Ngắt những ngọn rau khoai lang ấy về, rửa sạch, chờ nồi nước sôi thả vào vừa lúc chín tới gắp ra đĩa. Bữa cơm, có đĩa rau lang luộc chấm với nước mắm cáy pha một chút tỏi, chút ớt tươi thì thật không gì thú vị bằng. Và nói chả ngoa, rằng chỉ cần ăn cái món ấy một lần thôi cũng đủ để nhớ suốt đời cái hương vị đồng quê dân dã, tinh nguyên.
Nước mắm cáy, cái thứ mắm nửa như xanh, nửa như nâu nâu mầu đất đồng chiêm trũng được làm từ chính những con cáy, một loài giáp xác. Cáy thuộc họ cua. Loài cáy sống chủ yếu ở vùng duyên hải. Chúng có thân hình rất nhỏ, mầu nâu. Người ta bắt cáy bằng hai cách. Một là dùng những chiếc thuổng sắt nhỏ tẹo teo, sắc lẻm đào hang bắt. Hai, dùng mồi câu. Mồi câu cáy thường là giống sâu khoai môn. Với những chiếc cần câu dài chừng 2 - 3m, người câu đứng trên bờ thả mồi trước cửa hang nhứ nhứ.
Cáy sau khi đã được làm sạch, để một lúc cho ráo nước thì tới công đoạn bóc hết phần yếm. Và bóc lớp trứng ở những con cáy cái. Trứng cáy đem chưng với hành khô và mỡ lợn hay dầu thực vật ăn vừa thơm, vừa béo lại rất bổ.
Sau khi lột yếm, bóc trứng, người ta bỏ cáy vào cối đá giã cho thật nhuyễn rồi trộn muối, bóp kỹ trước khi cho vào lọ sành hay chum vại ủ kín. Lọ mắm cáy mới giã đem để chỗ kín nhưng phải là nơi khô ráo, thoáng mát. Cỡ độ mươi ngày sau, gặp lúc trời nắng, đem lọ mắm cáy ra sân phơi. Ban ngày phơi nắng, đêm đến phơi sương. Lọ mắm phơi chừng một tuần. Khi ngấu, người ta trộn thính gạo và một ít men rượu thật ngon. Men rượu có tác dụng khử cho bằng hết mùi hôi của cáy và tạo mùi thơm quyến rũ cho thứ nước mắm cáy sau này.
Mắm cáy chỉ thật ngon khi ăn với ngọn rau lang luộc. Đó là món quà trời đất tặng cho con người vào mỗi dịp tháng ba.
Nguồn:http://www.hanam.gov.vn