Câu cá bống dừa ở miệt vườn Bến Tre

Chuyện "mê tín" xưa


Từ lúc nước ròng sát đáy mương, dân câu bống rột rẹt sửa soạn đồ nghề. Cần câu là một đọt trúc vót láng o. Từ mắc trúc này đến mắc trúc kia gọi là lóng. Khi vót, người ta bắt từ lóng trên cùng đếm xuống: Hên, xui, may, rủi, hên, xui, may - chặt cái bốp. Nếu lóng trúc dài thì chọn 5 lóng để được "hên". Còn quá ngắn thì đành chọn 7 để lấy "may", lỡ chặt con số chẳn coi như "xui bỏ mẹ". Dân câu bống rất "âm lịch" và những điều cấm kỵ ấy đã trở thành tiền lệ. Một dân câu bống nhà nghề cho biết thêm: "Bữa nào cần câu bị đàn bà bước qua, xui tận mạng. Chữa cháy bằng cách quơ lá chuối khô châm lửa, hơ cần câu lên ngọn khói đốt phong long".

Kế đến là cục mồi dụ khị cái bống. Bữa nào câu thử bằng mồi bà chằn, ba khía, ngồi món đất cũng xách rổ về không. Mồi phải là một xâu trùng cơm, trắng hồng và dài nhằng. Kinh nghiệm của dân câu bống, chỗ nào ẩm thấp rác rưởi, đất đùn lên thành dề, đích thị là ổ trùng cơm. Kỵ nhất xỏ trùng bằng nhợ nilon, nhợ lưới, mà phải là chỉ vải dùng may áo, may quần. Chặt một cọng lá dừa làm kim, cột chỉ vào đít, xỏ từng con trùng cơm như luồng tim đèn. Chừng 5 phân trùng, quành một vòng tròn, cột gút lại gọi là nộng mồi rồi xỏ tiếp. Nộng mồi phải vừa miệng cá, nếu không cá táp không mám, khi giựt cá đi đằng cá... mồi đi đằng mồi. Cái "mê tín" của dân câu bống còn ở chỗ, khi thả mồi mà bị cá lòng tong rỉa trước, coi như bị "tổ" trác, bữa đó đành treo rổ. Cái rổ đựng cá cũng rất âm lịch, hôm trước ai lỡ ngồi lên, trước khi câu phải quay vài vòng "xí bum bum" mới xả hết "tà ma, âm binh", rồi chấp tay vái vái mấy cái. Tư Tông cười khà: "Chỉ có đi câu mới bày ra nọ kia. Chứ bình thường tui chúa ghét dị đoan, mê tín. Làm kiểu để cho có tổ nghiệp, tổ nghề vậy mà".

Dân câu bống ngó qua là biết ngay chỗ nào bống ở. Chỗ bập dừa rậm rạp, nước chảy liu riu, thả mồi xuống, nhịp nhịp cần câu vài cái, xâu trùng lủng lẳng mời gọi, mấy chú bống ngu muội trườn tới, đốp một cái rồi ghịt sợi chỉ căng ra. Chỉ cần một động tác nhấc cần câu lên, đưa rổ hứng, thế là đời bống nằm trên thớt. Bà Tư Khuy - một tay sát cá bống dừa, ngoáy ngoáy miệng trầu: "Có khi giựt một tăng tám chín con. Con nào con nấy bự tổ bố, đen như da trâu. Gặp khi trời ui ui, tự dưng lạnh tóc gáy, sợ cá ma". Có lần bà Tư bỏ của chạy lấy người cũng vì câu nhằm ổ "cá ma". Vừa thả mồi xuống, hai ba con "phập" một lượt, rồi ba bốn con cùng "phập", bứt chỉ, gãy cần câu. Tư bà điếng hồn nằm chết giấc trong bãi ô rô. Anh Hai Nục giựt một cái, nhướn mắt cười ngất: "Làm gì có cá ma. Đó là lúc cá đói. Giựt một chỗ mười mấy con. Ham lắm".

...Và bây giờ


Miệt vườn Bến Tre vẫn rậm rạp những hàng dừa nước ven sông. Và, con cá bống dừa vẫn vẫy vùng sinh sôi nẩy nở. Chỉ có điều, dân câu bống khác xưa nhiều lắm. Chuyện huyền bí ám vào cây cần câu, chuyện cái rổ kỵ rơ đàn bà con gái, chuyện đem cái bóng vía con người lượng hóa nặng nhẹ, chuyện ông tổ, ông nghề và đủ chuyện mê tín trên đời trong làng câu bống dừa đã trở thành... chuyện phiếm. Còn lại chăng là kinh nghiệm xâu mồi, tìm luồng cá ở, thời khắc cá đói mà bắt sản vật thiên nhiên phục vụ con người.

Câu cá bống dừa không làm giàu. Nhưng cũng nhờ câu bống mà người nghèo miệt vườn Bến Tre đong được hủ gạo, chai mắm. Cá bống dừa sinh sản quanh năm, đặc nghẹt trên mương dưới rạch. Cứ một con nước, chịu khó xách cần câu "lang thang", kiếm được cả kí cá. Như gia đình anh Hai Xem, con nước nào cũng rình rang ra quân năm sáu tay câu. Nhỏ câu mương gần, lớn câu vườn xa. Khi đoàn quân câu cá ôm rổ trở về, chí ít cũng được vài kí. Hầu như ngày nào cũng có thể câu cá bống dừa. Chỉ trừ ngày rằm âm lịch hàng tháng, chúng rủ nhau từng cặp chui vào bập dừa ven sông để thủ thỉ cái chuyện "nối dòng". Dân câu bống đành gác cần câu lên vách, sắm "cây khều" dài cả thước, rồi chọn cái rổ xúc đan bằng tre có đáy thật sâu, hè nhau đi bắt "bống tự, bống tình". Đợi con nước rút xuống chừng thắt lưng, một tay cầm rổ, một tay lăm lăm cây khều, chọt vào những bập dừa còn nong nước, bống bị "quấy rầy" cựa mình động đậy, ta chỉ cần khều nhẹ là hốt gọn "đôi bạn tình" nhà bống. Rồi sang ngày mười sáu, cũng rổ xúc, cây khều đi bắt bống lẻ, vì bống dừa "uyên ương lẻ bạn". Qua 2 ngày "trăng mật" của bống, dân miệt vườn mới trở lại nghề câu.

Cá bống dừa được nhà vườn chế biến thành nhiều món khoái khẩu. Cá đem chà sạch vảy, kho bằng nước màu dừa. Khi cá vừa thấm gia vị, vắt nước cốt dừa cho săm sấp, để lửa riu riu. Nước cốt dừa sắc xuống, thấm vào cá thơm lừng. Những lúc mưa dầm, kẹp từng con bống dừa vào chiếc kẹp tre, trở đều trên lửa than củi, màu vàng lựng, ngọt lịm, ăn với nước mắm gừng, kèm rau má, bấp chuối xim luộc, cả đời không quên. Bống dừa mà đem nướng trui, cạo bỏ lớp vảy cháy khét, xé nhỏ trộn với xoài sống băm nhuyễn, chấm nước mắm tỏi ớt, mới là sành điệu. Hay bống dừa mà đem chưng tương, dậm thêm mấy lát gừng, vài cọng bún Tàu, ngồi đưa cay trong cái se lạnh giáp tết, cuộc đời còn thi vị nào bằng.

Câu bống dừa không chỉ vì miếng cơm, manh áo mà còn là nét văn hóa thuần chất của vùng sông nước cù lao Bến Tre. Dù có đi bất cứ nơi đâu, chiếc cần câu "hên, xui, may, rủi" và xâu trùng cơm tanh nồng mùi đất, vẫn mãi in sâu trong miền ký ức của mỗi người con xa quê, xa cội, xa nguồn.

LĐ số 114 Ngày 25.04.2005 online

Nguyễn Bảy

Các tin khác cùng chuyên mục
Chàng cá bống tinh quái - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 5:01:03 SA
Cá Hồi và luật về cá Hồi Nhật bản (Phần I) - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 5:00:32 SA
Dụng cụ cứu mồi giả - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 4:59:23 SA
Mãng xà sống chung với một gia đình suốt 9 năm - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 4:58:53 SA
Câu tôm hùm - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 9:35:14 CH
Sông AmaZone trơ ...Cá - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 9:25:55 CH
Cá hấp dưa chua - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 9:23:35 CH
Nỗi niềm bên bờ vực - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 9:22:41 CH
Trúm lươn làm món spa - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 9:18:23 CH
Canh sấu giằm cá nục - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 9:17:11 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.