Cá biết... câu cá
Cá vây chân sống trong môi trường hoàn toàn không có ngày, đêm gì cả. Lúc nào xung quanh chúng cũng chỉ là một màu tối đen như mực.
So với thân hình của mình, cá cái có miệng to đến dễ sợ, chỉ cần mở rộng ra là có thể nuốt chửng cả một con cá to gần bằng kích thước của chính nó. Và vì vậy khi tiếp nhận mồi "cỡ bự" cái bao tử sẽ phải phình to lên.
Vì ở đáy biển sâu mồi ăn rất khan hiếm, nên để tăng cơ hội tóm được nhiều mồi, con cái được "trời phú" cho một cơ quan phát sáng. "Cá phát sáng" cứ việc vẩy vẩy "cần câu đóm sáng" ngay trước miệng của nó để dụ dỗ những con mồi ngây thơ. Khi thời cơ "chín muồi" nó chỉ việc há rộng mồm, nuốt lấy toàn bộ con mồi.
Miệng và răng cá cái trông rất sợ: Răng bén sắc, hàm răng trên chìa ra ngoài ngay cả khi miệng ngậm. Đôi khi mắt luôn đăm đăm nhìn về phía trước. Cơ thể cá cái tròn tròn, trông rất kì cục. "Cần câu đóm sáng" chỉ hoạt động trong môi trường tối đen.
Giữa cảnh tối tăm dưới đáy biển sâu, con đực (nhỏ tí xíu, có cơ quan cảm giác trên đầu) bơi đi tìm con cái. Hàm miệng cá đực không có răng nhưng có các phần chìa ra ngoài, dùng để... bám vào con cái. Khi tiếp xúc đối tượng, con đực tìm cách hợp nhất mô với mạch máu của con cái, sống nhờ vào chất dinh dưỡng mà cơ thể con cái cung cấp. Và từ đó trở đi, con đực sống bám vào con cái cho đến tận ngày... "răng long đầu bạc". Đúng là một kiểu chung thủy... kí sinh!
Trứng được đẻ vào trong nước, hình thành một khối đặc sệt như thạch đông và được thụ tinh bởi con đực "ăn bám". Cả khổi đặc sệt đó nổi lên mặt biển, sống như phiêu sinh vật một thời gian trước khi... vĩnh biệt mặt trời, về lại với đáy biển tối tăm.
Chiều dài có thể con đực con khoảng 2cm, chiều dài cơ thể con cái con khoảng 1 dm
Sưu tầm