Ðã nhiều đời nay đại gia đình của ông vẫn làm thế. Nhà cửa, thuyền bè, con cái ăn học cũng bằng chính đồng tiền kiếm được từ những đêm dài dằng dặc, chèo thuyền trong giông dữ, giữa dòng sông Lô. Văng câu, thả lưới, đánh chài, đơm tôm đó là những công việc thường ngày của người đàn ông có biệt danh Sinh Tơ- một trong những tay quái kiệt trong nghề săn cá trên sông Lô huyền thoại.
Ðêm giông
Bầu trời bớt xám xịt, lúc đó khoảng 10 giờ đêm, cha con ông Sinh Tơ mới lục tục ra bến để bắt đầu một đêm mưu sinh mới. Chúng tôi- những người đi cùng cha con ông đêm nay tuy không nói ra, nhưng ai cũng cầu cho mình đêm nay được may mắn, vì lần đầu tiên lênh đênh cả đêm trên mặt nước của một dòng sông đang mùa lũ. Chiếc thuyền nan đã bé lại càng bé hơn khi phải chở cả ba chúng tôi và hai cha con ông Sinh. Nhưng dưới sự sắp xếp của một người đầy mình kinh nghiệm sông nước, chúng tôi vẫn thấy vững dạ. Mọi người vừa yên vị, anh con trai nắm tay chèo, ông Sinh ngồi mũi thuyền chỉ nói một câu “ngược ghềnh” là chiếc thuyền ngược dòng vượt lên phía trước. Ông Sinh hô “trấn” rồi đứng phắt dậy, tay cầm chài vung ra, chiếc chài như bị một lực thổi cực mạnh toả ra như một chiếc nơm lớn, chụp xuống một góc sông ven bờ, nơi có dòng nước mưa vẫn đang chảy từ bãi sông xuống. Nhìn ông quăng chài, tôi không khỏi giật mình, vì khi chuẩn bị đồ nghề săn cá, tôi có nhấc chính chiếc chài mà ông đã quăng, nó phải nặng đến ngót 20 kg. Thế mà ông đứng ở mũi thuyền để quăng, lúc văng ra hai chân ông vững chắc, thành thục như đang thực hiện một vũ điệu. Chỉ nghe tiếng tủm gọn lỏn, cũng là lúc sợi dây dù to như ngón tay, đang quấn thành những vòng trên tay ông buông ra từ từ. Khi buông hết dây ông lại làm ngược lại với những động tác cũng chậm chạp như khi thả. Bằng một động tác nhanh chiếc chài được kéo lên trải ra mũi thuyền, theo ánh sáng từ chiếc đèn trên đầu ông, những con mắt tò mò của chúng tôi đổ dồn vào bụng chài và lần này có 1 chú cá lăng nhỏ. Trong khi gỡ cá ra ông nói: khi quăng chài chân phải tấn vững, cơ bụng và cánh tay phải khoẻ, khi văng ra lực phải dứt khoát. Với người đánh chài, cánh chài dán trên mặt nước, không một hòn chì nào được dính vào nhau thế mới là chuẩn.
Cũng từ chiếc chài này, đã có lần ông bắt được con cá lăng tới 16 kg bán được gần 3 triệu đồng. Nhưng cũng có lần làm ông tiếc và sợ, đó là một đêm tháng 7 âm lịch. Ông một mình một thuyền để thả trôi giữa dòng, vừa để quăng chài vừa hóng mát, khi chài của ông vừa văng ra chụp xuống nước, thì thấy cánh tay tê dại, ngón tay móc dây chài bị cứa mạnh bất ngờ. Lúc đó trong lòng của chiếc chài có một vật gì đó đang bùng nhùng và lao loạn xạ, ông phải quỳ xuồng móc dây chài vào cái thuyền. Nhưng chiếc thuyền nan của ông bị hút xuống chao đảo. Ðúng lúc, ông đang dồn toàn bộ sức lực, trổ hết các ngón nghề của tay săn cá lão luyện đã hơn 40 năm ra thì nghe tiếng “bục” một cái khô khốc, thuyền lại nhẹ bẫng, hết chao đảo. Sợi dây chài, đang căng như dây đàn thì bỗng chùng xuống, ông vội kéo chài lên, thì chỉ thấy một lỗ thủng to có đường kính khoảng 1,5 m, những hòn chì kịp vào mép chài đã không còn nữa, chiếc chài nhẹ hơn bao giờ hết. Lúc đó giữa dòng nước lớn, trời mùa hè gió thổi mát lạnh, mà mồ hôi ông vã ra như tắm, tim đập thình thịch và lúc này ông mới thấm câu “mất cả chì lẫn chài” của các cụ vẫn dạy. Sau cái đêm trượt cá làm ông vừa tiếc vừa sợ đó, phải mất mươi ngày sau, ông mới dám đi đánh chài ở sông một mình như thế.
Không chỉ là “đệ nhất quăng chài”, ông cũng nổi tiếng về tài câu văng, bởi ông hiểu từng con nước, biết từng cái hang dưới đáy sông. Những con cá kỷ lục 20-40kg mà ông đã vớt lên được từ đáy sông này chính là từ những bộ lưỡi câu văng của mình.
Sông dữ
Với gia đình ông Sinh và nhiều gia đình khác, có số phận và cuộc sống gắn liền với dòng sông Lô thì họ đã được dòng sông ban phát cho tất cả, kể cả những đứa con của họ, cũng cất tiếng khóc chào đời trên dòng sông này. Nhưng họ cũng đã phải đối mặt và chứng kiến sự tàn phá và hung hãn của dòng sông, mỗi khi cơn lũ đầu nguồn đổ về. Bà Tươi, vợ ông Sinh cho biết, tới nay gia đình bà đã cứu được 9 người thoát khỏi miệng của Hà bá. Nhiều người trong số họ hiện vẫn đi lại nhà bà, và nhận con nuôi. Gần gấp đôi con số đã cứu được, là những xác người. Không ít lần nhà bà phải làm ma cho họ, vì không có ai nhận. Bà nói: làm nghề sông nước, rất nhiều người kiêng khi thấy người chết, vì sợ nếu vớt lên thì Hà bá sẽ bắt mình thay thế. Nhưng với gia đình bà thì khi nhìn thấy họ, không thể nhắm mắt đi qua được.
Cá về đâu?
Trên sông Lô hiện nay, đoạn từ cầu Việt Trì ngược lên khoảng 50km, tới chỗ giao với sông Chảy có đến cả chục tay quái kiệt trong làng săn cá. Hàng ngày phải lần tìm tầng, tăm cá mong bắt được những con cá lớn. Ðể nuôi sống gia đình, hằng ngày họ phải đối mặt với dòng sông, nắng mưa, sương gió. Nhưng khi bắt được cá dưới sông lên, họ không dám ăn, mà để bán cho những tay “săn cá cạn” ở Hà Nội lên bán cho những nhà hàng lớn ở Thủ đô.
Hiện nay giá cá mua tại bến tương đối cao: cá anh vũ 320- 400 nghìn đồng/1kg, cá lăng khoảng 170-200 nghìn đồng/1kg, các loại khác cũng không dưới trăm nghìn đồng một kg. Phong trào “ăn anh vũ, xơi cá lăng” đang là một thứ mốt đắt đỏ của những người sành ăn nhiều tiền. Họ có thể “nhẹ nhàng” rút ví để trả hàng triệu cho bữa ăn có những món cá đặc sản. Còn những người săn cá sông Lô vẫn ngày đêm miệt mài và làm giầu cho không ít những nhà hàng ở cách sông Lô cả trăm cây số.
Nguyễn Thuận Thành