Tuổi thơ nhọc nhằn
Mới mười hai tuổi, cái tuổi ăn tuổi học, cô bé Ngọc nhỏ như cái kẹo, gầy yếu phải thức dậy từ ba, bốn giờ sáng theo cha đi đánh cá. Ngọc ngồi lọt thỏm trong lòng con thuyền nhỏ cứ lắc lư, chòng chành theo sóng để kéo lưới, gỡ cá. Ngày ấy, mỗi lần cá mắc đầy lưới, Ngọc gỡ mỏi đôi tay, rồi ngây thơ hỏi cha: “Vì sao con người không sống được dưới nước, còn con cá sống và bơi được trong biển rộng lớn, nhưng lại dại khờ cứ chui vào tấm lưới nhỏ của mình vậy?”. Có những ngày giăng lưới xong, Ngọc ngồi hàng giờ trên thuyền câu cá. Có những ngày “trúng đậm” cá, khi thuyền về bến, Ngọc lại phụ giúp mẹ đi bán cá ở chợ huyện, chợ tỉnh. Cha Ngọc, ông Dân, bộc bạch: “Ngày ấy nhà nghèo rớt mồng tơi, quanh năm bám biển cũng chỉ đắp đổi qua ngày, rất khó bề lo liệu cho bảy đứa con đủ cái ăn, cái mặc. Vậy nên, Ngọc và mấy đứa con lớn đành phải giúp tui đi kéo cá trên biển để cải thiện đời sống…”.
Mỗi sáng cùng cha lênh đênh trên biển, buổi chiều Ngọc tranh thủ cắp sách đi học ở lớp tình thương do các thầy giáo mang quân hàm xanh Đồn biên phòng 352 giảng dạy. Học trò ở lớp tình thương nhiều lứa tuổi khác nhau, Ngọc đến tuổi trăng tròn, lớn tồng ngồng mà mới học lớp 4 với mười mấy em nhỏ. Thế là, Ngọc nghỉ học luôn, rồi trở thành ngư dân thực thụ ở làng biển Đông Tác.
Bám biển mưu sinhBất kể nắng mưa, Ngọc vẫn hăng say đi biển giăng lưới, câu cá… Đôi khi một mình, một thuyền nhỏ giăng lưới ven bờ. Mỗi năm, vài tháng chị theo cha đi câu cá đổng, cá ong, rồi vài tháng, chị đi bạn lưới cảng đánh bắt cá ngừ, cá thu cho các ông chủ tàu lớn ở Đông Tác. Trên tàu, chị làm việc luôn tay luôn chân, không thua kém gì đám bạn đàn ông vạm vỡ. Có những ngày vất vả kéo lưới khi trời nổi giông gió, thuyền chòng chành, Ngọc ngã lăn quay ra mạn tàu đau buốt, nhưng chị vẫn không nản lòng, vẫn bám biển dài ngày như các đấng mày râu. Lâu nay, ngư dân miền biển thường quan niệm: Phụ nữ lên tàu hành nghề thì “kị” lắm, không đánh bắt được nhiều cá! Nhưng chị Ngọc “sát” cá lạ kỳ, cứ “nháng câu” là cá bén luôn! Nhiều chủ nghề được Ngọc đi bạn thường được nhiều cá. Hơn nữa, ở giữa trùng khơi, có Ngọc trên tàu, đám bạn đàn ông thấy vui, thấy yêu đời hơn và hăng say làm việc gấp bội. “Sở trường” của chị là câu cá đổng, kéo lưới cản, lưới dệt… Vậy nên, ông chủ tàu nào cũng bỏ qua điều “kị” và rất muốn Ngọc đi bạn! “Nghề đi biển rất vất vả, nhưng không hẳn chỉ có đàn ông mới được làm chủ con tàu vươn khơi. Đàn bà con gái, ai yêu biển, trải lòng với biển, thì biển cũng ban tặng nhiều tôm, nhiều cá vậy!” – Chị Ngọc tâm sự.
Hơn mười năm lênh đênh trên biển, hơn mười năm vất vả “Cưỡi ở đầu sóng, sống ở ngọn gió” giúp sức cho gia đình vượt qua đói nghèo, hăm hai tuổi, chị lên xe hoa cùng với một “đồng nghiệp” giỏi giang, tháo vát ở làng biển Phú Câu. Con mới 6 tháng tuổi, chị đã đi câu bủa (câu nhỏ). Cứ ba, bốn giờ sáng, người mẹ trẻ len lén thơm con nhỏ, gởi mẹ chăm lo, rồi khoác lưới, vác cần câu trên vai ra thuyền cùng đám bạn đi biển đến khi mặt trời đứng bóng mới trở về. Chị Ngọc bộc bạch: “Mỗi người có một nghề để sống. Nghề đi biển nặng nhọc đối với phụ nữ nhưng cái nghiệp nó vận vào mình rồi khó dứt ra lắm! Mình yêu biển cả, yêu tiếng vỗ bờ của sóng và nối nghiệp cha đi giăng câu, đánh lưới. Tuổi thơ nhọc nhằn lắm rồi, nên bây giờ phải cố gắng vun đắp cuộc sống ấm no để lo cho những đứa con của mình được học hành đàng hoàng…!
Nguồn: mientrung.com