Tôi là đứa cháu họ hơi xa, không trực hệ với ông, nhưng ông rất “cá nhân” với tôi, vì thứ nhất tôi là thằng ở chợ nhưng còn mê món ăn đồng quê và chưa chê rượu đế; thứ hai vì tôi còn quan tâm và hay ghi chép chuyện xưa của ông. Vậy nên mỗi lần về quê, tôi thường hay thu xếp ngủ nhà ông một đêm. Chuyện xưa của ông thì lúc nào ông cũng muốn kể và trong đám con cháu, chỉ mình tôi là có thể ngồi nghe miên man. Trong mớ chuyện xưa ấy, nhiều nhất vẫn là chuyện cá, đủ loại cá, từ cá sấu cho tới cá lòng tong; ngày xưa nó nhiều như thế nào, bắt nó ra sao, làm món gì, ăn với rau gì thì thành “mồi bén”… Đó là chuyện thật còn chưa xa ở cái xóm Rạch Láng này. Nhưng câu chuyện hào hứng nhất của ông vẫn là chuyện câu cá chẻm (có nơi còn gọi là cá vược – một loài cá có thể lớn đến hai, ba chục ký, thịt rất ngon, thường sống ở vùng nước lợ). Phải nói với nghề câu cá chẻm, ông nổi tiếng là một tay không đối thủ không chỉ trong xóm mà trong cả vùng, người ta gọi chết danh ông là Tư Cá Chẻm, cả con cháu trong họ đến giờ cũng rất ít đứa biết được tên thật của ông. Nhà ông vào hạng trung lưu, đó là do ông biết điều khiển chuyện làm ăn cho con cái thực thi, còn ông quanh năm tứ mùa chỉ “chơi” với cá. Nói chơi là không quá chút nào, vì thực tế nghề nò, đó, lọp, lờ… nhất là danh tiếng câu cá chẻm chỉ đem lại cho ông thú vui chứ không có “ảnh hưởng” mấy tới kinh tế gia đình. Nhưng ông thì đeo đuổi nó đến cả đời. Nói đó là cái nghiệp thì đúng hơn. Niềm đam mê này nó “lụy” vào ông cậu tôi, là ba ông, rồi truyền sang ông như là một thứ nợ đời khó dứt.
Ngày tôi còn nhỏ, trên đoạn sông Giáp Nước gần nhà tôi có tiệm hàng xén của ông Chệt Cao (ông Hoa kiều này cao lêu khêu nên người ta gọi thế). Con sông Giáp Nước nối từ đầm Bà Tường đến Vàm Đình, nếu tính theo đường chim bay chừng sáu cây số, nhưng vốn trời sinh nó chảy uốn lượn ngoằn ngoèo, nên con đường thủy này dài ra gần gấp đôi. Tiệm hàng xén Chệt Cao nằm ngay một vịnh sông hỏm sâu. Cái ông Hoa kiều này nổi tiếng là người hà tiện. Tôi còn nhớ mỗi lần má tôi sai qua tiệm Chệt Cao mua năm cắt tương, bà hay dặn, nói chủ tiệm bỏ thêm cụt đường mía nhỏ vào cho tương nó dịu bớt độ mặn, là y như rằng bao giờ bỏ thêm đường, Chệt Cao cũng múc bớt chút tương trở lại. Thế nhưng với riêng Tư Cá Chẻm thì Chệt Cao lúc nào cũng hào phóng. Là bởi dưới vịnh sông nhà mình, Chệt Cao có chất đống chà dụ cá. Cái vịnh này nằm vào thế rất êm, nên mỗi lần bao lưới giở chà, Chệt Cao bắt được rất nhiều cá. Đời sống sông nước vùng này có một qui ước bất thành văn: khi đoạn sông chảy qua phần đất của ai, thì nó nghiễm nhiên là sở hữu của người ấy, họ có quyền xây đặt các phương tiện để khai thác cá tôm. Nhưng phần mặt nước ấy, những người trong vùng vẫn được tự do câu, lưới. Cái đống chà của Chệt Cao là nơi lý tưởng cho cá chẻm vào trú ở. Thế nhưng cậu Tư tôi vẫn có quyền được câu bên ngoài đống chà ấy. Cho nên, mỗi lần Tư Cá Chẻm dừng xuồng buông câu cạnh đống chà là Chệt Cao mau mắn nấu nước pha trà Kỳ Chưởng (một loại trà hảo hạng) rồi ra bến “mời anh Tư” lên uống trà, ăn thèo lèo (một loại kẹo đậu phộng), hút thuốc Ruby và bày ra bàn cờ tướng. Cậu Tư tôi sau mê cá, kế đó là mê cờ, Chệt Cao biết rõ điều này. Kỳ cho tới khi nào con nước nhửn (nước dừng chảy) cuộc cờ mới tàn. Trong tập tính sống của con cá chẻm, chúng chỉ ăn mồi vào những lúc nước chảy, điều này Chệt Cao cũng biết rõ.
Thấy thế, nhưng nghề câu cá chẻm cũng không ít gian nan. Một lần chập choạng tối, má tôi đi chà lúa ở nhà máy chà ngoài vàm đầm Bà Tường về. Mới đi được đoạn ngắn, bà soi đèn pin thấy chiếc xuồng cậu Tư tôi nằm nghinh ngang giữa sông còn ông thì nằm chèm bẹp đằng trước mũi xuồng. Tóp xuồng máy lại hỏi, mới hay vì hôm đó nhầm con nước ngầm (nước chảy mạnh dưới lòng sông), ông trúng được cả chục connên mê câu xuôi hoài theo nước. Tới chừng nghe đói thì không còn nhất nổi dầm bơi, nên đành thả trôi, định trôi ra tới nhà một người bà con gần mé đầm thì kêu xin cơm nguội. Má tôi phải cột dây dòng kéo xuồng ông về. Thế mà trên đường, hễ máy chạy nhanh là ông la ơi ới, vì sợ đứt dây dèo đám cá câu được. Về đến nhà không kịp chờ nấu cơm, má tôi phải mua bánh in tiệm Chệt Cao cứu đói cho ông.
Ngoài trời nắng đã lên. Đang hào hứng nhắc lại bữa trúng cá kể trên thì nghe tiếng người ngoài cửa: “Chủ nhà đâu, ra coi câu dính được con gì đây?”. Thì ra là anh Hai Mến, một người cháu họ như tôi. Năm nay cũng tròm trèm sáu mươi, vai vế là cháu, nhưng anh Hai Mến nhỏ hơn cậu Tư chỉ chừng mươi tuổi. Trong đám con trai nhà cậu Tư tôi, không đứa nào theo “nghiệp” câu của cha, cả trong dòng họ cũng chỉ có Hai Mến là đệ tử ruột của ông, nên hai ông già này rất tương đắc. Sẵn cầm trên tay con tôm càng, Hai Mến bốc vỏ chấm luôn vô chén muối ớt rồi tự cầm chai rót cho mình một ly, ngửa cổ uống trót một hơi. Đặt chiếc ly không xuống bàn, Hai Mến đảo mắt, chép miệng: “Sao mồi màn sơ sài quá vầy cậu Tư?”. Ông già nhiều tuổi hơn đưa mắt sang tôi: “Bữa nay nhằm hăm lăm, nước dậy… đâu thằng Hai mầy kiếm bậy con cá chẻm về hấp gừng đãi dân chợ coi?”. Hai Mến nói ngay: “Tưởng gì chớ chuyện này dễ ợt. Lâu nay tôi thấy có một tên (con cá) ở chỗ vịnh Cây Mắm, đêm nào tối trời cũng nghe nó táp mồi bập bập, nhưng còn để dành đó. Cậu lấy đồ nghề cho mượn, tôi bắt nó về mấy hồi”.
Thế là hai ông già đi lục soạn đồ nghề. Đồ nghề của dân câu cá chẻm không có gì phức tạp, cũng chỉ là cần trúc, giây cước, lưỡi câu, hòn chì nhưng nó phải thật chuyên biệt, nhất là lưỡi câu, thường do chính tay thợ câu tự mài dũa từ những thanh thép nhỏ nhưng rất cứng lại dẻo, lấy ra từ những chiếc kèo dù, nghe nói có xuất sứ ở tận nước Pháp. Lưỡi câu của cậu Tư tôi có gần chục cái, lớn nhỏ đủ loại, cất cẩn thận trong một hộp nhựa, được chống rỉ sét bằng cách đổ vào hộp đầy phấn thoa da cho trẻ em. Ông nói, nếu để lưỡi câu rỉ sét sẽ làm con mồi mau chết, mà cá chẻm là loài chuyên ăn mồi sống. Nếu chống rỉ theo cách thông thường là ngâm trong dầu hay nhớt, lưỡi câu sẽ có mùi lạ, con cá nó nhát ăn. Từ đuôi lưỡi trở lên, người ta còn mắc vào một đoạn dây kẽm mảnh, dài hơn gang tay, từ đó mới mắc tiếp dây câu bằng cước. Bên hai mép mang cá chẻm có hai cạnh xương sắc như dao, nếu không có đoạn dây kẽm này, khi dính câu, cá chẻm chỉ cần giằng, quật vài cú là dây cước có thể đứt như chơi. Cái cần câu cá chẻm của cậu Tư tôi cũng chỉ là cần trúc, nhưng ở mỗi đốt trúc đều được bọc bo cẩn thận bằng một đoạn ống vỏ đạn đồng vừa khít, thành ra cái cần nó vẫn dịu mềm nhưng vô cùng chắc chắn.
Anh Hai Mến săm soi tới lui rồi chọn lấy hai lưỡi câu, mà theo anh nó có thể vừa với miệng con cá chẻm đang còn bơi lội dưới vịnh Cây Mắm. Thấy không khí hào hứng chuẩn bị cuộc câu, tôi tỏ ý muốn theo coi. Anh Hai Mến dù có vẻ không tin cậy mấy nhiệt tình của tôi, vẫn đồng y,ự nhưng dặn kỹ là khi anh câu tôi phải ngồi yên, có thể hút thuốc, nhưng tuyệt đối không được gây tiếng động hay lắc xuồng. ở xứ này, nhà nào ít nhất cũng phải có một chiếc xuồng, không có nó không thể đi lại hay chuyên chở vào mùa mưa. Nhà cậu Tư tôi còn có riêng chiếc xuồng chỉ dành cho việc đi câu, nên nó có khác những chiếc xuồng bình thường. Sau xuồng có gắn cái bánh lái nước, vì người câu bao giờ cũng ngồi bơi đằng mũi. Trong xuồng có một khoang biệt lập, ván được chừa rỗng một khoảng, gắn vào đó tấm lưới thép để nước thông ra bên ngoài. Trong khoang này khi nào cũng có mớ tôm lóng hay tép đất lớn cỡ ngón tay bơi lội, chúng là mồi câu thường trực của ông, dù bây giờ chẳng mấy khi ông đi câu. Trên xuồng, những tấm sạp tre bóng loáng, sạch như lau, trải dài các khoang. Bộ sạp tre này ông chuốt ngót đều tăm tắp rồi thui cho nó trèm trèm lửa từng thanh một và nó đã đi qua ít nhất cũng ba, bốn đời xuồng.
Thế là tôi lên đường cùng anh Hai Mến, cuộc nhậu tạm ngưng. Nắng đã bắt đầu chói gắt. Anh Hai mến ngồi bơi đằng mũi. Như đã hứa, tôi ngồi im đốt thuốc phía sau. Vịnh Cây Mấm cách nhà cậu Tư chỉ hơn cây số. Trên đường đi, anh Hai Mến lủi xuồng vô mé lá chặt mấy cây cà bắp (đọt non lá dừa nước chưa bung lá, dài như cây tầm vông) bỏ theo xuồng mà tôi chưa biết để làm gì. Đến nơi, anh Hai Mến cắm mấy cây cà bắp xuống vịnh sông, cây này cách cây kia hơn mét. Tôi tò mò hỏi, anh Hai Mến giải thích là con cá chẻm khi nước chảy, để rình mồi, nó thường dựa đuôi vào một vật gì đó. Mấy cây cà bắp này như là những “cần ăng-ten” để anh theo dõi con cá mà thả câu.
Hút xong điếu thuốc, anh Hai Mến bắt đầu cuộc câu, một tay cầm cần, một tay quạt dầm cho xuồng khỏi trôi theo nước. Tôi ngồi xem. Ban đầu tôi chăm chú vào sợi dây câu, sợ khi con cá ăn mình không nhìn thấy. Nhìn mải một lúc, sợi giây câu quá mơ hồ, đâm mỏi mắt. Tôi đưa mắt nhìn rặng lá dừa nước ven sông, những tàu lá đứng im không động đậy. Nghe nắng rát hai vành tai, thèm một làn gió mà không thấy. Mồ hôi chảy từng dòng nhột nhạt trên lưng áo. Tôi hút thuốc đắng cả miệng. Nhìn đồng hồ thấy chưa tới một giờ trôi qua. Trước mũi xuồng, anh Hai mếm vẫn chăm chú câu, như là đã quên có tôi ngồi phía sau, thỉnh thoảng lại nhấc cần thay con mồi đã chết. Thêm một giờ nữa. Lại nhìn vào sợi dây câu, nó mờ tan đâu mất. Mũi xuồng, anh Hai Mến vẫn ngồi im, ôm cần như pho tượng. Chợt trong trí nhớ tôi bỗng vẳng lên câu hát đưa em mà ngày nhỏ tôi vẫn thường nghe: “ầu ơ... Ai về nhắn với ông câu Cá ăn thời giựt để lâu hết mồi!”. Trước đây tôi chẳng hề nghĩ ngợi gì khi nghe câu hát này. Nhưng bây giờ ngồi đây, sau lái xuồng của một ông câu chính hiệu, tôi quả quyết với mình rằng, người ta hát lên câu hát này chính là để nhắn với các ông câu cá chẻm vì cảm thán cho cái cảnh “ngồi đồng” dãi nắng dầm mưa của họ. Tự dưng tôi buột miệng hỏi anh Hai Mến vì sao không gắn vào dây câu cái phao cho đỡ mỏi và tiện theo dõi. Không quay mặt lại, anh Hai Mến chỉ lúc lắc vai ra hiệu cho tôi phải im lặng. Nắng đã gần đỉnh đầu. Tôi ngồi như trời trồng và chịu đựng. Nhìn mặt nước chảy lăn tăn cứ muốn thò tay xuống cho mát mà không dám. Chợt anh Hai Mến lẹ làng gát dầm lên xuồng, hai tay bịn lấy cần câu hạ thấp, ngọn cần cong oặt, dây câu căn chéo chạy vun vút trên mặt sông, lôi cả chiếc xuồng lao theo. Quần thảo mất chừng năm phút, lúc cương, lúc nhu, cuối cùng thì anh Hai Mến cũng trục được con cá nổi lên mặt nước và lôi lên xuồng. Con cá ước có đến năm ký.
Gỡ con cá ra khỏi lưỡi câu, Hai Mến cột chặt con cá vào dây dèo, một đầu dây đã buộc sẵn vào xuồng, lại thả nó xuống sông. Loài cá chẻm khi lên khỏi nước rất mau chết, nên dân câu thường rộng sống cá bằng cách này. Cứ tưởng cuộc câu đến đây kết thúc, nhưng Hai Mến lại móc tiếp con mồi vào lưỡi. Nhìn tôi mồ hôi chảy ròng ròng, anh Hai Mến nói như phân trần: “ở dưới còn một thằng nữa, thằng đực. Chịu khó bắt luôn, không nó đi. Dòng đám cá đực này chỉ kiếm đường theo cái”. Cái đọan “chịu khó” này của Hai Mến cũng phải mất thêm cả hai tiếng đồng hồ. Gần ba giờ chiều hai chúng tôi mới về đến nhà cậu Tư với cặp cá chẻm nặng gần chục ký.
Chiều đó, sau món cá chẻm hấp gừng còn có món lòng chẻm nướng tiêu. Nhưng món đặc biệt này mùi vị ra sao thì không sao nhớ được, dù nửa đêm giật mình thức dậy tôi đã cố trằn trọc nhớ lại.
(Báo Văn nghệ)