Mùa Rớ Cá Quê Tôi

Nhiều người bảo có một sông ở đâu đó bị hút xuống lòng đất, chảy ngầm quanh co qua nhiều làng mạc rồi trồi lên chổ đó. Nguồn nước này nuôi sống cánh đồng nhiều xã huyện của Gio Linh. Mà quả thật, từ bao đời nay, mạch nước ấy chưa bao giờ cạn. Người ta nói ở chổ nguồn nước có con trăn khổng lồ nên chẳng ai dám mạo hiểm ra đó.

 

Những trận mưa lớn kéo dài khoảng hai ba ngày, nước sẽ dâng ngập luôn cả khu đầm lầy, cuồn cuộn chảy ra cánh đồng. Mọi người vác rớ đặt gần cửa nước, nơi có cây cầu bắc ngang mà bọn tôi hay cởi áo quần nhảy ùm xuống tắm, gọi là cầu Bến Lội. Rớ đặt san sát nhau thành dãy dài cả mấy chục cái.

 

Những con cá trê sống giữa đầm lầy kéo nhau đi. Mình đen sì, bộ râu dài ngoẵng, con nọ cắn đuôi con kia, làm thành một đám rước khổng lồ. Đó là loài cá chúa tể của đầm lầy. Chúng sẽ băng qua cầu Bến Lội, vượt Khui Ngoi, ra đến bàu Hà Trung, theo dòng nước mát đi tìm nơi tình tự đâu đó giữa cánh đồng mênh mông nước bạc.

 

Để cất được các loại cá nầy phải dùng những loại rớ có mắt lưới thật thưa, tức là lổ lưới thật lớn. Loại rớ này đa phần cá nhỏ sẽ chui ra được còn cá lớn thì mắc lại. Nhưng điều quan trọng là lổ lớn thì ít cản nước, cất rớ được nhanh, không để cho cá kịp thoát ra ngoài. Bởi những chàng cá lóc, cá gáy, chỉ cần cảm nhận một chút nước xoáy tạo ra khi ta giở rớ, lập tức chúng sẽ phóng vút lên cao. Nếu chậm chạp sẽ không sao tóm được chúng.

Tháng giêng, những người đi bán các loại dụng cụ đánh bắt cá rảo khắp làng. Họ mang đến những sản phẩm thật tốt. Ba tôi vội kêu họ vào, mời uống nước để ông có thời gian chậm rải chọn một chiếc rớ vừa ý, vì chiếc ở nhà đã thủng nhiều chỗ, vá dặm lung tung rồi. Một chiếc rớ như thế trị giá đến ba thúng lúa, cả gia đình tôi ăn hơn nữa tháng, nhưng chỉ sử dụng được một năm là cùng. Tuy thế mẹ tôi vẫn vui vẻ chiều ba tôi.

Mua được tấm luới vừa ý xong, ba tôi cũng chuẩn bị thay cả bộ gọng mới. Bởi không có gì xui xẻo bằng lúc đang giở rớ, cá cũng đang hồi đi rộ mà gãy gọng, phải bỏ cuộc về nhà. Xách rựa ra vườn, ba tôi lựa chặt những cây tre lồ ô lớn cỡ ngón chân cái, suôn, không non quá mà cũng không giòn quá. Chỉ có loại tre này mới chịu được sức căng lớn. Bó các cây tre lại xong ba tôi bỏ tất cả lên giàn bếp. Sau hai tháng hun khói chúng trở nên dẻo dai vô cùng.

Nắng đang hồi gay gắt. Cây cỏ xác xơ vì thiếu nước. Người cùng vạn vật đều chờ đợt trận mưa lớn đầu mùa tháng tư. Có thể ngập cả cánh đồng. Đây là trận mưa mà trong âm lịch gọi là lụt tiểu mãn. Mưa có thể bắt đầu buổi sang hoặc buổi chiều, kéo dài suốt đêm cho đến sáng hôm sau thì nước đã lênh láng khắp nơi. Tiếng ếch nhái sẽ rền vang ngoài đồng, hát bản đồng ca mừng thần mưa đem nước xuống cho ruộng đồng.

Từ chập tối, ba tôi đã nôn nóng đứng ngồi không yên. Bộ gọng gác trên xà nhà đã được lấy xuống để coi lại có bị chuột bọ gì gặm không. Tấm lưới cũng đã được xem lại từ lúc sáng, khi trời vừa đổ mưa. Chín giờ đem, ba tôi nhấp nhỏm:

- Đi được chưa?

- Còn sớm quá, sợ dầm mưa tới lúc cá đi, ba mày chịu không nổi, bịnh liền - Mẹ tôi nói

- Nhưng khuya quá thì không kiếm được trộ tốt.

- Thôi trộ vừa cũng được. Giành cho được trọ tốt cất nhiều cá ăn rồi cũng hết, mà đổ bịnh thì khổ.

Ba tôi ngồi im không nói nữa nhưng nhìn ra ngoài trời coi bộ nóng ruột dữ lắm.

Không biết từ bao nhiêu năm rồi, lúc tôi lớn lên đến giờ, chưa thấy năm nào ba tôi bỏ qua trận lụt tháng tư này. Có những khi vì công việc đi xa trước ngày đó, đến lúc trời bắt đầu chuyển, báo hiệu đã đến ngày mưa đổ, thì ba tôi cũng tạm gác tất cả để về nhà cho bằng được. Đó là ngày hội của lũ cá dưới nước và đồng thời cũng là ngày hội của những người cất rớ trên bờ.

Khi ba tôi ra đến nơi thì cũng có rất nhiều người thả rớ. Nước ở đầm lầy dâng khá cao, chiếc cầu đã ngập dưới làn nước. Nhưng trời vẫn cứ mưa. Hơi mưa mát lạnh đêm nay sẽ thúc giục đàn cá trê rằng lễ hội bắt đầu. Nhưng đã mười một giờ đêm vẫn chưa thấy đàn cá ra đi. Mười hai giờ đêm. Đàn cá vẫn chưa chịu rời chổ ẩn nấp giữa đầm lầy. Ai nấy đã bắt đầu thấm lạnh, mỏi mệt giở lên đặt xuống những cái rớ trống không.

Mưa quất vào mặt người càng lúc càng mạnh. dường như lũ cá thử thách lòng kiên nhẫn của mọi người. Một số đã xếp rớ ra về, chỉ còn những người bền chí nhất đang đứng run rẩy. Cho đến khoảng một giờ sáng, một người nào đấy khe khẽ kêu lên “đi rồi”. Ấy là lời thông báo cho biết lũ cá trê đã bước vào cuộc diễu hành. Con nọ nối đuôi con kia ào ào ra đi. Ba tôi cất một lượt rớ có đến ba con cá trê. Thật khó khăn để bắt chúng bỏ vào giỏ vì cặp ngạnh sắc nhọn có thể đâm thủng tay bất cứ lúc nào.

Hầu như mọi người đều giở được cá. Cứ đều đều một hai con. Có người trong một lần giở rớ được đến cả chục con. Không ai còn cảm thấy lạnh vì cái giỏ nào cũng đã nặng trịch. Cứ đều đặn cất lên thả xuống. cho đến chừng ba giờ sáng thì cuộc diễu hành của đàn cá kết thúc. Có người đã cất được chừng ba trăm con cá trê.

Bốn giờ sáng, ba tôi về tới nhà. Trời vẫn mưa tầm tã. Mẹ tôi nhóm sẵn một bếp lửa hồng rừng rực chờ ba tôi. Đưa cả giỏ cá cho mẹ tôi cầm thử để ước lượng sức nặng, ba tôi nói thêm: “Tiếc quá, mình đi hơi trễ nên không kiếm được trộ ngon”. Ấy vậy nhưng cũng được hơn ba chục con cá trê. Những con cá bụng căng tròn. Mẹ tôi bắt tay vào nấu ngay một nồi cháo. Hành ngò đã sẵn. Mẹ tôi đội mưa hái từ lúc chiều. Chỉ trong vòng mười phút, mấy con cá đã được làm xong. Xèo, xèo. Tiếng hành phi làm thằng Dũng đang nằm trên giường vội lồm cồm bò dậy chạy ngay xuống bếp. Nồi cháo sôi sung sục, tiếng củi tre nổ lốp bốp. Và chỉ khi cả nhà thì nồi cháo cá cũng được bắt xuống. Mẹ tôi múc ra mỗi người một tô rồi rắc tiêu vào. Bọn tôi sà ngay vào nồi cháo cá. Trong vòng hai mươi phút, nồi cháo đã hết sạch. Chẳng có đứa nào nhớ rằng ba tôi đã dầm mình dưới mưa suốt đêm qua để có nồi cháo cá ngon ngọt sáng nay.

Sáng hôm sau, các loài cá khác mới kéo nhau đi. Cá giếc, cá lóc, cá that lát, cá rô…Ăn xong hai tô cháo cá, chợp mắt một lát cho lại sức, ba tôi lại vác rớ ra đồng. Cơ hội đánh bắt một năm chỉ có mấy ngày, không thể bỏ qua. Tôi cũng choàng tấm áo mưa, xách giỏ theo ba tôi.

Ở chổ gần cầu Trạng, ba tôi cất được con cá lóc to bằng cổ chân. Khi chiếc rớ giở lên, nó vùng ầm ầm tưởng chừng có thể rách chiếc rớ. Nhưng nó không thể thoát thân được, vì chiếc rớ ba tôi mới mua hồi tháng giêng thật chắc chắn. Con cá lóc được thả nằm chật trong một cái giỏ. À, tới đây tôi xin nói thêm về dụng cụ này một chút. Để đựng cá, người quê tôi thường đan những chiếc giỏ bằng tre có hình dạng như cái bầu rượu, gọi là cái oi. Cái giỏ này tiện lợi ở cái chổ nắp đậy. Cá thả vào dễ dàng không cần mở nắp nhưng khi đổ ra thì không mở nắp không được. Bởi vậy bọn cá không thể nào thoát thân ra khỏi cái oi. Một số người cầu kỳ không đan thành hình cáo bầu rượu mà đan thành hình con vịt. Khi đó cái giỏ đựng cá được gọi là cái vịt.

 

Mỗi năm có ba trận lụt tràn đồng là lụt tháng tư, lụt tháng bảy và lụt tháng mười. Để bắt cá lớn, có thể cất rớ vào những ngày trời lụt như thế. Tuy nhiên, không chỉ cất rớ khi trời lụt mà thôi. Vào mùa khô hạn cũng có kiểu cất rớ khác để bắt cá lớn. Đó là những ngày nắng hạn lâu ngày, ruộng đồng khô nứt nẻ. Đàn cá bấy giờ gom lại dưới con rào. Làng tôi có một đoạn rào dài chừng cây số, nước rất sâu gọi là vực. Trên bờ, cây cổ thụ soi bóng âm u. Người ta đồn rằng có những con cá gáy sống cả trăm năm ở đây, thân nó đã mọc rêu. Hoặc những con cá to bằng cột nhà, không bao giờ ăn câu.

Một buổi trưa nắng thật gay gắt, cánh đàn ông cất rớ trong làng đồng loạt kéo đến đoạn vực sâu. Mọi người cởi trần ra và lội xuống nước. Họ dùng chân sục quậy lớp bùn dưới đáy cho nước đục ngầu lên. Cá to cá nhỏ bị cay mắt đều phải chạy ra khỏi hang hốc. Khi ấy thì bắt đầu thả rớ xuống, thế nào cũng tóm được chúng.

Ở đây có một lối cất rớ thật đặc biệt, gọi là cất ngầm. Nhiều chổ nước sâu quá đầu người, khi thả rớ xuống không thấy bốn gọng vó nhô lên khỏi mặt nước. Cần nhớ là lúc này mọi người đều phải lội xuống nước vừa quậy bùn vừa cất rớ chứ không phải đứng trên bờ. Khi đó, người cất rớ đang đứng những chổ sâu như thế này phải bơi đứng, toàn thân chìm sâu dưới nước chỉ nhô cái đầu lên. Nhưng thả rớ xuống thì vậy còn lúc cất rớ lên người ta không thể vừa bơi vừa đứng cất. Vì như thế không có điểm tựa. Mà phải đứng chân xuống đáy nước mới có điểm tựa. Nhưng do nước sâu quá đầu người nên đứng chân xuống đáy nước thì cái đầu cũng chìm theo luôn. Trong tư thế đó, người ta từ từ nâng rớ lên.

Người trên bờ chỉ thấy hai cánh tay từ dưới nước cất bỗng chiếc rớ giơ lên cao. Như một màn xiếc thật sự. một con cá gáy thậ lớn vùng vẫy dữ dội trong chiếc rớ. Cả đoạn sông mọi người nhấn nháo hẳn lên. Ở dưới nước, người cất rớ vừa giương cao chiếc rớ vừa di chuyển vào bờ.

Không phải ai cũng cất được kiểu này, dù người ta biết rằng ở chổ nước sâu như thế chắc chắn sẽ bắt được cá lớn. Trong làng tôi, hai anh em ông Sở, ông Mãi rất giỏi nghề cất ngầm dưới nước. Ở làng Lan Đình cách làng tôi mấy cây số có nhiều người cất ngầm nỗi tiếng. Mùa khô hạn, họ vác rớ đi khắp nơi tìm chổ nước sâu để cất rớ.

Ở chổ vực sâu đó còn có một loài cá quý hiếm là cá chình. Nó dài như một con rắn, thân đen thui và trơn như lươn. Một con cá chình lâu năm có thể nặng đến cả chục ký. Thịt cá chình ăn béo vô cùng, không có loại cá nào sánh nổi. Đó là lý do để người ta hay kéo đến vực để cất rớ. Nhưng hình như chỉ có những người cất ngầm mới cất được loài cá chình.

Trong mùa khô hạn, lâu lâu người ta lại kéo nhau đến một đoạn rào để tổ chức quậy bùn. Đó là cả một cuộc vui lớn….

 

Trần Đình Thu-doanhnghiepquangtri.com

Các tin khác cùng chuyên mục
Quảng Bình: cá voi trắng nặng 10 tấn dạt vào bờ biển - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:25:33 CH
Cá voi săn mực khổng lồ như thế nào? - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:24:42 CH
Ăn cá nhiều mỡ tốt cho tâm trạng - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:24:03 CH
Săn "báu vật lòng sông" - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:23:21 CH
Kỹ thuật dùng mồi giả cho người mới tập câu (Phần 1) - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:22:37 CH
Sản phẩm dây câu mới - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:21:53 CH
Hồ Ayun Hạ - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:19:27 CH
Truyền thuyết về loài "rắn biển khổng lồ" - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:18:06 CH
Chiến lược đầu tư cổ phiếu - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:17:06 CH
Cá chiên nặng 45kg và lễ hội đua cá ở Mậu Duệ - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 11:16:07 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.