Thú câu ghềnh (2)

Đứng dậy vươn vai, dốc chai nước ra rửa mặt cho tỉnh táo. Ừ, phải xuống xem nó là cái gì chứ, ma chắc nó cũng chẳng làm gì được mình, chỉ cần ý chí vững là được, sợ quái gì. Bẻ một khúc cây, tôi lần mò trèo xuống vách đá lần về chỗ cũ. Gần đến tảng đá nơi con ma chui vào, tôi nắm chặt cây gậy “mày mà lao ra là ông chiến luôn, ma cũng chiến”.



Đi ngang qua tảng đá, nín thở, thận trọng nhìn rồi gần như đi giật lùi về chỗ ngủ. Mồ hôi lạnh toát sống lưng. Lần mò tìm cái đèn câu cuối cùng cũng thấy nó văng ra cách đấy vài mét. Đeo đèn lên trán và bật lên. Rồi. Bây giờ bắt đầu đi tìm con ma. Hiên ngang đi ra đó tìm, tảng đá hoàn toàn trống trơn, chẳng có dấu tích gì cả. Lấy làm lạ, rõ ràng là thấy nó chui vào đây. Chẳng lẽ ma thật. Đi một vòng quanh tảng đá, phát hiện ra một cái khe nhỏ, ở dưới có một vật gì đó trăng trắng. Ồ, hóa ra một miếng xốp như miếng xốp của thùng đựng hoa quả. Lôi ra khỏi khe đá, ngửi thì thấy mùi cũng hơi giống mùi “con ma”. Mài lên đá cũng phát ra tiếng rin rít, sàn sạt. Hóa ra là vậy, mà miếng xốp loại này thì nhan nhản trên bãi đá do sóng biển đánh vào rồi gió thổi bay qua mặt thôi mà. Đúng là đồ nhát gan. Tự rủa vậy, nhưng lúc “con ma” bay qua thấy sợ thật. Mà tôi cũng không dám chắc miếng xốp đó có phải là thủ phạm hay không. Nó lướt nhẹ lắm, xẹt một cái rồi mất hút. Mà thế quái nào nó chui xuống khe nhỏ ngọt thế không biết ? một phát gọn lỏn luôn.

Ánh Lân tinh biển đêm

 


Kệ, không quan tâm. Ranhặt túi ngủ, lúc trước nó bị hà vướng vào cứ như là bị giật ngược trở lại, lúc ấy hết cả hồn. Thôi, lần sau cứ về điểm tập trung để ngủ cho nó lành. Từ đó, đêm tối tôi không dám ra đó câu nữa, kể ra cũng hơi nhát gan.



Câu ghềnh còn có sự nguy hiểm thường trực là khi leo trèo trên đá. Những tảng đá đầy hà bám sắc lẻm, sắc đến nỗi bạn rửa tay lỡ chạm vào chúng thì khi thấy hơi xót thì máu đã chảy be bét rồi, chúng cắt ngọt xớt, hơn cả dao cạo. Nhưng chính những hòn đá này lại an toàn khi bạn đi trên chúng với điều kiện là bạn mang ủng. Ủng nên dùng loại ủng có miếng dạ và những đinh inox được đóng ở bên dưới, tuy nhiên, ủng bảo hộ lao động cũng được nhưng kém an toàn hơn nhiều. Những tảng đá nhẵn nhụi, trông hiền khô lại là những tảng đá nguy hiểm nhất, nhất là vào những ngày trời ẩm hoặc những tảng đá đó bị ướt, khi đó nhìn chúng rất bóng bẩy. Bạn phải luôn cảnh giác với nó ngay cả khi bạn được trang bị ủng leo ghềnh chuyên dụng. Những tảng đá có hà bám, những tảng đá rong biển mọc xanh um hoặc những tảng đá xù xì do các loại động thực vật khác bám là những tảng đá an toàn, thoải mái đi trên đó.

Thực tế khi câu ghềnh, hầu như ai cũng nếm trải những cú ngã, nhẹ thì đau, nặng hơn thì chảy máu, nặng nữa thì gãy cái gì đó. Ngã ở đó rất buồn cười, ngã xong ngồi đần ra, ngơ ngác mất hàng phút mới biết chuyện gì vừa xảy ra, mới bắt đầu thấy đau ở đâu đó. Do vậy, những đồ dùng cho sự an toàn khi câu ghềnh luôn được ưu tiên hàng đầu. Ngoài ủng, chúng ta cũng nên trang bị áo phao và bộ quần áo chống sóng. Quần áo chống sóng được thiết kế rất tốt, không thấm nước nhưng lại rất thông thoáng nên quần áo ấm bên trong luôn khô ráo. Ống quần nhìn rất lỏng lẻo nhưng khi lội xuống nước, ống quần sẽ bị ép lại nên nước không thể lọt vào trong ủng, bạn có thể lội nước thấp hơn cạp quần là được.

Khi câu những ghềnh đá ngoài xa, chú ý nhất là bạn phải biết rõ thủy triều đang lên hay xuống, kẻo mải câu thì lát sau chỉ còn cách tự bơi vào bờ mà thôi, chẳng ai giúp được. Nên ghi nhớ và định vị những tảng đá trước khi nó bị ngập nước để lát sau triều lên chỉ cần định vị các hòn đá rồi cứ thế mà lội bừa qua để vào bờ.

Đi câu ghềnh rất cần sức khỏe để leo trèo, đi lại trên đá, hơn nữa còn phải cõng theo trang thiết bị khác và thùng mồi xả. Đi trên đá rất tốn sức. Câu ghềnh, nó là một thú chơi, một môn thể thao đích thực.


Nhóm câu Iso Hà Nội
Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến cách xả mồi. Cũng như các loại cá khác, câu tráp ở ghềnh đá cũng cần phải dùng mồi xả (thính). Mồi xả dùng câu ghềnh truyền thống của dân câu đảo Dấu là vỏ (mai) những con sam biển (có mùi hơi hôi) được xâu thành một chùm kèm theo một hòn gạch to cho chúng chìm xuống đáy nước và được nối bởi một đoạn dây dài để thu hồi thính chuyển chỗ khác khi cần. Loại mồi xả này được dùng câu chìm sát đáy, xả đâu câu đấy. Thường dùng mồi gan sam để câu cho đồng điệu. Sử dụng chì nặng đứng cố định một chỗ, ngay cạnh vị trí mồi xả, dây link dài khoảng 40cm để mồi phất phơ trong nước. Mồi xả chúng tôi thường dùng là loại mồi xả trôi theo nước gồm moi biển tươi trộn với một số thứ khác (có công thức trên diễn đàn) hoặc trộn với túi mồi xả câu tráp của Nhật, Hàn, Trung quốc, Đài Loan. Khi xả mồi phải chú ý dòng chảy của nước chỗ câu. Hãy nhìn địa thế của đá và dòng chảy của biển, chọn sẵn điểm thả mồi câu rồi xả mồi đầu dòng chảy và câu cuối dòng chảy. Xả đâu câu đấy trong dòng chảy của biển thì chẳng bao giờ được cá. Dòng chảy càng mạnh, mồi xả càng dẻo thì xả càng xa chỗ câu. Sóng biển luôn có xu hướng đẩy các phù du trong bờ ra ngoài nên ở chỗ không có dòng chảy, chỉ có sóng đánh ra vào thì xả mồi ngay tại bờ và câu ra bên ngoài. Có cần thủ người Đài Loan khi câu còn mang theo một đệ tử chuyên xả mồi và vợt cá. Bạn lần đầu câu ghềnh sẽ thấy rất kỳ quặc khi người vẩy mồi cách chỗ người câu tới 30m. Cách xả mồi, đây cũng là một yếu tố quan trọng để câu được tráp.


Câu tráp, thường sử dụng một chuỗi 3 chiếc phao cách nhau trên 20cm. Phao đầu tiên từ dưới lên là phao que chống sóng, phao thứ hai là phao tròn nhẹ, phao thứ 3 là phao gỗ nặng (để còn ném mồi ra xa được). Phao gỗ là loại phao tròn xâu dây câu qua tâm và có lỗ để gài light stick câu đêm. Lý do của việc dùng nhiều phao là câu ghềnh rất hay mắc. Khi phao đang trôi mà dừng lại, phao thứ nhất và phao thứ hai theo sóng sẽ chìm xuống rồi khi sóng rút lại nổi lên vài lần như thế thì hầu như chắc chắn là bị mắc. Nếu cả 3 phao đều rút xuống và không nổi lên khi sóng rút thì chắc chắn là cá. Khi câu quen rồi thì chỉ cần dùng 1 hoặc 2 phao là đủ. Khi có hiện tượng mắc, thì phải để ý nó mắc ở chiều sóng vào hay sóng ra, thường là mắc ở chiều sóng đánh vào. Hãy nhấc thật nhẹ đầu cần lên rồi thả xuống khi sóng đánh ra nếu bị mắc theo chiều sóng đánh vào và ngược lại. Vài lần nhấc như thế mồi bị mắc sẽ bong ra. Làm như vậy thì sẽ không bị mất lưỡi. Nếu không bong, giật đột ngột theo chiều sóng như lúc nhấc cần cũng có thể lấy lại được lưỡi. Cách cuối cùng là dựt đứt link. Trong ngày câu mà mất ít hơn 5 lưỡi là thành thạo lắm rồi đấy.

Cá song, một loại cá đặc sản rất ngon và đắt tiền nhưng chỉ được coi là “phụ phẩm” của dân câu ghềnh. Bởi lẽ, cách ăn mồi của cá song hơi tục và tham. Phao đang bồng bềnh trôi bỗng phụp một cái mất hút, cứ như là bị rơi tọt vào một “lỗ hổng” của biển. Nhiều khi cứ tưởng mình hoa mắt. Mà cách chạy của chúng cũng không hấp dẫn, chúng chỉ hì hục ghì xuống thật mạnh và lăm le chạy vào hang hốc, kẽ đá để giương vây lên neo ở đó. Vậy nên, đối với song thì chúng ta nên ghì lại với nó thì có cơ chiến thắng. Lỡ nó chui vào hang thì cứ giữ căng cước vài phút, nếu nó không ra thì vẫn giữ căng cước và dùng tay đập liên tục vào thân cần để tạo rung động dây cước cho ông song đau mồm mà lao ra khỏi hang. Những con giỏi chịu đau thì chỉ còn nước dứt đứt dây link.

Nghĩa, một tay câu có hạng ở dải đá Casino Đồ Sơn, đã có lần không ghì nổi một con song rất lớn nên nó chạy được vào hang, làm đủ cách vẫn không lôi được nó ra. Tiếc, tức, gã bèn lần theo dây cước lặn xuống, sờ được vào người nó, túm đuôi kéo, cấu, véo, cù nách… mà nó vẫn nhất định không chịu ra. Cuối cùng đành phải cắt dây câu buộc lên bờ, chịu thua nó đấy.

Cá song, chúng có một đặc tính cố hữu là thích chiếm một số “lỗ” nhất định. Dựa vào đặc tính này, khi câu được song ở lỗ nào thì ghi nhớ lại để tuần sau, đúng mực nước đó lại ra đó câu, rất hay được song tiếp. Có lần tôi đã câu được 3 chú song to cỡ 1kg/chú liên tiếp trong 3 lần câu ở cùng một lỗ. Dương cũng vậy, hắn có một vài lỗ ruột, cứ mực nước đó là lại ra đó câu, thế nào cũng “nhổ” được một vài chú tại đó. Nếu giật trượt, cứ câu ở đó tiếp, rất có thể lại câu được chính nó trong khi mồm vẫn ngậm con tôm ở lần giật trượt trước đó. Song nó tham vậy đấy.

Cá tráp thì lại khác, chúng ăn mồi từ tốn, kéo phao chạy xéo xuống nước với vận tốc nhanh dần đều rất đẹp mắt và ấn tượng. Mà cái cách ăn mồi của cá tráp rất hấp dẫn, khó lường, mỗi kiểu thời tiết lại một khác. Vào những ngày sóng nhỏ, ít sóng chúng ăn mồi rất đỏng đảnh, nhẹ nhàng. Phao chỉ đứng yên và lắc lư, hơi giống mắc đá một chút, có lúc thì ngậm mồi đi nhong nhong chơi…cho vui, lúc này giật là mất cá. Chỉ khi nào phao thực sự chúi xuống mới là thời điểm quyết định để giật. Những ngày sóng to, sóng đánh trùm đầu, đánh cho ta lảo đảo, liêu xiêu lại câu được cá tráp khủng mà cách ăn mồi của chúng cũng dứt khoát, mạnh mẽ. Có lẽ do sóng to, con mồi của ta “bay” nhanh nên chúng sợ mất cơ hội nên đớp mồi dứt khoát chăng ? có thể lắm.


Thả mồi ở theo cách nào để cá cắn ? đây cũng là một vấn đề quan trọng. Nếu câu theo dòng chảy, bạn chọn một điểm nghi là có cá (như ở vách, khe như đã nói ở trên) rồi ném mồi trước đó khoảng 5-10m, điều chỉnh mồi sao cho con mồi theo dòng chảy “bơi” qua nơi đó một cách tự nhiên, nếu có tráp đang rình ở đó thì khả năng cá cắn rất cao. Nếu câu ở dải triền đá thoai thoải, thì dễ hơn, chỉ cần ném mồi v à cho nó trôi vật vờ và chờ. Mồi xả vẩy cách đó khoảng 20m là được.

Dưới làn nước, hai chiếc phao đang trôi bồng bềnh theo sóng rồi dừng lại, tim bắt đầu đập mạnh, mọi giác quan dồn hết vào phao và cần. Bỗng chuỗi phao chạy mất hút vào con sóng bạc đầu. Đầu cần trĩu xuống, bắt đầu một cuộc đấu trí. Tráp khủng bắt đầu giằng giật. Cứ hình dung khi ta tóm chặt tay con mèo, nó sẽ giằng lại, cá tráp cũng giằng y như thế. Bạn sẽ cảm nhận được những cú vẫy vùng dứt khoát và rất khỏe của tráp. Sau một hồi vùng vẫy, chúng bắt đầu trổ tài đánh võng và bó vỉa quanh các tảng đá có nhiều hà bám, cố cọ dây câu của chúng ta vào đó. Lựa đầu cần để lái dây lúc đưa sang phải lúc đưa sang trái, lúc thì đưa cần lên cao quá đầu, chắc chắn bạn phải nín thở vì lo lắng, nín thở vì sướng. Nếu bạn lo sợ đứt dây do nó vùng vẫy mà nới lỏng máy ra cho nó chạy thì bạn sai lầm nghiêm trọng rồi đấy. Máy phải siết hơi chặt, làm sao mỗi cú vẫy vùng chỉ xả ra một chút dây mà thôi. Mọi lực vùng vẫy của chúng sẽ bị triệt tiêu bởi ngọn cần dẻo và cánh tay linh hoạt. Nếu đã có kinh nghiệm thì dùng ngón tay tì vào cối chứa dây để điều chỉnh độ nặng nhẹ của việc xả dây. Cách này là chuẩn nhất. Tráp sẽ vùng vẫy, lạng lách đủ kiểu rồi chỉ đến khi nào nó nổi người lên mặt nước thì lúc đó nó mới chính thức đầu hàng. Một chú tráp trắng tinh, người cong cớn lên như cái mo cau bị kéo dần vào bờ. Gỡ lưỡi, thả vào giỏ, ngồi xuống thở hổn hển, chân tay run lẩy bẩy, thật không gì sướng hơn được.


Nói về tài dòng cá điệu nghệ thì phải nói đến anh Long (Khunglong), một trong những người đầu tiên câu ISO ở ghềnh đá hòn Dấu. Anh bình tĩnh điều khiển cá chạy lắt léo qua các khe đá cho đến khi nó vào tận bờ. Đó là cái thú riêng của anh ấy, được cũng nhiều mà mất cũng lắm.

Có những khi, gặp phải chú tráp rất quái chiêu. Khi mắc câu, chúng không chạy mà chỉ dật dờ theo dòng nước chảy, kéo nó vào gần bờ, định vợt hoặc cầm dây cước kéo lên thì nó vùng một cú chót thật mạnh. Chỉ nghe văng ra một tiếng chửi thề. Cá đi đằng cá, phao bay lên trời. Thế là xong.

Con cá tráp lớn đầu tiên mà bạn câu được sẽ là một ấn tượng thật khó quên. Bạn sẽ nhanh chóng nghiện đấy mà đã nghiện câu ghềnh thì nó là một thứ nghiện ám ảnh. Thật.



Một chút nguy hiểm, vất vả vì leo trèo, một chút lo sợ khi dòng cá, một chút sung sướng lúc được, một chút tiếc nuối khi mất, một chút cảm nhận vẻ đẹp hoang sơ trong một chiều nắng vàng… tất cả những điều đó đã làm nên sự hấp dẫn, thú vị của câu ghềnh và nó luôn là những cảm giác, những kỷ niệm sẽ theo ta suốt cả cuộc đời.

Coden, 03/2008

Thảo luận:http://www.hanoifishing.com/forum/showthread.php?t=11161

Các tin khác cùng chuyên mục
Thú câu ghềnh - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:43:10 CH
Một số kiểu thẻo, chì câu tay, câu Tráp - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 5:22:51 CH
Cá Tráp đen và kiểu câu với mồi viên bọc phần IV - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:22:59 SA
Cá tráp Đen và kiểu câu mồi viên bọc phần III - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:18:57 SA
Cá tráp Đen và kiểu câu mồi viên bọc phần II - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:15:56 SA
Cá tráp Đen và kiểu câu mồi viên bọc phần I - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:14:33 SA
Hạ Long! nơi đây mới thực sự là thiên đường - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:07:48 SA
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.