Từ lâu Na Hang được biết đến, vì nơi đây có nhiều cảnh đẹp nên thơ, sơn thủy hữu tình. Na Hang có hai con sông lớn là sông Gâm và sông Năng với dãy núi Pác Tạ hùng vĩ, với 99 ngọn núi được ví là " Hạ Long cạn giữa đại ngàn". Na Hang có Khu Bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung với trên 42 km2 là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của du khách. Ngày nay, Na Hang có công trình thuỷ điện Tuyên Quang, như vậy tạo ra cho huyện này thêm lợi thế để phát triển kinh tế và nơi đây trở thành điểm du lịch vùng lòng hồ và Na Hang còn có thác Pác Ban vừa mới được công nhận là di tích thắng cảnh quốc gia.
Na Hang là mảnh đất của những huyền thoại, vì mỗi ngọn núi, con sông, địa danh đều gắn với những sự tích hấp dẫn. Tháng 11/2002, Na Hang được nhiều nguời biết đến, bởi tại đầu nguồn sông Gâm đã khởi công xây dựng công trình thủy điện Tuyên Quang công suất 342 MW, sản lượng điện hàng năm đạt gần 1,3 tỷ kWh. Với mặt hồ hơn 8.000 ha, gần với hồ Ba Bể (Bắc Kạn) và Thác Đổ (Hà Giang), như vậy tạo ra cho Na Hang một nguồn lợi lớn để phát triển kinh tế du lịch.
Trong tuần du lịch văn hoá Tuyên Quang vừa qua, chúng tôi có chuyến đi tới vùng lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang. Tuy mực nước dâng mới chỉ ở cốt trên 70m, nhưng đã có cả một vùng hồ nước mênh mông từ chân núi Pác Tạ đến tận khu vực xã Thúy Loa (xã cuối cùng của khu B, khi tổ máy số 3 chính thức hoạt động, mực nước dâng bình thường sẽ là 120m, mặt hồ sẽ còn rộng hơn nhiều). Như vậy, lòng hồ đã có các ốc đảo lớn, nhỏ: đảo núi đất, núi đá... Qua chân núi Pác Tạ sừng sững, rồi vách đá dựng đứng với những bí ẩn và sự tích hoa Phặc Phiền, dãy Đán Đeng (đá đỏ) cao ngất. Tại vùng Xuân Tiến, Xuân Tân mặt hồ như rộng ra, sóng nước dập dìu có những đảo đá, đảo đất. Theo con sông Gâm, sông Năng, du khách sẽ được huớng dẫn viên du lịch người dân tộc Tày giới thiệu về những sự tích núi Pác Tạ, sự tích loài hoa Phặc Phiền, sự tích Ngàm Đăng Vài, sự tích 99 ngọn núi Thượng Lâm... và cách chân núi Pác Tạ hơn 1 km là khu vực thác Đéng quyến rũ du khách bởi cảnh sắc hai bên bờ sông có dãy núi dựng đứng, cao vút, dưới chân núi là những hang động với những nhũ đá hình thú kỳ ảo... Tuyến du lịch này mai sau sẽ được nối với hồ Ba Bể (Bắc Kạn), qua thác Đầu Đẳng (đoạn sông mà đồng bào vùng Đà Vị thường gọi là sông Ngang).
Đồng chí Hứa Kiến Thiết, Bí thư Huyện ủy cho biết: tất cả kế hoạch để phát triển du lịch lòng hồ Na Hang đều mới mẻ, vì thế trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đã xác định: cơ cấu phát triển kinh tế của huyện giai đoạn từ 2005 đến 2010 là nông, lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ và công nghiệp. Huyện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển thương mại, du lịch trên địa bàn huyện... Cho đến khi công trình thuỷ điện Tuyên Quang chính thức đóng cống, tích nước thì du lịch sinh thái hồ thuỷ điện Tuyên Quang đặt ra cho Huyện uỷ Na Hang phải bàn thảo và phải có giải pháp triển khai tích cực. Từ khi đóng cống đập công trình thủy điện đến nay đã có trên 60 thuyền gắn máy của tư nhân hoạt động để chuyên chở khách du lịch và vận tải hành khách tuyến đường vào khu C, khu B. Nếu trước đây đi ô tô vào xã Đà Vị, Yên Hoa thì phải mất từ 40.000 đến 50.000 đồng và phải mất từ 3 đến 4 giờ đồng hồ thì nay đi đường thuỷ bằng thuyền gắn máy thì người dân chỉ mất hơn 1 giờ, giá cước từ 20.000 đến 25.000 đồng/ người/ lượt. Để đảm bảo an toàn cho hành khách, huyện đã chỉ đạo lực luợng công an và cách ngành chức năng tăng cuờng công tác quản lý, mở lớp đào tạo, hướng dẫn lái thuyền, thực hiện nghiêm ngặt việc cấp phép hành nghề vận tải thuyền và các thuyền chở khách phải có phao cứu sinh.
Khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch sinh thái lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang là hướng đi đúng của huyện Na Hang nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung. Tuy nhiên để sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện này thì còn nhiều việc của huyện phải làm; trước mắt, huyện phải khẩn trương hoàn tất quy hoạch chi tiết phát triển du lịch trong 5 năm tới và những năm tiếp theo; khảo sát, thăm dò kỹ càng các hướng, tuyến lòng hồ, sông để cắm phao tiêu, nhằm hướng dẫn an toàn cho các thuyền du lịch hoạt động. Huyện tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý các tổ chức, cá nhân đầu tư để phát triển du lịch đúng hướng đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, hướng dẫn viên du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số trong vùng phục vụ du khách tìm hiểu, thưởng thức văn hoá, nghệ thuật truyền thống đặc sắc của các dân tộc tại huyện này.
Thành Trung