Người ta yêu thủy tiên vì vẻ đẹp quý phái và hương thơm đặc biệt, nhưng chắc hẳn sẽ thêm quý loài hoa này nếu biết rằng nó còn là một vị thuốc chữa bệnh. Hoa thủy tiên có tên khoa học là Narcissus tazetta L.var.chinensis Roem, trong thành phần hóa học của hoa có chứa 0,2-0,45% tinh dầu, trong đó chủ yếu là Eugenol, Benzaldehyde, Benzyl alcohol, Cinnamic alcohol. Ngoài ra, còn chứa Rutin, lsorhamnetin-3-rhamnoglucoside, Narcissin, Citronellol...
Theo dược học cổ truyền, hoa thủy tiên vị đạm, tính mát; rễ cây hoa có vị cay đắng, tính lạnh; có công dụng khứ phong thanh nhiệt, hoạt huyết điều kinh, tiêu thũng giải độc; được dùng để chữa các chứng bệnh như kinh nguyệt không đều, phụ nữ ngũ tâm phiền nhiệt (nóng lòng bàn tay, bàn chân và vùng giữa ngực), mụn nhọt, viêm loét, viêm tuyến vú, quai bị, viêm hạch... Y thư cổ Bản thảo cương mục cho rằng, hoa thủy tiên có công năng “khứ phong khí”. Thường được dùng dưới dạng tươi hoặc khô, uống trong với liều từ 3-6g, dùng ngoài giã nát đắp hoặc nấu nước rửa.
Một số cách dùng cụ thể như sau:
* Kiết lỵ: Hoa thủy tiên 3g sắc kỹ lấy nước, pha thêm một chút đường trắng uống trong ngày.
* Quai bị: Hoa hoặc củ thủy tiên giã nát, sao nóng rồi đắp vào chỗ đau.
* Tiểu tiện không thông: Củ thủy tiên giã nát rồi đắp vào huyệt Dũng tuyền. Vị trí huyệt Dũng tuyền: nằm ở điểm nối giữa 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn nối đầu ngón chân thứ hai với điểm giữa bờ sau gót chân.
* Phụ nữ ngũ tâm phiền nhiệt: Hoa thủy tiên, lá sen khô, xích thược, lượng bằng nhau. Tất cả sấy khô, tán bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g với nước ấm.
* Trẻ em co giật: Hoa thủy tiên 10 bông, phơi khô sắc uống, có thể pha thêm một chút đường.
* Áp-xe vú: Hoa thủy tiên giã nát, trộn với một chút rượu rồi đắp vào nơi bị bệnh, mỗi ngày đắp 2 lần.
* Mụn nhọt, đinh độc: Hoa hoặc củ thủy tiên tươi giã nát đắp lên nơi bị tổn thương; hoặc dùng củ thủy tiên, dã tường vi, lá phù dung và rễ cây chuối tiêu, giã nát rồi đắp vào nơi bị bệnh.
Côn trùng đốt: Dùng hoa hoặc lá thủy tiên tươi giã nát đắp vào chỗ bị đốt
Sưu tầm