Anh Dũng là một người như vậy. Hiếm có ai trong làng mê câu cá như anh.Trước đây, anh mang cần đi khắp làng để câu. Nhưng đó chỉ là chuyện của ngày xưa khi mà giá đất ở những vùng ngoại thành còn chưa có giá. Nay thì khác nhiều rồi, cơn sốt đất ở những vùng này cũng làm cho thiên hạ sốt lây, nhà nhà thi nhau xẻ đất của gia đình để bán. Đến cái ao dùng để điều hòa không khí hay nuôi thêm con cá để tăng thu nhập cho gia đình cũng bị lấp sạch. Cái ao mà tôi và anh Dũng đang đứng là của gia đình anh. Đây là một trong số rất ít ao còn sót lại trong ngôi làng ngoại thành này. Tuy nhiên trong nay mai, gia đình anh Dũng cũng sẽ cho lấp nốt để làm xưởng mộc. "Sau này lấp ao rồi, anh có còn câu cá nữa không ?", tôi hỏi. "Có chứ, nhưng phải chịu khó đến các khu du lịch giải trí gần đây. Cái gì mình bỏ được chứ câu cá thì khó...lắm", anh trả lời.
Một thời gian sau, tôi gặp lại anh Dũng, anh cho tôi biết gia đình anh đã lấp cái ao hôm trước rồi. Bây giờ muốn câu cá anh phải đến các khu du lịch sinh thái quanh Hà Nội. Mỗi lần như vậy, anh phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ, và cứ mỗi ngày sơ sơ cũng có vài chục người như anh thì số tiền mà các khu du lịch sinh thái kiếm được cũng đâu phải là nhỏ. Điều đó cắt nghĩa rằng tại sao chỉ trong một thời gian ngắn, quanh Hà Nội lại mọc lên nhiều khu du lịch sinh thái đến thế.
Khu du lịch sinh thái giải trí, trăm hoa đua nở
Khu vực thị trấn Gia Lâm có thể nói là đi sớm nhất trong phong trào này. Sau phải kể đến khu vực phía Bắc của Thủ đô với khu sinh thái Khánh Linh, khu sinh thái Hà Dung và một loạt các hồ câu cá tư nhân mọc lên. Tọa lạc trên đường cao tốc Láng-Hòa Lạc là khu sinh thái Sơn Thủy. Khu du lịch Đầm Sen nằm ngay sát phủ Tây Hồ. Tại xã Vân Canh huyện Hoài Đức-Hà Tây có khu du lịch sinh thái Vân Canh. Khu sinh thái này nằm sát với huyện Từ Liêm nên du khách Hà Nội về đây cũng rất đông. Tại những khu du lịch này, ngoài những dịch vụ nghỉ ngơi ăn uống còn có dịch vụ câu cá giải trí với nhiều nét độc đáo khác nhau.
Do nắm bắt được nhu cầu của du khách mà nhiều khu du lịch đã lấy câu cá giải trí là dịch vụ chính cho mình. Khu du lịch Sinh thái Khánh Linh cách Hà Nội khoảng 10 km, nằm bên đường cao tốc Bắc Thăng Long-Nội Bài, có diện tích rộng, không khí thoáng mát. Một phần lớn của khu du lịch này được sử dụng để làm hồ câu cá, đầm sen. Quần thể của khu được thiết kế chủ yếu bằng tre, nứa, lá cọ..tạo cho du khách cảm giác rất gần gũi với thiên nhiên.
Bên cạnh những đầm sen là những căn chòi nhỏ cũng bằng tre lợp lá cọ. Những căn chòi này được sử dụng để du khách ngồi câu cá. Theo chị Thắng-giám đốc điều hành, thì đầu tư vào một khu du lịch như này cũng khá tốn kém. Nhưng thu lại vốn cũng nhanh vì lượng khách rất đông. Mỗi năm khu du lịch này cũng phải đầu tư một khoản tiền không nhỏ để thả thêm cá vào những hồ câu.
Đầu tư thế nào cho hiệu quả ?
Đầu tư cho một lều cá thế này cũng khá tốn kém.
Ảnh: Việt Hồng
Điển hình trong những khu du lịch sinh thái quanh Hà Nội phải nói đến khu sinh thái Vân Canh (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Tây), giáp với huyện Từ Liêm, Hà Nội. Chủ khu sinh thái này là anh Cường, thương binh hạng 3/4. Cách đây khoảng 10 năm, anh mạnh xin xã cho thuê khu lò gạch bỏ hoang rộng 2 ha để làm khu sinh thái. Anh đã phải bỏ ra cả trăm triệu đồng và rất nhiều ngày công lao động để san lấp những hố đấu do các chủ lò gạch cũ để lại. Sau đó, anh lại phải cất công lên tận các vùng núi cao của dân tộc Thái, Tày, Nùng..để tìm mua và xem mô hình nhà sàn của các dân tộc này mang về khu sinh thái của mình. Trong khu du lịch sinh thái của anh hiện lưu giữ nhiều nét văn hóa của các dân tộc vùng Tây Bắc, có cả những dụng cụ sinh hoạt rất độc đáo của các dân tộc này như bếp đun, rựa..và cả những bộ quần áo thổ cẩm..Toàn bộ khu lò gạch hoang trước kia giờ đã được anh cải tạo thành khu du lịch giải trí thoáng mát, sạch sẽ, thu hút nhiều du khách không chỉ trong tỉnh Hà Tây mà ngay cả khách của Hà Nội cũng biết tiếng.
Vào những ngày cuối tuần, khu sinh thái của anh làm nhiều món ăn đặc sản của nhiều dân tộc khác nhau và của Hà Nội. Bên cạnh những dịch vụ ăn uống và gian trưng bày hiện vật của các dân tộc, anh Cường cũng dành ra 1/3 diện tích của khu du lịch để làm ao câu cá. Anh cho biết dịch vụ này thu hút rất đông du khách. Mỗi năm, anh thu nhập từ ao cá khoảng gần hai trăm triệu đồng kể cả tiền thu hoạch cá và tiền dịch vụ câu cá, đấy là chưa kể những khoản thu từ các dịch vụ khác. Hôm chúng tôi đến thăm khu sinh thái của anh cũng là lúc anh đang xây dựng mô hình nhà của người Việt cổ. Anh rất hy vọng vào mô hình này sẽ tạo được đặc sắc riêng và thu hút nhiều hơn nữa du khách khắp nơi.
Tại những khu du lịch sinh thái luôn có loại cần trúc cho du khách. Nhưng loại cần này không được mấy người hưởng ứng vì nó quá dẻo và rất khó câu được con cá to. Bây giờ giới câu cá sành điệu thường sắm riêng cho mình một bộ đồ câu tử tế. Và muốn sắm đủ một bộ đồ như vậy xem ra cũng tốn kém lắm. Loại rẻ tiền nhất cũng đã phải ngót ngét vài trăm bạc. Loại nhiều tiền thì có khi tới cả triệu đồng. Không những thế mỗi lần câu lại phải bỏ tiền để mua vé vào cửa như đi xem ca nhạc vậy.
Cơn sốt đất ở các vùng ngoại thành Hà Nội đã làm cho các ao hồ ở những vùng này bị lấp hết, còn sót lại cái ao nào thì cũng đã có chủ. Cái thú câu cá của giới mày râu cũng chính vì thế mà giảm đi phần nào, mặc dù xu hướng đầu tư này vẫn có thể cho những khả năng thu lãi cao.
Anh Thiện Hanoimoi.com.vn