Mùa tát cá

Đi đánh, bắt tôm, cá vừa là kiếm thêm thức ăn cho gia đình, vừa là niềm vui đến đam mê của bọn trẻ con chúng tôi. Từ tháng sáu đến tháng tám, vào cữ trời mưa to, có nhiều loài cá di chuyển theo mùa nước đầy, chúng tôi đi đánh cá bằng “lờ”. Có thể đặt “lờ” ở đường nước ven bờ suốt cả ngày đêm; nhiều tối chúng tôi mải mê thức trắng, chọn lúc đêm khuya thanh vắng, kiên nhẫn thi gan với loại cá khôn ngoan, biết cảnh giác khi phát hiện ra bóng người để câu được một con cá chuối tổ; cuối mùa xuân, giữa mùa thu, chúng tôi đi câu cá chuối ruộng; đến tháng tám, tháng chín lại vào mùa câu cá rô; và sau vụ gặt lúa chiêm là đến mùa tát cá. Thường thì gặt hái xong, chủ nhà cắt rạ rồi mới cho mọi người tát cá. Vì thế khi ruộng chỉ còn trơ gốc rạ, lúc bấy giờ ruộng là ruộng chung, ai cũng được quyền tự do đánh, bắt. Tôi rất mê mùa tát cá này.

Những hôm trên cánh đồng nào đó có đám tát cá là y như rằng ngoài đồng đông vui như có hội, mà đông nhất là bọn trẻ con chúng tôi. Chúng tôi: Những thằng con trai thì giỏ thắt ngang hông, tay cầm cái nơm nhỏ, thằng nào cũng mặc quần áo rách, có thằng chỉ “đánh” mỗi cái quần cộc; những đứa con gái thì tay xách giỏ, tay cầm rổ (hay dành, sàng, rá), đầu đội nón mê... Tất cả đều ở tư thế “a-lô-xô” xuống ruộng!

Người tát cá mò trước, kẻ đi hôi mò sau. Nguyên tắc chung là vậy nhưng nhìn thấy những con cá đang giãy, đang rạch ngay trước mặt mình, trong tầm tay úp nơm của mình, không kìm giữ được lòng ham muốn đánh bắt... Thế là trong đám chúng tôi có đứa nào đó nhào lên. Đương nhiên là đứa ấy liền bị người ta quát, người ta ném bùn vào người, thậm chí còn bị đánh, bị nhụt xuống ruộng. Mỗi lần có “cảm tử quân” như thế, chúng tôi được dịp xông vào bắt tranh, bắt cướp với người tát cá. Thôi thì mặc kệ người ta quát lác, người ta chửi tục, người ta ném bùn như mưa vào mặt... Chúng tôi liều mạng lăn xả vào mà hôi. Kết thúc cuộc hôi, đứa nào đứa ấy đều lấm như trâu đằm. Có thằng chỉ hở hai con mắt và hàm răng trắng nhởn. Dẫu thế cũng chả hề gì. Chúng tôi chỉ cần vẫy vùng, kỳ cọ một lúc trên thửa ruộng đầy nước là lại sạch sẽ ngay.

Tôi biết tát cá là nhờ có thằng Tục. Tục là em con ông cậu tôi, lại sinh sau tôi đến nửa năm nhưng cái gì nó cũng khôn, cũng biết hơn tôi một cái đầu. Với việc đánh bắt tôm, cá, từ lâu rồi Tục đã được coi là có tài như con “dái cá”. Trước hôm nhập “hội” tát cá, Tục “lên lớp” cho tôi mấy bài nhập môn về cách đắp bờ và đóng sòng tát nước. Tục bảo, đi tát cá, công việc khó khăn nhất là đắp bờ. Bởi vì khi tát rất hay bị vỡ bờ, tát càng gần cạn bờ càng dễ vỡ. Cho nên khi đắp không được bốc bùn non gần bờ làm bờ mất chân mà phải lấy bùn xa chỗ đắp vài ba mét. Phải dùng hai bàn tay của mình làm mai, làm xẻng, làm thuổng đào xắn thật sâu để lấy lớp bùn già đắp lên làm bờ thì bờ mới chắc; đóng gàu sòng lúc tát đỡ tốn sức, múc được nhiều nước nhưng nhớ là không nên vục gầu quá mạnh. Vục mạnh sẽ làm nước nổi sóng táp vào bờ khiến bờ yếu dần rồi vỡ. Mà vỡ bờ thì mất công toi.

Thú thật, tôi không để ý lắm đến những việc thằng Tục nhắc nhở, dặn dò. Đơn giản là tôi nghĩ, những việc nhỏ ấy chúng nó làm được thì tôi cũng sẽ làm được. Điều mà tôi háo hức chờ đợi là được bố mẹ cho theo chúng nó đi tát cá. Cái cảm giác sắp trở thành người lớn, không còn là đứa trẻ đi hôi nữa đã kích thích tôi hăng hái lên, mạnh bạo lên. Không những thế còn thấy thích thú và hào hứng với công việc mình sắp được làm.

Chập tối, theo lời hẹn nhau từ ban chiều, ăn cơm xong, chúng tôi đứa vài củ khoai, thằng vài củ sắn... đem đến tập trung tại nhà thằng Tục. Sau đấy bảo nhau vác sòng, vác chảng, ôm rạ, ôm rơm lục tục kéo nhau ra đồng. Việc đầu tiên, chúng tôi đựng một túp lều, lấy rạ làm mái, lấy rơm làm ổ, đoạn chui vào đó nằm thử. Đêm tháng mười, ngoài đồng đầy sương mù, trời rất lạnh nhưng nếu như được nằm trong túp lều ấy sẽ không biết rét mướt là gì. Vậy mà chúng tôi chưa thể nằm. Thằng Tục bảo, phải đi đắp bờ đã.

Dầm mình dưới nước buốt đến thấu xương, chúng tôi mải miết lấy bùn đắp bờ. Chúng tôi đắp chia ra từng ô hay từng khoảnh là tuỳ ruộng rộng hay hẹp. Trong khi đắp bao giờ chúng tôi cũng để lại một khoảng dài chừng một con sào. Đây là cái “cửa” để cá đi ăn đêm ngửi thấy mùi cám rang thơm thơm do chúng tôi rắc mà rủ rê nhau kéo đến nhiều hơn. Nửa đêm về sáng, khi chúng chuẩn bị rút xuống đồng sâu thì đã bị chúng tôi đắp nốt bờ chịt lại. Cái mẹo này là do thằng Tục nghĩ ra. Tuy phải mất hai lần lên xuống vì việc đắp bờ nhưng làm thế sẽ được nhiều cá hơn là cái chắc.

Bờ đắp cơ bản xong, chúng tôi lên bờ vừa đốt lửa sưởi, vừa nướng sắn, nướng khoai. Thức đêm vốn hay thấy đói; thế là chúng tôi ăn sống, ăn sít, cốt nhét cho đầy cái dạ dày, rồi chui vào lều. Trước khi “đánh” một giấc như chết, chúng tôi ôm nhau tán bậy, tán bạ trăm thứ chuyện trên trời, dưới biển. Lúc này thỏa sức cười, nói thả “phanh” mà không bị ai dầy la, quát mắng như ở nhà.

Làm một giấc ngon lành đến khoảng hai, ba giờ sáng, thằng Tục gọi chúng tôi dậy. Không thằng nào phải bảo thằng nào, chúng tôi vừa rét run lập cập, vừa lội xuống ruộng đắp nốt khoảng bờ còn lại.

Bờ đắp xong, chúng tôi đóng sòng và bắt đầu tát. Chúng tôi vục, đổ nước rất đều tay, thành thử tiếng nước đổ vào đêm nghe nhịp nhàng, đều đặn, triền miên tưởng như không bao giờ dứt. Đến khi chúng tôi ngừng tát thì trời đã mờ mờ sáng. Ngoảnh đầu nhìn lại thấy ruộng phía sau lưng đã cạn gần hết nước. Gần nơi đóng sòng, theo dòng nước, cá đang dồn về chỗ trũng. Ôi, những con cá chuối, cá rô, cá diếc, cá trê... chúng cuống quýt quẫy, rạch khiến người đi tát quên hết cả mệt nhọc. Chúng tôi hò nhau tiếp tục vục thêm một thôi nữa. “Phải tát cạn hết nước rồi bắt cá luôn một thể”. Thằng Tục nhắc chúng tôi như thế.

Những tưởng mình tát suốt đêm, để không phải va chạm với người đi hôi, để rảnh tay bắt cá trước khi trời sáng hẳn... Nào ngờ, ruộng vừa cạn đã thấy vô số trẻ con đứng xúm đông, xúm đỏ ở trên bờ. Chắc chắn chúng nó cũng sẽ sẵn sàng “a-la-xô” xuống ruộng bắt tranh, bắt cướp với người đi tát như bọn tôi hai, ba năm về trước? Biết vậy mà đâu có cấm được. Phải chăng đi hôi là một niềm vui đồng lần của những đứa trẻ ở nhà quê?

Bắt cá xong, chúng tôi đổ dồn tất cả vào một chỗ, rồi mới chia phần. Phần của đứa nào cũng có cá to, cá nhỏ, cũng có tôm, có tép. Thằng Tục được coi như là hội trưởng “hội” tát cá của chúng tôi, nó thường đứng ra chia phần nhưng lần nào nó cũng nhận phần sau cùng.

Vác gàu sòng và xách phần cá của mình về đến sân là tôi quẳng luôn ra đấy, mặc mẹ tôi muốn làm thế nào thì làm; còn tôi rửa ráy qua loa đoạn lên giường, cuốn chăn làm một giấc ngủ bù cho đến trưa.

Trưa, mẹ lay gọi mãi tôi mới chịu dậy ăn cơm. Bữa cơm sau buổi tôi đi tát cá về, hôm nào nhà tôi cũng ăn toàn món cá: Cá chuối luộc, cá diếc nướng, cá trê nấu canh với quả dọc... và, trên cái dây phơi ngoài sân, mẹ tôi treo những dần, những sang, những nia, những mẹt đã được rải đầy những cá, những tép, những tôm. Cơm nước xong, khỏe khoắn trở lại, lúc bấy giờ tôi mới chợt nhận ra là người tôi còn vương đầy mùi bùn với mùi cá tép. Đấy là mùi của mùa tát cá mà đến bây giờ nhớ lại tôi vẫn thấy nó tanh tanh - Một mùi tanh không phải tuổi thơ ai cũng có.

Xuân Mai - www.baophutho.org.vn

Các tin khác cùng chuyên mục
Cá ngát nấu chua lá me - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:52:06 CH
Tát đìa - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:51:23 CH
Câu rắn mối - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:50:18 CH
Cá xứ Quảng - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:48:03 CH
Cá mè hồ Sông Mực - Nguồn thủy sản có giá trị - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:47:13 CH
Hồ -Hùng thương binh -Cổ nhuế - Từ liêm-HN - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:44:50 CH
Hồ Phương - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:44:06 CH
Quan hệ cận huyết có lợi cho cá - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:43:06 CH
Chồng thử vợ - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 6:42:25 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.