CÁ HỒI VÀ LUẬT VỀ CÁ HỒI NHẬT BẢN
(Phần I)
MÙA CÁ HỒI
CÂU CÁ HỒI, chỉ 3 từ nghe quá đơn giản vậy mà để thực hiện được nó tôi đã phải mong đợi ngậm ngùi suốt 9 năm qua bởi LUẬT VỀ CÁ HỒI của Nhật không hề đơn giản như các nước khác, nếu không muốn nói là khắt khe nhất thế giới. Chính sự khắt khe này mà cứ đến mùa thu (Mùa săn cá Hồi) hằng năm là giới cần thủ võ lâm Phù Tang đang yên ả lại nổi nhiều cơn “sóng dữ”, gây chấn động các diễn đàn câu cá bằng những đề tài HOT nhất xoay quanh vấn đề ĐÁNH BẮT CÁ HỒI TẠI NHẬT, thậm chí đôi khi cơn “sóng dữ” này còn biến thành những cuộc khấu chiến, bút chiến tập thể kinh thiên động địa làm tan nát các forum, làm sứt mẻ tình cảm bạn bè online không thương tiếc..., mà kết quả hiện tại vẫn bất phân thắng bại.
Vậy LUẬT VỀ CÁ HỒI của Nhật là gì mà khiến thiên hạ đảo điên tới vậy? Trước khi hầu chuyện các bạn chuyến câu cá Hồi của tôi vừa qua, tôi xin Webmaster cho thêm ít đất để giới thiệu sơ qua về CÁ HỒI NHẬT BẢN & NHỮNG ĐẠO LUẬT LIÊN QUAN (Nghe nói đất đang xuống giá, chắc chủ Web không tiếc cho đời chút ơn chứ?)
CÁ HỒI NHẬT BẢN:
Cá Hồi, tiếng Anh gọi là Salmon (tôi không hiểu bắt nguồn từ nghĩa nào) nhưng tiếng Việt, tiếng Trung dù phát âm khác nhau đều mang nghĩa HỒI có lẽ xuất phát từ bản năng lá rụng về cội của chúng chăng? Ở Nhật, các loại cá được gọi tên dựa vào mức độ trưởng thành (Cùng 1 loại cá nhưng tên gọi sẽ hoàn toàn khác nhau phụ thuộc vào trọng lượng, chiều dài hay tuổi của chúng như >50cm, >60cm, >70cm... ) hoặc được gọi tên theo mùa đánh bắt. Cá Hồi ở Nhật được gọi chung là SA-KÊ, nhưng với dân câu thì chúng được gọi theo các thứ 2, theo mùa đánh bắt.
Cá Hồi tháng Tư - TOKISHIRAZU (Thời bất tri ngư - Cá không nhận biết được thời gian): Là loại cá Hồi không tuân theo quy luật thời gian vì chúng trở về dòng sông tuổi thơ khi chưa đủ tuổi, không phải vào mùa đẻ trứng, đi ngược chu kỳ sống của cá Hồi, tức chúng bị lầm lẫn về thời gian. Giới đánh bắt chuyên nghiệp Nhật thường đổ xô đi giăng lưới loại cá này vì thịt chúng rất thơm, ngon, nhiều dầu và bổ dưỡng do chưa phải dồn sinh lực cho việc tạo trứng.
Thit cá Hồi tháng 4 nhiều dầu và mềm đến nỗi có thể cắt bằng... đũa
Cá Hồi mùa Thu - AKIZAKE: Đây là loại cá mà tôi sẽ đi câu nên xin giải thích rõ hơn về chúng. Cứ vào mùa xuân hàng năm (khoảng cuối tháng 3 đến đầu tháng 5) , đàn cá Hồi con kéo nhau từ sông, suối trong đất liền ra biển lớn, ở đây chúng vẫy vùng rong chơi đến mùa thu của 4 ~ 5 năm sau (cuối tháng 8 đến giữa tháng 11) là lúc đã đủ vây đủ trứng chúng vác những cái bụng lặc lè ngược dòng quay về mái nhà xưa tìm ổ đẻ, thụ tinh và chết ngay sau đó, kết thúc phim nguời về từ nghìn trùng .
Chu kỳ sống của cá Hồi:
1. Trứng cá hồi được ấp trong ổ. 2 . Cá bột
3. Cá Hồi con 4. Di trú ra vùng nước mặn
5. Tạm trú ở hải ngoại
(khoảng 1 năm tuổi):
6. 3~4 năm sau - Hồi hương 7. Cá cái đào ổ
8. Cá cái đẻ trứng 9. Cá đực thụ tinh cho trứng
10. Cá đực và cái trở về cát bụi.
Chu kỳ sống và sinh sản của cá Hồi tự nhiên nhìn chung là như vậy, nhưng gần như 100% cá Hồi ở Nhật được nuôi và ấp trứng nhân tạo tại những trại thủy sản rồi sau đó được thả vào mùa xuân để bắt đầu lớp hậu sinh mới.
Lấy trứng cá Thụ tinh cho trứng
Trại nuôi ấp trứng cá Hồi
LUẬT VỀ CÁ HỒI NHẬT BẢN: Vào thời xa... lắc, xuất phát từ việc bảo vệ và phát triển cá Hồi (loại cá rất hiếm lúc đó), chính phủ Nhật đã ban hành 1 đạo luật CẤM NGƯỜI ĐÁNH BẮT KHÔNG CHUYÊN ĐÁNH BẮT CÁ HỒI TRÊN LÃNH THỔ NHẬT BẢN DƯỚI MỌI HÌNH THỨC, TRỪ LÝ DO PHỤC VỤ NGHIÊN CỨU , bên cạnh đó Chính phủ cùng giới đánh bắt chuyên nghiệp trao cho Hiệp hội Thủy sản Quốc gia MỌI QUYỀN QUYẾT ĐỊNH trong việc duy trì và phát triển cá Hồi Nhật Bản. Sau đó Hiệp Hội này đã thành công trên cả tuyệt vời trong việc nhân giống giúp cá Hồi Nhật Bản hồi sinh. Cá Hồi Nhật bản thoát khỏi cảnh tuyệt chủng cũng là lúc cần có thêm kinh phí để phục vụ tiếp cho dự án nhân giống này, nên Hiệp hội Thủy sản Nhật Bản lần đầu tiên đã thực hiện 1 phương án lách luật táo bạo là: Ban hành giấy phép cho phép người câu không chuyên được đánh bắt cá hồi dưới hình thức NGHIÊN CỨU, nên giấy phép này mang tên GIẤY CHO PHÉP NGHIÊN CỨU CÁ HỒI QUY MÔ NHỎ.
Chính vì để hợp thức hoá lý do Nghiên cứu quy mô nhỏ này mà giấy phép câu cá Hồi tại Nhật được bán với giá trên trời (5000JPY/ tờ cho 1 ngày câu hoặc 8000JPY/tờ cho 2 ngày câu ) kèm theo những quy định hết sức ngặt nghèo về:
* Địa điểm câu: Chỉ được phép câu ở 1 dòng sông nhất định trong phân đoạn nhất định (VD: chỉ được câu trên sông Sài Gòn, đoạn từ bến Bạch Đằng đến xưởng Ba Son chẳng hạn)
* Thời gian câu: Chỉ được phép câu từ 15/8 ~ 15/11, vào 1 ngày nhất định.
* Số lượng người câu: Chỉ được tối đa 40 người/ngày/1 dòng sông.
* Quy trình cấp giấy phép: Trước hết, người đi câu phải nộp đơn xin mua giấy phép nghiên cứu dán 2 hình kèm theo, ghi rõ tên, tuổi, nghề nghiệp và yêu cầu cụ thể: muốn đi câu cá hồi vào ngày nào, ở sông nào... Nếu là người nuớc ngoài như tôi thì phải nộp thêm bản copy hộ chiếu và visa nhập cảnh Nhật. Sau đó, người đi câu phải qua cửa ải xét lý lịch câu theo các tiêu chí sau:
- Có vi phạm luật câu của Nhật bao giờ chưa? Tức có từng bị phạt do câu các loại cá cấm đánh bắt, câu không đúng mùa, câu theo phương pháp sát cá hàng loạt, câu lụi (Tức câu mà không mua giấy phép)...
- Có vi phạm Luật môi trường bao giờ chưa? Tức xả rác bừa bãi, bỏ rác không đúng cách (Không phân loại rác cháy được, rác tái chế...) hoặc chặt phá cây cối v.v...
Cũng may là không có tiêu chí Ngoại ngữ lưu loát, ngoại hình ưa nhìn chứ không thì Cẩm Vân tôi rớt ngay vòng loại!
Nếu lý lịch câu đạt chuẩn chất lượng cao, thì đơn xin giấy phép sẽ được tuyển thẳng vào vòng bốc thăm. Như đã giải thích về số lượng người chỉ được phép câu là 40 người / ngày /1 dòng sông mà số cần thủ nộp đơn khá đông (Tỉ lệ thường là 40 người được chọn / khoảng 200 người nộp đơn ) nên phải áp dụng trò chơi may rủi này để quyết định mang tính công bằng.
Khi qua được vòng bốc thăm này, người đi câu sẽ nhận được GIẤY PHÉP NGHIÊN CỨU CÁ HỒI QUY MÔ NHỎ với những ràng buộc pháp luật tiếp theo:
Giấy phép (loại 8000JPY/tờ cho phép câu 2 ngày trên cùng 1 đoạn sông)
- Khi câu được cá: Người câu phải thả cá vào vật chứa của Hiệp Hội cá Hồi được chuẩn bị sẵn ở khu vực câu để nhân viên của Hiệp Hội đến đo chiều dài, cân nặng, phân loại cá (Pink, cham hay King salmon) phục vụ cho công tác khoa học.
Nhân viên thị sát buổi câu đang kiểm tra cá câu được......và bản thu hoạch kết quả buổi câu
- Số lượng cá cái được phép câu không giới hạn, nhưng phải liên hệ với Hiệp hội theo số ĐT có sẵn để nhân viên đến lấy trứng kịp thời.
- Số lượng cá đực chỉ được phép câu 2 con. (Trọng nam? - Phong kiến quá – BBT) Khi đã câu được 2 con cá đực thì mọi hành động liên quan đến đánh bắt cá Hồi đều phải dừng lại.
Diễn giải dài dòng cho dễ hiểu, còn quay lại với những trận chiến online ở đầu bài viết, tôi xin tóm tắt nội dung của chúng như sau: Sự ra tay kịp thời của Hiệp hội đánh bắt Thủy sản và Hiệp hội cá Hồi trong việc bảo tồn và phát triển giống cá Hồi Nhật Bản là rất đáng ghi nhận và trân trọng. Tuy nhiên ngày nay, khi cá Hồi Nhật Bản liên tục phát triển đến nỗi bắt không hết, ăn tới mệt mà giá tờ giấy phép câu cá Hồi vẫn ở mức cao cao bên cửa sổ cùng những quy định, luật lệ về cá Hồi vẫn nghiêm ngặt như thuở ban đầu , gây ra biết bao bất cập mà dân câu không phẫn nộ mới là chuyện lạ. Đó là chưa nói đến cảm xúc của các cần thủ khi xem việc đi câu là thú tiêu khiển lành mạnh, mà trước lúc tiêu khiển lại bị buộc phải vượt biết bao chướng ngại vật như trên khiến họ chưa khởi động đã cụt hứng, hết ham về đích. Cuối cùng dân câu chuyên và không chuyên lên tiếng đòi lại MỌI QUYỀN QUYẾT ĐỊNH ngày xưa mà họ trao cho Hiệp hội, còn Hiệp hội thì vẫn vô tư Luôn luôn lắng nghe, nghe xong hổng hiểu dẫn đến những trận chiến lở mồm long móng trên các forum giữa Hồi ngư truy sát cần thủ Chánh phái và Hồi ngư bảo hộ Hiệp hội Tà phái là vậy. Ôi! Quan bất minh, dân tất loạn. Thiện tai, thiện tai.
T ÔI VÀ GIẤY PHÉP CÂU CÁ HỒI:
... Lại nói đến chuyện đi câu.
Chín mùa thu trước, có một người con gái VN da vàng vừa đặt chân đến Nhựt Bổn đã vô tình chứng kiến trận tranh hùng của lưỡng phái Chánh-Tà xoay quanh 2 chữ Cá Hồi. Ả không dám hó hé đứng hẳn về phe nào vì kinh nghiệm câu trường còn non nớt, vốn tiếng Nhật gom góp đủ kiểu cũng chưa đầy nắm tay, nên lỡ ú ớ bậy bạ tránh sao khỏi tên bay đạn lạc xứ người. Tự thân biết mình yếu bóng vía, nhưng hiềm nỗi ả vốn mê câu kéo lại mắc bệnh tò mò kinh niên nên không thể cầm lòng nhìn thiên hạ chao đảo vì 2 chữ Cá Hồi mà không biết nó là loại cá quái gì và chiêu thức chế ngự nó ra sao??? Hòng thoả tính tò mò, ả ngày đêm hóng hớt thu thập kinh nghiệm, bí kíp của người bản địa để luyện công, mà chết nỗi càng nghe nhiều về những khó khăn khi câu loại cá này, ả càng háo hức muốn ra tay lập tức:
(Bí kíp hướng dẫn câu cá Hồi)
Này nhé, cách câu cá Hồi bằng mồi giả bình thường đã phức tạp hơn câu bằng mồi thật rất nhiều bởi tùy thuộc vào:
- Địa điểm: Biển, hay sông, hay vùng nước lợ (Cửa biển).
- Địa hình: Vùng sâu hay cạn, nhiền đá ngầm, rong biển hay không?
- Tính chất dòng chảy: Ngược hay xuôi dòng? Chảy xiết hay không? Có xoáy không?
- Thời gian: mùa nào trong năm, ngày hay đêm…
- Và loại cá hồi nào?
Lần này càng thêm rắc rối hơn nữa vì ở Nhật Bản chỉ bán giấy phép câu vào mùa cá hồi đẻ trứng, lúc chúng thường không ăn mồi và cũng không dễ bị chọc tức đến nỗi nổi nóng mà táp mồi (Cứ thử tưởng tượng một người phụ nữ chuẩn bị đau đẻ thì còn hơi sức nào mà thèm ăn hay nổi giận nữa chứ) và chúng táp mồi vì muốn bảo vệ trứng mới đẻ chứ không phải vì đói. Thậm chí ngay cả khi bị chọc tức, chúng thường dùng đuôi để quật chứ không dùng miệng để cắn. Túm lại, Cá hồi Nhật bản khá nhỏ so với cá Hồi Mỹ, Canada... nhưng khó câu hơn rất nhiều, xin dẫn lời 1 anh bạn người Mỹ từng câu cá Hồi ở Nhật : “Khôn quá... lớn hổng nổi!” :-)
...Với chút kiến thức về Luật về Cá Hồi và một vài kinh nghiệm khi câu cá Hồi lượm lặt được ở trên, cách đây 9 năm, lần đầu tiên “ cô nàng Việt Nam da vàng” này theo chân thiên hạ, bon chen vào chốn nộp đơn xin giấy phép “nghiên cứu”. Thương thay, suốt 8 năm ròng rã, 8 mùa Thu lặng lẽ trôi qua, năm nào ả cũng nộp đơn mà mỗi lần kết thúc buổi bốc thăm ả luôn nhận được câu trả lời quen thuộc: “Vân, không có chữ Vân nào!” (Thì ra tên cúng cơm của ả là Vân mừ). Quá chán nản, đến mùa Thu thứ 9 ả định quay về Việt Nam để giải sầu bằng cách tham gia trò chơi “Chiếc nón kỳ cục” sắp tổ chức với chủ đề “Câu Cá”, thì đột nhiên một hôm ả lạc vào mê cung web câu VN, nơi tập trung các anh hùng hảo hán đất Việt với những chiến công sát cá hiển hách mà mới liếc sơ qua ả đã mê tít thò lò. Đặc biệt là bút ký về những chuyến câu kinh hoàng của một nhi nữ thường tình (Người mà sau này ả trân trọng gọi là hiền tỷ Mai Hương), ả lấy lại tinh thần sát cá, phấn chấn phi thân lên xe điện ngầm, đi thẳng một mạch hướng đến Hiệp hội đánh bắt thuỷ sản, đăng ký câu (À quên, NGHIÊN CỨU) cá Hồi cho mùa thu thứ 9 này. Không biết có phải ăn trúng món gì đã được bổ sung i-ốt hay không mà lần đăng ký này ả đột nhiên khôn ra bất ngờ, ả nhớ lại câu nói “Thua keo này, bày keo khác” của dân ghiền vé số chiều xổ ở Việt Nam, nên ả không đăng ký 1 suất câu như 8 tần trước mà đăng ký tới 2 suất câu ở 2 con sông khác nhau vào hai ngày khác nhau…Ả có chiến thắng trong trò chơi may rủi lần này không?
Mời các bạn đón xem Phần II sau sẽ rõ.
Nghiêm Cẩm vân
(Xem tiếp phần 2)