Khí hậu vừa chuyển từ râm mát qua nóng nực là má tôi đem về cả rổ cá nục mỗi lần đi chợ. Ở quê, đi chợ khá xa và thường năm bảy ngày mới có một phiên chợ. Mỗi lần có phiên chợ, má cho cả nhà ăn tươi một bữa. Còn lại ướp gia vị cho thật thấm rồi kho keo thật ngon, để dành ăn dần tới phiên chợ sau. Cũng từ xoong cá nục kho đó mà ông tôi đã chế biến ra một món canh rất độc đáo, không những cả nhà tôi đều khoái mà thỉnh thoảng có khách đến nhà gặp bữa ăn cơm cũng rất mê.
Bên chái hiên nhà nội tôi có một cây sấu lúc lỉu trái. Thông thường đã gọi là canh thì phải nấu, nhưng món canh cá nục giằm sấu lại được chế biến theo kiểu khác hẳn. Đến bữa ăn, khi cơm vừa chín ông tôi mới "chế" món canh sấu. Dù là tay nội trợ chính trong gia đình, nhưng với món canh này má tôi cũng đành phải chịu lép ông tôi. Má tôi chuẩn bị sẵn cho ông một ấm nước sôi trên bếp. Tôi có nhiệm vụ ra hái mấy trái sấu, ông dặn không được hái trái xanh quá hay chín quá. Ông giải thích rằng trái sấu xanh quá sẽ làm canh có vị chát, còn chín quá khi ăn bị mùi ê. Ông giằm chừng ba trái sấu với ba con cá nục kho cỡ ngón tay trỏ trong một cái tô vừa vừa. Khi mọi người đã ngồi vào mâm cơm, ông tôi mới xách ấm nước đang sôi chế đầy vào tô đã giằm nhuyễn trái sấu với cá nục kho. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng khi ăn vào phải ngạc nhiên vì sự hòa trộn thật tinh tế giữa mùi và vị. Trái sấu có một vị chua rất đặc trưng lại được "chắp cánh" bởi cá nục kho thấm tháp đậm đà, thật khó mà tả cho hết được.
Bây giờ, mỗi khi nhớ đến món canh ấy, tôi thử nấu món cá nục kho với khế hay lá giang vì không tìm ra trái sấu, nhưng không làm sao sánh được với món canh sấu giằm cá nục của ông. Cứ nhớ, cứ thèm hoài đến nỗi:
"Làng quê xa cách bao năm,
Nhớ hoài canh cá nục giằm sấu xanh".
VĨNH HOAN