ĐỒNG THÁP - THÉP ĐÃ TÔI THẾ ĐẤY.
Xin bắt đầu từ buổi buông cần đầu tiên.
Côn Đảo-Khi mỗi gương mặt là 1 hoa hồng
ĐỒNG THÁP - THÉP ĐÃ TÔI THẾ ĐẤY
Chuyến đi Côn Đảo chưa kết thúc, còn đang ngồi trong phòng đợi của sân bay Côn Sơn mà các anh đã hí hửng bàn chuyện đi câu cá Lóc ở Đồng Tháp ngày mai. Tôi mê câu cá Lóc Bông hơn nên có vẻ thờ ơ chút xíu, thì bị anh Hùng y tế bắn tỉa: Con cá Lóc Bông của em so với con cá Lóc của anh chỉ là... thằng khờ thôi. Tôi gân cổ tính trả đũa thì đã thấy anh nhắm mắt xít xoa: Thiệt trên đời này không mê câu con gì hơn con cá Lóc, mà chỗ ngày mai anh dắt em đi dưới miền Tây là cá Lóc bao la luôn. Anh Hùng này chắc đã tốt nghiệp xuất sắc môn Marketing nên mới nói 2 câu là tôi đã thấy hấp dẫn quá xá rồi, vội chuyển tông nhỏ nhẹ năn nỉ: Mai anh dắt em đi ha. Thế là đoàn quân Tây - Nam tiến được lên danh sách: Nhị Hùng, anh Sĩ Lâm và tôi... Ủa, còn thiếu Lão tướng! Lập tức tôi nhận được phản hồi từ chú Hán: Sĩ Lâm & Cẩm Vân đi câu cá Lóc với anh Hùng thì coi như yên tâm rồi, còn để cho ta phải về online 1 chút chứ. À, té ra chú tạm xa chiếc cần câu cá để đến văn phòng chăm sóc chiếc cần câu cơm vì sợ viễn cảnh nghèo kiết xác mà nội tướng đã vẽ ra hôm qua đây mà.
Trở về từ Côn Đảo sáng ngày 9/2, đất Sài Gòn chưa kịp lấm gót chân thì 3h sáng ngày 10/2 , 1 chiếc xe du lịch hoành tráng đã đậu trước cửa nhà tôi. Tưởng chuyến này chỉ có 4 cựu thành viên nên tôi tự nhiên nói cười với các anh rôm rả giữa màn đêm tĩnh mịch, thì từ trên xe nhảy xuống 1 bóng người cao lớn như người hùng Rambo, rất galant đỡ cần và túi xách cho tôi khiến tôi bất giác đưa tay... vuốt lại tóc và đổi giọng nữ trầm: Ủa, anh là ai?. Thì ra tuy không đi cùng nhưng lão tướng rất cẩn thận cử người cháu là anh Tuân vừa là quan sát viên, kiêm liên lạc viên, kiêm... tài xế đưa anh em chúng tôi hành trình về đất phương Nam, còn nội tướng đã kịp đồ 1 bọc xôi ngon đến từng hạt đậu cho 5 cái tàu há mồm lót dạ... Hầu như mọi người đã biết nhau nên không ai để mất thời gian cho màn chào hỏi xã giao cần có, 5 chúng tôi cấp tập leo lên xe cho kịp giờ xuất phát.
Toàn quân trước giờ G
Đoạn đường từ nhà tôi ra đến ngoại ô để xuôi về miền Tây đổi mới nhanh quá, không muốn thành người nước ngoài trên chính quê hương mình nên tôi ráng chống lại cơn buồn ngủ để thu vào tầm mắt những thay đổi của cảnh vật xung quanh. Mà đây cũng là cơ hội tôi được ngắm khoảng khắc dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi hiếm hoi của đất Sài Gòn, bởi có một Sài Gòn ăn chơi nhộn nhịp đến 1, 2 giờ đêm, còn Sài Gòn mưu sinh lại bắt đầu từ 4, 5h sáng nên quả là giờ vàng để cảm nhận 1 Sài Gòn yên ả, trong lành khác lạ vào khoảng thời gian nửa đêm về sáng lúc 3h như thế này.
Saigon by night
Anh Hùng y tế cho hay cá Lóc thường ăn mồi vào lúc sáng sớm, nên anh Tuân lái xe gần như đua với thời gian để đến Đồng Tháp trước khi mặt trời ló dạng, dù vậy cũng không quên dừng lại ở Long An để mua nhái bén. Tôi vốn tính soi mói nên chỉ 5 phút ở cửa hàng bán đồ câu ven đường cũng đủ cho tôi kéo bài ghi nhanh này thành ghi chậm đi 1 chút. Số là khi xe vừa tấp vô lề, trong khi 4 người Việt chúng tôi không chút ngại ngùng, oai phong phi thân qua thanh chắn bảo vệ lòng đường để tiếp cận cửa hàng thì anh Sĩ Lâm loay hoay kiếm lối exit. Trong vài phần trăm của giây, tôi phát hiện ra 1 điều khá thú vị, hình như tôi và chúng ta xem việc vi phạm luật giao thông đã là 1 thói quen , để hợp thức hoá hành động vi phạm của mình tôi lôi kéo anh Sĩ Lâm đồng loã: Anh không phi thân như tụi em mà đứng lớ ngớ trên lề đường là... cảnh sát phạt đó, nguy hiểm quá mà. Anh Sĩ Lâm mà biết tiếng Việt chắc dám nói 2 chữ BÓ TAY với tôi lắm à. Chừng như sợ bị cảnh sát bắt thiệt nên anh cũng nhanh nhẹn nhảy phóc qua rào chắn chạy tới cửa hàng. Chưa hết ngạc nhiên trước hành động vượt cạn của chính mình, anh Sĩ Lâm đã hỏi: Cửa hàng đồ câu VN mở cửa 24/24 vầy hả?. Anh Hùng y tế gật đầu nói chắc như bắp: Mở cửa bất cứ lúc nào mình muốn mua, rồi anh giới thiệu luôn: Cửa hàng này bán đồ câu Nhật nhiều lắm, anh Sĩ Lâm vừa nhìn mấy cái mác trên cuộn dây câu (hình như có chữ Tiger thì phải) vừa lắc đầu quầy quậy: Tôi đi câu từ nhỏ mà chưa nghe tên hãng này cũng như chưa thấy mặt hàng này tại Nhật bao giờ (nói ngắn gọn theo tiếng Việt hiện đại chắc ý anh là Biết chết liền). Tôi nhìn chị bán hàng khổ sở thanh minh Hàng Nhật thiệt đó em mà thấy tội tội, đành bấm bụng nói xạo vài câu : Ông này sống ở vùng sâu vùng xa của nước Nhật nên chắc ổng hổng rành đâu chị ơi, chị bán hàng an lòng cười toe, có duyên gì đâu.
Tôi kín đáo đẩy anh Sĩ Lâm ra ngoài sân thì gặp 2 ông già ngồi tréo quẩy uống... rượu đế, họ mời anh Sĩ Lâm Làm 1 ly cho ấm bụng (mới 4h rưỡi sáng nha bà con). Vốn đã quen với tính cách sởi lởi, đại khái của người Việt (nhất là người Nam bộ) nên cho đó là chuyện thường ngày ở huyện, nhưng anh Sĩ Lâm dường như rất thích thú với những chuyện lạ lùng vừa rồi nên lấy máy ảnh ra tác nghiệp tức thì. Tôi cũng nhanh tay chụp vội vài tấm hình có liên quan đến câu cá trước khi bị các bạn mắng: lan man quá, loãng bài!
Kho nhái bén
Chắc ăn có trong tay cả trăm con nhái bén, 5 người chúng tôi không dám chậm trễ nửa giây, vội vàng rời Long An, nhanh chóng qua Tiền Giang, xé gió xuyên đêm đến được Cao Lãnh, Đồng Tháp cũng là lúc chim hót vang khi thấy ông mặt trời, anh Hùng ngao ngán: Mình đi gấp vậy mà vẫn bị trễ, tôi ngó lơ vì sợ anh sốt ruột! Đến 8h chúng tôi đến được nhà người quen của anh Hùng, sau khi rút ruột chiếc xế hộp, cả nhóm lại chuyển toàn bộ dụng cụ câu sang ghe bầu để đi vô sâu hơn trong rừng tràm Gáo Giồng. Một tiếng ngồi ghe sẽ vô cùng lãng phí nếu không có bài học nhập môn câu cá Lóc bằng nhái bén của anh Hùng.
Nhập môn
Bởi không chuẩn bị 1 con mồi giả nào để câu cá Lóc cho chuyến đi Việt Nam lần này nên tôi không được tự tin lắm, có khả năng tôi lại tiếp tục câu mồi thật (với điều kiện có người móc mồi giùm). Trong tiếng bình bịch liên hồi của chiếc ghe máy, anh Hùng cẩn thận giải thích cho tôi tác dụng từng bộ phận của thẻo lưỡi, tôi cố gắng nhồi nhét tất cả vào cái đầu bé tí của mình, khổ còn hơn ngày xưa học luyện thi cấp tốc. Có thể với những người câu mồi thật chuyên nghiệp như các bạn, bộ lưỡi câu cá Lóc là 1 món đồ chơi xưa như Diễm, nhưng với tôi và anh Sĩ Lâm thì rất thú vị. Tôi không biết rằng để tránh vướng, cục chì phải suông đuột thế nào, lưỡi câu phải ngụy trang ra sao (1 ống nhựa nhỏ hơn cọng bún Tàu, chớm bọc lấy đầu lưỡi câu 1 đoạn không dài hơn... 1mm) , lại còn cách móc nhái vô lưỡi thế nào cho ổn nữa chứ (tôi kinh khủng nhất món này)... Rốt cuộc, tôi đánh bạo hỏi thẳng anh Hùng bữa nay anh móc mồi giùm em nữa hông?, thiệt vui ghê vì ảnh dễ chịu gật đầu Ừa đâu có gì, để anh làm cho (hay bởi anh quá chán nản cô học trò đỏng đảnh!!!???)
Hơn 9h, ghe chúng tôi cặp bến... không tên, mọi người lập cập chuẩn bị đồ nghề, anh Hùng y tế trổ tài thủ lĩnh từ công tác đối ngoại như dặn giờ ghe quay lại đón, dặn người làm cơm trưa, đi kiếm thêm xuồng... đến công tác đối nội rằng chia mồi nhái ra sao, chia nhóm hoạt động mấy người... , anh còn kiêm luôn công tác tư tưởng quần chúng nữa chứ nắng gắt vầy không biết cá còn ăn không ta? .
Chúng tôi tách nhóm ra cho đủ 2 chiếc xuồng ba lá nhỏ xíu, mỏng manh đến nỗi mỗi lần đứng lên ngồi xuống phải rón rén như người đu dây làm xiếc (vậy nên luật giao thông đường thủy mới quy định xuồng ba lá chỉ được chở tối đa 2 người / xuồng). Dù rất muốn sống, học tập và làm việc theo pháp luật nhưng chỉ có 2 chiếc xuồng, trong đó anh Tuân và anh Hùng Bia đã định cư trên 1 chiếc rồi, thì anh Hùng y tế, anh Sĩ Lâm và tôi đành uống thuốc liều 1 phen trên chiếc xuồng còn lại. Nếu các bạn đã có lần ngồi xuồng ba lá Nam bộ sẽ thông cảm cho tư thế bất động Từ Hải của tôi, bởi khi vừa mon men đặt chân xuống thì nó đã chòng chành như lên cơn động kinh, báo hại tôi chẳng dám nhúc nhích, 1 tay bám thành xuồng, 1 tay giữ rịt lấy mớ cần mà my heart will go on - tim em vẫn còn xao động , hừ hừ .
May mắn thay anh Hùng y tế chèo xuồng rất giỏi, giữ thăng bằng cũng tài nên thoắt cái đã đưa được tôi và anh Sĩ Lâm vô tới góc đầm. Chúng tôi chọn được tấc đất cắm… cần khá lý tưởng, 3 chúng tôi dời ghe, bắt đầu trận càn.
Anh Sĩ Lâm vì không nghĩ sẽ đi câu cá Lóc ở VN nên cũng không đem theo mồi giả, đành lấy trùng giả ra rê thử. Tôi được anh Hùng y tế vừa gắn mồi cho, lại vừa hướng dẫn quăng mồi nhái ra sao cho chuẩn nên thấy câu cá Lóc cũng khá nhàn hạ. Là tôi tưởng vậy thôi, đến lúc cầm chiếc cần có con nhái đang giãy giãy, lại là đoạn dây dài cỡ sải tay, tôi không tài nào quăng cho đẹp mắt như khi tôi câu bằng mồi giả được... (cứ đổ thừa tại không quen như thế, tránh bị cười nhạo được lúc nào hay lúc đó), chứ tình thiệt là nó như vầy: Sau khi tận mắt chứng kiến anh Hùng quăng mồi, nhấp mồi khéo léo và điệu nghệ, tôi cầm lấy cây cần 1 cách tự tin: Em làm được, kết quả được ghi nhận tức thì:
- Quăng mồi lần thứ nhất: đã quăng được đâu thì đã bị vướng đám cây cỏ phía sau lưng (tôi chưa từng thấy địa hình câu cá Lóc nào có nhiều túm cây bụi cỏ như ở Đồng Tháp này).
- Lần thứ 2: Vướng đám cây con phía trước
- Lần thứ 3: muốn con nhái rơi trúng điểm bên phải thì nó rớt sang bên trái
- Lần thứ tư: quá tam ba bận nên lần này tôi dùng hết sức bình sinh quăng bằng được con nhái vô chỗ anh Hùng yêu cầu, thì 1 tiếng bụp vang lên giữa đầm trưa tĩnh mịch. Thân con nhái đập xuống đất nát bét!
Học nghề
Cám ơn các bạn đã theo dõi đến đây, các bạn quả là những người kiên nhẫn, chứ tôi nghĩ rằng người trầm tĩnh lắm mà đọc đến lần quăng thứ ba, chắc cũng phải tắt máy trước khi gắt um lên: Giải tán cô này đi cho rộng chỗ. Thôi, không sát sanh mấy con cá coi như tôi ở hiền gặp lành, gặp được anh Hùng y tế cũng lành tính và kiên nhẫn như các bạn vậy, thậm chí anh còn hài hước đến nỗi alo với ai đó rằng : đang chỉ cho người mới tập câu! , rồi không để ý tới thái độ sượng trân của tôi, anh Hùng tiếp tục nhỏ nhẹ chỉnh sửa các lỗi thao tác, mặt anh bắt đầu lấp loáng mồ hôi... Ơn trời sau lần quăng thứ en nờ thì tôi cũng lên tay nghề được chút, anh Hùng hình như chỉ chờ có vậy, rút lui thiệt lẹ đẹp rồi đó, em tự câu nha.
Mặt trời sắp đứng bóng, 5 người chúng tôi nhễ nhại mồ hôi, đất đen bê bết ống quần nhưng chưa ai câu được con cá nào, dù chúng có táp thử vài lần. Những mỏm đất chúng tôi đứng thuộc dạng đất sình đầm lầy, bùn nhão như hút chân tôi xuống lòng đất nên muốn dịch chuyển mấy bước để đổi hướng câu là cả 1 vấn đề khó khăn, mất sức còn hơn đi đánh vật, cả nhóm lâm vào tình thế vô cùng hoàn cảnh. Anh Hùng y tế là chủ xị bữa nay nên áy náy không yên: sao giờ này vẫn chưa có cá? Anh Sĩ Lâm sau khi thử vận may với mấy con trùn giả gặp toàn vận xui nên bắt đầu nhờ vả anh Hùng chỉ cách móc mồi nhái bén. Anh Tuân được cá ghé thăm 1 lần, táp 1 cú ra trò nhưng vẫn trắng tay khiến anh chán nản quay xuồng bỏ đi chỗ khác. Anh Hùng Bia cũng leo lên xuồng với anh Tuân đi tìm niềm hy vọng mới, không quên gửi lời trái tim muốn nói đến nhóm chúng tôi: Giời ơi, lần đầu tiên tôi đi câu cá Lóc nên đâu biết cực khổ thế này, lần sau có cho vàng tôi cũng không đi. Còn tôi, vừa mệt vừa móm nặng như anh Hùng Bia nên rất thông cảm với lời than thân trách phận của anh, tôi cũng nghĩ nếu biết đi câu cá Lóc (ở Việt Nam) cực khổ thế này, đúng là cho vàng tôi cũng không đi , nhưng cho đô-la thì để tôi suy nghĩ lại!
Sau khi anh Hùng Bia và anh Tuân chèo ghe đi đâu mất dạng, nhóm tôi cũng rời khu đất hãm tài này đi tìm miền đất hứa khác. Gọi là đất hứa cho chất lượng vậy chứ 3 người chúng tôi nào đòi hỏi gì quá đáng đâu, chỉ mong gặp chỗ nhiều cá, cá to, không vướng rễ cây bụi rậm, sử dụng được cả mồi giả & thiệt, có thêm mô đất nho nhỏ nào để đứng cho vững, đừng bị sình lầy quấn chân là chịu liền... có bi nhiêu ước nguyện thôi mà tìm mỏi mắt không ra nơi vừa ý!
Đi tìm hình của... cá
Gần 1 tiếng đồng hồ quanh đi quẩn lại khu đầm lầy, chúng tôi đành vác cần về lại chốn xưa, chốn mà tôi chê hãm tài ấy, chẳng hiểu nổi vì sao cả mấy hécta đầm lầy mênh mông thế này mà không có lấy 1 con cá, hay là bọn chúng có Đạo nên ăn chay vô ngày thứ Sáu vậy kà?
Trên đường quay lại chỗ cũ, chúng tôi gặp anh Hùng Bia đi ngược trở ra, hiên ngang như sứ giả đem tới 1 thông tin động trời: Về đi bà con ơi, mấy người dân địa phương vừa cho hay: mới hồi đêm qua bọn chích điện vô đây rà nát khu này rồi, bắt hơn 40 ký cá Lóc. Tôi nghe mà choáng váng đến nỗi quên dịch sang tiếng Nhật cho anh Sĩ Lâm, khiến chàng cứ thắc thỏm : Anh Hùng Beer nói gì? Sao anh ấy lại bỏ về? Tôi yếu bóng vía, nghe xong là xuống tinh thần liền, nhìn anh Hùng y tế đợi lệnh, chỉ chờ anh nói rút quân là tôi nhảy lên đê đi bộ với anh Hùng Bia về luôn... nhưng tôi biết anh Sĩ Lâm không phải là người dễ dàng bỏ cuộc như vậy, có ngay bằng chứng khi tôi vừa dịch dứt câu cuối cùng, ảnh trả lời không do dự Họ bắt 40 ký cá thì vẫn còn ký thứ 41 cho mình câu , anh không tin cá Lóc rừng tràm này tuyệt chủng hết trong 1 đêm qua . Ái cha, tôi gặp cần thủ thứ thiệt rồi. Mà chưa hết, giờ mới tới chuyện của anh Hùng y tế. Đố bạn biết thái độ của người mê câu cá Lóc như anh Hùng y tế lúc đó thế nào? Hẳn nhiên chàng có vẻ trúng chưởng bởi tay ngưng 1 nhịp chèo, im lặng đúng 1 giây, mắt nhìn theo 1 hướng... tôi hồi hộp theo dõi trận Song Hùng đấu trí, cái nắng ban trưa chở nên oi bức đến ngạt thở... Chưa đến giây thứ 2, tôi được thở tự do trở lại khi anh Hùng y tế nhằm ngay anh Hùng Bia mát mẻ : Anh đi câu mà nghe người ta nói ra nói dzô là bỏ về liền vậy đó hả? , nói rồi anh chèo thuyền đi thẳng, bỏ lại câu nói của anh Hùng Bia loãng tan trong gió Không câu được đâu, mày câu được anh gọi mày Sư phụ!. Tôi mắc cười quá mà ráng nhịn, chỉ sợ nụ cười vô duyên của mình lúc này thành can dầu 10 lít đổ vô 2 ngọn lửa anh Hùng...
Anh Hùng Bia bỏ cuộc khiến anh Tuân bơ vơ giữa đôi dòng nước, anh Hùng y tế liền khắc xuất, khắc xuất khỏi xuồng tôi và anh Sĩ Lâm, nhanh nhẹn khắc nhập, khắc nhập ứng cứu anh Tuân kịp thời. Chúng tôi chia thành 2 phe đi về 2 ngả, lại tiếp tục móc nhái, quăng mồi và hy vọng câu được ký cá thứ 41.
Ai tìm được khu vực phức tạp hơn chỗ này, có thưởng!
Xuồng chúng tôi tấp vào 1 vùng nước có nổi bong bóng rất nhiều, anh Sĩ Lâm thì thào truyền bá kiến thức không nói ai cũng biết: Đó, đó, cá Lóc thở ra mấy cái bong bóng đó. Ngặt nỗi vùng bong bóng lại bị bao quanh bởi cơ man tràm non, mắt mèo và những cây dại tôi không biết tên khác... đành làm lính thủy đánh bộ xem sao. Chúng tôi rời xuồng, chật vật vượt qua vũng bùn nhão nhẹt xiết chặt mỗi bước chân, mồ hôi mẹ mồ hôi con đua nhau đổ ra như tắm, đôi ủng của tôi nặng đến mấy ký vì sình dẻo quẹo bám gần đến gối, quay lại xem anh Sĩ Lâm có bám kịp mình không thì tôi thấy anh cười tươi hết biết, tưởng chàng vui vì sắp tiếp cận được mục tiêu ai dè anh hóm hỉnh My feet lost their friends - Chân anh mất bạn rồi. Tôi thiếu điều cười ngất khi thấy đôi bàn chân trống trải của anh, hà hà... bùn Đồng Tháp cũng sành điệu gớm, không thèm đôi ủng cũ rích của tôi mà trấn lột ngay đôi săng-đan Biti's cáu cạnh anh Sĩ Lâm mới mua chiều qua. Tôi trách anh sao mà hậu đậu, dép đi trong chân mà còn để tuột, ảnh đính chính: Tuột đâu mà tuột, bùn kéo dữ qua đứt quai luôn. Tôi đành chống chế: Thì slogan của Biti's khẳng định rồi, chỉ Nâng niu bàn chân Việt, anh xỏ chân Nhật vô nên... đứt quai ráng chịu! . anh Sĩ Lâm cười ha ha vài tiếng, rồi như sợ tám với tôi tốn thời gian nên anh lẳng lặng móc nhái vô lưỡi câu cho cả 2 chúng tôi, bình thản rê kéo như không có chuyện mất dép vừa rồi.
Vì đi chân không nên anh Sĩ Lâm lội sình rất nhanh, khoảng 20' sau đã bỏ tôi lại khá xa. Còn lại 1 mình, tôi quăng con nhái 1 hồi tới lúc không thể nhận ra là con nhái nữa thì đành ngồi bó gối ngắm mây trời bay, bởi không còn ai kế bên móc mồi mới cho. Nhưng tôi đã kịp ngắm đám mây nào đâu, thì nghe tiếng anh Sĩ Lâm í ới sau lưng, quay lại thấy anh cầm con cá Lóc (hổng biết diễn tả nó bé tí hay bé xíu vì chỉ có 400gr hà) nhưng bằng xương bằng thịt đàng hoàng quơ quơ trước mặt. Tôi phấn khích hét toáng lên, niềm vui khiến âm vực rộng tới nỗi chim chóc gần đó bay tán loạn, anh Hùng y tế và anh Tuân ở tít đằng xa như 2 dấu chấm cũng phải ngẩn ngơ dòm, anh Hùng Bia ở tận mé sông cũng nhanh chân chạy tới... Đứng trên bờ đê, anh Hùng Bia thấy con cá Lóc chánh hiệu Cao Lãnh thì lấy làm vui mừng ra mặt, anh chạy tới chạy lui đi kiếm thùng đựng, không tiếc lời khen ngợi anh Sĩ Lâm Đây mới đúng là sư phụ!. Lần đầu tiên tôi thấy anh Hùng Bia hồn nhiên đến vậy.
Chiến thắng mở màn
Tôi đã trên 10 lần khẳng định: Thú câu kéo, nó hay, nó khác lạ với những thú tiêu khiển khác ở chỗ không có milimét vuông nào cho sự đố kị trú thân (ít nhất là chính xác với tất cả bạn câu của tôi). Đi câu chung 1 nhóm, toàn thành viên ai cũng phải chịu chật vật, khó khăn & cùng trắng tay như nhau nhưng chỉ cần 1 người có lộc, lập tức niềm vui sẽ được nhân đều cho tất cả, thay vì ganh ghét nhau như những môn chơi khác. Con cá nhỏ nhắn của anh Sĩ Lâm là giải an ủi cho tất cả chúng tôi.
Đã nói giải an ủi thì phải có giải độc đắc... 20' sau, lấp ló trong đám cây phía xa tít tắp, anh Tuân và anh Hùng y tế giơ cao tay vẫy, tôi chỉ thấy 1 chấm đen trong tay các anh nhưng biết chắc chúng tôi lại có tin vui. Anh Hùng Bia và tôi lấy xuồng chèo ra xem, tôi không ngờ chèo xuồng khó như vậy, 2 anh em è cổ ra chèo, chống, đẩy đủ kiểu mà chiếc xuồng bất kham, xoay vòng vòng đến khổ, anh Hùng Bia lại cất cao điệp khúc: Trời ơi là trời, lần sau cho vàng anh cũng không đi câu cá Lóc nữa . Nhưng tôi cho rằng anh đã thay đổi ý kiến khi nhìn con cá Lóc thứ 2, nó không to lắm nhưng cũng đủ xứng đáng trở thành giải độc đắc của ngày hôm nay, vậy ai là người trúng giải? Anh Hùng y tế hay anh Tuân? Nếu các bạn đã thấy trời cao có mắt, không phụ tinh thần bất khuất của anh Sĩ Lâm như thế nào thì Thép đã tôi thế đấy hẳn nhiên thuộc về người bị nói ngả nói nghiêng mà vẫn vững như kiềng ba chân là anh Hùng y tế chứ còn ai vô đây nữa! Anh Hùng Bia thực hiện lời hứa quân tử nhất ngôn ban nãy, vui vẻ gọi đây là sư phụ thứ 2 làm anh Hùng y tế khoái trá gật gù: sau cuộc tàn sát đêm qua mà vẫn câu được là chúng ta đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật câu cá Lóc . Lại còn thế nữa, nhờ con cá có 600gr và câu nói khiêm tốn của anh, dù đang ở 1 miền quê yên bình của nước Việt thoắt cái tôi được du lịch đến tận kho bom bên I-rắc.
Anh Tuân: Cá của anh Hùng nhưng cho tui cầm chụp hình lấy hên 1 cái
À, bà con có để ý thấy trọng lượng của 2 con cá không? 1 ký không thừa thiếu! Vậy là thoả lòng ước nguyện câu được ký cá thứ 41 của anh Sĩ Lâm rồi, còn tham 1 bát bỏ 1 mâm cơm trưa đang chờ đợi những cái bụng đói meo trở về chi nữa. Đúng 2h rưỡi trưa, chúng tôi chèo xuồng quay lại bến sông.
Vừa thấy 5 tên lính thất trận phờ phạc, bê bết bùn đất lóp ngóp leo lên bờ, 1 bà lão (người quen của anh Hùng y tế) đã hối hả giục: lẹ lẹ rử tay chân rồi ăn trưa đi mấy con, cơm có rồi, còn canh tao chờ tụi bây dzìa mới nấu cho nóng. Tôi cảm động lắm, bao nhiêu mệt mỏi của buổi câu cá Móm, của cái nắng chang chang vụt tan biến theo chất giọng miền Nam chân quê của cụ, rồi 1 vài ký ức bỗng nhảy múa lộn xộn trong bộ nhớ... Tôi sinh trưởng ở Sài Gòn nhưng phân nửa là gốc Bắc, tôi trân trọng miền Bắc bởi đó là nguồn cội của mẹ mình nhưng thiệt lòng tôi cảm thấy có phần thiên vị miền Nam hơn 1 tí về tình cảm quý mến và sự gắn bó, có lẽ bởi lối thân thiện trong cách xưng hô con, dì, thím ... rất đặc trưng của người Nam Bộ mà tôi vừa nghe chăng, nó giống sợi dây nối tất cả lại như người 1 nhà dù từ đầu nguồn Bến Tre hay đến tận mũi Cà Mau. Sẵn dịp bán than với web miền Bắc vài dòng. Chuyện cách đây cũng gần 10 năm, khi Cẩm Vân tôi lần đầu đặt chân đến Thủ đô để ngâm cứu 1 đề tài, tôi được giới thiệu gặp 1 cô giáo hướng dẫn là tiến sĩ Luật học hẳn hoi, người Hà Nội gốc, tuổi độ đã bước qua bên kia con dốc đời người nên tôi quen miệng chào: Dạ thưa cô con là... chưa hết câu, trước mặt những bạn sinh viên khác tôi bị tạt 1 gáo nước lạnh ngay giữa mùa đông Hà Nội: Đừng xưng hô như thế với tôi, tôi ghét nhất kiểu con con cái cái giả tạo của người miền Nam. Thiên địa ơi, lúc đó mà đất nứt ra cỡ cái lỗ trong đường hầm Văn Thánh tôi dám nhảy xuống lắm... nhưng đất không nứt thì tôi đành đỡ đạn bằng món võ lạc quan tếu mà tôi cho là bí kíp hữu hiệu nhất trong bất cứ tình huống hỉ nộ ái ố nào: Hì hì, Tôn sư trọng đạo có biến âm là tôn sư trọng tội hả cô?
Than đã bán xong, lời lãi với tôi là 1 kinh nghiệm giao tiếp quí báu để sau này tôi biết chú ý mà xưng cháu với quý vị bên kia vĩ tuyến 17, quả nhiên tôi không bao giờ bị bắt lỗi nữa (mặc dù tôi thấy nó cứ tréo tréo miệng thế nào).
Vì đã gặp trục trặc ngôn ngữ với giới trí thức như thế, tôi lại càng yêu mến làm sao sự thân mật bình dân của bà con trong khu rừng tràm này, thấy vui vui làm sao khi vừa ngồi ăn, vừa nghe cô chủ nhà xít xoa bên cạnh: Ở thành phố sướng như tiên hổng chịu, theo mấy anh đi lội sình giang nắng chi cho cực vậy con.
1 túp lều tranh, 5 quả tim vàng, hì hì
Bữa cơm trưa kết thúc, chúng tôi lục tục ra về thì xảy ra 1 sự kiện mà dân gian thường bảo: Không phải oan gia không chạm mặt - Đối thủ của cần thủ là chích điện thủ xuất hiện. Họ (Chắc là không cùng nhóm với những người đêm qua) cũng từ phía trong đầm lầy rừng Tràm đi ra, họ cũng săn lùng cá suốt cả ngày nay, cũng dùng xuồng 3 lá, cũng trùng 1 lộ trình như bọn tôi... chỉ khác thay vì đem theo cần và mồi thì họ chất đầy xuồng những bình sạc và que chích điện, thay vì chỉ có 2 con cá quèn như bọn tôi thì họ khiêng lên bờ 2 xô nặng cá các loại (Lóc, Thác lác, lươn, rắn...), vậy mà họ còn thở vắn than dài : 5 đứa tui đi rà từ sáng tới chiều mà chỉ được có 7 ký cá thôi à, rồi anh ta buột miệng khen : Chích bằng điện từ 6h sáng tới hơn 3h chiều mà có từng đây, mấy anh chị xài cần mà câu được 2 con là quá hay, hay hơn tụi tui rồi. Nói thiệt nha, tôi thích được khen lắm, nhưng tại có sẵn ác cảm với mấy tay chích điện nên khen thế chứ khen nữa hoặc rót mật vào tai tôi cũng không vui nổi. Chau mày liếc sang các anh phe ta thì thấy mọi người phản cảm hết sức: anh Hùng y tế, anh Sĩ Lâm thì đang bắt mấy con rắn khật khù vì điện giật ra... quấn lên cổ chơi (muốn lạnh gáy), anh Hùng Bia, anh Tuân đang chăm chú chọn hàng 3 con cá Lóc cũng đờ đẫn vì ... giật điện (mua đem về dám khoe là cá câu được lắm đây). Tôi không tham gia với 2 tên nghịch rắn vì rất sợ giống này, tôi cũng dửng dưng việc mua bán vì đã được cho lại 2 con cá mấy anh câu hồi trưa, nhưng biết chắc mình không dám nói dối mẹ rằng 2 con cá này con câu nên đành bấm bụng tậu con cá thứ 3 câu để có cớ mà lấp lửng con cá này con câu đó, câu bằng mồi giấy , tài chưa!!!
Bắt gặp quả tang, nhân chứng vật chứng rành rành nhé
Anh Hùng y tế và anh Sĩ Lâm đóng xong phim khiêu vũ với bầy... rắn cũng là lúc anh Hùng Bia, anh Tuân và tôi kết thúc hợp đồng mua bán với bầy… cá, 5 anh em ríu rít ra về (Chẳng hiểu mừng vì không bị rắn cắn hay vì mua được cá với giá rẻ tận gốc mà ai ai cũng hỉ hả đến lạ).
Tôi lưu luyến chào những gương mặt hiền hậu chưa kịp nhớ tên mà đã đem lòng quý mến, chào luôn cả mấy tay chích điện không thể quý mến mà cũng chẳng nhớ tên. Chiếc ghe từ từ rời bến, đưa chúng tôi quay lại Sì Goòng, trong làn gió mơn man của buổi chiều quê, tôi nhắn nhủ anh Hùng y tế: Lần sau em về nước, mấy anh đưa em đi Đồng Tháp câu nữa heng!
Nghiêm cẩm Vân
03-2006