Tát ao-hôi cá

Nông thôn, hễ bước sang đầu tháng Chạp âm lịch là nhà nhà, người người đã rục rịch bàn về chuyện tết nhất. Dường như người lớn ai cũng thấy vừa vui, vừa lo đan xen lẫn lộn. Các bà, các mẹ thì xem lại đậu đỗ, đem những thúng thóc ra phơi lại để chuẩn bị xay giã... Các cụ, các ông thì bàn nhau ăn đụng thịt lợn, “đăng ký” với nhau mượn nồi luộc bánh... Ngoài hai mươi trở ra đến giáp tết người ta lo dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, quét tước vườn ngõ. Trong sự nhộn nhịp những ngày giáp Tết, phải kể đến cảnh tát ao làng của người lớn và cảnh hôi cá của bọn trẻ chúng tôi.

Chỉ nghe phong thanh nhà nào tát ao, nhất là tát ao làng là bọn trẻ chúng tôi đã mong ngóng chờ đợi để được xem, để hôi cá. Không gì sung sướng và háo hức được xem tát ao làng. Ao làng sâu, rộng chừng năm, sáu sào ruộng và mỗi năm chỉ tát cạn bắt cá một lần vào dịp gần Tết, nên cá, tôm, cua, lươn, chạch... rất nhiều, vì vậy nó là “mục tiêu” của bọn trẻ con chúng tôi. Bốn, năm cái gầu giai, gầu sòng thi nhau tát hai, ba ngày, nước mới cạn. Người lớn có mặt ở ao lúc nào thì bọn trẻ có mặt lúc đó, ngồi trên bờ chầu chực. Chỉ sợ người ta bắt cá từ đời nảo đời nào thì đi tong, cho nên cứ phải “túc trực”. Cái ao nước lớn là vậy, nay chỉ còn là vũng nước nhỏ với cá, tôm đặc ngầu, quậy nhảy lao xao, chúng tôi nhấp nhổm chỉ đợi người lớn bắt xong là ào xuống hôi. Nhiều đứa cũng không đủ kiên nhẫn, tay chân ngứa ngáy không cần phải đợi bắt xong, người lớn vừa mới bắt ở vòng ngoài là bọn tôi đứa cái rá, cái rổ, đứa cái giỏ lội dò theo sau. Thôi thì thờm bờm, mai cấn, tôm cua, niềng niễng... bọn người hôi đều chịu khó nhặt nhạnh. Thỉnh thoảng có đứa ma ranh, mắt đảo như bi, thừa dịp người lớn sơ ý là lấy tay quơ vội lấy chú cá ở vòng trong, thế là bị “ăn bùn” ném, “ăn” chửi om xòm, cả bọn nhốn nháo chạy dạt ra. Nhiều khi “đứng tim” khi chạm tay phải con cá to ở sâu trong bùn, chỉ lo tuột mất, sung sướng mà không dám kêu sợ những đứa khác lao đến hôi mất. Đến khi cầm chặt nó trong tay mới dám reo lên và đút vội vào giỏ.

Người lớn bắt cá xong, ra lệnh tháo khoán, thì cái ao lúc này đã trở thành một vũng bùn đen đặc nhão ra như cháo vì bao bàn tay sục sạo tìm kiếm. Đứa nào đứa ấy mình mẩy lấm nhem bùn đất, rét thâm môi, hàm răng va vào nhau cầm cập. Cả bọn đem cá ra chỗ nước to rửa qua loa chân tay và súc sạch giỏ cá của mình. Đứa được nhiều thì hể hả, vui mừng. Đứa được ít thì vẻ mặt ỉu xìu buồn bã...

Cho đến nay, đã bao lần Tết đến xuân về, chúng tôi đã khôn lớn trưởng thành, lên bà, lên ông cả rồi, mà chúng tôi vẫn không sao quên được mùi tanh nồng của bùn, của cá và những ngày giáp Tết xem tát ao, chờ hôi cá.

Ngọc Minh-www.vae.org.vn

Các tin khác cùng chuyên mục
Cá sấu xuất hiện tại hồ Núi Le - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 10:01:33 CH
Đầu năm nói chuyện - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 10:00:42 CH
Hòn Tranh và hòn Trứng - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:55:37 CH
Anh là con cá thứ tám - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:54:36 CH
Mắm rươi - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:53:49 CH
Rươi - đặc sản của vùng đất Việt - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:53:06 CH
Tại sao cá sấu nuốt đá vào bụng? - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:52:05 CH
Khẽ thôi - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:51:08 CH
Bộ trưởng Đỗ Trung Tá là tay câu cự phách - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:50:18 CH
Vật nhau với cá mập - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:49:49 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.