Thú câu đầm

Đầm hay đùng là những đầm nước lợ rộng từ vài chục đến hơn trăm hecta. Đó là nơi người dân thuê mặt bằng của nhà nước để nuôi tôm sú. Phần lớn các đầm tôm gần thành phố Hồ Chí Minh đều nằm trong hay sát vùng dự trữ sinh quyển thế giới nên cho dân thuê đất lập đầm tôm cũng là cách để bảo vệ rừng ngập mặn – lá phổi xanh của thành phố và cả vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất cả nước.



Đa số đầm tôm nằm trong khu vực Phước An - Cần Giờ

Trong đầm, chủ đầm chỉ nuôi tôm sú, tất cả các loài tôm, cá khác đều theo nước từ sông vào đầm mà sinh sôi nảy nở. Ít khi nào chủ đầm xả kiệt nước trong đầm mà chỉ dùng phương pháp đánh tỉa thả bù, vì vậy cá, tôm trong đầm lúc nào cũng có. Những đầm tôm trên 20 năm không xả lưu cữu những con cá chẻm trên 10 kg, cá mú hàng 4 – 5 kg, cá hồng 2 – 3 kg, cá đục to bằng nửa cổ tay! Tôi quen với một chủ đầm có cái đầm rộng mênh mông đến hơn trăm hecta, anh cho biết làm nghề nuôi tôm đầm không giàu nhưng cũng chẳng nghèo, luôn đủ ăn và thống kê lại thì thu nhập từ những nguồn lợi tự nhiên mình không đầu tư (như tôm đất, cá các loại, hàu, mực,…) thu hoạch hàng ngày cộng lại cũng tạo ra nguồn thu nhập đáng kể. Ở nơi xa xôi, cách trở này, nuôi gà thả tự nhiên cũng là nguồn lợi. Thường xuyên được ăn tôm, tép vụn sau mỗi lần xả nước, kiếm ăn ven đầm tối ngủ trên cây đước, bọn gà béo chắc, lông rất mượt. Nuôi tôm sú trong đầm cũng chắc ăn hơn so với nuôi ở các vuông tôm vì trong đầm tôm sú phát triển trong môi trường tự nhiên, ít bệnh và cũng ít phải chăm sóc. Người nuôi chỉ cần mua được tôm sú giống khoẻ mạnh, sạch bệnh là yên tâm.
Có hai lý do chủ đầm cho phép người ngoài vào câu: thứ nhất là vì trong đầm xuất hiện những loài cá dữ như chẻm, tráp, mú,… lấy tôm làm món khoái khẩu nên có chúng thì thiệt hại thấy rõ, thứ hai là sống xa vùng dân cư, người canh đầm cũng muốn có ai đó bầu bạn, gặp gỡ cho đỡ buồn.



Kỳ sơn (cụm đước tạo dáng như đảo trong vịnh) - Thuỷ tú - giữa khu dự trữ sinh quyển thế giới

Nếu bạn ở thành phố Hồ Chí Minh thì có hai khu vực được nhiều người câu đầm thích đến nhất là Phước An và Cần Giờ. Phước An là một xã của huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai, nơi tiếp giáp với khu dự trữ sinh quyển quốc tế Cần Giờ. Đi câu đầm Phước An bạn phải dậy từ 4:30 sáng để đến phà Cát Lái sớm. Chuyến phà đầu tiên khởi hành lúc 5:00 còn chuyến thứ hai lúc 5:30. Từ phà Cát Lái thẳng tiến Phước An, sau 24 km nữa bạn sẽ đến bến đò Phước An, từ đó thuê ghe chở ra đầm. Chủ ghe tên là Út, một người đàn ông rắn rỏi, xạm nắng, mới ngoài 40 mà trông tưởng đã ngũ tuần. Anh Út là người địa phương và cũng là một tay câu có hạng. Anh thuộc lòng gần 30 đầm trong vùng và biết rõ luồng lạch, đặc điểm riêng hướng đến từng cái đầm. Chiếc ghe máy dầu rẽ sóng đưa bạn câu về phía hạ lưu. Qua mấy lạch nhỏ là ra sông lớn, khung trời như rộng ra, thoáng đãng. Sáng sớm, luồng gió mát lạnh phả vào mặt làm cho người ta ngây ngất trước cảnh kỳ vĩ của thiên nhiên. Nắng nhuộm vàng các chỏm cây đước phía xa, mặt nước trong xanh in hình bầu trời đang hừng sáng với những đụn mây trắng muốt, bồng bềnh. Ở những góc khuất, mặt nước phẳng lặng, từ dưới sâu nổi lên những bọt nước nhả đều đặn thành vệt của những con cua đi kiếm ăn, đằng kia có một mảng lao xao của bầy cá đối, lâu lâu lại thấy bóng con chim cốc đen trũi bay ngang.

Ghe chạy khoảng một tiếng thì đến đầm. Sau khi chào hỏi chủ đầm, đám bạn câu toả ra quanh các miệng cống xả để câu. Đi câu đầm mà trúng ngày nước cao, chủ đầm lấy nước vào đầm thì chắc thắng. Ngay từ khi nước sông đang lên, chưa vào đầm, bọn cá tôm trong đầm đã cảm nhận được và chúng bắt đầu tụ về cửa cống để chờ. Khi nước từ sông tràn vào đầm, mọi hoạt động trở nên náo nhiệt hẳn. Ở dưới nước, bọn cá nhào ra chộp bắt những con mồi từ sông theo nước vào đầm, ở trên bờ, người câu nhanh tay móc mồi, thả xuống, giật, gỡ cá, móc mồi,… Thao tác ấy, có hôm lặp đi lặp lại liên tục cho đến khi mực nước trong và ngoài đầm bằng nhau!



Tới đầm rồi - Tay quay nâng cửa cống

Khi cá ăn rộ thì câu cần tay hiệu quả hơn cần máy. Câu cần máy phải ném mồi ra xa, cá ăn thì giật, quay vào, bắt cá, thao tác đó không thể nhanh bằng động tác giở lên, đặt xuống của cần tay. Tôi đã thử tính tốc độ lên cá là bao nhiêu khi cá ăn dầy, kết quả thật hấp dẫn: 1 phút một con! Hình như là không có một cách nào khác câu nhanh như thế. Câu đầm được nhiều nhất là cá bống đục, bống sao, bống cát sau đó là tráp, thỉnh thoảng được cá ngát, mao ếch, hên hơn thì được hồng chấm, cá mú. Chẻm lại là một phạm trù riêng!

Cần tay câu đầm nên chọn loại dài 5.5 – 6 mét, dài quá (7 mét trở lên) thì vướng, thao tác chậm, ngắn quá (5 mét trở xuống) không đủ tầm với đến những vị trí cá hay ăn và dây có khi ngắn quá làm mồi không chạm đáy. Người có tiền thích sắm cần xịn, hàng hiệu giá trên một triệu đồng một chiếc, người bình bình sắm cây cần Trung Quốc chất lượng cao (hiệu GW chẳng hạn) giá hơn 200 ngàn đồng cũng đã tốt chán, người ít tiền mua cây cần TQ 4,5 mét giá 50 ngàn đồng về nối thêm đốc cần từ một cây cần câu tay cũ cho dài thành hơn 5 mét, cũng lên cá đều đều.



Câu cần tay ngay miệng cống xả nước vào đầm là hiệu quả nhất

Tay câu chuyên sử dụng cần tay nổi tiếng nhất ở Phước An là một người Hàn Quốc tên là Kim. Anh ta chỉ dùng cần tay và chỉ câu cá tráp. Cần anh ta dùng là loại cần rất dịu, con cá bằng bàn tay đã kéo cong vòng. Ấy thế mà anh ta lại câu được rất nhiều cá. Bí quyết nằm ở thứ mồi ma quái mà anh ta mang từ Hàn Quốc sang: một loại mồi bột đặc biệt có thành phần chính là bột tôm đỏ Bắc Cực còn thêm cái gì nữa thì không ai biết cả.

Có nhiều cách buộc thẻo câu cần tay, qua thực tế kiểm nghiệm, cá nhân tôi thấy kiểu kết thẻo đôi hay thẻo ba phỏng theo cách buộc của người Hàn Quốc là câu hiệu quả nhất. Dây kết thẻo nên dùng loại hơi cứng để dây buộc lưỡi không dính vào nhau còn dây tóm lưỡi nên dùng loại mềm, cỡ 28 – 30, tốt nhất là loại tàng hình dưới nước. Chì câu cần tay nên chọn loại tròn hay hình nón có lỗ xuyên ở giữa nặng 10 – 20 – 30 gam tuỳ theo tốc độ nước vào đầm. Lưỡi câu bống đục có nhiều loại nhưng qua thực nghiệm, tôi thấy 3 loại sau ưng ý nhất: Lưỡi tròn hiệu Tarado số 5 hay 6, một hộp 240 lưỡi giá 69 ngàn đồng (Megazone), lưỡi trễ số 6 hay 7 bán lẻ 500 đồng/lưỡi (Megazone) và lưỡi gai lưng số 7 Hàn Quốc mỗi hộp 100 chiếc giá 30 ngàn đồng (chợ Kim Biên). Lưỡi tròn Tarado rất sắc, chắc chắn, cá ăn là tự dính, khiếm khuyết duy nhất là lưng ngắn nên khó thao tác lúc mắc mồi và gỡ cá. Lưỡi trễ đánh khá hay nhưng phải giật mới được cá chứ không thì cá lại dễ thoát thân, lưỡi gai lưng có ưu điểm giữ mồi không bị tụt còn lại thì cũng giống lưỡi trễ.

Những hôm đi câu không có nước hoặc cá ăn thưa thì câu cần máy hiệu quả hơn cần tay. Cần máy câu bống đục hay tráp là loại cần nhỏ, dịu tương tự như cần câu tôm hay nhỉnh hơn một chút. Cũng tuỳ khả năng mỗi người mà sắm. Có cây Daiwa vài trăm USD cũng có cây TQ 30 ngàn đồng.



Máy câu đầm cũng có nhiều loại nhưng thường là máy nhỏ, hợp với cần. Người có tiền thích dùng hàng hiệu vài chục US$/chiếc với ý nghĩ là sắm một lần xài lâu dài, người ít tiền lại chọn máy TQ 50 ngàn đồng/chiếc, vẫn lên cá. Câu đầm cũng giống câu biển, nước mặn dễ làm rỉ sét máy và các dụng cụ bằng sắt, vậy nên thường xuyên vệ sinh đúng cách để dùng được lâu dài. Của bền tại người mà. Qua thực tế tôi thấy nếu kinh phí không mấy dư dả và cũng không eo hẹp thì máy TQ chất lượng cao nhãn hiệu Liner Winder 8 bạc đạn giá 255 ngàn đồng/chiếc (chợ Kim Biên) có thể dùng chung câu đục, tráp, chẻm khi đi câu đầm. Tốt, nhẹ và khá đẹp.

Dụng cụ cần thiết: Đi câu đầm là câu nơi thiên nhiên, bạn phải chuẩn bị đủ thứ nếu không muốn rơi vào tình trạng dở khóc dở cười. Sau bộ đồ câu (cần, máy, dây, lưỡi, chì), những thứ cần thiết nhất là thùng đá đựng cá, dù che mưa nắng, ghế ngồi, túi hay ba lô đựng đồ, áo mưa, chống cần, kéo, khăn bắt cá, mũ rộng vành,… Cứ quan sát những hình ảnh trong bài này bạn sẽ thấy những vật dụng đó hữu ích như thế nào. Đa số những vật dụng đó có bán ở chợ Kim Biên và Megazone.

CÁC KIỂU CÂU THEO LOÀI CÁ TRONG ĐẦM

Câu bống đục
Câu bống đục ở đầm bằng mồi hà đước (ở Phước An) là nhạy nhất, không có thì đành phải dùng tôm chết bóc bỏ cắt nhỏ vừa lưỡi câu cũng tạm được. Có thể câu bằng cần tay hay cần máy, có thể câu rê nhẹ cho mồi rà sát đáy (khi cá ăn thưa) cũng có thể để nguyên một chỗ (khi cá ăn dày). Câu máy nên dùng thẻo 3 còn câu tay nên dùng thẻo đôi. Cá đục to hay nhỏ là tuỳ đầm. Có đầm cá rất to, cỡ chuôi dao hay nửa cổ tay, cũng có đầm cá bé xíu, cỡ ngón tay út. Bống đục đầu nhọn, thân hình thuôn như viên đạn nên vượt ngược dòng nước rất hay. Có hôm nước ở cửa cống xả vào đầm ầm ầm mà ngay giữa dòng chảy xiết ấy câu vẫn có cá, tất nhiên là chì phải cỡ 50g trở lên mới trụ được. Vị trí câu bống đục hay nhất lúc nước vào đầm là hai bên mép cống, bên cạnh luồng nước xối vào đầm. Tuy nhiên, người câu nên đặt mồi vào những vị trí khác nhau rồi so sánh, ở đâu cá ăn dầy nhất thì trụ ở đó.

Câu bống đục bằng cần tay không cần phao, thảy mồi ra xa, chờ cho mồi chạm đáy, kéo nhẹ cho đến khi đầu cần bắt đầu nhíu xuống là biết mồi đã chạm đáy. Giữ đầu cần thẳng. Khi thấy đầu cần hơi cong xuống, tiếp theo sẽ rung nhẹ nhẹ, bật bật là biết cá đã ăn, chỉ cần đưa tay ngược đầu cần lên là được cá, không cần giật mạnh vì “lỡ” vướng tôm hay cua mà giật mạnh thì mất, uổng.



Đầy một thùng hơn 300 con nè! - Toàn con to mới thích chứ.


Câu cá tráp
Cá tráp là loài cá ngon nnhất trong đầm. Có thể câu cá tráp bằng mồi tôm sống, tôm nõn bóc vỏ, hà được và nhạy nhất là mồi bột. Mồi bột do anh Kim người Hàn Quốc mang từ xứ sở kimn chi sang được chế từ nhiều nguyên liệu bí mật trong đó thành phần chính là bột tôm đỏ Bắc Cực. Kim thật sự là một tay câu tráp siêu đẳng. Anh này chuyên câu cần tay, thẻo đôi và nhiều lần anh ta được 2 tráp cùng một lần giật. Sau này cả Hiển Tâm và Quốc Vận đều chế được loại mồi bột câu lên nhiều tráp nhưng so với mồi Hàn Quốc thì vẫn không bằng.



Cá tráp câu cần tay là mê ly! - Những con cá tráp đầm

Cá tráp thịt ngọt, dai và béo, nấu kiểu gì cũng ngon: chưng tương, hấp hành, lẩu, canh chua, kho tộ,...

Câu rê bống cát, bống sao
Một cách câu đơn giản nhất, đảm bảo 100% lúc nào cũng thành công và không phụ thuộc vào nước vào hay ra là câu nhắp bống cát và bống sao ở ven đầm. Chỉ cần một chiếc cần tay nhỏ, dây vừa phải, lưỡi Tarado số 7, một cục chì 5 gam là xong. Mồi hà hay tôm chết bóc vỏ đều nhạy. Chỉ cần thả mồi sát cửa cống, gốc cây, cọc,… và nhấp lên nhấp xuống, bọn bống sẽ nhào ra chụp. Đa phần là bống sao, thi thoảng được bống cát, có lúc còn được mao ếch hay cua hoặc cúm. Nếu chăm chỉ, cả ngày cũng câu được vài ký. Chỉ có một yêu cầu duy nhất: kiên trì, chịu khó và đi liên tục, dò dẫm khắp nơi cả trong lẫn ngoài đầm.


Câu cá chẻm
Có nhiều cách câu cá chẻm trong đầm nhưng hiệu quả nhất thì có 2 cách: câu cắm lửng bằng mồi sống và câu rê bằng mồi giả.
Câu cắm lửng là cách đặt mồi còn sống lơ lửng trong nước cách đáy khoảng 80 cm hay 1 mét hoặc cách mặt nước cũng khoảng chừng đó. Muốn căn từ mặt nước xuống người ta dùng nút chặn phao căn trước khoảng cách cần thiết đo từ lưỡi đến nút chặn phao, dùng phao to và chì neo giống kểu câu cá mè ở hồ. Muốn căn từ đáy trở lên người ta nối dây neo chì vào thẻo câu và căn sao cho lưỡi phía trên cùng cách hòn chì neo khoảng cách cần thiết, phía trên dây trục gắn phao chỉ với tác dụng treo cho thẻo câu đứng thẳng.
Lưỡi câu chẻm là loại lưỡi to, sắc bén cột bằng cáp lụa hay dây sáp rồi gắn vào thẻo. Mồi câu chẻm là tôm sống hay cá sống. Nếu câu bằng cá sống thì nhất hạng là cá đối (Hiển Tâm đã lên con chẻm 16 kg bằng mồi cá đối), nhì mới đến bống sao (Huy Thông lên chẻm 10 kg ở Phước An bằng mồi cá bống sao), không có thì con cá loại nào cũng được miễn là còn sống khoẻ và to bằng ngón tay giữa trở lên. Thẻo câu cá chẻm thông dụng có hai loại, tuỳ cách căn cho con mồi cách mặt nước hay cách đáy bao nhiêu. Nếu căn từ mặt nước thì giữ nổi bằng phao to, chì dằn (cỡ 20g) nằm cuối dây trục dưới đó là thẻo cáp gắn lưỡi câu, chì neo cỡ 80g lắp y chang như kiểu câu cá mè. Khoảng cách căn từ mặt nước là khoảng 80 cm đến 1 mét. Nếu căn từ đáy lên thì dùng chì neo lớn 80g – 120g ở cuối thẻo, đầu trên thẻo gắn chạc chữ T cách đáy 80 cm đến 1 mét và kết thẻo cáp vào chạc chữ T đó, thẻo móc vào dây trục bằng link, phao nằm trên dây trục chỉ có tác dụng giữ cho thẻo đứng thẳng.

Câu rê bằng mồi giả cần biết rõ chiều sâu của điểm câu để chọn lure có độ lặn sâu thích hợp, thường ở các đầm Phước An hay Cần Giờ, độ lặn sâu tối đa 80 cm đến 1,2 mét là vừa. Câu rê phải chọn đúng luồng cá đi ăn, thường là ven bìa rừng đước, cửa cống hay kênh dẫn nước vào đầm. Câu mồi giả nên chọn loại mồi sáng màu, có phản quang sẽ nhạy hơn loại khác.



KHẮC HOẠ CHÂN DUNG BẠN CÂU

Khó có thể kể hết tên của các cao thủ câu đầm trong một bài viết, dưới đây tác giả chỉ xin khắc hoạ những chân dung bạn bè theo thiển ý riêng của mình.




Hùng, Triều, Thông, Tâm - Triều, Tâm, Hùng, Khánh, Vận

Hải Triều
46 tuổi, tên đầy đủ của anh là Nguyễn Hải Triều, người Củ Chi, Sài Gòn. Nhìn dáng vóc thư sinh và nụ cười làm say đắm biết bao nhiêu cô gái kia ít ai biết rằng anh là một sỹ quan an ninh kỳ cựu. Một con người giản dị, khiêm tốn, chơi với bạn chân tình và lúc nào cũng nhẹ nhàng. Tôi đã đi câu với anh nhiều lần và nhận ra cá tính rất riêng của anh: sự say cá! Người ta say rượu, say tình, còn anh…say cá. Anh thuộc lòng tập tính của các loài cá trong đầm vì vậy khi thời tiết, con nước thay đổi, loài cá này không ăn thì anh lập tức chuyển sang câu cá khác, cứ như thế cho đến khi được cá, không phải bống đục thì cũng bống cát, bống sao, không phải tráp thì cũng là chẻm, không phải mú thì mao ếch, hồng hay cùng quá không được con gì cả thì hàu, thứ này bám chặt bệ cửa cống, chả chạy đi đâu được cả nhưng chỉ chủ đầm mới có quyền đục và cho. Anh là một trong số rất ít người đi câu tôi đã gặp có được đức tính không chịu bó tay, không chấp nhận lốc một khi còn khả năng.



Triều ở Cần Giờ - Tâm, Triều, Hùng ở Phước An

Là người quảng giao, hay giúp người khác nên anh được mọi người quý mến, từ chủ ghe chở bạn câu ra đầm đến chủ đầm. Nhiều năm trước khi ra Phước An câu, người chở bạn câu ra đầm tên là Út chỉ có một chiếc thuyền gỗ nhỏ, chở được 3 – 4 người. Hỏi vì sao không sắm ghe lớn hơn vừa chở bạn câu ra đầm vừa chở thuê ở một bến đò tấp nập như thế, anh Út chỉ cười gãi đầu: vì nghèo, đông con.

Trao đổi giữa hai người đàn ông:
- Chiếc ghe máy kia khoảng bao nhiêu tiền?
- 5 triệu.
- Nếu có nó thì bao lâu anh có thể hoàn vốn sau khi lo đủ chi phí gia đình?
- Khoảng 1 năm.
- Bây giờ anh hỏi cho chắc đi, rồi tôi cho anh mượn tiền mua chiếc ghe đó, không tính lời nhưng anh phải có kế hoạch mỗi tháng trả tôi bao nhiêu và mỗi lần anh em tôi ra câu thì phải ưu tiên, cả tôi cũng vẫn trả tiền đàng hoàng mỗi chuyến. Được không?
- Cái ơn lớn thế anh giành cho vợ chồng tôi sao còn hỏi được hay không, anh Triều?




Chiếc ghe máy tình nghĩa - Út và Triều

Cho đến nay, kỷ lục câu 50 con chẻm bằng mồi giả trong một ngày câu của anh chưa có ai phá được. Tôi cũng đi với anh chuyến ấy xuống Cần Giờ mà chỉ được có 4 con. Đó là một ngày kỳ lạ, đàn cá chẻm lao vào kênh dẫn nước vào đầm ở hai thời điểm: tảng sáng (từ 4:30 am đến 8 giờ sáng) và chập tối (6:00 đến khi không nhìn thấy gì nữa) cả lúc nước vô lẫn lúc nước ra nhiều đến mức gần như Triều được cá mỗi lần ném mồi ra rê vào xuôi theo kênh.


Hiển Tâm
56 tuổi, doanh nhân, người Đà Nẵng, một bách khoa thư về câu đầm. Anh đã trải qua tất cả mọi kiểu câu hồ, sông, đầm, biển,… và trụ lại ở loại hình câu đầm từ chục năm nay. Gốc là người nghiên cứu khoa học, anh tập hợp tất cả các kiến thức câu đầm của mình thành một bộ “từ điển sống”. Anh tìm kiếm và trang bị cho mình không thiếu thứ gì, từ cần, máy, dây, lưỡi, chì đến áo lưới, dù, ghế, võng, tăng, đèn, dao, kéo,… Anh được bạn bè tặng cho biệt danh “Siêu thị đồ câu di động” vì đi câu hỏi anh cái gì cũng có! Nếu đi câu đầm, bạn gặp một người đàn ông tóc hoa râm, khoác một túi cần rất to, một túi xách tay nhiều ngăn, một bộ ghế, dù và thùng đá, tất tật treo trên mình trên đường ra bến thì đích thị là bạn đã gặp anh Hiển Tâm đó. Tôi đã đi câu cùng anh nhiều lần và lần nào cũng nhận ra sự đắc dụng của tính cẩn thận. Này nhá, nếu câu đêm trong đầm, chăng võng giữa hai gốc đước mà gặp mưa thì tính thế nào? Chắc là bạn phải gỡ võng, trùm kín áo mưa mà chịu trận trong khi anh bạn kia vẫn nằm trên võng mà ngáy pho pho. Có lẽ chỉ có những người đã từng đi săn trong rừng sâu mới nắm được bí quyết căng tăng che mưa phía trên võng và xử lý không cho nước chảy vào võng từ 2 dây buộc hai đầu võng bằng cách đơn giản nhất là kẹp ngay hai đầu vạt tăng vào dây buộc võng bằng kẹp sắt để nước theo đó rơi xuống đất chứ không vào võng!.



Hiển Tâm và con chẻm 16kg - Trên ghe ra đầm CG

Nếu như Hải Triều thưởng thức thú chinh phục con cá trong yên lặng thì Hiển Tâm lại ở phía ngược lại. Một con cá lớn cắn câu của Tâm chắc chắn không gây huyên náo bằng người câu nó! Trông anh lúc đó như trẻ ra 10 – 20 tuổi, nhảy cẫng lên, la hét, tay quay tay kéo hối hả và khi con cá đã nằm im trong giỏ thì điện thoại của nhiều bạn thân bị réo vang để nhận thông báo về thành tích nóng hổi ấy. Với nghiệp câu, có lẽ đó mới là tuyệt đỉnh thoả nỗi đam mê! Thảo nào mà người ta bảo “Mấy tay đi câu tay nào cũng trẻ lâu và hình như có lúc hơi… chập thì phải”.

Quốc Hoàng
56 tuổi, doanh nhân, tên thật là Nguyễn Quốc Hoàng, quốc tịch Mỹ, người Đà Nẵng, bạn từ thuở thiếu thời của Hiển Tâm. Anh là người ham mê câu đầm với những nét rất riêng: Ung dung, tự tại, thoải mái, thưởng thức thú vui câu đầm một cách nhẹ nhàng, sang trọng.



Nguyễn Quốc Hoàng - Thế giới của Hoàng

Tất cả đồ câu của anh từ cần, máy, dây lưỡi đến các phụ tùng đều là đồ xịn. Đến đầm, anh quan sát kỹ và lựa chọn cho mình một vị trí đáp ứng khá nhiều yêu cầu: Vừa thoáng đãng, có không gian rộng, vừa phù hợp với dòng chảy khi nước vào đầm và có độ sâu thích hợp. Trong không gian đó, anh tạo ra “dinh cơ” của mình: Cần máy buông thành một vòng cung hướng ra ngoài, chính giữa là nơi anh câu cần tay. Cách câu của anh có thể làm cho người khác sốt ruột nhưng với anh đó là sự “thưởng cá”giống như người ta “thưởng trà”, “thưởng hoa” vậy. Khi cá cắn câu, nhất là đụng cá to, anh không vội vàng đưa con cá lên bờ mà dìu nó cho đến khi con cá mệt phờ, chịu thúc thủ thì anh mới nhẹ nhàng lấy vợt vợt cá. Anh tự hỏi vì sao cái lúc con cá cắn câu, giật và dòng cá là thời khắc sung sướng nhất của người đi câu thì nhiều người lại vội vã kết thúc nó mà không biết cách kéo dài cái thú thưởng thức sự giằng co tuyệt vời ấy một cách nghệ thuật? Tôi cũng đi câu nhiều với anh và nhận ra một triết lý rất riêng của anh: tận hưởng cái làm cho người ta đam mê mỗi khi có cơ hội chứ không nhằm vào số lượng cá câu được. Anh thường hỏi “Hôm nay anh đi câu có thích không?” chứ không phải “Hôm nay anh được mấy con?”.

Đạt Rapala
52 tuổi, doanh nhân, tên thật là Nguyễn Đình Đạt. Anh là người chuyên câu mồi giả và kỳ tích săn được nhiều “cọp đầm tôm” to nhất từ trước đến nay.

Ngày 7/6/2008 anh đã đứng lớp “Kỹ thuật câu mồi giả” để chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ tại trụ sở Hội quán Bạn câu. Bạn câu ít người biết họ tên thật của anh, mọi người đều gọi anh là anh Đạt – Rapala, bản thân anh cũng chọn nick ấy trên diễn đàn. Vì sao có cái tên ấy nhỉ?



Chẻm 9kg - và 3 con hàng khủng

Phỏng vấn nhanh
- Chữ Rapala gắn với anh từ khi nào nhỉ?
- Từ lâu tôi đã có ý thích chọn lựa và sưu tập những đồ câu hàng hiệu mà qua kiểm nghiệm thực tế tôi thấy tin cậy, thích thú. Có lẽ vì trong bộ sưu tập đó có khá nhiều sản phẩm của hãng Rapala (mồi giả, dây câu, lưỡi câu,…) nên bạn bè mới gán cái nhãn nổi tiếng ấy cho tôi, cứ như tôi là đại diện chính thức của họ vậy.
- Người ta khen cái bộ sưu tập đồ câu của anh hoành tráng chả thua gì một tiệm đồ câu, anh có ý định mở tiệm không?
- Không, tôi sưu tập chỉ vì ý thích và điều kiện cho phép và tôi xin nói thêm rằng tôi sưu tập để dùng chứ không phải để trưng.
- Rất ấn tượng.


Huy Thông
52 tuổi, doanh nhân, tên đầy đủ là Nguyễn Khắc Huy Thông - người được bạn bè tặng cho cái biệt danh cao thủ Phước An. Anh đã câu ở gần như tất cả các đầm ở Phước An từ hơn 10 năm nay, thuộc lòng những đặc điểm của từng đầm. Anh mê câu Phước An đến mức bỏ Sài Gòn hoa lệ lên đây tậu đất, làm vườn và đi câu! Anh đã bắt được hàng chục con chẻm, trong đó con to nhất là 10 kg. Anh là một tay câu đầm cần tay xuất sắc. Có lẽ anh là người rảnh rỗi nhất trong số bạn câu mà tôi thường đi cùng: vợ và con anh đang ở Mỹ, chỉ có mình anh ở nhà với một khu vườn mênh mông đầy cây trái, một đàn chó hơn chục con và một chiếc Inova mới coóng chuyên dùng để đi câu đầm!



Anh Huy Thông trên sông nước Phước An - Cho đồ lên ghe nào!

Tuấn Hải
42 tuổi, tên thật là Trương Tuấn Hải (hiệu là Vui đàn). Chắc chắn bạn đọc còn nhớ chuyên đề “Tốc hành xác” của anh trên diễn đàn 4so9 kể về một chuyến đi câu đầm Bến Tre mà toàn bộ có thể gói gọn trong mấy chữ “Hai người từ thành phố Hồ Chí Minh đi Bến Tre bằng xe máy trong tổng cộng 16 giờ, vượt qua 350 km, câu được 100 con cá sau một đêm thức trắng”. Chừng đó thôi cũng đủ khắc hoạ một chân dung cần thủ câu đầm xuất sắc. Trước đó, dù còn trẻ, anh đã được bạn câu khâm phục bởi tính kiên trì và chịu khó. Đi câu đầm không phải là một cuộc dạo chơi nhẹ nhàng, cần phải có sức khoẻ, sự dẻo dai và quyết đoán trong mọi tình huống. Tuấn Hải là tác giả sáng tạo logo Hội quán Bạn câu, chỉ trong lần phác thảo đầu tiên anh đã thành công. Ở góc độ đó anh còn là một designer có hạng.



Quốc Vận
Tên thật là Nguyễn Quốc Vận, nhà báo, 50 tuổi người Hà Tĩnh. Anh là người kết thẻo câu rất đẹp, bàn tay khéo léo cộng với một cái đầu thông minh luôn quan sát, học hỏi và sáng tạo. Loại mồi anh chế riêng để câu tráp ở Phước An quả thật không thua kém gì mồi đặc chủng mà chuyên gia câu tráp Hàn Quốc mang từ bên ấy sang.

Đi câu với anh, bạn câu luôn cảm thấy vui vẻ. Hình như nghề báo làm anh dễ gần bạn bè hơn. Anh sẵn sàng chia sẻ với bạn bè những kinh nghiệm mình có được một cách chân tình, cởi mở.

Cần thủ câu đầm nhỏ nhất
Bé Út con trai út của Út chủ ghe ở Phước An (hết tên rồi hay sao mà cứ Út mà đặt) mới 3 tuổi nói chưa sõi mà lại biết cầm cần, xỏ mổi thả xuống cửa cống và… giật lên không phải một con mà là vài con bống đục liên tiếp mới ghê chứ.



Một đứa bé ở tuổi mẫu giáo… - Và một cần thủ chính hiệu.

Trong lịch sử câu đầm, không kể dân chài chính tông, đây là trường hợp cần thủ nhỏ tuổi nhất mà tôi biết.

Thay lời kết
Người đi câu đầm thức dậy từ rất sớm, trời còn tối đen, phải đến được phà Cát Lái hay Bình Khánh từ khi bình minh chưa ló dạng.


Thiên nhiên đẹp như buổi bình minh

Vượt qua con đường ướt đẫm sương đêm, hai hàng cây bên đường còn ngái ngủ, ai cũng muốn đến bến đò sớm để kịp ra đầm. Chiều trên đường về hoàng hôn nhuộm đỏ sông nước, trời đất hình như sát lại gần nhau hơn, ngửa mặt nhìn đã thấy lấm tấm những vì sao lung linh. Gió nhẹ, mát rượi và thanh thản.



Hoàng hôn trên sông nước Phước An

Người đi câu đầm không mất tiền câu mà được thật nhiều thứ, ngoài những con cá câu được, người ta còn được hoà nhập vào thiên nhiên kỳ vĩ, được chia sẻ tiếng cười với bằng hữu, con người như khoẻ ra, trẻ ra và vui vẻ hơn. Bạn có tin không? Thì, hãy thử xem.

Nguyên Thảo, tháng 6/2008

http://www.hanoifishing.com/forum/showthread.php?p=28665#post28665

Các tin khác cùng chuyên mục
Sống thật - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:28:11 SA
Sống thật (tiếp theo và hết) - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:27:45 SA
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.