thịt trứng sữa gì đâu.
Đua cá: trò chơi của trẻ con và đàn cá chép nhỏ
Tác giả cùng bà con người Tày, những nắm được sự tích
và trực tiếp tổ chức Tết Cá kỳ lạ tại xã Mậu Duệ, Yên Minh, Hà Giang.
Kỳ lạ nhất trong bữa tiệc cá linh đình ỏ Mậu Duệ là bữa tiệc tinh thần của trẻ nhỏ và đàn cá nhỏ: trò chơi đua cá. Từ khi bố mẹ còn còng lưng gặt, gánh và đập lúa ngoài thung lũng, thì đám trẻ đã ở trần, vận quần cộc, tụ tập nơm chũm lưới vợt chuẩn bị a-lô-xô bắt cá chép. Đám trẻ, chúng chỉ thích bắt cá chép thôi, bởi cuộc đua cá là nỗi mong chờ đầy thăng hoa của chúng từ đã tròn một năm nay rồi. Mỗi đứa trẻ (từ 7-12 tuổi) chỉ được có vài mùa đua cá rồi mỗi năm mỗi tuổi chúng đã phải lo toan những việc của người lớn mất rồi. Cũng phải nhường sân đua cá nhỏ cho đàn em nhỏ chứ. Không biết có liên quan gì đến các điển tích “lý ngư vọng nguyệt”, với lại cá chép vượt vũ môn hóa rồng của người Kinh hay không, nhưng, ở Mậu Duệ (và một số vùng lân cận) đã là cá đua thì phải là cá chép. Cá chép càng to càng khỏe, càng tốt, nhưng thường thì mỗi “vận động viên cá” chỉ không lớn hơn ba đầu ngón tay của người lớn. Ông Hòe kể: Có những con cá chép vây dựng lởm chởm như đoạn nương phát ẩu, người nó vàng óng như một khúc lõi mít mới đẽo, chép ta xù vây rẽ nước đi vèo vèo ở giữa suối. Cá kéo theo một cái bè lớn đến mức cả đàn gà nhép lẫn gà mái ngồi trên đó cũng vừa vặn, cũng rẽ nước rong buồm vươn khơi tốt. Nhưng, cá ấy thường chỉ dương vây diễu võ cổ súy cho cuộc đua của đám nhỏ thôi. Nó là chiến binh ngoại cỡ, không được tham dự cuộc Olempic cá Mậu Duệ.
Mang cá về mở tiệc, mỗi năm, trong một ngày đặ biệt, cả xã, nhà nhà,
người người đều ăn cá. Có hàng chục món ăn độc đáo chế biến từ cá đồng.
Không có một món ăn nào khác!
Đám cá chép choai được đám mục đồng Mậu Duệ gom cả về nhà, có đứa lười thì thả cá vào “ươm” ở những ao chuôm nhỏ góc bản chờ đến buổi chính hội đua cá. Những cảnh so bì, đổi chác cá cho nhau, thậm chí gần đây là mua bán cá được diễn ra rất… mục đồng. Có nhà không làm ruộng, cũng không tát ao, bố mẹ các cháu cũng phải ra chợ mua lấy một vài cân cá chép nhỏ về tham dự cuộc đua, kẻo lũ con lại tủi thân. Chợ bán cá chép đua cứ sôi nổi như chợ ngày lễ ông Công ông Táo 23 tháng Chạp dưới xuôi vậy. Con suối Tà Lúy trước bản hôm nay nước như chảy hào hứng hơn. Con bè tre luồng của ai đó đứng ne nép vào một góc. Người lớn ào ra xem, trẻ con xúm đen xúm đỏ biểu diễn. Cuộc trình diễn của thuyền, bè và thuyền buồm trước tiên. Thuyền, bè được tết bằng những cây cỏ gì đó, thân nó xốp, phần vỏ tước bỏ, chỉ lấy cái lõi sốp như nhẹ ra (thường trẻ em dùng cây cỏ đế tước bỏ hết cật đi). Kết cây rừng lại thành bè nhỏ, đặt nổi trên mặt nước, xung quanh là lá rừng, hoa rừng xanh đỏ. Những cua-rơ cá được xung trận. Nếu có mặt ở hội đua cá, bấy giờ bạn mới hiểu tại sao từ thượng cổ đến giờ, lễ đua cá lại được chỉ định chọn cá chép làm “yêng hùng thủy lộ”. Là vì cá chép quá sặc sỡ, dù không “tinh anh phát tiết ra ngoài” như xuyn xuýt rô cờ hay cá cảnh bảnh chọe, nhưng chép ta cũng có đủ các màu cơ bản. Hàng tạ cá chép được đem ra suối Tà Lúy. Phó Chủ tịch UBND xã Mậu Duệ, anh Nguyễn Văn Yêu rất hào hứng dẫn chúng tôi ra suối Tà Lúy rồi phiên dịch tên gọi từng “chiến binh cá” ra tiếng Kinh: đây là tay đua Đéng (cá chép đỏ - tiếng Tày); đây là tay đua Lương (cá chép vàng); đặc biệt khỏe là đám Đằm (cá chép đen); riêng anh Cắm (cá tím) thì hơi hiếm. Đám cá các màu sắc, các kích cỡ được buộc chỉ rất hùng dũng. Chúng lồng ra suối, sợi chỉ buộc vào giữa bụng, chỉ ép vào lớp vây giương lên trên mặt lưng cá. Cá như con ngựa được đóng yên cương bằng sợi chỉ, cứ thế ngược nước, đua nhau mà tiến.
Không biết đám cá chỉ mải chạy trốn khỏi sợi chỉ thôi hay là chúng cũng đua nhau “ăn thua” như đám trẻ hiểu động đang hò reo dọc suối. Nhưng,, rõ ràng, cá rạch nước rất hăng. Có cánh buồm lá rừng cứ dửng lên rẽ sóng. Có đám hoa dại bị sóng đánh rơi nhẹ nhàng xuống suối. Bè nước cứ tiến, mấy chục cái bè cùng tiến về phía suối gần nhà Ủy ban xã. Tiếng vỗ tay rền vang. Có con cá bị đứa trẻ ngỗ nghịch buộc chỉ vào… miệng. Cá ta chán nản quay ngược dòng nước, dong thuyền chạy vào một bới tre mọc chìa ra mép suối. Tiếng hò reo càng lớn, cái cười của người lớn giành cho những trò thơ dại của con trẻ, của cá mú ruộng nương.
Không có giải thưởng được treo. Cuối cùng trận đua cá cũng “vỡ trận” tan tác, vài cái bè bị lật. có con cá thoát khỏi sợi chỉ biến mất trong dòng suối Tà Lúy xanh đen. Có con cá mệt quá, đứa trẻ nháo nhác chạy vào cái chuôm nhỏ của mình bắt con cá lớn hơn, nó “thay ngựa giữa dòng” để tiếp tục cuộc đua đầy hiếu thắng. Cuộc đua làm nhọc nhạch náo, loạn cả một khúc suối lúp xúp cỏ dại. Con suối là nơi độc chiếm của đám trẻ và đám cá chép choai trong một ngày Tết cơm mới. Tất cả đều hả hê, tất cả đều chiến thắng. Có con chép vàng được thằng nhỏ phóng sinh về thủy giới. Con cá lớn bị tóm cổ khi đang toát mồ hôi vì cuộc đua (không biết cá có đổ mồ hôi?) đem về nhà rang khô, giã nhuyễn làm món “poọc pỉa móc mảy” (bánh trưng nhân cá). Những chiếc bè làm bằng cỏ đế trôi dáo dác dọc con suối. Cơ man nào là bè nhỏ của đám trẻ nhỏ, đám cá chép nhỏ.
Rời Mậu Duệ với lời hẹn xa xăm cho mùa Tết đua cá năm sau trở lại, tôi vợ cụ Hòe cứ ao ước: giá mà hội đua cá cũng được tôn vinh như trọi trâu ở Đồ Sơn, đua chó ở Vũng Tàu; khi ấy, phần được lớn nhất thuộc về những người từng đến với Mậu Duệ và chứng kiến một phong tục đẹp. Một phong tục mà phải có trí tưởng tượng bay bổng lắm người ta mới tin là có thật. Phải chịu được cái rét cắt da trên dốc núi ngoắt ngoéo đến quặn lòng vượt bắc ải Hà Giang kia thì người ta mới được thưởng thức. Diễm phúc cho ai được đến với Mậu Duệ trong cái ngày con suối Tà Lúy rọc rạch nhóc nhách toàn những chiến binh cá lướt những chiến thuyền nhỏ cắm lá rừng của con trẻ người Tày. Đua cá, đó đích thực là một khúc đồng da mến thương mà loài người may mắn có và còn giữ được…
Nguồn:Ghi chép của Đỗ Doãn Hoàng-Yên Minh, cuối năm 2006
Đ.D.H