Đảo Dáu điểm hẹn của đam mê

ĐẢO DÁU ĐIỂM HẸN CỦA ĐAM MÊ

Khỏi phải nói tâm trạng của anh em trẻ nhóm câu cá Hà nội, những người chưa từng được ra biển câu cá bao giờ, họ háo hức bồn chồn lắm. gọi điện tới các bạn đã từng chinh chiến với cá biền hỏi về cần câu, lưỡi câu và dụng cụ phụ trợ. Cái gì đối với họ cũng mới mẻ lạ lẫm, họ chạy đôn chạy đáo tới các shop đồ câu nhờ tư vấn, sắm sửa rồi khắc khoải ngóng xem dự báo thời tiết từng ngày, cầu ông trời mang đến 1 thời tiết lý tưởng để họ được ra biển câu cá, giao lưu với anh em “con dì con già” ở Hải phòng. Những người mà họ ngưỡng mộ bấy lâu nay bởi những đam mê và thành tích của họ khó có dân câu nghiệp dư ở nơi nào sánh được. Và đặc biệt là lòng hiếu khách, chân thật, và nhiệt tình với các bạn câu.

.... Giờ G đã điểm, Nhóm câu Hà nội xuất phát trên 2 xe phóng thẳng hướng Hải phòng - Đồ sơn. Điểm lại con số thấy vắng anh Phúc (Chứng khoán) vì lý do chị nhà vừa bị mổ cấp cứu đêm trước. Nhóm đi lần này có 1 nhân vật nữ là chị Oanh ủng hộ viên phu nhân của anh Thanh, còn anh em Ngoại quốc có 2 người Singapore: Người già tôi gọi là Singa còn anh bạn trẻ to cao béo mập tôi gọi là Gapore (Thành thật xin lỗi vì tôi quên mất tên 2 người bạn Singapore này, tên họ khó đọc quá, viết ra nhầm có khi còn có tội ấy chứ) còn anh bạn người Laos có tên VN là Thiệp đến sớm nhất.

Hắn đến sớm để chiếm chỗ ngồi ngay cạnh tài xế vì hắn mà ngồi chung hàng ghế sau thì 1 mình hắn chiếm 2 xuất. Hỏi hắn, hắn bảo hắn chỉ nặng có 102 kg thôi. Hắn ngồi trên đó mà đầu xe lệch 1 bên, báo hại cho tài xế và nhà xe, chắc khi về phải thay giảm sóc quá. Còn lại là anh em đã biết tên nhau qua các Topic trên Web cả. Họ giới thiệu tên, nơi làm việc như một thể thức ngoại giao trên nghị trường kèm theo những cái bắt tay rất chặt.

Đúng là xe của dân câu cá, trên xe toàn mùi tôm khô, đặc biệt là mùi mắm tôm, trời lạnh mở hết cửa xe cho đỡ mùi nhưng chỉ loãng đi 1 phần. Tay Hạnh hôm trước mua rõ nhiều mồi xả. “Người ngửi còn thế Cá chắc thích lắm”. Ngồi trên xe, hắn có vẻ tự hào với cái mùi này lắm. Mùi của chúng làm tôi thấy thiêu thiếu cái gì đó? Lần sau đi, tôi quyết mang theo ít rau Húng, Mùi tàu để ngửi cùng cho đúng vị. Đấy là chưa nói đến cái món mồi tôm ươn mà đoàn chúng tôi đến Hải phòng gặp anh Dũng (Thành viên HP) vừa đi mua về (Mồi cho nhóm Hòn Dáu sáng hôm sau câu) biết chúng tôi vừa đến đã vui vẻ nhượng lại để anh em HN câu đêm. Còn phần cho các anh, anh lại phải đi mua tiếp. Vợ anh nói “Ông này mà nghe ai rủ câu thì chẳng thiết gì vợ con cả, biết các anh ra lần này em định nghĩ ra 1 chuyện để thử kìm chân anh ấy 1 lần xem sao, nhưng nghĩ lại thương nên thôi” Tôi đùa: “Tối nay anh ấy vẫn ở nhà với chị, ngày mai chị cho tôi mượn anh ấy 1 buổi thôi” Chị cười và nguýt anh Dũng rõ dài. Có được người vợ như anh Dũng, chúng tôi đến với anh cũng yên tâm. Một lần nữa xin cám ơn các bà vợ hiền thảo của dân câu. Thế là trên xe chúng tôi được bổ xung mùi đậm đặc hơn mặc dù đã dùng các biện pháp “bảo hiểm”, may mà từ Hải phòng ra Đồ sơn quãng đường ngắn chứ không tôi “say” mất.

Khách sạn mà chúng tôi nghỉ là địa điểm đã được anh Sáng đặt trước. Đối với tôi rất quen thuộc bởi đã vài lần đi câu ngoài này và cũng nghỉ tại đây. Hôm nay, khi nhận phòng, lúc mở cửa ngoài ban công trông ra biển tôi với anh Trọng thấy sóng đập vào bờ dồn dập, xô vào bờ đá tạo thành cột nước cao tới 2m. Anh Trọng nói: “Ngày mai có áp thấp nhiệt đới về mà” hèn gì mà ngồi trong phòng mà tiếng sóng vỗ cứ như ngoài trời nơi khác đang có giông bão. Tôi nghĩ biển động thế này khó câu đây. Nhưng...

Mặc những trở ngại về thời tiết, cả đoàn vẫn quyết tâm xuất quân ra chân núi nơi CasinoDoson nổi tiếng toạ lạc để câu. Mong muốn đem các con Tráp lên làm bữa tối cho cả đoàn.

Vừa mới tới đồi thông nhìn xuống, anh em đã thấy hơn chục cần thủ địa phương đang dương cần trên sóng lớn, người nào cũng mặc bộ quần liền giày chống nước như những nghệ sĩ điều khiển rối nước. Với những bộ đồ này cho phép các cần thủ ra sát mép nước không sợ sóng đánh ướt trang phục bên trong. Đoàn chúng tôi cũng được anh Dũng đưa đi mua bộ đồ này với giá rất mềm 90 ngàn đồng. Chỉ tội cho anh chàng Thiệp Lào chọn mãi vẫn không có bộ nào vừa size của mình cuối cùng hắn lấy bộ có số to nhất nhưng vẫn nhỏ so với thân hình hộ pháp của hắn.

Chúng tôi tranh thủ trời còn sáng triển khai đội hình. Lò dò từng bước tránh những nơi rêu xanh trơn tuột, cứ nhằm những vỉa hà sắc lém bám vào đá mà bước vào, nếu không có vỉa hà thì nhìn chỗ nào trên tảng đá màu trắng mà bước như vậy thì không sợ trượt chân ngã. Nói thế rồi, dặn dò kỹ thế rồi mà anh chàng Bách (VDC) vẫn chủ quan, cậy mình trẻ khoẻ, mắt tinh bước như nhảy trên các tảng đá, để rồi ngã huỵch 1 cái. Tay cầm cây cần Tica chống tay xuống đá làm dập vỡ 1 lúc cả 4 đoạn thân cần khi chưa tìm được vị trí câu. Nhưng được cái may là hắn không phải dùng tới chút gì về dụng cụ y tế mang theo, và còn 1 chiếc cần sơ cua nữa nên vẫn có thể chiến đấu cùng anh em được. Hắn có cái cười rất hồn nhiên và tự tin, một đức tính cần có của dân câu. Tìm những chỗ thích hợp cho từng người chúng tôi bắt đầu thả cần và hy vọng...

Mặt biển mỗi lúc một sóng to hơn, thả mồi xuống sóng đánh 1 lúc mà mồi biến đâu mất trơ có lưỡi không cứ như bị cá rỉa hết. Báo hại cho chúng tôi, trời bắt đầu mưa phùn, “Mưa như giăng lưới, mưa như giây bột, phố xá lờ mờ...” Nhìn lên các dẫy đèn trên Casino mờ ảo, cả khu sòng bạc lờ mờ như được bọc 1 lớp giấy can khổng lồ.

Anh em bắt cảm thấy đói bụng và khoác thêm áo mưa. Chị Oanh kêu gọi anh em ăn tạm vài quả dưa chuột mà anh Tưởng đã kịp mua khi qua chợ Đồ sơn. ăn quả dưa chuột lúc này sao ngon mà mát thế, nuốt tới đâu biết đến đó. Tôi ăn tham tới 2 quả mới đứng dậy cầm cần. Nhưng trời mưa phùn, gió thổi từ biển vào làm đôi mắt kính không có gạt nước của tôi nhòe hết chẳng nhìn tháy gì. Sợ anh em nản chí tôi lẳng lặng ngồi xuống khẽ khàng thu cần ngồi co ro sau tảng đá to hút thuốc vặt. Lắc đác các anh em cần thủ địa phưong đi về qua tôi, tôi hỏi thăn dò: “Có câu được nhiều không các anh?” “Không được bác ạ! Lúc chiều còn có người câu được chứ tối nay không ai được con nào, về ngày mai câu cho khoẻ bác ạ!” Nghe như thế tôi cũng đỡ tủi cho anh em nhà ta. Anh Thanh, phu quân chị Oanh thấy tôi ngồi đó hỏi anh em địa phương thế nên cũng lặng lẽ thu cần. Nói 1 chút về anh Thanh: Anh gần 60 tuổi, mới mổ Trung thất tim được 8 tháng nên đi câu lần này là đợt thử nghiệm sức khoẻ chuẩn bị cho mùa câu lục sắp tới, lo cho anh, chiều anh chị nhà đi theo vừa để chăm sóc anh vừa đi cho thay đổi không khí, chị nói: “Ra đây không câu nhưng tôi vẫn thấy thích vì đây là lần đầu tôi đi biển mùa đông”.

Không thể bì được sức khoẻ với cánh trẻ, cũng như để giữ sức cho trận đấu chính tại Hòn Dáu ngày mai, chứ dầm mưa thế này dễ ốm lắm. Năm người có tuổi nhất đoàn là vợ chồng anh Thanh, anh Tưởng, anh Trọng và tôi bảo nhau lên trước. Dò dẫm trong mưa, tìm được đường lên mặt đường ai nấy đều thở hổn hển. Nhìn đồng hồ đúng 20h20. Cánh già ai cũng mệt và đói. 15 phút sau thấy anh Dương cùng ông Singa và anh Gapore lên, ai cũng ướt nhép. Tay Gapore thì xoa bụng kêu đói. Cái thân hình to lớn của hắn thế kia mà từ trưa tới giờ chưa được bổ xung cái gì thì đúng là tội thật. Ba mươi phút sau anh em còn lại cũng tề tịu đầy đủ...

Dương (Nội thất) cùng Singa và Gapore

Ăn đêm xong ai nấy về phòng mình chuẩn bị đồ nghề cho trận đánh chính ngày mai. Lọ mọ không biết giờ giấc, anh em mãi tới 2 giờ mới đi ngủ.

Dù được đánh thức rất sớm, nhưng do việc phục vụ ăn sáng của nhà hàng có phần lúng túng nên đoàn HN tới bến tàu bị trễ tới hơn 30 phút làm các anh đội Hòn Dáu phải chờ. Thành thật xin lỗi các anh. Những tưởng bị các anh trách cứ nhiều lắm, nhưng không! Các anh thay nhau giới thiệu danh tính, nghề nghiệp, và bắt tay rất chặt từng thành viên chúng tôi.

Anh Giang trưởng nhóm: “Đây anh Hiển, đây anh Phùng cùng là dân nghành Y chúng tôi đấy. Kia anh Long (Khủng long) người chỉ bắt những con Tráp to nhất đảo!” Anh Long thì đối với tôi không lạ lẫm gì, tôi gặp và nói chuyện với anh nhiều lần tại Hà nội cũng như tại cửa hàng bán đồ câu của anh ở Hải phòng rồi, Anh Long cười và nói khiêm tốn: “Mình còn phải học hỏi các cần thủ nhiều”. Còn kia nữa: Tuấn Linh, Sáng, Hai anh bạn trẻ mà tôi đã gặp trong các lần giao lưu trước đây, người nào cũng trang phục đồ câu tới tận răng. Nhìn là biết dân câu Tráp thứ thiệt. Còn nhiều anh em khác chưa kịp biết hết tên thì anh Giang ra lệnh lên tàu xuất phát.

Đảo Dáu! Có người gọi là Đảo Dấu, vì là nơi đánh dấu lãnh địa, lãnh hải xưa kia. Người vùng biển xưa có giọng nói lơ lớ nên khi phát âm chệch ra là Dáu. Từ xa xôi mọi người vẫn quen gọi là Dáu, chỉ gần đây mới gọi là Dấu. Nhưng riêng tôi, không hiểu tại sao tôi vẫn cứ thích cái tên Dáu, nghe nó là lạ, ngộ ngộ, hay hay, mặc dù khi gõ phím phải rất cẩn trọng, dễ nhầm. (Trên bàn phím chũ U và chữ I đứng gần nhau).

Trên tàu chúng tôi được biết, hôm ấy đúng là ngày Hội của Đảo dáu. Ngày hội thường niên của đảo nên du khách thập phương tới thăm viếng và lễ rất đông. Ngày hội, nên vừa đặt chân lên đảo chúng tôi đã thấy cờ xí các màu rực rỡ được cắm rất nhiều từ cầu cảng tới chân đền. Quang cảnh như thể Đảo tổ chức đón chào ngày giao lưu của anh em chúng tôi. Đặng Hạnh cùng 1 số anh em mua hương hoa vào Đền thắp hương cầu mong sự may mắn cho cả đoàn. Số anh em còn lại nhanh chóng xuống sát mép nước trộn mồi xả (Nước hoa cho cá). Mỗi thùng mồi khi trộn xong nặng tới 4; 5 kg được đặt trong các thùng chuyên dụng, quàng vào vai đi lệch 1 bên.

Anh Giang khẩn trương điều hành: Mỗi một thùng mồi xả do một anh bên nhóm HP cầm, dẫn 3 người khác cùng đi, tạo thành từng nhóm lẻ, toàn đoàn chúng ta chia làm 2 tốp, mỗi tốp đi 1 sườn riêng của đảo (Hướng Đông Bắc và Tây Nam), đúng 4h có mặt tại đây để lên tàu về. Nhìn đồng hồ tôi thấy lúc này là 8h30. Hai cánh cùng xuất phát và thách nhau xem bên nào câu được nhiều cá hơn.

Cánh sườn Đông Bắc do anh Giang làm trưởng nhóm nhanh chóng triển khai vòng qua Đền dáu xuống bãi dá.

Đốc tờ Giang (Ngoài cùng bên trái)

Cánh phía Tây Nam chúng tôi, do anh Dũng dẫn đầu xuyên rừng leo núi tới những bãi đá nghiêng rộng. Đường đi mấp mô có những lúc phải nhảy qua từng mỏm đá, trượt chân ngã như chơi. Anh Bách (VDC) được phân công vác thùng thực phẩm, thùng nặng, lại gặp các tảng đá to nên cứ đi được 1 đoạn anh và tôi phải nghỉ, tôi thấy ái ngại cho anh quá, nhưng tôi mà vác thùng đó thì chắc sẽ ốm và không theo kịp đoàn mà anh cũng chẳng lỡ để cái thân già mắt kém như tôi vác nên tôi chỉ nghỉ cùng anh rồi động viên: “Cậu vác thùng này nặng thật, từ từ đi cũng được.” May quá lúc này có cậu Thắng tới, Thắng có thể hình to khoẻ hơn nên tranh lấy xuất này thế là 3 anh em lại cố đuổi theo đoàn.

Tới bãi câu, nhìn những đợt sóng đánh vào những tảng đá ào ào rồi nhanh chóng kéo ra ai cũng ái ngại và cố tìm cho mình chỗ câu “Đẹp”. Nhưng khắp đảo lúc này, mọi bờ đá đều phải chịu những ngọn sóng to khoẻ dồn dập táp vào mỗi lúc một mạnh thêm.

Thiệp Lào lúc này mới cố mặc xong cái bộ quần chống nước vào khuôn người quá khổ của mình. Anh Dũng dặn mọi người để đồ ăn và điện thoại trên bờ phải cẩn thận để tránh sự lục lọi của lũ khỉ trên đảo. Anh kể rằng chính anh bạn của anh đã bị 1 con khỉ lấy mất điện thoại, nhìn thấy nó ở xa, phải lấy máy của anh gọi vào, chuông đổ con khỉ này sợ quá vứt lại không thì mất toi mấy triệu bạc.

Anh Hạnh, anh Dũng và 1 số anh em khác cũng đã chiếm được các mỏm đá để thả câu. Các anh có quần chống nước nên các đợt sóng vả vào không bị ướt giày, quần áo. Cứ mặc sức vô tư đứng câu thi gan với sóng. Sóng to át hết tiếng gọi của mọi người, chỉ cách nhau 3 mét mới nghe rõ. Tôi, Thắng, Bách và 1 số anh em khác không có bộ quần chuyên dụng nên chỉ đứng câu phía trong, hy vọng mong manh nhưng biết đâu, mèo nào cắn mỉu nào.

Anh Tuởng bên sườn đảo bên kia gọi điện thông báo vùă thả câu được 5 phút đã lên 1 con Bống. Chúc mừng anh, người lên cá đầu tiên.

Tôi và Bách tìm được một chỗ rất đẹp, có tảng đá to như sân bóng chuyền vươn chéo ra chắn sóng, đứng gần đó thả câu không sợ ướt hết trang phục, có chăng những đợt sóng quá lớn thì chỉ bị chút ít không đáng kể. Mặc dù dùng đến 3 phao trong đó có 1 phao chống sóng nhưng chỉ 1 lúc là bộ phao của tôi lại bị dạt vào trong, nhấc lên đôi lúc lưỡi câu bị vướng đá ngầm lại phải cắt dây. Lúc này các anh đứng đầu sóng vẫn chưa có kết quả gì thì mình cũng đâu có kém ai? Các anh có trang phục chống nước bắt đầu di chuyển, các thùng mồi xả cũng đã vơi đi, bớt nặng, nhưng chẳng có cân nặng nào cho túi cá. Tôi chẳng di chuyển vì thấy chỗ tôi câu là phù hợp nhất, lý tưởng nhất lúc này rồi. Được một lúc anh Dũng di chuyển đến chỗ chúng tôi. Anh đứng sát tảng đá nghiêng tung mồi xả cách chỗ tôi 3 mét, chỉ 1 lúc đã thấy anh dướn người ghì cần, một con Tráp đang cố sức vẫy vùng trong nước, cái cần anh cong veo, tôi đang định chạy đi lấy vợt giúp anh thì anh đã nhấc bổng con Tráp lên mặt phiến đá. Nhìn con Tráp dương vây lấp lánh dưới ánh sáng đẹp tuyệt, ước chừng nặng hơn 1kg. Rất tiếc lúc đó không ai cầm máy ảnh để chụp cho anh 1 kiểu vì các máy đã được cất kỹ trên tảng đá cao rất xa. Thấy anh câu được cá chỗ này, tôi mới sực nhớ ra là mình câu không có mồi xả, hèn gì... “Chứ trình độ mình đâu có kém, chỗ mình chọn là đắc địa rồi...” Tự an ủi xong là tôi quăng lưỡi ra sát chỗ anh câu nhằm chiếm lĩnh ngư trường đầy khả năng này. Sau vài lần sóng đánh dạt vào rồi lại quăng ra thì cái Phao của tôi có hiện tượng bị cá kéo, thời cơ đến tôi giật ngay tắp lự. Một cảm giác bị níu dưới lưỡi câu trong giây lát, chiếc lưỡi câu không còn mồi của tôi bay vọt lên, anh Dũng khuyên: “Bác để cho nó ăn già 1 chút hãy giật”. Tôi tiếc và nhớ mãi cái cảm giác này.

Có ai đó gần đấy gieo lên: “Hạnh có cá rồi”. Mọi người nhìn quanh thì thấy trên mỏm đá phía xa Hạnh đang lom khom lấy vợt vớt cá. Một con tráp to thật, Hắn cẩn thận vợt một cách nắn nót, gỡ lưõi và cho cá vào túi cũng cẩn thận như cất báu vật vậy.

Thế là cả nhóm bên sườn đảo này bắt đầu phấn chấn, cậu Bách nói với tôi giọng đầy thách thức: “Bây giờ em mới câu đấy, lúc trước chỉ là Demo thôi.”

Mọi người mới nhận ra rằng lúc này nước thuỷ triều bắt đầu rút, cái thời điểm mà cá bắt đầu ăn mồi là đây. Mặc dù cái đói đã mon men đến với từng người nhưng ai cũng tranh thủ cái thời khắc thuỷ triều này mong câu được những con cá cho bằng anh bằng em. Cậu Hạnh vui và tự hào với con cá của mình lắm, Hắn rút điện thoại gọi nhóm câu bên sường núi kia vừa để khoe thành tích vừa để hỏi tin kết quả, nghe xong hắn nói: “Bên kia được 8 con Tráp rồi, con của Tuấn Linh to nhất” Tôi nghĩ: Thế là bên này kém bên kia rồi, bên kia có Đốc-tờ Giang và Khủng Long mà. Qua điện thoại chúng tôi còn được biết anh Trọng câu được cả cá Song và cá Nóc nữa. Thế là bên sườn Đông Bắc có nhiều chủng loại cá hơn hẳn bên sườn Tây Nam.

Cậu Thiệp Lào lạch bạch đến bên tôi, nhìn hắn tôi buồn cười quá: Cái bộ quần chống nước của hắn qua vài động tác cử động đã bị rách toác ở những chỗ đáng ra không được rách. Hắn cũng bẽn lẽn cười khi biết tôi nhìn thấy và nói: “Chắc chẳng có bộ nào vừa với cháu cả”.

Vì quá nóng ruột với thành tích tôi quyết định quăng ra xa hơn hòng đón lấy những con cá từ ngoài vào, trong 1 lần như vậy gặp cơn gió to đưa cả bộ câu của tôi maqức bào 1 tảng đá to ngoài xa. Báo hại cho tôi rồi, néu kéo cắt dây thì toàn bộ 3 chiếc phao của tôi nằm lại đó mà không có phao để câu nữa, cố kéo mà chẳng được, nếu đứt thì cũng không có đồ chơi để tiếp tục nên tôi đành gác cần chờ thuỷ triều rút lội ra lấy. Lên phíên đá phẳng khô nằm nhìn anh em câu vậy.

Đến 1h30, bà con mới nhận ra rằng lý trí không thể thắng được thực tại. Tất cả mọi người cần có cái gì đó để bổ xung cho lòng kiên nhẫn buổi chiều. Bữa ăn giã ngoại được khui ra từ cái thùng mà Bách và Thắng đã vất vả mang ra tới đây. Vừa mở thùng ra mọi người chỉ thấy toàn bánh mì và các lon nước yến cùng vài bịch sữa ba lon paté. Chỉ có vậy thôi sao? Nói ra chỉ sợ mọi người cười, cười cho sự đểnh đoảng đáng yêu của cách đàn ông. Số là đồ ăn được sắp xếp vào 2 thùng, Đáng lẽ ra phải để 2 thùng có trọng lượng và nội dung như nhau để khi phân nhánh thì cánh nào cũng được hưởng lợi như nhau. Đằng này, Thùng bên kia có cả 3kg giò chả, nước ngọt mà chỉ có 1 ít bánh mì. Rõ là bên ăn không hết bên lần không ra.

Sau bữa trưa, phần lớn cách quân sườn Đông Bắc đi vòng qua cuối đảo hoà nhập với quân bên này, Thấy anh Giang tôi hỏi ngay: “Anh được mấy con?“Được mỗi 1 con Tráp nhỏ ấy mà!” Nghĩ anh khiêm tốn tôi xem giỏ cá xem thì dúng là “1 con nhỏ thôi” thật. Cậu Sáng cũng góp 1 con Tráp khá to, có lẽ là con Tráp của Tuấn Linh là to nhất dễ đến 1,6kg. Tôi hỏi các anh: “ Long có con nào không?” Ai đó trả lời: “Long mất 1 con to nhất đoàn!!! Hắn vẫn còn ở bên kia

Buổi chiều cá có vẻ ít ăn hơn. Một vài người cũng đưa lên vài con Tráp nhỏ và cá lạ: Cá Nốt, cá Bống cá Uốc. Nếu tính giải người câu được nhiều chủng loại và số con cá lên nhiều nhất thì giải đó thuộc về Thư “Cò đen” (4 con cá các loại tổng cộng gần 0,3kg). Cuối giờ anh Giang cũng đưa lên được 1 con Tráp nữa có lẽ con này được sinh ra cùng ngày với con kia (Nếu khác mẹ).

Trở về nơi tập kết chuẩn bị lên tàu về Đồ sơn, nhiều người đi hội đền Dáu xúm lại xem kết quả của anh em chúng tôi và cho biết: Hôm nay, ngoài kia có 3 ông Hàn quốc, mọi khi câu được nhiều lắm mà hôm nay không câu được con nào, họ tức khí thuê thuyền ra xa câu mà lúc về cũng không thấy cá. Các bác câu được thế này là giỏi quá rồi, biển lại động nữa chứ. Cậu Sáng nói với tôi: “Đây có là lần đầu tiên trong các cuộc giao lưu đem lại kết quả mỹ mãn nhất, chứ các cuộc giao lưu khác có thấy hình bóng con Tráp nào đâu” Tôi nghĩ có lẽ do sự may mắn của cuộc giao lưu này vào đúng mùa Tráp mà thôi. Nếu hôm nay biển không động có lẽ kết quả khả quan hơn nhiều.

Buổi tiệc giao lưu được các anh trong nhóm câu Hòn Dáu Hải phòng bố trí tại 1 nhà hàng lớn trong thành phố Hải phòng. Các dịch vụ viên thấy chúng tôi liền đem thực đơn vồn vã giới thiệu các hải sản nổi tiếng của mình. Chúng tôi cười và nói: Chúng tôi không dùng hải sản của nhà hàng mà dùng hải sản của chúng tôi câu được cộng thêm một vài món đồng bằng của nhà hàng. Lúc này họ mới biết chúng tôi là dân câu về đây để hưởng thành quả cảu mình. Họ vui vẻ khiêng túi cá vào bếp.

Chúng tôi theo sau và đề nghị họ cân những con to: Hơn 9kg, nếu kể các con nhỏ thì là 10kg. Chúng tôi dùng những con to trên 1kg để chiên xù còn lại làm lẩu. Gọi thêm Gà chiên, Bò xào, đuôi bò hầm là chúng tôi có được bữa tiệc lớn mà bất cứ nhóm khách nào vào sau đều phải ghen tị vì nhà hàng lúc đó không đào đâu ra được cá Tráp tự nhiên. Xin nói cho các bạn rõ trên thị trường HP Giá cá Tráp nuôi ở đầm là 60.000,0 đồng/kg còn cá Tráp tự nhiên là 85.000 đồng/kg. Còn ở nhà hàng thì chỉ có tiền tấn mới mua được.

Bữa tiệc hôm ấy vui quá là vui. Vui cho từng cần thủ hôm nay câu được cá, vui cho từng chén rượu nâng lên cạn liền, vui cho tình bạn, tình cần thủ của hai thành phố Hà nội Hải phòng.

Lên xe trở lại Hà nội, tất cả các thành viên Hà nội đều mong được nối phôn với các anh để nhắc lại câu nói: “Xin chào các anh em Nhóm câu Hòn Dáu Hải phòng, chúng tôi xin cám ơn các anh đã tổ chức cho buổi giao lưu câu cá ngày hôm nay thật nhiệt tình và chu đáo! Hẹn gặp lại các anh!”.

Hùng R

Hà nội 03-2006

Các tin khác cùng chuyên mục
Cá toàn vây - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:53:46 CH
Câu cá SAR (Tráp) với Lò Xo bả mồi. - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:53:00 CH
Côn Đảo - Khi mỗi gương mặt l một hoa hồng (Phần I) - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:46:37 CH
Lời Cảm Ơn - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:38:23 CH
Cá mực khổng lồ - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:36:00 CH
Thông báo giao lưu - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:33:43 CH
Rủ nhau đi Oánh lục - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:32:43 CH
Chợ cá Tsukiji - một nét văn hoá xứ Phù Tang - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:32:16 CH
Côn Đảo - Khi mỗi gương mặt l 1 hoa hồng (Tiếp theo v hết) - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:31:48 CH
Hồ Cấm Sơn - Cập nhật lần cuối 25/04/2009 11:30:42 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.