Chuyến ra khơi thành công hay thất bại, khách hào hứng, thoả mãn hay mệt mỏi, thất vọng đều hoàn toàn lệ thuộc vào tài công, người quán xuyến cùng lúc hai việc: điều khiển du thuyền và hướng dẫn khách đi câu.
Hầu hết tài công xuất thân từ nghề biển, nắm vững quy luật gió mùa, biết nhìn dòng chảy xuôi ngược nhằm định vị vùng biển êm sóng, đoán được loại cá nào đang quần tụ dưới biển… Thông thường từ tháng 5 – 10 được gọi mùa gió nam, thuyền thả câu bên rạn san hô mũi Ông Đội, bãi Sao hướng đông bắc. Bước qua tháng 11, khi gió bấc bắt đầu kéo về cũng là lúc chuyển sang hòn Đồi Mồi, hòn Móng Tay mạn tây nam đảo. Đặc biệt vào tháng 3-4, thời điểm giao mùa, gió thường xuyên thay đổi sáng bắc, chiều nam, thuyền phải ra hòn Đụn, hòn Mây Rút khu vực An Thới một phía biển động, mặt kia lặng sóng.
Theo anh Nguyễn Tất Thành, biệt danh Sáu Tráo, người từng trải qua 35 năm sống trên đầu sóng ngọn gió, rạn san hô vốn là nơi lưu trú lý tưởng của cá bống mú rất phàm ăn nên câu khá dễ dàng. Quà thật, bằng chiếc ống tre thô sơ, quấn hơn chục mét dây cước, chiếc lưỡi bén móc vài lát mực tươi làm mồi, mỗi người trong đoàn chúng tôi đã câu trên mười chú bống mú hồng tại hòn Đồi Mồi chỉ sau khoảng 30 phút. Không thể diễn tả nỗi niềm vui của du khách đến dường nào khi kéo khỏi mặt nước những con cá tươi xanh, vảy lấp lánh bạc.
Rời cảng An Thới sầm uất trên bến dưới thuyền, chúng tôi trực chỉ hướng tây nam quần đảo Phú Quốc. Bình minh ló dạng, thuyền lướt qua hòn Dừa, bãi Thơm… Biển mênh mông, tứ bề vắng lặng, xa xa hòn Dăm Ngang, một đảo đá, vắt ngang cửa biển lúc ẩn lúc hiện dưới những đợt sóng bạc đầu. Thuyền bắt đầu chao mạnh khiến ai nấy liêu xiêu như kẻ say rượu, bởi muốn câu cá chạy phải ra tận cửa biển, nơi cá thu, cá nhồng, cá thiều thường theo luồng nước để săn mồi.
Câu cá chạy đơn giản là buông câu trong khi thuyền đang chạy, song đòi hỏi tốn công tốn sức khá nhiều. Mồi nhử phải là cá nguyên con còn tươi rói, được móc khéo léo vào chùm ba lưỡi câu loại lớn để lúc thả xuống biền mồi như đang tung tăng bơi lặn. Số lượng người tham gia câu cũng gói gọn 5-7 người đề phòng cá quẩy mạnh, thuyền chao.
Thuyền chậm chạp rẽ ngang cửa biển cũng là lúc chúng tôi xả nhanh hai đường dây câu dài gần 70 sải tay ở đuôi thuyền. Từ cabin, anh Sáu Tráo một tay ghì chặt bánh lái, tay kia kéo cần tốc độ, nói vọng xuống:”khi nào giật dây thấy nhẹ, mấy cha nhớ thu dây để thay mồi”. Nói vậy nhưng thỉnh thoảng anh vẫn bỏ tay lái, trực tiếp thu dây, tỉ mẩn sửa lại lưỡi câu cho kín kẽ. Bất ngờ có tiếng la của ai đó: “Có cá”. Tức khắc anh sáu phấn khích hét to “thả lỏng dây”. Quần thảo nhiều chập, lúc thả, lúc giật chúng tôi mới kéo cá dần đến mạn thuyền. Chỉ cần có thế, chiếc móc sắt được vung lên, con cá dài trên 1,2m đã giãy đành đạch trên sàn thuyền: con cá nhồng nặng trên 6kg, thịt ngon hết ý!
Chúng tôi thua đậm vì ngay từ đầu lỡ đánh cược: chỉ trả tiền xăng dầu kèm chầu bia khi câu được cá trên 5 ký. Thế mà lớn bé đếm đúng 6 con, thừa sức đóng thùng xốp ướt lạnh gửi về Sài Gòn làm quà, vừa đủ cho bữa tiệc thịnh soạn ngay trên biển Phú Quốc: món nướng vỉ, món hấp cuốn bánh tráng, món ăn sống với mù tạt và “giải khát” bằng rượu ngâm trái sim chính hiệu Vườn Táo. Quá đã!
ST