Đi tìm cá sấu Xiêm

Đối với nhiều người Phú Yên, chuyện có cá sấu ở sông Hinh là một thông tin... không có gì mới mẻ! Từ lâu, vùng đất này vốn nổi tiếng với "cọp núi Lá, cá sông Hinh", trong đó có cả... cá sấu mà người ta đã truyền tụng không ít câu chuyện xung quanh nó. Thế nhưng ít ai biết rằng lưu vực sông Ba (đoạn phụ lưu sông Hinh) là một trong số ít các khu vực được các nhà khoa học và các tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới khoanh vùng đặc biệt khi nghiên cứu về cá sấu Xiêm. Song đó chỉ là sự khoanh vùng trong các tài liệu nghiên cứu, bởi từ năm 1992 báo cáo của Tổ chức Động vật hoang dã thế giới (IFF) khẳng định cá sấu Xiêm đã bị tuyệt chủng!

* Mar Bezuijen - nhà sinh vật học thuộc Hiệp hội Bảo tồn đời sống hoang dã (WCS):

"Việc phát hiện một nhóm cá sấu Xiêm có thể sinh sản được mang một ý nghĩa quốc tế quan trọng trong việc bảo tồn loài cá sấu này, đặc biệt là khi chưa có bất cứ một địa điểm nào khác xác định có nhóm cá sấu trong độ sinh sản. Những biện pháp cấp bách và kinh phí sẽ rất cần để bảo về và nhân giống loài cá sấu Xiêm trong tương lai".

Mãi gần đây, thông tin về sự tồn tại của cá sấu nước ngọt tại hồ thủy điện Sông Hinh mà người dân địa phương loan truyền đã "đến tai" Viện Sinh học nhiệt đới (ITB, thuộc Viện Khoa học - công nghệ Việt Nam). Ngay lập tức, ITB đã đưa Phú Yên vào danh sách trong chương trình nghiên cứu bảo tồn tính đa dạng sinh học của các loài và các hệ sinh thái quốc gia; đồng thời "cấp báo" ngay cho IFF để tham gia đợt khảo sát.
 
Đi tìm dấu vết
 
Tháng 6-2005 vừa qua, một đoàn cán bộ, chuyên gia bảy người của ITB và Sở Tài nguyên - môi trường Phú Yên đã tiến hành đợt khảo sát tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Hinh, lưu vực sông Hinh và sông Ba. Đặc biệt, trong đoàn có Boyd Simpson - người Australia, một chuyên gia chuyên nghiên cứu về cá sấu của IFF.
 
Suốt hơn 10 ngày đêm, Boyd Simpson và một số chuyên gia của ITB luôn quanh quẩn ở khu vực vốn là một cái đầm thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai. Nhiều đêm liền Boyd Simpson đã ra bờ sông, bờ hồ áp tai nghe từng tiếng động, dõi mắt quan sát từng động thái của cảnh vật xung quanh. Có lúc Boyd Simpson ngồi hàng giờ săm soi những dấu vết lạ trên mặt đất. Thông tin kể lại từ những người dân địa phương về sự tồn tại của cá sấu ở vùng này càng khiến Boyd Simpson và các chuyên gia thêm háo hức. Nhiều người kể rằng họ đã từng nhìn thấy cá sấu xuất hiện, thậm chí một số người đã từng đuổi bắt. Thế rồi sự háo hức và công sức của các chuyên gia được đền đáp một cách đầy bất ngờ: họ đã phát hiện hai cá thể cá sấu trên dưới 100 kg qua dấu chân, vảy... tại bầu Hà Lầm thuộc xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh. Boyd Simpson và các chuyên gia ITB vui sướng đến tột độ. Chưa hết, người dân địa phương còn khẳng định rằng không phải hai mà có đến năm con cá sấu đang tồn tại ở khu vực này!
 
Bảo tồn cấp bách
 
* Một chương trình nghiên cứu về cá sấu cũng đang được Hiệp hội Bảo tồn đời sống hoang dã (Wildlife Conservation Society - WCS) và chương trình đa dạng sinh học đầm lầy Mekong (Mekong Wetlands Biodiversity Programme - MWBP) triển khai trên toàn Đông Dương, trong đó nghiên cứu về cá sấu Xiêm là một trong bốn loại trọng điểm của chương trình. Mới đây tại Lào, các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện bảy cá sấu Xiêm con tại một khu đầm lầy nhỏ thuộc tỉnh Savannakhet. Một quỹ tài chính mới được dành chủ yếu cho việc phát triển chương trình bảo tồn quốc gia về cá sấu, trong đó có việc tiến hành nhân giống loài cá sấu này.

Các cuộc điều tra hiện cũng đã bắt đầu tại Việt Nam và Campuchia, như một phần bảo tồn các loài động vật quý hiếm dành cho tiểu vùng sông Mekong.
 
Phú Yên là khu vực thứ hai ở Đông-Nam Á (sau tỉnh Savannakhet, Lào) phát hiện còn tồn tại loài cá sấu này. Hiệp hội Bảo tồn đời sống hoang dã (WCS) đánh giá đây là một sự kiện khoa học lớn, có ý nghĩa quốc tế quan trọng trong việc bảo tồn một loài cá sấu tưởng như đã tuyệt chủng. Hiện ITB và IFF đã có kế hoạch tiếp tục khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu về trạng thái sống sót, số lượng cá thể, các hoạt động sinh thái học của loài cá quý hiếm này. Theo kế hoạch, từ đây đến đầu năm 2006 IFF sẽ xây dựng một dự án bảo tồn cá sấu Xiêm tại sông Hinh.
 
Tuy nhiên khi trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thừng - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Phú Yên - tỏ ra rất lo lắng trước sự an toàn của các cá thể cá sấu tại sông Hinh. "Lo ngại lớn nhất của IFF hiện nay là cộng đồng dân cư tại đây chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ các loài động vật hoang dã" - ông Thừng nói.
 
Ngoài ra, nạn đánh bắt bằng các phương tiện có tính hủy diệt như xung điện đang là mối đe dọa trực tiếp đến môi trường và các cá thể cá sấu còn tồn tại. Hơn nữa, một số buôn làng lại đang ở gần khu vực được cho là có cá sấu. Chỉ có điều thuận lợi nhất để bảo tồn cá sấu tại đây chính là lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ sẽ bao phủ qua khu vực này, giúp mở rộng vùng sinh tồn của chúng.
 
Theo ông Thừng, khả năng IFF triển khai dự án bảo tồn cá sấu Xiêm tại sông Hinh là rất cao bởi đây là một thông tin rất hấp dẫn với các tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới. "Hầu hết các dự án bảo tồn thiên nhiên đều cần nhiều thời gian để thực hiện. Do đó, việc bảo vệ các cá thể cá sấu Xiêm tại sông Hinh từ đây đến khi triển khai dự án là cả một vấn đề khó khăn. Mong muốn lớn nhất của các cơ quan chức năng là người dân cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ tài nguyên quý giá này" - ông Thừng nói. Ông Thừng phân tích nếu dự án trên được triển khai, cộng đồng dân cư xung quanh là những người được hưởng lợi đầu tiên với các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời kích thích phát triển du lịch ở khu vực này.
 
* Cá sấu Xiêm (có tên khoa học là Crocodylus slamensis) là một trong những giống bị đe dọa nhất trong bộ cá sấu. Tổ chức Bảo tồn thế giới IUCN đã xếp loài cá sấu này vào hàng nguy cơ tuyệt chủng.

Cá sấu Xiêm ở Việt Nam dài trung bình 2,20 - 2,28m (trên thế giới, cá sấu Xiêm lớn nhất đạt tới 4m). Cá sấu Xiêm chủ yếu ăn cá, cua và những thú nhỏ như chuột. Chúng đẻ trứng mỗi năm một lần vào đầu mùa mưa với số lượng 15-26 trứng, có khi tới 40 trứng. 75-85 ngày sau trứng nở. Cá sấu Xiêm mới đẻ dài khoảng 200 - 300mm.

Ở Việt Nam, cá sấu Xiêm đã từng sống ở Kontum (sông Sa Thầy), Phú Yên (sông Ba), Đác Lắc (sông Ea Súp, sông Krông Ana, hồ Lắc, hồ Krông Pắc thượng), Nam Bộ (sông Cửu Long). Tuy nhiên, từ năm 1987 loài vật này hầu như không còn thấy trong tự nhiên ở Đông-Nam Á.
 
BáoTuổi trẻ
Đọc thêm:

 

Các tin khác cùng chuyên mục
Lịch câu Tráp Chủ nhật, 21/1/2007 - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:21:07 CH
Xơi tái chồng y như bọ ngựa - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:20:27 CH
Con cá và cái cần câu - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:19:12 CH
Săn cá san hô: Sinh nghề tử nghiệp! - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:18:41 CH
Loài cá cổ hung dữ hơn cả cá mập - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:17:42 CH
Kinh nghiệm phòng chống virus (phần 2) - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:16:41 CH
Kinh nghiệm phòng chống virus - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:16:01 CH
Vài thủ thuật hay với Registry - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:14:53 CH
Những thủ thuật bảo vệ bạn khi truy nhập Internet - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:14:10 CH
Thủ thuật cứu các file dữ liệu đã bị xóa - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 3:13:32 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.