Sau khi ăn cơm được vài giờ, chị Tới thấy đau bụng, tê cứng chân tay, mồm miệng, nôn mửa nhiều, rồi ngất xỉu. Khoảng nửa giờ sau, hai con của chị là Nguyễn Thị Duyên (8 tuổi) và Nguyễn Ðăng Long (6 tuổi) cũng có tình trạng giống mẹ nhưng có phần nặng hơn. Cả hai cháu bị suy hô hấp nặng, người tím tái.
Cả ba mẹ con chị Tới đã được đưa tới Khoa hồi sức cấp cứu (HSCC) - Bệnh viện Bắc Thăng Long để cấp cứu. Tại đây, kíp trực do BS.Nguyễn Thọ Khảo - Giám đốc bệnh viện và BS.Nguyễn Quốc Tế (Phó trưởng khoa HSCC) đã chẩn đoán nguyên nhân ngộ độc trên là do ăn thịt cá nóc.
Các bác sĩ đã đặt nội khí quản, hô hấp hỗ trợ bằng máy và tiến hành rửa dạ dày, bơm than hoạt tính, nhuận tràng kết hợp truyền dịch lợi tiểu cho cả ba mẹ con. Chỉ trong 3 ngày điều trị, mẹ con chị Tới đã bình phục và được ra viện.
Cá nóc là loại cá rất độc. Chất độc (tetrodotoxin) tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, tinh hoàn và nhiều nhất là ở trứng. Vì vậy cá nóc cái rất độc đặc biệt là vào mùa đẻ trứng. Ngay sau khi cá chết, chất độc sẽ tiết ra toàn bộ thân cá, do đó dù nấu chín, phơi khô hay sấy những độc tố trong cá nóc vẫn tồn tại và nguy cơ bị tử vong do ăn cá nóc khô vẫn xảy ra. Vì thế, khi mua cá khô, chúng ta phải cẩn trọng đừng mua những loại cá có hình dạng tương tự như cá nóc.
MINH THU