Quán Lê Khương khá giản dị, nhưng lôi cuốn bằng một không khí rất ư nghệ sĩ. |
Trên tầm chất lượng vàng
Ai đã từng ăn bún chả cá Quy Nhơn chính tông sẽ không thể nào quên được hương vị mặn mà và ngọt ngào của miếng chả, miếng bún, cả từng sợi rau ăn kèm. Thế nhưng để tìm ăn một tô bún chính tông là bún chả cá Quy Nhơn cũng là cả một vấn đề trên đất Sài Gòn….
Bún chả cá Quy Nhơn ở TP.HCM có chất lượng cao không kém gì so với chính gốc, nhiều người sành chuyện ẩm thực đã nói như vậy. Nếu muốn được ăn ngon trong không gian lịch sự thì quán Bún Chả cá Lệ - Quy Nhơn (155 Sư Vạn Hạnh ,F13. Q10) là một địa chỉ nên chọn. Quán này tập trung khá nhiều khách là người Bình Định thành đạt. Một tô bún to, với thật nhiều chả và chất lượng phục vụ ân cần với giá 11.000đ và rất phải chăng. Nhiều khách ăn còn nói rằng "muốn ăn chả cá Quy Nhơn chính tông thì chọn ở đây là hợp lý nhất".
Nếu bạn muốn ăn một tô bún chả cá Quy Nhơn với giá bình dân và mềm hơn thì có hẳn cả một đọan phố bún cho bạn chọn lựa. Đó là đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh , từ số 02 đến 09 những quán bún chả cá Quy Nhơn nối san sát nhau, giá chỉ dao động từ 5.000đ đến 7.000đ. Nhưng chính thực là bún chả cá Quy Nhơn thì ở đâu cũng vậy, đều ngon như nhau, chỉ khác nhau ở sự sang mà thâu! - Một người bạn quê ở Quy Nhơn của tôi nói như vậy.
Theo lời giới thiệu của anh chúng tôi dong xe thẳng tiến đến đường Sư Vạn Hạnh - nơi có khá nhiều quán bán bún chả cá Quy Nhơn với giá rẻ, chất lượng "vàng". Dựng xe trước quán Lê Khương (443, đường Sư Vạn Hạnh nối dài, F15, Q.10), bước vào quán, khó khăn lắm chúng tôi mới tìm ra được một bàn trống.
|
Nếu muốn được ăn ngon trong không gian lịch sự thì quán Bún Chả cá Lệ - Quy Nhơn (155 Sư Vạn Hạnh ,F13. Q10) là một địa chỉ nên chọn.
|
Chao ôi, quán đông nghẹt khách. Cô chủ quán tươi cười chào khách và và quảng cáo bằng giọng xứ "nẫu" đặc sệt: "tám ngàn một tô, ăn dzô bổ phẻ". Quán khá giản dị, nhưng lôi cuốn bằng một không khí rất ư nghệ sĩ. Tuy quán đông khách nhưng không ồn ào. Mỗi người bước vào quán chắc không chỉ để thưởng thức món ăn mà còn có dịp thưởng thức những câu thơ của Hàn Mặc Tử ghi trên các tấm gỗ mộc ở trên tường và các bàn ăn.
Đặc biệt những người phục vụ ở đây đều là người Bình Định và có thể đọc khá nhiều thơ Hàn Mặc Tử khi khách yêu cầu. Mà thôi, thơ Hàn để lúc khác cũng được, giờ hãy xem bún chả cá Quy Nhơn danh trấn giang hồ ẩm thực Sài Thành ra sao...
Danh trấn giang hồ ẩm thực
Tô bún chả cá bưng ra kèm với dĩa rau to với lủ khủ các loại rau. Chỉ riêng dĩa rau thôi cũng có lắm điều để nói. Những người sành ăn mà tôi có cơ hội hỏi dò đều xác nhận rằng - Rau để ăn bún cá Quy Nhơn là... vô địch. Tôi đã từng hồ nghi điều này, nhưng đến hôm nay thì cũng phải gật gù. Không chỉ có chủng loại, đĩa rau có kết cấu và bố cục ẩm thực như một bản tổng phổ màu sắc quyến rũ. Này nhé cũng màu xanh nhưng rau thơm, rau ngò, rau quế loại thì lại xanh ngan ngát, loại thì quyền quyện đến nao lòng. Kế bên dải sắc xanh ấy là màu trắng nõn nà của những cọng giá đậu, là màu tím sậm xen vàng của những sợi chuối chát, là màu xanh ngọc của rau muống chẻ... Chúng hòa vào nhau trong một chỉnh thể hài hòa.
Thường thì các dĩa rau ở các quán bún khác chỉ có giá, rau muống và một ít chuối chát. Nhưng ở đây sự hòa điệu màu sắc của đĩa rau khiến thị giác bị kích thích và nó khuyến cáo vị giác nên tứa nước bọt ra, đồng thời đưa gióng thêm một hồi còi thúc giục - Cầm đũa đi, còn chờ gì nữa...
Chả cá ở đây dày và đều miếng. Khi ăn, có thể cảm nhận vị thơm của cá biển, vị ngọt dịu đến tận đầu lưỡi và miếng chả rất mịn. Sở dĩ có được chuyện này là vì chả cá xịn đã đành nhưng ấy là còn do vị chát của chuối kềm lại một ít. Chả cá không cứng, nhưng cũng không quá mềm đi cạnh những sợi rau muống chẻ, giá đậu vậy là cân bằng. Làm sao có thể tìm được sự tinh tế này ở những quán bún chả cá khác? - Anh bạn Bình Định của tôi từng hãnh diện khoe như thế, và giờ thì tôi tin nói như thế cũng chẳng có gì là quá đáng.
|
Chả cá được chế biến, hấp chín ở Quy Nhơn, đóng gói kỹ lưỡng để sau đó lên xe vào buổi chiều, sáng sớm đã có mặt tại TPHCM để phục vụ các thực khách.
|
Thấy tôi săm soi, một người chạy bàn, bước lại khẳng định, giọng chắc nịch - Chả cá đem trực tiếp từ Bình Định dzô đó chị. Cả bún và tương ớt cũng của Bình Định luôn đó chị Hai. Hàng thiệt, giá đúng... chỉ có ở bún chả cá Quy Nhơn!
Nước bún cũng rất ngọt và thơm. Cô Trang chủ quán cho biết quán đã thành lập được tám năm, lúc nào cũng đông khách, mở cửa từ 7 giờ sáng đến 12 giờ khuya, mở cửa quán ra là có khách. Cô Trang cũng cho biết thêm, khách hàng không chỉ là người Bình Định mà còn có người xứ khác. Sở dĩ có nhiều thơ Hàn như thế trên tường là do nhiều thực khách yêu Quy Nhơn bắt đầu từ tình yêu thơ Hàn Mặc Tử, giai thoại về mối tình với Mộng Cầm... Thế nên mới có chuyện quán bún triển làm thơ. Một quán treo thế rồi, các quán khác bắt chước...
Anh Đào Thành Chinh - nhân viên công ty AIA, quê ở Bình Dương là một khách hàng thường xuyên của quán vui vẻ giới thiệu thêm: "Tôi thì tôi thích một tô bún chả cá Quy Nhơn như ở đây hơn là bún bò Huế, ngay cả so với bún cá dầm Nha Trang nó cũng đằm hơn".
Nói thì nói vậy nhưng xét về số lượng thì bún chả cá Quy Nhơn bắt đầu có vẻ lép vế so với hàng dỏm, hàng nhái dù rằng cả quán Lê Khương lẫn tiệm bún chả cá Lệ... đều đã mở nhiều chi nhánh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ai lo cho bún chả cá Quy Nhơn
Bún chả cá Quy Nhơn nay đã có tiếng nên nhiều người chưa biết mặt mũi Quy Nhơn ra răng cũng trương bảng hiệu rất hoành tráng - bún chả cá Quy Nhơn chính hiệu. Thế mới có chuyện khá nhiều người ăn xong rồi chê - Dzầy mà quảng cáo cho cố... Oan cho bún cá Quy Nhơn quá, không phải ai cũng biết tìm đến đúng bổn hiệu chả cá Quy Nhơn giữa đất Sài Gòn bao la này đâu.
Nếu nhìn số lượng bảng hiệu thì bún chả cá Quy Nhơn phát triển rất hùng mạnh ở Thanh Đa. Và cũng chính tại đây, nhiều khách hàng kêu như bọng vì bị "chém" đẹp sau khi ăn những tô "bún chả cá Quy Nhơn" nhái.
Không kêu làm sao được khi một tô bún chả cá có giá 20.000đ nhưng mùi vị vừa na ná giống bún bò Huế, vừa giống bún mọc. Đã thế chả cá lại không ngọt, mịn mà có mùi hôi và nhám. Chỉ riêng mùi vị là đã không thể chấp nhận chứ chưa nói gì đến rau, nước dùng.
|
Bà Lê Thị Lài - chủ tiệm bún chả cá Quy Nhơn nổi tiếng bậc nhất ở TPHCM. |
Không chỉ riêng ở Thanh Đa, những quán bún chả cá mang mác Quy Nhơn ở Kỳ Hòa cũng có những hương vị rất chi là đặc biệt. Nhưng chắc chắn không phải là của bún chả cá Quy Nhơn. Một tô bún chả cá 15.000đ với vài lát chả cá mỏng như giấy. Ăn vào thậm chí không đủ lượng để kiểm chứng mùi vị. Còn phần nước lèo thì ngọt, nhưng là cái ngọt của gia vị chứ không phải là chất ngọt của cá. Hương vị chẳng mặn mà như bún miền Trung mà cứ ngọt ngọt và sệt sệt như đường kiểu miền Nam. Còn sợi bún thì ôi thôi, sợi nào cũng to tày chiếc đũa, dẻo keo chứ không nhỏ và săn như những sợi bún hết sức đặc trưng của Bình Định.
Anh Hoàng Thanh Sơn, tự xem mình là một "nạn nhân" của bún chả cá Bình Định than thở "Lần đó ăn bún chả cá Quy Nhơn ở Thanh Đa, trả 20.000đ cho một tô bún chẳng ra sao, chưa hết về nhà còn đau bụng suốt gần 2 ngày…". Điều đáng lo, là những quán bún chả cá Quy Nhơn nhái như vậy ngày mọc lên một nhiều, và làm ảnh hưởng đến thương hiệu bún chả cá Quy Nhơn trong mắt nhiều người tiêu dùng.
Nhiều người bắt đầu than phiền chuyện không thấy các cơ quan có chức năng ở Bình Định bảo vệ thương hiệu chả cá, bún chả cá Quy Nhơn... Cũng lạ thật đấy. Đến đây thì người viết mới nói nhen- tui là dân Phú Yên mà còn lo cho bún chả cá Quy Nhơn đến thế, sao dân Quy Nhơn - Bình Định không nhúc nhích gì hết là sao? Đến giờ mà chưa đăng ký bản quyền nhãn hiệu tập thể "bún chả cá Quy Nhơn" là sao?
Nguyễn Kim Tuyến-CLB Phóng Viên Trẻ