Cá Hồi và luật về cá Hồi Nhật bản (Phần II)

CÁ HỒI VÀ LUẬT VỀ CÁ HỒI NHẬT BẢN

(Phần II)

CHIẾN THẮNG VÀ HƠN THẾ NỮA!

Số 9, con số quá đẹp mang lại nhiều may mắn. Buổi sáng ngày 9/10, Hiệp hội gọi điện báo: “Vân, có một chữ Vân” trong vòng bốc thăm vừa qua! Ả chưa hết mừng vui thì được khuyến mãi thêm 1 tin bất ngờ nữa : Theo hồ sơ lưu trữ thì ả là nữ cần thủ Việt Nam đầu tiên có giấy phép câu cá Hồi tại Nhật (trước đó có 3 nam cần thủ VN đã được cấp phép). Ả mừng quá nhảy nhót liên hồi, miệng không ngớt lẩm bẩm “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”, khiến đứa bạn cùng phòng tưởng vừa mua được con Robot hàng hiệu “hình ảnh sống động, âm thanh trung thực” chứ! Tới chiều, lại một cú điện thoại nữa báo tin “y chang hồi sáng”. Nỗi mừng vui lúc này được sánh với song hỷ lâm môn, thoả lòng ước mong của ả suốt 8 năm qua.

Có 2 “bùa hộ mệnh” trong tay, ả tự tin gào lên “Chí lớn chưa về bàn tay không”, nói rồi tay cần, tay mồi thoắt cái nhắm hướng Hokkaido mất dạng!

Chuẩn bị lên đường

Giờ đọc chuyện cổ tích thời hiện đại đã hết, xin quý độc giả trở về với tuỳ bút câu cá Hồi mùa thu ở Hokkaido sẽ được trình làng ngay sau đây.

Câu cá Hồi mùa Thu là một thử thách thú vị, vậy mà 8 mùa Thu ở Nhật vẫn chưa có cơ hội để đi câu, đó thật sự là một thiệt thòi cho tôi. Nên lần này khi những khu rừng xanh chuyển sang màu đỏ báo hiệu mùa thu thứ 9 của tôi đang tới gần, cùng với 2 “giấy phép câu cá” vừa có được, tôi nhất định gạt mớ bòng bong luận án, đề án, hội thảo…sang một bên, nhắm hướng Hokkaido thẳng tiến!

Hokkaido (Bắc Hải đạo - Đường đến biển Bắc) cách nơi tôi sống 1h20’ máy bay, là hòn đảo phía cực Bắc của Nhật. Người Nhật còn gọi nó bằng những cái tên hết sức lãng mạn khác như ShiroiKoibito (Bạch Tình Nhân - Người yêu trắng), bởi nơi đây là nơi duy nhất của Nhật tuyết phủ trắng suốt mùa đông, hay Kita no Kuni (Bắc Quốc - Đất nước phương Bắc)…do ôn độ nơi đây luôn thấp hơn các vùng khác, cùng với thiên nhiên trong lành và hệ thống sông ngòi dày đặc nối thẳng ra biển, nước rất trong và sạch đến nỗi có thể nhìn thấy đáy, soi được mặt như gương…có lẽ đó là lý do mà cá Hồi Hokkaido nhiều nhất và ngon<   nhất Nhật Bản cũng như trứng của nó được gọi là ruby - Hồng ngọc.

Thịt cá Hồi Hokkaido... và đây, Hồng ngọc!

Với 5 ngày nghỉ trong tay, tôi tự tin alô cho anh bạn Akio người Nhật ở Hokkaido (Chưa gặp nhau bao giờ, chỉ biết nhau qua 1 trang web câu cá Nhật) nhờ anh tư vấn cho tôi những lưu ý cần thiết khi câu cá Hồi, tiện thể nhờ anh đặt giúp phòng khách sạn ở Hokkaido. Anh Akio đã kêu trời vì ganh tỵ khi biết tôi “chỉ có2 giấy phép trong tay. Ganh tỵ thì ganh tỵ, anh vẫn vui vẻ giúp tôi đặt phòng ở 5 khách sạn khác nhau, chuẩn bị cho tôi 5 bản đồ khác nhau, liên hệ thuê xe cho tôi trong 5 ngày…tôi có nên hậu tạ anh bằng 1 gói 555???

Chuyện phiếm bên lề 1 chút về 2 giấy phép câu cá Hồi với giá 10000JPY tôi đang có, thiệt tình cá chưa mắc câu, người đã mắc nghẹn! Nên vụ giá cả này “đồng hội đồng thuyền” thân lắm tui mới “nhỏ to tâm sự” đó nghe, chứ đến tai dân ngoại đạo nhất là “phụ huynh” tôi chắc chắn sẽ bị quở tơi bời, mẹ tiếc của thế nào cũng mắng: “Bao nhiêu đây tiền để mẹ đi mua mấy sọt cá về cho cô tha hồ câu!” Hi hi.

LŨ CON 1 BỀ

Sau cả tuần chuẩn bị, cuối cùng tôi đã có mặt tại sân bay Nagoya cho chuyến hành trình về Đất nước phương Bắc. Cái thân còm nhom vừa sách vừa khoác một hộp chuyên dụng đựng mồi giả to vật vã, vừa xách 1 hộp chuyên dụng khác cũng to không kém chứa đầy dây câu, máy quay, tay còn lại cầm 3 cái cần câu dài thoòng, thiên hạ tưởng tôi chuẩn dọn nhà tới nơi. Cô nhân viên hàng không quen thuộc nhìn tôi cười xinh như mộng, hỏi nhỏ nhẹ: “Lần này đi câu tận Hokkaido à? Câu cá Hồi phải không? Tôi cười tít cả mắt khen chị chỉ được cái nói đúng.

Đặt chân đến Sapporo (Thành phố cửa ngõ của Hokkaido) sau hơn 1h bay, trời trong vắt, nắng nhẹ tênh, không khí hơi se lạnh thật dễ chịu, khoan khoái vô cùng. Trong thời gian chờ hành lý tại băng chuyền, tôi nhận thấy khá nhiều hành khách khác, cả Tây lẫn Nhật cũng có những cái hộp chuyên dụng với dáng vẻ “dọn nhà” y chang mình, thì ra cả thế giới rủ nhau đi câu cá Hồi.

Tôi ngầm quan sát những cái mác sản phẩm dán trên hộp của họ (Shimano,Thread Silver, Daiichi, Top-water...), có những cái còn mới nhưng cũng có cái đã sờn và cũ hơn những cái mác trên hộp của tôi rất nhiều, điều đó nói lên quá trình đi câu của họ đã được bao lâu.

Sau gần 20’ đánh vật với mớ giấy tờ để thuê được chiếc Toyota Hilux Surf (7000Yen/ngày) tôi cũng nhận được xe, thời điểm xuất phát thực sự cho chuyến đi câu bắt đầu từ đây!

Mục đích là đi câu cá nhưng thật phí hoài nếu bỏ lỡ cơ hội ngắm nhìn “Người yêu da trắng” vào mùa Thu, do vậy tôi lái xe rất chậm với tốc độ của rùa để còn chiêm ngưỡng dung nhan “nàng”.

Nghỉ 1 đêm ở Kusharoko cách Sapporo 200km, tôi tranh thủ lúc trời chưa tối hẳn câu vài con Yamame, iwana… (Vì mùa câu Yamame, là loài cá chỉ có duy nhất ở Nhật, đã kết thúc ở thành phố tôi ở, mọi hành động đánh bắt loài cá này đều bị nghiêm cấm cho đến đầu tháng 3 năm sau. Nhưng khu vực Kusharoko này lại được phép câu thoải mái). Tôi sẽ hầu chuyện các bạn về loài cá rất thú vị này ở phầviết dưới đây.

NHỮNG LOẠI CÁ KHÔNG ĐỤNG HÀNG CỦA NHẬT!

Sáng hôm sau tôi dậy từ sớm để chạy thêm 200km nữa, cuối cùng tôi cũng đến được nơi cần phải đến, sông Churui (Vùng Shibetsu, cách Sapporo gần 400km), là con sông đầu tiên tại Nhật được mở cho phép những người đánh bắt không chuyên đến câu cá Hồi (Bằng cách lách luật mà tôi đã nói ở trên).

Dọc 2 bên bờ sông, cơ man nào là xác cá Hồi đã chết, có con nằm dưới nước, con đã bị sóng đánh dạt vào bờ phơi bụng, phơi xương trông rất thê thảm, nhưng ngạc nhiên là không hề có mùi hôi của cá chết, ngay cả khi tôi đến thật gần để chụp hình với cái mũi “30 năm vẫn chạy tốt” mà cũng không phát hiện ra “mùi hương khó tả” nào. Nhìn nhiệt kế mang theo, vạch kim chỉ đúng 7,7oC ...thì ra là vậy!

Còn dưới sông, đàn cá Hồi đông nhung nhúc cùng lao mình về phía thượng nguồn dòng sông tìm ổ đẻ. Nhưng thực ra chúng đâu biết rằng cách đó 100m là trại nhân giống cá Hồi đang chờ đợi để hoá kiếp cho chúng. Tất cả các con sông gần biển của Hokkaido đều có trại nhân gíông cá Hồi nằm án ngữ ngay bờ đập đầu tiên. Các máy xúc cá của trại hoạt động hết năng xuất, cá Hồi được phân loại cá cái hay cá đực sau khi vừa bị xúc lên bờ, nếu là cá cái thì bị rạch bụng ngay lập tức để lấy trứng cho vào lò ấp…Nhưng thôi, đó là chuyện của khoa học, tôi không lạc đề nữa.

Quay lại với dòng sông đặc kín cá là cá, tôi thấy mình đã không uổng công, phí tiền, tốn thời gian mò mẫm đến tận đây để lần đầu tiên được chứng kiến cảnh tượng ngoạn mục này. Từng đàn cá san sát nhau như duyệt binh, có con tung mình khỏi mặt nước, có con nhảy vọt qua 1 mô đá nào đó, tiếng quẫy đuôi của cá Hồi làm náo động, rộn ràng cả khúc sông. Tôi nhìn quanh thấy có khoảng hơn 20 cần thủ đang rê mồi, tuy nhiên họ lại có vẻ như đang thưởng thức thiên nhiên hơn là chú tâm câu cá. Có 2 dạng người đi câu mà tôi thường thấy: hoặc là quyết tâm bắt được cá bằng mọi phương cách, hoặc chỉ coi câu cá là một thú vui giải trí; những người trên sông Churui thuộc dạng thứ 2 bởi cách họ tung dây, đung đưa cần câu và lắc nhịp theo tiếng huýt gió như những đứa trẻ đang nghịch ngợm. Tôi cảm thấy thật thanh thản, trẻ trung khi được câu giữa những người xa lạ vui tính này.

Tôi tiến đến bắt chuyện với 1 người đàn ông đứng tuổi, hỏi thăm ông có câu được nhiều cá không, ông bảo “ma-ma” (tàm tạm), rồi ông chỉ cho tôi cái túi lưới ghi tên ông đựng 3 con cá Hồi đặt trong thùng xốp theo quy định của Hiệp hội cá Hồi vẫn ngâm dưới nước để giữ cho chúng sống, xong ông khuyến khích tôi “4 tiếng câu được 3 con, chúc may mắn nhé”, tôi nhìn ông ngưỡng mộ, 4 tiếng 3 con, thật là cao thủ.

Tôi chào ông rồi đi ngược dòng nước tìm 1 đoạn sông vừa đủ rộng, sâu nhưng phẳng lặng phù hợp để quăng cái spoon 28gr gắn một lưỡi câu. Tôi quăng mồi băng ngang con sông (Ở đoạn này nó là một con suối khá cạn thì đúng hơn), giữ cho dây chùng vừa phải và bắt đầu kéo lùa vào những hốc đá, bởi đó là những cái bia cá Hồi núp vào để nghỉ chân (À không, nghỉ vây) trước khi chúng tiếp tục bơi về phía thượng nguồn.

Gần 2 tiếng đồng hồ trôi qua, không biết bao nhiêu lần quăng ra kéo vào mà vẫn chưa có chú cá nào “chết vì thiếu hiểu biết”, tôi vừa buồn ngủ vừa buồn rầu, định chuyển địa điểm một lần nữa thì đột nhiên cần bị giật mạnh, căng nặng cả tay và lướt nhanh về phía thượng nguồn, tay quay rít lên 1 tiếng dài, “con tim đã vui trở lại” khiến tôi tỉnh ngủ lập tức. Tay phải liền giữ chặt lấy cần, kéo ngược lại bằng khuỷu tay (Vì cá Hồi Hokkaido là loại cá trở chứng, không nên áp dụng kỹ thuật kéo cần bằng bàn tay, dễ trật khớp như chơi). Tay trái tôi nhanh chóng điều chỉnh cần gạt tay quay để giữ độ căng phù hợp của dây cước. Các động tác của tôi nhanh bao nhiêu thì con cá này cũng không chịu thua, nó giãy giụa, búng thân lên cao, rồi lặn chúi đầu xuống…cuộc giằng co kéo dài khoảng 3’ thì tôi kéo được nó vào chỗ cạn, tôi ra sức đảo cần làm cho nó thấm mệt, yếu dần đi. Không nên bắt cá Hồi bằng vợt vào lúc này bởi khi tiến đến gần để vớt cá, dây cước sẽ được thu ngắn lại, không còn đảm bảo độ đàn hồi nữa, cùng với sự hoảng hốt khi thấy bóng người, con cá sẽ vọt lên một cú cuối cùng bằng tất cả sức lực có được (Cá Hồi vào mùa sinh sản có khả năng hồi sức nhanh và mạnh không ngờ, có lẽ do bản năng sinh tồn), chắc chắn dây cước sẽ đứt! (Tuy nhiên có nhiều người áp dụng cách vớt bằng vợt này để ăn gian nhà nước khi họ câu được con cá đực thứ 2, họ sẽ tạo điều kiện để con cá giật đứt dây, như vậy họ vẫn được quyền câu tiếp). Cuối cùng thì tôi tóm được tù binh trong tay bằng mồi giả hình muỗng 28gr, máy Shimano Stella 5000 (Modern 1998), dây SUNLINE PE JIGGER8 Size#2 (25lb), cần Megabass XOR Independence iR-93M (Loại 9 feet dành cho mồi nặng 10~35gr, dây 10~25lb), lúc này là 4 giờ chiều. Một con Cá đực 65cm nặng 2,7kg các bạn ạ, hay quá! Lần đầu được chạm tay vào da cá Hồi còn sống, cảm giác lạ lẫm, mừng, vui, thú vị, hồi hộp…thật khó tả.

Sau khi ghi lại các “số đo lý tưởng của người mẫu nam” này, nhân viên Hiệp hội yêu cầu tôi ký vào bản thu hoạch, đồng thời đánh dấu vào dải băng tay đeo trên tay tôi 1 vạch trắng (Dấu hiệu tôi đã câu được 1 con cá đực).

 

Thấy còn sớm, tôi tranh thủ “chạy sô” tới những khu vực câu khác của sông Churui. Cảnh vật bên sông Churui đẹp đến nỗi tôi quên mất mục đích mình đến đây để câu cá. Tôi vừa lội ngược dòng vừa ngắm cảnh, thấy đoạn sông nào hơi “liêu trai” một chút là dừng lại rê mồi nhưng suốt thời gian còn lại của ngày hôm đó, tôi không câu được thêm 1 con cá nào nữa dù đã đổi 3 khu vực.

7h tối, đã đến lúc phải chia tay hoàng hôn với sông Churui, tôi lái xe ngược lên phía Bắc đến tỉnh Shiretoko, nơi tôi có giấy phép cho buổi câu ngày mai. Tôi đến được khách sạn mà Akio giúp tôi đặt phòng trước ở Shiretoko vào lúc 9h rưỡi đêm. Shiretoko vừa được UNICEF công nhận là di sản thế giới vào tháng 7 vừa qua nên dù thụôc dạng “thâm sơn cùng cốc” nhưng du khách đông như trẩy hội. Thảm thực vật, động vật ở đây vẫn còn hoang sơ lắm. Trên đường đi mấy lần tôi gặp từng đàn nai, hươu tìm ra tận đường cái để ăn đêm, chúng chẳng hề sợ hãi khi thấy ánh đèn xe quét tới…Trong tĩnh lặng của núi rừng, giữa thiên nhiên hiền hoà (may quá không gặp gấu, bởi gấu Shiretoko nhiều gần bằng 1/2 dân số vùng này, lòng tôi phơi phới thấy “cuộc đời vẫn đẹp sao” dù mất cả ngày chỉ câu được một chú cá Hồi.

Tôi xách con cá câu được vào nhà bếp của khách sạn, nhờ đầu bếp làm bữa ăn tối với lời nhắn ngắn gọn “tôi dễ nuôi lắm” (Vì khách trọ ở đây chủ yếu là người đi câu nên khách sạn này có thêm dịch vụ làm cá giúp khách trọ). Sau 30’ “tân trang lại mặt tiền”, lớp áo phong sương đã được thay bằng bộ yukata sạch sẽ, ấm áp, thơm tho…tôi mò đến nhà ăn lúc hơn 10h đêm, bữa tối của tôi đã sẵn sàng với Sushi cá Hồi, Sashimi cá Hồi sống, Sò điệp, cá Hồi nướng, súp đậu nành đầu cá Hồi, 1 chén trứng cá Hồi sống (Cái này nhà hàng khuyến mại thêm chứ con cá của tui là cá đực mà), 1 ly Sake nhỏ ngâm khúc đuôi cá hồi đã được nướng thơm phức (Tôi nhìn mà thèm bằng mắt thôi, tiếc vì mình không biết “cạn chén” để xem chất cay này nó ra sao). Tôi không dài dòng kể về mùi vị của con cá Hồi này làm tốn thời gian của các bạn đâu, chỉ biết tôi “Chèo thuyền” một mạch như bị bỏ đói cả tuần, đến khi trên bàn chỉ còn lại…ly sake. Với tôi, thiên đàng chắc cũng chỉ như vầy thôi!

Bữa ăn 1 phần tất yếu của cuộc sống

Sáng hôm sau, không hẹn mà gặp, những chiếc đồng hồ báo thức của tôi và các khách trọ khác đồng loạt reo vang vào lúc 4h sáng. Cũng không ngạc nhiên bởi đây là khách sạn rẻ tiền dành cho dân bụi (Tây, Nhật balô, dân đi câu, và…sinh viên nghèo vượt khó để đi chơinhư tôi đây) nên những bức vách ngăn giữa các phòng rất mỏng và sơ sài. Phòng này ho 1 tiếng, 3 phòng khác cùng nghe…Bình dân thế mà cũng mất đứt 6500JPY/đêm đấy. Thôi đã chấp nhận tung tăng ở Nhật thì cấm mắc “Bệnh than”, không khéo lại lạc đề.

Tôi khệ nệ vác túi lớn túi nhỏ ra khỏi phòng, nhìn xuống bãi đậu xe tôi thấy một số cần thủ đã sẵn sàng lên đường. Tôi biết họ có cùng mục mục đích như tôi: Câu cá vào buổi sớm (Thời gian tốt nhất để câu cá Hồi). Trời lạnh khác thường. Do tôi đã dặn trước nên bữa sáng và trưa (Cũng vẫn là con cá Hồi hôm qua) được đầu bếp làm sẵn và xếp vào hộp cẩn thận. Họ còn lịch sự “rất Nhật” ghi vài dòng cảm ơn đã cho họ phần còn lại của con cá và chúc tôi có chuyến đi câu vui vẻ.

Từ khách sạn tôi lái xe khoảng 20' thì gặp một chiếc cầu bắc qua một con suối nhỏ tên Shinjume (Mắt ngọc) nối thẳng ra biển. Con suối này rất cạn, hoang vu nhưng đẹp mê hồn. Tôi dừng xe trên cầu quan sát tình hình. 3 phía là núi, phía còn lại là biển. Dưới nước là đàn cá Hồi đang hùng hậu duyệt binh, thỉnh thoảng nhảy vọt khỏi mặt nước làm tung bọt trắng xoá không kém sự ngoạn mục của cảnh tượng tôi thấy hôm qua là mấy. Trên đầu tôi là cây cối um tùm, rộn rã tiếng chim mòng biển (Nói cho văn vẻ vậy chứ thực tình chúng rất ồn ào) đang chực chờ cơ hội ăn trứng cá Hồi. Trời chưa sáng hẳn nhưng tôi đã thấy khoảng hơn 10 cần thủ đứng trải dài từ phía cửa biển đến phía dưới chân cầu tôi đang đứng. Họ chăm chú vung cần, rê mồi với động tác chuyên nghiệp rất nhanh, gọn, chuẩn…đẹp mắt như những nhạc trưởng đang điều khiển buổi hoà nhạc. Họ tới sớm hơn tôi nên đã chọn được những điểm tốt nhất. Tôi thực lòng không muốn đi ra câu phía biển vì vừa lạnh, vừa không được chiêm ngưỡng con suối xinh đẹp này, tôi cũng lưỡng lự không muốn đi sâu vào trong suối vì sẽ khuất tầm mắt nhìn thấy biển rất xanh trong ngoài kia, và biết đâu chừng gặp gấu thì sao…nhưng ước muốn chinh phục lũ cá hồi thôi thúc quá (Nhát mà thích đóng vai ác vậy đó) khiến tôi có một quyết định hết sức ngược đời: Đứng từ trên cầu câu xuống. Cách câu cá Hồi này “lập dị” tới mức bà con ai cũng ngước lên cầu nhìn tôi, tôi phát hiện ra có mấy ông Tây trong đám cần thủ phía dưới, họ huýt sáo gọi tôi và chìa ngón tay cái lên trời, tôi biết họ có ý khen hoặc ghẹo mình (Ơn trời, không phải là ngón tay giữa), còn mấy “Người Nhật trầm lặng” thì chỉ lắc đầu cười cười, chắc họ không thèm chấp với nhi nữ thường tình bày đặt “chơi nổi” như tôi. Mặc kệ, tôi cứ cố thủ vị trí này vừa có cảm giác “Bên em là biển rộng”, vừa có cảnh “Suối mơ” đầy mê hoặc.

 

 

Để hỗ trợ cho cách câu khác người của mình, tôi phải dùng đến spoon 35.gr (quăng được xa) và thay máy CALCUTTA CONQUEST 200DC (Shimano) để chỉnh mồi rơi đúng vào dòng nước xiết, bởi tôi muốn lợi dụng dòng nước này sẽ kéo mồi đi thêm một đoạn nữa để vừa tầm tôi rê nó ngược trở về.

Chuyện thật như đùa, chỉ mới quăng mồi lần thứ 3, dây và cần của tôi đã rung lên bần bật, tôi hét vang lên vì niềm vui đến quá bất ngờ. Tôi giật dây, vừa kéo co với con cá vùa tìm đường đi xuống suối. Bên dưới các cần thủ, theo 1 luật bất thành văn, đã thu dây của họ lại và nhường đường cho tôi bước xuống. Hơn chục người đàn ông trung niên tròn mắt nhìn tôi nửa thán phục, nữa khó hiểu như tôi vừa từ đất nẻ chui lên, còn tôi vẫn không ngừng lẩm bẩm “Con các ham mồi, con cá rồi đời, con cá rồi đời…” Đoạn từ trên cầu đến chỗ có cá khoảng 15m nhưng khá dốc, tôi phải dùng cả 2 tay vừa cầm cần, vừa chỉnh tay quay nên không giữ được thăng bằng, bị Lướt cùng tia chớp, trượt 1 cú đau điếng từ trên bờ kè xuống tới bờ suối, bao tay rách te tua, dây câu chùng hẳn... Mọi việc diễn ra chưa đầy 30 giây tới khi tôi vừa đứng vững bên bờ suối chuẩn bị giằng co tiếp thì…sụt…1 âm thanh nhẹ nhàng vang lên, tôi hơi đảo người vì mất thăng bằng, tay tôi nhẹ tênh nhưng lòng nặng trĩu, con cá đã tuột mồi!

Bàn tay kiêu sa... rách 2... còn 3

Tôi lững thững vác cần đi ngược trở lại cầu, mặt đượm vẻ “Buồn ơi ta xin chào mi, con Hồi kia đã bỏ ta đi”, mấy bạn câu gần đó cũng chặc lưỡi, lắc đầu tiếc rẻ giùm tôi. Một ông Tây vỗ vai tôi “I’m sorry for you, sweetie” (Tiếc cho cô quá), rồi ông nói lần đầu tiên mới thấy kiểu câu cá lạ đời như vậy, thú vị hơn nữa đó lại là cách câu của 1 cô gái Nhật, tôi trả lời: “không, tôi là người Việt Nam.” Ông Tây thét lên “Oh my Gosh, Dien Bien Phu, yeah, Dien Bien Phu (Trời oi, Điện Biên Phủ, đúng là Điện Biên Phủ rồi). Tôi đang phát rầu mà phải bật cười vì câu đùa ngắn gọn nhưng rất đáng tự hào đó.

(Xem tiếp phần III)

 

',391,0,0,0,0,0,186,'0',0,'left','pub','','',0),(3379,186,'20060118232804','Cá Hồi và luật về cá Hồi Nhật bản (Tiếp theo phần II và hết)','','','0','Chia tay những “Nhạc trưởng”, tôi đi ra phía biển. Đoạn suối gần cửa biển dĩ nhiên thuộc dòng nước lợ, là một thách thức với những người câu cá Hồi. Bởi khi cá Hồi đến đoạn cửa biển này chúng bị tác động bởi rất nhiều thay đổi như..... ','

Phần III

(Tiếp theo và hết)

Chia tay những “Nhạc trưởng”, tôi đi ra phía biển. Đoạn suối gần cửa biển dĩ nhiên thuộc dòng nước lợ, là một thách thức với những người câu cá Hồi. Bởi khi cá Hồi đến đoạn cửa biển này chúng bị tác động bởi rất nhiều thay đổi như: Độ mặn, lưu lượng nước, thuỷ triều, nhiệt độ, ánh sáng v.v..nên chúng đang phải “Tiến thoái lưỡng nan” loay hoay đối phó với điều kiện môi trường mới, hầu như không để ý đến mồi, nên người đi câu cũng phải linh động mà thay đổi theo từng chuyển biến của ánh sáng, thuỷ triều, nhiệt độ…Tôi thử mắc con mồi giả hút nước, như vậy khi rê, nước sẽ lùa vào những khoảng khí rỗng để gây ra nhiều bọt khí, trông tự nhiên như một sinh vật đang bơi. Suốt 2 tiếng thử thách sự kiên nhẫn, những con cá Hồi cũng kéo đến nhưng chúng lại dùng đuôi đập tán loạn vào con mồi “vô số tội” của tôi mà không cắn lấy một lần. Tôi cũng 3 lần đổi mồi nhưng đều thất bại. Tôi lếch thếch đi ngược trở lại con suối phía bên kia cầu. Tôi phải thừa nhận rằng tôi đã đầu hàng lũ cá khu vực nước lợ.

 

Cá Hồi đuôi đập tán loạn vào con mồi “vô số tội”...

Đoạn suối phía trong cây cầu này phình ra như một cái hồ, đây là vùng nước ngọt 100% nên tôi áp dụng cách câu của ngày hôm qua. Xung quanh khá vắng vẻ, thỉnh thoảng tôi nghe những tiếng reo từ phía cầu vọng lại, chắc ai đó vừa câu được cá to chăng. Những tiếng reo hò của họ dù không liên quan nhưng tôi cảm thấy được động viên rất nhiều. Rồi sẽ có lúc tôi cũng reo cho họ nghe như thế. Tôi tiếp tục ôm cần đợi cá đến 3h chiều, thời tiết chuyển lạnh đột ngột, sắp lập đông nên mặt trời xuống núi cũng rất nhanh, nhân viên của Hiệp hội cá Hồi đã 2 lần ghé vào vũng nước này để kiểm tra cái thùng trống không.

Đột nhiên “con dế” của tôi réo lên inh ỏi, giọng anh Akio bên kia vang lên: “Được mấy con rồi?” Tôi không giấu vẻ bực bội: “Cá Hồi Shinjume này chảnh quá”. Anh Akio chuyển giọng khẩn trương: “Câu ở Shinjume hả? Bí quyết đây, ai mua tôi bán cho”. Rồi anh giải thích: Shinjume là dòng suối có đáy toàn đá nham thạch màu đen, dọc theo suối có rất nhiều thông (loại cây có lá không chuyển sang màu đỏ vào mùa thu), gần cuối con suối có một cái vũng (Chính là nơi tôi đang câu) nước không chảy xiết, vì vậy nhìn từ trên cao xuống, vào mùa thu xung quanh là lá đỏ thì con suối này giống như một con mắt màu xanh (Nên được gọi là mắt ngọc). Vì màu xanh và địa hình dễ chịu như vậy nên cá Hồi khu suối này không chịu nổi mồi giả có màu đỏ chói hoặc sáng lấp lánh, thay mồi đi rồi kết hợp với cách câu nhấp là thượng sách ở đấy. Thử xem nào. Anh lưu ý thêm: Chỉ nên nhấp mồi trong giới hạn từ 7-10 lần/1 lần quăng mồi bởi nhấp ít quá không gây chú ý được lũ cá quen cảnh “thiền” này, nhấp nhiều liên tục khiến chúng dễ chán mà bỏ cuộc.

Này thì đỏ chói và sáng lấp lánh

Tôi như buồn ngủ gặp chiếu manh, thay mồi theo lời khuyên của anh Akio, vừa quăng mồi vừa nhớ Việt Nam da diết bởi câu chuyện nên thơ mới được nghe về dòng suối này rất giống với “Đôi mắt Plây Ku biển hồ đầy” của nhạc sĩ Nguyễn Cường…Soạt….tiếng động mạnh cùng nước bật lên tung toé cắt ngang nỗi nhớ nhà của tôi, trời ạ, cái gì đây, kỳ này?

Trong ánh chiều chạng vạng, tôi nhận ra 1 con cá đực khá to đã cắn câu. Không bao giờ muốn lập lại lỗi ban sáng, tôi thả chùng dây câu một chút rồi giật mạnh, con cá quẫy như chưa từng được quẫy bao giờ. Con cá đực này to gần gấp rưỡi con cá hôm qua nên tôi khá vất vả, nó bung thân lên khỏi mặt nước 2 lần (tôi khá lung túng chỗ này vì không biết phải chỉnh dây câu ra sao cho hợp), mới 5 phút mà tay tôi mỏi nhừ bởi con cá lao lên luồn xuống lia lịa, nó thà chết chứ không chịu hy sinh thì tôi cũng bậm miệng mím môi ra sức kéo tới lòi… 2 lỗ tai J. Cuối cùng thêm 5 phút sau tôi lôi được nó vô bờ. tôi thở dốc vì mệt, nhưng cũng ráng hổn hển gọi cho anh Akio thông báo chiến công.

Con cá Hồi đực này dài 88cm, và là con cuối cùng tôi câu được trong mùa câu cá Hồi năm nay. Sau khi câu được con cá này, tôi tiếp tục câu đến khi tối hẳn nhưng cá “KHÔNG” đớp động dưới chân bèo.

 

Quay lại sân bay Sapporo, kết thúc chuyến đi chơi nhiều thú vị. Anh Akio chờ tôi ở sân bay để tặng tôi vài con mồi giả câu Black bass do anh tự làm lấy. Có Chúa chứng giám, ảnh đẹp trai hết biết luôn, lại nhiều kinh nghiệm câu kéo, còn tốt bụng nữa, phen này về chắc bỏ anh iu .

THAY LỜI KẾT

Sau khi chia tay anh chàng đẹp trai Akio, ả trở về nhà mà lòng nặng trĩu vì dù đã giở hết các tuyệt chiêu, bí kíp mà vốn liếng cả chuyến đi chỉ là câu chuyện về 2 con cá Hồi đực, ả mắc cỡ với các cao thủ câu kéo 4 phương nên định mai danh ẩn tích, giấu nhẹm chuyện “lũ con một bề” này. Tuy nhiên, hiền tỷ Mai Hương luôn ân cần “i-meo” động viên, khuyến khích ả thành nhà văn nghiệp dư, ả tặc lưỡi thôi thì “dù gái hay trai, chỉ 2 là đủ”, nên tự tin lướt tới bàn phím tống 10 thành công lực nhắm vào nút ON làm con Macintosh bị trúng chưởng phát sáng chói loà trong đêm. Xong rồi ả vận công vô 10 ngón tay điểm huyệt lia lịa trên bàn phím, lập ra tờ sớ Dài-Dai-Dở có 1 không 2 khiến quần hùng mới đọc một nửa đã ngứa con mắt bên phải, đọc tới cuối thì đỏ con mắt bên trái, thiên hạ oán than khôn xiết, ả hoảng quá đành dừng tay điểm huyệt trước khi cố nhấn thêm mấy chữ nữa: Cảm ơn tất cả đã theo dõi bút ký ba xu này.

Hết

Nghiêm Cẩm Vân

(Đã ký) :-)

>Kem đánh răng P/S:> Nếu các bạn có dịp đến Nhật và muốn đi câu ở đây, nhớ rủ tôi nhé! Hẹn gặp lại!

Các tin khác cùng chuyên mục
Cá chiên - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 5:05:28 SA
Cá quả (cá lóc) - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 5:04:47 SA
Giã rượu bằng kinh nghiệm dân gian - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 5:02:56 SA
Cá đuối gai độc - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 5:02:26 SA
Câu cá bống dừa ở miệt vườn Bến Tre - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 5:01:52 SA
Chàng cá bống tinh quái - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 5:01:03 SA
Cá Hồi và luật về cá Hồi Nhật bản (Phần I) - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 5:00:32 SA
Dụng cụ cứu mồi giả - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 4:59:23 SA
Mãng xà sống chung với một gia đình suốt 9 năm - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 4:58:53 SA
Câu tôm hùm - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 9:35:14 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.